Việt Nam và Campuchia đạt được những thành tựu hợp tác nào gần đây?
Dưới sự lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước, những năm qua, Việt Nam và Campuchia chủ động phối hợp và tích cực triển khai thực hiện các hiệp định, thỏa thuận hợp tác giữa hai chính phủ và giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước, đạt được những kết quả nhất định, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở mỗi nước.
Hai bên tiếp tục củng cố và tăng cường quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài Việt Nam-Campuchia, góp phần nâng cao vị thế của hai Đảng, hai nước, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Quan hệ chính trị tiếp tục được duy trì, giữ vai trò nòng cốt, định hướng tổng thể quan hệ hai nước. Hai bên duy trì tiếp xúc, trao đổi cấp cao và phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương trên tất cả các kênh.
Trong các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước, hai bên đã ra tuyên bố chung, trong đó khẳng định tiếp tục củng cố và tăng cường mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài Việt Nam-Campuchia; nhấn mạnh tiếp tục thực hiện đầy đủ các nguyên tắc được nêu trong các tuyên bố chung đã đạt được trước đó.
Hai bên cũng ký kết nhiều văn kiện hợp tác quan trọng giữa hai chính phủ, giữa các bộ, ban, ngành, tạo hành lang pháp lý thuận lợi thúc đẩy quan hệ hợp tác, góp phần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc triển khai các thỏa thuận.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hai bên vẫn duy trì quan hệ chính trị thông qua các hình thức linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, như điện đàm, hội đàm trực tuyến. Khi tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát, hai bên thúc đẩy tiến hành các chuyến thăm cấp cao và các cấp.
Năm 2021, hai bên đã tổ chức thành công Hội nghị hợp tác và phát triển các tỉnh biên giới lần thứ 11 và Kỳ họp lần thứ 19 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Campuchia về hợp tác Kinh tế, Văn hóa, Khoa học và Kỹ thuật.
Hai bên tích cực phối hợp tổ chức các hoạt động thiết thực, có ý nghĩa trong Năm Hữu nghị Việt Nam-Campuchia 2022, kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (24/6/1967-24/6/2022), góp phần tăng cường tuyên truyền tới nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước cùng trân trọng và giữ gìn quan hệ tốt đẹp giữa hai dân tộc.
Hợp tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại tiếp tục được thúc đẩy, ngày càng chặt chẽ và hiệu quả, là trụ cột trong quan hệ giữa hai nước. Hai bên phối hợp chặt chẽ giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở mỗi nước; thực hiện tốt Nghị định thư về quốc phòng và Kế hoạch hợp tác hằng năm về quốc phòng, an ninh giữa hai Bộ Quốc phòng, giữa Bộ Công an Việt Nam với Bộ nội vụ Campuchia.
Hai bên hợp tác xây dựng tuyến biên giới ổn định và phát triển bền vững; phối hợp trao đổi đoàn các cấp; tăng cường chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ; tổ chức diễn tập cứu hộ cứu nạn ở khu vực biên giới; duy trì tuần tra chung trên biển, trên bộ; phối hợp ngăn chặn các loại tội phạm xuyên quốc gia.
Hai bên cũng hợp tác chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia.
Về công tác phân giới, cắm mốc biên giới, Việt Nam và Campuchia đã đạt được nhiều thành quả quan trọng. Tháng 10/2019, hai bên đã ký hai văn kiện quan trọng, gồm: Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005, cùng Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia; tổ chức trao nhận bản đồ địa hình biên giới.
Việc ký kết hai văn kiện pháp lý nêu trên có ý nghĩa quan trọng, đặt nền tảng để hai bên duy trì ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực biên giới.
Trong quá trình triển khai chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế, Việt Nam và Campuchia tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là trong khuôn khổ hợp tác của ASEAN, Liên hợp quốc, đóng góp tích cực vào hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.
Hợp tác tiểu vùng cũng được hai nước thúc đẩy thông qua các cơ chế, như Ủy hội Mekong quốc tế (MRC); Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV); Hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV); Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS); Chiến lược hợp tác phát triển kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS)...