Nghị quyết 29-NQ/TW đã nêu trúng những “điểm nghẽn” trong lộ trình phát triển công nghiệp của đất nước thời gian qua, từ đó xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp rất cụ thể. Giờ là lúc các bộ, ngành và địa phương cần nhanh chóng xây dựng kế hoạch hành động phù hợp, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp, tạo động lực đột phá cho các cực tăng trưởng và phát triển ngành công nghiệp trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, đã có không ít chính sách, cơ chế khuyến khích, thúc đẩy phát triển công nghiệp, nhưng khâu tổ chức thực hiện không đồng bộ, kém hiệu quả, khiến các doanh nghiệp hầu như không được hưởng lợi gì từ chính sách, nguồn lực thiếu tập trung khiến các ngành công nghiệp không tích tụ đủ để “cất cánh”. Đây là vấn đề then chốt cần khắc phục để đưa Nghị quyết 29-NQ/TW thật sự đi vào cuộc sống.

Giữ vốn cho sản xuất

Bước vào tháng cuối cùng của năm, Công ty Cơ khí và ứng dụng công nghệ thông minh Việt Nam (Smart Tech Vina), tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh, đón nhận tin mừng có đơn hàng, kỳ vọng tiếp nối một năm mới “bội thu”, nhưng niềm vui nhanh chóng bị dập tắt khi doanh nghiệp không thể thu xếp vốn vận hành sản xuất.

Giám đốc Smart Tech Vina Nguyễn Xuân Tân chia sẻ: Muốn làm đơn hàng, phải có tiền đầu tư máy móc thiết bị mới, nhập nguyên vật liệu và lập Quỹ dự phòng lương công nhân.

Tuy nhiên, đi “gõ cửa” hàng loạt ngân hàng vay vốn đầu tư, công ty đều bị từ chối vì hết “room” tín dụng.

Ngay từ đầu năm, các ngân hàng đã đổ vốn quá lớn vào bất động sản, không còn hạn mức, phải chờ năm tới mới có nguồn.

Rất may cho Smart Tech Vina, phía đối tác không đòi hỏi thời gian quá gấp, công ty vẫn còn thời gian chờ tín dụng khởi động sản xuất vào đầu năm tới.

Một doanh nghiệp khác không may mắn như vậy, đàm phán hợp đồng sản xuất, cần vốn đầu tư máy đúc, nhưng hỏi vay 12 ngân hàng đều nhận được cái lắc đầu, đành ngậm ngùi từ chối khách đặt hàng.

Doanh nghiệp sản xuất là lực lượng mang lại giá trị bền vững cho xã hội, tạo ra giá trị thặng dư, việc làm cho hàng trăm, hàng nghìn lao động, nhưng ngân hàng lại “ngại” cho vay sản xuất vì tài sản thế chấp khó thanh lý như máy móc, nhà xưởng,… dường như ưu ái bất động sản hơn với quan niệm đất đai có khả năng tăng giá trị cao. Để trở thành nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung như hiện nay, Smart Tech Vina đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Giờ đây, cơ hội đang rộng mở trước mắt, chúng tôi khát khao được vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất nhưng không thể tiếp cận được vốn ngân hàng, rất đáng tiếc!
Nguyễn Xuân Tân, Giám đốc Smart Tech Vina

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, một doanh nghiệp lớn ngành công nghiệp vừa qua đã phải tìm cách vay vốn nước ngoài, chấp nhận chi phí chuyển đổi tỷ giá từ USD sang đồng Việt Nam vì vẫn hiệu quả hơn vay trong nước.

Để doanh nghiệp phải tìm nguồn vay từ bên ngoài cho thấy, thị trường vốn nước ta đang có dấu hiệu bất ổn, chưa thật sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất.

Thị trường chứng khoán còn bộc lộ nhiều tín hiệu bất thường, không còn là kênh huy động vốn lành mạnh, trong khi lãi suất ngân hàng quá cao và doanh nghiệp sản xuất cũng rất khó tiếp cận.

Khó khăn về dòng tiền đang ngày càng đè nặng lên đôi vai doanh nghiệp, đặc thù của sản xuất công nghiệp lại cần nguồn vốn đầu tư rất lớn.

Trong 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Nghị quyết 29-NQ/TW, đã nêu rõ: “Thực hiện đồng bộ cơ chế, chính sách để hướng tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; thực hiện các chính sách ưu đãi về tài chính, tín dụng đủ mạnh để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao; phát triển mạnh tài chính xanh, tín dụng xanh”.

Chủ trương này rất cần được hiện thực hóa thành những cơ chế, chính sách cụ thể.

Các chuyên gia khuyến nghị, trong thời gian tới, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét thấu đáo, nghiên cứu tạo dựng một thị trường vốn đúng tầm mức nhằm phát triển công nghiệp đạt mục tiêu.

Trước hết, cần quyết liệt triển khai các giải pháp lành mạnh hóa thị trường chứng khoán, nắn dòng thị trường này đi đúng hướng, bền vững, trở thành kênh huy động nguồn vốn trung và dài hạn quan trọng cho hoạt động sản xuất công nghiệp.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh cơ cấu lại thị trường tài chính, tiền tệ đáp ứng yêu cầu huy động và sử dụng vốn có hiệu quả; thu xếp nguồn vốn tín dụng ưu đãi và xây dựng cơ chế bảo đảm lãi suất vay ngân hàng phù hợp để doanh nghiệp sản xuất có khả năng tiếp cận.

Phân bổ, điều hòa nguồn lực

Trong những chuyến công tác, tìm hiểu thực tế tại địa phương thời gian qua, chúng tôi có dịp khảo sát một số dây chuyền sản xuất, nhà xưởng của doanh nghiệp nhà nước, trong đó có rất nhiều thiết bị còn “nguyên đai, nguyên kiện”, chưa được đưa vào sử dụng nhiều năm; hoặc nhà xưởng xây xong nhưng không có máy móc, nguyên nhân do doanh nghiệp đầu tư xong gặp khó khăn, chưa tìm được nguồn vốn triển khai, đầu ra sản phẩm không có.

Cá biệt, không ít thiết bị, dây chuyền là tang vật của những vụ án kinh tế, bị niêm phong không được phép đưa vào sử dụng, khai thác,…

Một nguồn lực lớn “đất vàng” bị bỏ hoang, nhà xưởng, thiết bị dây chuyền máy móc hiện đại đầu tư xong bị “đắp chiếu”, trong khi một số doanh nghiệp nhà nước khác phải chật vật sản xuất trong điều kiện thiếu thốn thiết bị, nhà xưởng.

Một lãnh đạo doanh nghiệp cơ khí than thở, cả đống cẩu trục sức nâng lớn, hệ thống máy CNC, phay tiện,… của doanh nghiệp gần đó để không cả chục năm trời, hao mòn xuống cấp vì không được bảo dưỡng kịp thời. Giá như doanh nghiệp của tôi được thuê mượn những thiết bị này, sẽ giúp tăng năng lực sản xuất, thu hút nhiều đơn hàng và hiệu quả sản xuất kinh doanh chắc chắn được nâng tầm.

Câu chuyện “người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra” trên thực tế không chỉ xảy ra ở riêng lĩnh vực cơ khí, mà còn bắt gặp ở nhiều ngành sản xuất công nghiệp khác.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hệ quả này một phần xuất phát từ tư duy nóng vội, đầu tư tràn lan ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước từ nhiều năm trước.

Câu chuyện nghịch lý giữa hai doanh nghiệp Nhà nước, một bên có nguồn đầu ra, nhưng không có thiết bị, không đủ nguồn lực tài chính để bảo đảm nguồn hàng và một bên có thiết bị lại bỏ không, không thể đưa vào sử dụng trong tương lai gần rất cần sự can thiệp, điều tiết của Nhà nước với giải pháp thỏa đáng, hiệu quả nhất để tránh lãng phí nguồn lực vốn đã hạn hẹp của doanh nghiệp và tuổi thọ cũng như khấu hao của thiết bị có hạn.

Nguồn lực về đất đai, nhà xưởng của doanh nghiệp Nhà nước cũng tương tự, nhiều đơn vị để đất vàng cho cỏ mọc, trong khi đơn vị khác khu nhà xưởng và văn phòng chen chúc nhau, rất bất tiện và ô nhiễm.

Hiện nay, chính sách điều chuyển các nguồn lực sẵn có giữa các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhà nước chưa rõ ràng.

Đã đến lúc cần mạnh dạn có chính sách sắp xếp, chuyển giao linh hoạt để phát huy hiệu quả cao nhất nguồn lực vì dù thế nào đi nữa, của thành phần nào cũng là nguồn lực nhà nước, của xã hội và nhân dân.

Nếu nhận được các thiết bị, dây chuyền, nhà xưởng theo hướng Nhà nước chuyển giao, coi đó là vốn chủ sở hữu, chắc chắn đơn vị sẽ sẵn sàng tiếp nhận và sử dụng hiệu quả vì “có nghề” và bảo đảm được đầu ra. Tuy nhiên, khâu tài chính, công nợ, giá trị thiết bị, nhà xưởng,… cũng cần minh bạch, rõ ràng trong để doanh nghiệp tiếp nhận, lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh, thu hồi vốn.
Lê Quốc Ân
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Lilama 18

Vấn đề phân bổ lại nguồn lực không chỉ dừng ở câu chuyện máy móc, nhà xưởng hay vốn tín dụng.

Nguồn nhân lực kỹ thuật cao được đào tạo bài bản phục vụ phát triển ngành công nghiệp của đất nước có xu hướng ngày càng teo tóp.

Tại các Học viện, Trường đại học chuyên ngành kỹ thuật, sinh viên dự thi, theo học giảm mạnh, dồn sang các lĩnh vực “nóng” hơn như ngân hàng, tài chính, kế toán, du lịch...

Ở các ngành kỹ thuật, tình trạng “thiếu thầy, thiếu thợ” diễn ra phổ biến, các ngành công nghiệp cơ khí, đóng tàu… thường xuyên tuyển dụng vẫn không đủ nhân lực bố trí tại các dự án.

Tổng Giám đốc Lilama Lê Văn Tuấn cho biết, hằng năm, Lilama và các doanh nghiệp thành viên có nhu cầu tuyển dụng khoảng 1.000 kỹ sư, công nhân, nhưng chỉ tuyển được khoảng 200 người và số này tiếp tục “rơi rụng” trong quá trình làm việc.

Có thể do đặc thù công việc ngành cơ khí vất vả, hay di chuyển, thu nhập chưa hấp dẫn… không thu hút được nguồn lao động vào ngành, nhưng dường như lực lượng lao động trẻ gần đây cũng không còn “máu lửa”, cống hiến hết mình với nghề như trước đây.

Bản chất của các ngành sản xuất công nghiệp gian truân vất vả, nguồn vốn đầu tư lớn, nhưng lợi nhuận biên kém hấp dẫn và chu kỳ thu hồi vốn kéo dài,… nhưng từ kinh nghiệm thực tế các nước phát trên thế giới, muốn tiến lên thành nước phát triển, có mức thu nhập cao cần ưu tiên công nghiệp hóa.

Thậm chí ở Hàn Quốc còn phổ biến khái niệm “làm công nghiệp bằng mọi giá” và họ đã thành công trở thành “con rồng châu Á”.

Trung Quốc cũng dựa chủ yếu vào công nghiệp để vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ 2 toàn cầu.

Với đặc điểm và điều kiện của Việt Nam, Việt Nam muốn trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025; là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 tất yếu vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đồng chí Trần Tuấn Anh
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương

Vì vậy, trong thời gian tới, các chính sách vĩ mô cần tính toán đến việc phân bổ hợp lý nguồn lực xã hội, hướng tới ưu tiên phát triển công nghiệp và hơn nữa, không chỉ dừng ở lĩnh vực công nghiệp mà phải đồng bộ trong cả hệ thống.

Trong Nghị quyết 29-NQ/TW, trong 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thúc đẩy công nghiệp hóa, nhóm đầu tiên được nhấn mạnh là sự đột phá về tư duy, đòi hỏi không chỉ các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền mà còn ở mỗi người dân, doanh nghiệp.

Trước hết, phải định hướng xã hội có tư duy làm giàu từ công nghiệp mới vững bền. Có nhiều sinh viên học các ngành kỹ thuật, nhiều người dân đầu tư vào sản xuất, cộng hưởng nguồn lực dẫn dắt từ đầu tư công cũng như cơ chế khuyến khích sát thực tiễn, mới có thể hình thành được môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp và ngành công nghiệp phát triển.

Sự đột phá về số lượng doanh nghiệp sẽ tạo ra tích lũy tư bản, đủ để thay đổi về chất cho ngành công nghiệp theo đúng quy luật của phép biện chứng.

Chúng tôi cho rằng, Nghị quyết 29-NQ/TW đã thể hiện tư duy và cách làm công nghiệp rất mới, cho thấy nhận thức của Đảng thay đổi từ chỗ coi công nghiệp hóa là mục tiêu, chuyển sang coi công nghiệp hóa, hiện đại hóa là phương thức để phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Vấn đề cấp thiết của các bộ, ngành, địa phương là xây dựng cơ chế chính sách, hỗ trợ tín dụng, ưu đãi thuế, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đối số,… nhằm nâng cao năng lực doanh nghiệp.

Chính sách vĩ mô được thực thi hiệu quả hay không phụ thuộc phần lớn vào các địa phương, nơi gắn bó trực tiếp với đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp.

Do đó, Nhà nước khi ban hành cơ chế chính sách phát triển công nghiệp, kèm theo trách nhiệm cụ thể, cần ràng buộc câu chuyện phân công, phân cấp triệt để, có cơ chế để địa phương chủ động bố trí nguồn lực, thậm chí giữ lại một phần ngân sách cho phát triển công nghiệp trên địa bàn.

Ngày xuất bản: 15/12/2022
Chỉ đạo thực hiện: THU HÀ
Nội dung: QUANG HƯNG - XUÂN THỦY - VIỆT HẢI
Ảnh: DUY LINH
Trình bày: PHƯƠNG NAM