Thị trường carbon là gì?
Thị trường carbon là một cơ chế tạo nguồn lực để thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa carbon. Trên thị trường carbon, có 2 loại hàng hóa chính là hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon.
Hạn ngạch phát thải khí nhà kính là lượng khí nhà kính tối đa mà một đơn vị phát thải được phép thải ra trong một khoảng thời gian nhất định. Tín chỉ carbon (carbon credit) là chứng nhận đại diện cho quyền phát thải ra một tấn carbon dioxide (CO2) hoặc khí nhà kính khác được tổng hợp tương đương 1 tấn CO2 (viết tắt là tCO2e).
Các công ty hoặc cá nhân có thể thông qua thị trường carbon để bù đắp lượng phát thải khí nhà kính của họ bằng cách mua hạn ngạch phát thải hoặc tín chỉ carbon từ các đơn vị loại bỏ hoặc giảm phát thải khí nhà kính.
Hiện nay, các quốc gia trên thế giới phải thực hiện việc cắt giảm khí nhà kính để đạt được thỏa thuận chung tại Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) và các thỏa thuận quốc tế khác về khí nhà kính, từ đó nảy sinh nhu cầu mua bán phát thải. Tức là các quốc gia dư thừa quyền phát thải có thể bán cho các quốc gia phát thải nhiều hơn mục tiêu đã cam kết và ngược lại.
Do CO2 là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi carbon, hình thành nên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon.