TRONG VAI TRÒ ỦY VIÊN KHÔNG THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG BẢO AN NHIỆM KỲ 2020-2021, VIỆT NAM CÓ KHÓ KHĂN VÀ THUẬN LỢI NÀO?

Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung dẫn đầu vui mừng sau khi kết quả bỏ phiếu cho thấy, Việt Nam được bầu chọn là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021, tại New York, Mỹ ngày 7/6/2019. (Ảnh: TTXVN)

Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung dẫn đầu vui mừng sau khi kết quả bỏ phiếu cho thấy, Việt Nam được bầu chọn là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021, tại New York, Mỹ ngày 7/6/2019. (Ảnh: TTXVN)

Việt Nam đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 trong bối cảnh tình hình chính trị-an ninh, kinh tế-xã hội thế giới và quan hệ quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Các nước lớn gia tăng cạnh tranh chiến lược, xung đột và bất ổn leo thang ở nhiều nơi, nhiều điểm nóng mới xuất hiện, bất ổn cũ phức tạp hơn. Thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng nghiêm trọng và khó kiểm soát. Đặc biệt, thế giới đương đầu cơn sóng dữ Covid-19, với những tác động “vô tiền khoáng hậu”. 

Tiếp tục đảm trách khối lượng công việc lớn, bao quát tình hình khắp thế giới, Hội đồng Bảo an phải điều chỉnh phương thức hoạt động để thích ứng bối cảnh phức tạp mới. Theo Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, tại Hội đồng Bảo an, căng thẳng giữa các nước lớn có chiều hướng tăng, tỷ lệ nghị quyết được toàn bộ 15 thành viên thông qua ở mức thấp nhất trong hàng chục năm qua. Tình hình quốc tế phức tạp làm nảy sinh những tình huống họp khẩn, bỏ phiếu nhiều lần về một vấn đề, một số dự thảo không được thông qua.

Lần thứ hai tham gia cơ quan quyền lực cao nhất Liên hợp quốc, Việt Nam có thuận lợi, khi vị thế quốc gia ngày càng được nâng cao, với các mối quan hệ ngoại giao với 189 trong số 193 nước ở khắp các châu lục, trong đó có quan hệ đối tác với các nước lớn và tất cả 5 Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an. Tình hình quốc tế phức tạp, song các nước đề cao vai trò của Liên hợp quốc và thừa nhận cần thiết tăng cường hợp tác đa phương, phối hợp hành động để giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Tuy nhiên, khó khăn là bối cảnh quốc tế và khu vực phức tạp, đòi hỏi bản lĩnh, khéo léo xử lý khi có vấn đề khác biệt giữa các thành viên, bảo đảm lập trường nguyên tắc và lợi ích của đất nước. Cũng như các nước thành viên, Việt Nam vừa phải đóng góp giải quyết các vấn đề toàn cầu, vừa phải nỗ lực vượt qua thách thức nghiêm trọng do đại dịch Covid-19.

Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc cho rằng, “vốn chính trị” tích lũy từ lịch sử hào hùng của dân tộc, những thành công trong công cuộc đổi mới, là một trong những yếu tố giúp Việt Nam có một nhiệm kỳ thành công. Bên cạnh đó, Đại sứ nhấn mạnh, đường lối đối ngoại đúng đắn cùng cơ chế chỉ đạo và triển khai đường lối, chính sách, cụ thể là đối với những hoạt động của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an rất hiệu quả.