QUÁ TRÌNH THỰC THI DOC DIỄN RA NHƯ THẾ NÀO?
Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) là văn kiện giữa ASEAN và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, được viện dẫn và tham chiếu trước các hành vi của các nước trên Biển Đông và là cơ sở để các bên trao đổi, kiểm điểm tình hình Biển Đông, qua đó có tác động nhất định trong việc kiềm chế các hoạt động của các bên.
Từ khi DOC ra đời đến nay, tại các Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc, hai bên đều khẳng định quyết tâm thực hiện đầy đủ DOC, sớm đạt được COC hiệu lực, hiệu quả.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 44 tại Bali, Indonesia tháng 7/2011, ASEAN và Trung Quốc nhất trí thông qua Quy tắc hướng dẫn thực thi DOC. Quy tắc quy định tiến trình thực hiện các hoạt động và các dự án đã được thoả thuận trong DOC được báo cáo hằng năm cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc.
Tại Hội nghị trực tuyến cấp cao đặc biệt kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc (1991-2021) ngày 22/11/2021, lãnh đạo cấp cao hai bên khẳng định lại cam kết triển khai đầy đủ và hiệu quả DOC; thúc đẩy xây dựng COC hiệu quả, thực chất, phù hợp luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Thời gian qua, việc thực thi DOC giữa ASEAN và Trung Quốc được quan tâm, trong khi một số lĩnh vực, dự án hợp tác cụ thể đã được triển khai. Nổi bật là việc thiết lập và thử nghiệm thành công đường dây nóng giữa Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN-Trung Quốc, các hội thảo, khóa học… góp phần tăng cường tin cậy lẫn nhau và thúc đẩy việc thực hiện DOC.
ASEAN và Trung Quốc trao đổi về việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), cùng mong muốn sớm thông qua một COC hiệu lực, hiệu quả, thực chất, ràng buộc về mặt pháp lý và phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh khu vực, thúc đẩy hợp tác và tạo môi trường thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông.
Trong bối cảnh tình hình khu vực Biển Đông còn nhiều diễn biến phức tạp, việc thực thi DOC cần được quan tâm nhiều hơn, thực chất hơn, trên các mặt, gồm tuân thủ nghiêm túc các cam kết, tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển được xác lập theo đúng UNCLOS; tăng cường kiểm điểm việc triển khai DOC; thúc đẩy các dự án, chương trình hợp tác cụ thể phù hợp các cam kết; sớm ký kết COC hiệu lực, hiệu quả.
Vì vậy, trách nhiệm chính của ASEAN và Trung Quốc là tuân thủ nghiêm túc và thực thi DOC một cách có trách nhiệm và thiện chí, trên tinh thần hợp tác, phù hợp luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS, tạo môi trường thuận lợi và thúc đẩy đàm phán COC, hướng tới mục tiêu cuối cùng và cao nhất là đưa Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đóng góp vào sự phồn thịnh, phát triển của khu vực và thế giới.