Với nhiều sản phẩm, công nghệ mới nhất ứng dụng cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh được giới thiệu tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, nước chủ nhà đã chứng minh được với bạn bè quốc tế bước tiến và tiềm lực của nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam, từ đó tạo dựng lòng tin, mối quan hệ hữu nghị, hợp tác và phát triển với các nước vì một thế giới hòa bình, hợp tác và thịnh vượng.
Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 diễn ra từ ngày 19 đến 23/12 tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội). Đây là lần thứ 2 Việt Nam tổ chức triển lãm quốc phòng quốc tế, sau lần đầu tiên vào năm 2022.
Triển lãm năm nay không chỉ là cơ hội để Việt Nam giới thiệu các sản phẩm quốc phòng hiện đại, mà còn khẳng định bước tiến trong việc phát triển ngành công nghiệp quốc phòng nội địa. Những sản phẩm quân sự, công nghệ quốc phòng tiên tiến từ Bộ Quốc phòng và các doanh nghiệp như Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với các đối tác quốc tế.
Phó đô đốc Angus Topshee, Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Canada, sau khi tham quan các gian trưng bày của Việt Nam, đã nhận định: Việt Nam thực sự coi trọng phát triển nền công nghiệp quốc phòng, với các hệ thống tác chiến hiện đại, phức tạp và mang lại nhiều lợi ích khi sử dụng.
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet khẳng định: “Sức mạnh của Việt Nam đến từ con người, từ toàn dân, và qua sự kiện lần này, Việt Nam đã khẳng định được tiềm lực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Triển lãm lần này sẽ tạo cơ hội để Việt Nam tăng cường năng lực công nghiệp quốc phòng, từ đó nâng cao khả năng bảo vệ chủ quyền quốc gia”.
Đại sứ Pháp cũng nhấn mạnh rằng, là quốc gia đang phát triển mạnh mẽ, Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội để mở rộng và nâng cao ngành công nghiệp quốc phòng của mình. Các sản phẩm và công nghệ trưng bày tại triển lãm chứng tỏ sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam.
“Các gian hàng của Việt Nam tại triển lãm lần này rất ấn tượng, thí dụ như Viettel có rất nhiều sản phẩm chất lượng. Các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực này của Việt Nam cũng rất phát triển. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã có những trao đổi, hợp tác với các doanh nghiệp Pháp để ngày càng củng cố và xây dựng tiềm lực của mình”, ông Olivier Brochet chia sẻ.
Sự xuất hiện của các sản phẩm như máy bay không người lái (UAV), hệ thống đạn tuần thám và tên lửa đối hạm VSM-01A cho thấy Việt Nam không chỉ tiêu thụ công nghệ quốc phòng mà còn là nhà sản xuất, chế tạo những sản phẩm chiến lược phục vụ công tác quốc phòng và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Những bước tiến này giúp nâng cao năng lực phòng thủ đất nước, đồng thời gia tăng vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghiệp quốc phòng toàn cầu.
Ông Erwan Halna Du Fretay, chuyên gia phân tích quân sự của Army Recognition - một trong những tạp chí trực tuyến phổ biến nhất trên thế giới về quốc phòng và an ninh (có trụ sở tại Bỉ) nhận định, Việt Nam đã có bước tiến lớn trong việc hiện đại hóa trang thiết bị quân sự, chuyển đổi từ nền tảng vũ khí cũ sang các sản phẩm tự sản xuất.
Những thí dụ điển hình có thể kể đến các UAV (máy bay không người lái) UAV - BLX.01 (nhà máy Z131) và hệ thống đạn tuần thám do Viettel phát triển. Ông cho biết thêm: “Tôi không ngờ rằng Việt Nam có thể sản xuất và sử dụng nhiều loại drone đa dạng như vậy, điều này rất ấn tượng.”
Ông Erwan cũng bày tỏ ấn tượng về chất lượng các sản phẩm quân sự được trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm nay, đặc biệt là tên lửa đối hạm VSM-01A, một sản phẩm có tiềm năng lớn trong việc tăng cường năng lực phòng thủ ven biển của Việt Nam.
Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, Việt Nam đã giới thiệu nhiều sản phẩm quốc phòng hiện đại, mà còn khẳng định bước tiến trong việc phát triển ngành công nghiệp quốc phòng nội địa.
Với nhiều sản phẩm, công nghệ mới nhất ứng dụng cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh được giới thiệu tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, nước chủ nhà đã chứng minh được với bạn bè quốc tế bước tiến và tiềm lực của nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam.
Mẫu UAV (máy bay không người lái) UAV - BLX.01 (nhà máy Z131, Tổng Cục Công nghiệp - Quốc phòng Việt Nam) gây ấn tượng mạnh cho khách tham quan quốc tế.
Đáng chú ý tại triển lãm lần này là sự hiện diện của UAV cảm tử (đạn tuần kích) VU-C2 với khả năng tấn công chính xác vào các mục tiêu chiến trường
Khí tài này có sải cánh 1,5m, chiều dài 1,1m và trọng lượng cất cánh tối đa 8kg, thời gian hoạt động liên tục 40 phút, đạt tốc độ tấn công mục tiêu tối đa lên đến hơn 130km/giờ. Toàn bộ hệ thống bao gồm máy bay và hệ thống phóng có khối lượng nhẹ, có thể tháo lắp nhanh giúp người lính dễ dàng triển khai mang vác và cơ động.
VU-C2 được trang bị đầu đạn và đầu tự dẫn quang điện tử, tích hợp AI, cho phép tìm kiếm, phát hiện và khóa mục tiêu tự động hoàn toàn và tấn công mục tiêu khi có lệnh của người chỉ huy.
Tại triển lãm, Việt Nam cũng đã khẳng định mình là đối tác tin cậy trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, thể hiện qua sự tham gia của nhiều đoàn quốc tế và các doanh nghiệp hàng đầu từ các quốc gia như Trung Quốc, Nga, Pháp, Mỹ, Canada, Lào và nhiều nước khác. Các chuyên gia quốc tế đều đánh giá cao sự năng động, sáng tạo trong công tác tổ chức và trình bày sản phẩm của Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Đặc biệt, sự tham gia của các đoàn quốc tế không chỉ để tìm hiểu sản phẩm, công nghệ mà còn mở ra cơ hội hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong việc phát triển ngành công nghiệp quốc phòng.
Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Gennady Stepanovich Bezdetko đánh giá cao sự đầu tư mạnh mẽ của Việt Nam vào công nghiệp quốc phòng. Ông cho biết, Việt Nam đang phát triển ngành công nghiệp quốc phòng theo hướng hiện đại, lưỡng dụng, qua đó góp phần thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia có công nghiệp hiện đại vào năm 2030.
Theo Đại sứ Gennady Stepanovich Bezdetko, Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam diễn ra 2 năm 1 lần, tạo cơ hội cho các nhà sản xuất, nhà cung cấp sản phẩm và giải pháp quốc phòng-an ninh đến từ khắp nơi trên thế giới giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và tăng cường hợp tác.
Việc tổ chức triển lãm thể hiện chủ trương của Việt Nam là bạn của tất cả các nước, đóng góp tạo dựng môi trường hòa bình, hợp tác cùng phát triển. Cùng với dịp quảng bá các sản phẩm quốc phòng do Việt Nam sản xuất và thúc đẩy hợp tác góp phần phát triển ngành công nghiệp quốc phòng trong nước, việc giới thiệu về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam thông qua triển lãm tạo nên nét riêng cho sự kiện này.
Thông qua sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, Việt Nam không chỉ giới thiệu các sản phẩm công nghệ quốc phòng mà còn gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về cam kết với hòa bình, hữu nghị và hợp tác cùng phát triển, điều này thể hiện rõ trong chủ đề của triển lãm: “Hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển”.
Thượng tướng Khamliang Outhakaysone, Bộ trưởng Quốc phòng Lào cho rằng, Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 đã mang tới những giá trị cùng cơ hội để ngành công nghiệp quốc phòng khu vực và toàn cầu khám phá những công nghệ quốc phòng, công nghệ quân sự; phát triển và thúc đẩy nghiên cứu khoa học, sản xuất trong ngành công nghiệp quốc phòng, trao đổi thông tin, hợp tác trong lĩnh vực này, vì hòa bình và an ninh khu vực và thế giới.
Đánh giá chủ đề của triển lãm là “Hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển”, Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Canada, Phó đô đốc Angus Topshee nhấn mạnh, đây là thông điệp rất có ý nghĩa, thể hiện mục tiêu và mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, trong đó có cả Việt Nam và Canada.
Ông Topshee bày tỏ ấn tượng về sự phát triển năng động và mạnh mẽ của hợp tác quốc phòng trên các lĩnh vực giữa Canada và Việt Nam thời gian qua. Nhấn mạnh hợp tác quốc phòng góp phần thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, Phó đô đốc Topshee nêu rõ, hợp tác quốc phòng giữa Canada và Việt Nam không chỉ mang lại lợi ích cho hai nước mà còn đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định của khu vực và toàn cầu.
Không chỉ có thế mạnh về công nghệ, ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam còn rất chú trọng đến sự phát triển bền vững, ứng dụng các giải pháp công nghệ cao, kết hợp với văn hóa dân tộc, tạo ra một sự kết hợp độc đáo giữa bảo vệ an ninh quốc gia và phát triển kinh tế. Chính vì vậy, Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 không chỉ là một sự kiện quân sự mà còn là cơ hội để quảng bá hình ảnh và văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Đánh giá về nội dung lần triển lãm này của Việt Nam, ông Dương Tiểu Vĩ - Giám đốc bán hàng của Công ty TNHH Thương mại quốc tế GodoSphere (Vân Nam, Trung Quốc) nhận định, triển lãm có nội dung rất phong phú và đa dạng, trưng bày đầy đủ các vũ khí trang bị của các quân binh chủng tới các thiết bị sử dụng trong tác chiến không gian mạng.
“Điều đặc biệt đáng nói là ngoài việc được trải nghiệm trang bị của các nước, chúng tôi còn có thể trải nghiệm văn hóa Việt Nam. Sự kết hợp giữa giao lưu văn hóa và trưng bày quân sự này cũng rất mới lạ và để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi”, ông Dương Tiểu Vĩ nói.
Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 khép lại với nhiều dấu ấn khẳng định ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, không chỉ để bảo vệ đất nước mà còn để đóng góp vào công cuộc hòa bình, ổn định khu vực và thế giới. Những thành tựu đạt được tại triển lãm chính là minh chứng rõ ràng nhất cho sự tiến bộ và tiềm lực của Việt Nam trong lĩnh vực này. Trong tương lai, ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam không chỉ dựa vào các sản phẩm hiện có mà còn là sự sáng tạo, nghiên cứu và tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển các công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới.