
Công nghiệp nền tảng là những ngành tạo dựng cơ sở vật chất cho kinh tế-xã hội, đóng vai trò cung cấp đầu vào, công cụ máy móc, tư liệu sản xuất cho các ngành công nghiệp khác. Nghị quyết 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra chủ trương lớn khi phân tách riêng hai lớp ngành công nghiệp gồm nền tảng và mũi nhọn để từ đó có những chính sách ưu tiên riêng biệt nhằm thúc đẩy sự phát triển công nghiệp nền tảng vốn được ví như “máy cái” của ngành công nghiệp.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong khoảng 10 năm trở lại đây, một số sản phẩm ngành công nghiệp nền tảng của nước ta như: luyện kim, cơ khí chế tạo, ô-tô,… không chỉ khẳng định vị thế tại thị trường nội địa mà còn đủ năng lực xuất khẩu. Đạt được kết quả này, không thể thiếu vai trò chủ đạo của Nhà nước trong xây dựng cơ chế, chính sách định hướng, khuyến khích cũng như bảo hộ thị trường.
Vươn tầm thế giới

Người hâm mộ bóng đá có lẽ đều biết đến Sân vận động 974, con số mang ý nghĩa mã vùng quốc tế của nước chủ nhà Quatar, nơi đang diễn ra Giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup 2022). Tuy nhiên, ít người biết rằng, toàn bộ kết cấu thép xây dựng sân vận động này do một doanh nghiệp cơ khí của Việt Nam cung cấp. Đại diện Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng cho biết, Đại Dũng được tham gia với vai trò cung ứng cấu kiện thép xây dựng sân vận động 974 là niềm tự hào, nhưng cũng là thách thức lớn, đòi hỏi nỗ lực vượt bậc.
Trước khi Đại Dũng trúng gói thầu này, đã có một doanh nghiệp sản xuất cấu kiện thép tiếp quản dự án nhưng gặp trục trặc nên không triển khai được. Bằng việc chứng minh nguồn lực trình độ nhân sự và trang thiết bị đủ sức đảm nhiệm dự án, Đại Dũng đã thuyết phục đối tác quốc tế tin tưởng và trúng thầu thành công. Điều đáng nói, ngoài cung ứng kết cấu thép cho sân vận động 974, Đại Dũng còn tham gia cung ứng một phần cấu kiện thép xây dựng sân vận động Lusail sức chứa 80.000 người - nơi diễn ra trận chung kết World Cup 2022 ngày 18/12.

Sân vận động 974. (Nguồn: Reuters)
Sân vận động 974. (Nguồn: Reuters)

Sân vận động 974. (Nguồn: Reuters)
Sân vận động 974. (Nguồn: Reuters)
Tháng 12 này, cũng ghi dấu mốc tròn một năm Tập đoàn Thaco ký hợp đồng xuất khẩu sơ-mi rơ-moóc sang thị trường Mỹ, trị giá tới 565 triệu USD với Tập đoàn PITTS Enterprises-một trong 15 nhà sản xuất sơ-mi rơ-moóc lớn nhất khu vực Bắc Mỹ. Để đáp ứng sản lượng xuất khẩu rất lớn này, Thaco đã đầu tư xây dựng mới Nhà máy sơ-mi rơ-moóc và cấu kiện nặng, công suất 20 nghìn sản phẩm/năm với công nghệ hiện đại, dây chuyền khép kín gồm: Hàn rô-bốt, sơn nhúng tĩnh điện ED với chiều dài đến 18m; sơn hoàn thiện tĩnh điện bột, dây chuyền lắp ráp, kiểm định,…




Dây chuyền hàn trong Tổ hợp cơ khí của Thaco (Khu công nghiệp Thaco Chu Lai, Quảng Nam).
Dây chuyền hàn trong Tổ hợp cơ khí của Thaco (Khu công nghiệp Thaco Chu Lai, Quảng Nam).

Máy cắt fiber laser (12m) trong nhà máy tại Khu công nghiệp Thaco Chu Lai, có khả năng gia công cắt dày hơn, tốc độ nhanh, tính thẩm mỹ cao và giảm chi phí sản xuất.
Máy cắt fiber laser (12m) trong nhà máy tại Khu công nghiệp Thaco Chu Lai, có khả năng gia công cắt dày hơn, tốc độ nhanh, tính thẩm mỹ cao và giảm chi phí sản xuất.

Dây chuyền may áo ghế tại Nhà máy Ghế ô-tô trong Khu công nghiệp Thaco Chu Lai (Quảng Nam).
Dây chuyền may áo ghế tại Nhà máy Ghế ô-tô trong Khu công nghiệp Thaco Chu Lai (Quảng Nam).
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của ngành công nghiệp Việt Nam, Thaco không chỉ khẳng định vị thế ở trong nước mà còn vươn ra thị trường khu vực và thế giới, từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành công nghiệp đất nước. Các doanh nghiệp như Thaco, Đại Dũng là minh chứng khẳng định ngành công nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đủ năng lực bước ra sân chơi toàn cầu.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) Đào Phan Long, từ năm 2000 trở lại đây, Việt Nam đã hình thành được một số ngành công nghiệp sản xuất nền tảng đáp ứng thị trường nội địa. Trong lĩnh vực luyện kim, sau Formosa, hiện nay Hòa Phát cũng đã sản xuất được thép cuộn cán nóng. Ở mảng sản xuất ô-tô, hàng loạt dự án lớn của Ford, Huyndai Thành Công, Vinfast hay Thaco đều được mở rộng liên tục từ năm 2018 đến nay. Trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) đủ năng lực tham gia làm Tổng thầu nhiều dự án trọng điểm, trong đó có dự án nhà máy nhiệt điện trị giá hàng tỷ USD. Việt Nam đã hình thành một số doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn trong các lĩnh vực công nghiệp mới, phức tạp, hướng tới xuất khẩu.

Công nhân kiểm tra xe điện trước khi xuất xưởng tại nhà máy Vinfast Hải Phòng. (Ảnh: HOÀNG NGỌC)
Công nhân kiểm tra xe điện trước khi xuất xưởng tại nhà máy Vinfast Hải Phòng. (Ảnh: HOÀNG NGỌC)
Tuy nhiên, để đánh giá thực chất và khách quan, những bước chuyển này còn chậm, chưa như kỳ vọng; bước đầu đã tự lực, tự chủ trong sản xuất, nhưng để với tới mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 29-NQ/TW thì khoảng cách vẫn còn rất xa vời. Chỉ đến gần đây, Việt Nam mới sản xuất và đáp ứng được một phần nhu cầu thép cuộn cán nóng, còn các loại thép hợp kim, thép đặc chủng phục vụ công nghiệp chế tạo máy thế hệ mới, quốc phòng, an ninh,… vẫn chưa sản xuất được. Doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu được ô-tô, nhưng tỷ lệ nội địa hóa thấp, những sản phẩm chủ chốt, có kỹ thuật cao như: động cơ, hộp số đều phải nhập khẩu.

Ngành công nghiệp đang đòi hỏi có sự đột phá mạnh mẽ hơn, nhưng tiền đề để đột phá là đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển (R&D) và công nghiệp hỗ trợ đang rất thiếu và yếu. Thúc đẩy phát triển những lĩnh vực này yêu cầu nguồn lực rất lớn, nên ngoài hỗ trợ về cơ chế, chính sách của Nhà nước, còn cần sự hợp lực cũng như quyết tâm cao độ từ phía doanh nghiệp.
Tạo nguồn thị trường

Đặc thù của ngành công nghiệp là “lợi thế kinh tế theo quy mô”, có nghĩa phải sản xuất ở quy mô đủ lớn mới có thể đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại, giúp giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh, tích luỹ đủ nguồn lực để quay lại đầu tư nghiên cứu và phát triển. Tuy nhiên, vấn đề khó nảy sinh là muốn sản xuất lớn phải có thị trường, do đó, các chính sách phát triển công nghiệp trong thời gian tới dứt khoát cần tập trung vào việc tạo thị trường cho doanh nghiệp.
Một vấn đề đáng lo ngại khác là kể cả có việc làm, đơn hàng, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn bị “bào mòn” sức khỏe do áp lực nợ đọng xây dựng cơ bản. Đơn cử, dự án Nhiệt điện Vũng Áng 1, công suất 1.200MW do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư, lần đầu do Lilama làm Tổng thầu EPC, giá trị EPC 1,174 tỷ USD, đã hoàn thành đưa vào khai thác từ tháng 9/2015. Nếu so một số dự án nhiệt điện khác do doanh nghiệp nước ngoài làm Tổng thầu như Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1 (công suất 600MW) giá trị EPC 981 triệu USD thì giá trị EPC của Vũng Áng 1 khá thấp. Thời điểm hiện tại, Nhiệt điện Vũng Áng 1 đã chính thức vận hành được 7 năm, đóng góp cho ngân sách mỗi năm hàng trăm tỷ đồng, nhưng các nhà thầu tại dự án cũng bị nợ đọng khoảng 1.400 tỷ đồng do vướng một số thủ tục.

Toàn cảnh Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1.
Toàn cảnh Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1.
Cũng chính vì lẽ đó, ngay tại lễ khánh thành Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 vừa qua, đích thân Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các bên liên quan đẩy nhanh việc thanh quyết toán công trình Nhiệt điện Vũng Áng 1, không để tồn đọng kéo dài 7 năm trời chưa xử lý xong. Tại công văn xin ý kiến các bộ ngành về phương án xử lý quyết toán dự án Vũng Áng 1 hồi đầu tháng 8 vừa qua, Bộ Công thương nêu quan điểm: Căn cứ pháp luật về xây dựng, đấu thầu, Luật Tổ chức Chính phủ và các quy định pháp luật hiện hành, không quy định Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền quyết định việc điều chỉnh giá Hợp đồng EPC đã ký của các doanh nghiệp. Các vấn đề PVN đề nghị cũng đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nhiều lần bằng văn bản, nêu rõ Hội đồng thành viên PVN căn cứ quy định pháp luật và Hợp đồng EPC đã ký để giải quyết. Đối chiếu Bộ luật Dân sự và Hợp đồng EPC đã ký, PVN và Lilama là hai chủ thể của hợp đồng EPC đã ký, có trách nhiệm đàm phán, tự quyết định giải quyết vướng mắc trong quá trình điều chỉnh, quyết toán hợp đồng theo đúng quy định.
Với một doanh nghiệp cổ phần Nhà nước vẫn chiếm hơn 95% như Lilama, việc thanh toán các công trình đã hoàn thành gặp trục trặc như dự án Vũng Áng 1 sẽ cản trở lớn đến quá trình tham gia các dự án tiếp theo cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định của Lilama. Trong khi đó, nguồn lực của doanh nghiệp còn mỏng, lại bị nợ đọng hàng nghìn tỷ đồng, phải giật gấu vá vai, vay nợ ngân hàng để xoay xở dòng tiền duy trì sản xuất kinh doanh, trả lãi khoản nợ đọng. Cứ kéo dài tình trạng này, các doanh nghiệp sẽ không còn đủ sức để vực dậy, phục hồi.

Các kỹ sư, công nhân Lilama lắt đặt thiết bị tại Dự án hóa dầu Long Sơn, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Các kỹ sư, công nhân Lilama lắt đặt thiết bị tại Dự án hóa dầu Long Sơn, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Để tạo sự đột phá cho ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp nền tảng, còn cần “bàn tay” của Nhà nước điều tiết, can thiệp hợp lý, đúng thời điểm, tạo cơ chế bình đẳng, minh bạch cho tất cả các loại hình doanh nghiệp phát triển. Nhà nước triển khai các công trình hạ tầng đầu mối nhằm tạo nguồn việc gối đầu cho các doanh nghiệp một cách công khai thông qua đấu thầu phần công việc mà doanh nghiệp trong nước có thể đảm nhận được, góp phần hình thành thị trường việc làm đối với tất cả doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác tham gia, đúng theo tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW: “Tăng cường chính sách đặt hàng, giao nhiệm vụ sản xuất, chính sách mua sắm công theo hướng ưu tiên sử dụng hàng hóa trong nước, nâng cao giá trị gia tăng và tỷ lệ nội địa hóa”.
Theo tính toán của VAMI, tổng nhu cầu đầu tư Quy hoạch điện VIII đến năm 2030, các nhà máy điện khí hoá lỏng, hệ thống đường sắt đô thị cho Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lên tới 114,2 tỷ USD. Nếu xây dựng chiến lược, lộ trình hợp lý để nhận chuyển giao công nghệ kết hợp đầu tư, các doanh nghiệp trong nước có thể cung cấp gần một nửa giá trị máy móc, thiết bị, dịch vụ (khoảng 45 tỷ USD). Đây sẽ là nguồn lực to lớn phát triển công nghiệp cơ khí, mang lại nhiều việc làm, giúp tăng tính tự chủ, giảm giá thành đầu tư.


Ông Đào Phan Long đánh giá, nhiều gói thầu tại các dự án công nghiệp, doanh nghiệp trong nước hoàn toàn đủ năng lực triển khai, nhưng do một số quy định đấu thầu có hướng “khuyến khích người ngoài” nên đã rơi vào tay nhà thầu quốc tế, vô hình trung, hiệu quả dự án không được phát huy tối đa. Một số nước như Thái Lan, Brunei,... quy định về lao động được siết rất chặt, các dự án nước ngoài đầu tư đều phải sử dụng ít nhất 10% lao động bản địa. Thậm chí Trung Quốc còn buộc các đối tác đầu tư sau mỗi dự án phải chuyển giao công nghệ khoảng 20% và khi công trình hoàn thành, nhà thầu Trung Quốc được “bật đèn xanh” đảm đương hầu hết các công đoạn xây dựng dự án công nghiệp đầu mối, ngoại trừ các thiết bị chính, phức tạp thuộc “lõi” bí quyết công nghệ.
Từ thực tế này, VAMI kiến nghị Nhà nước có cơ chế đấu thầu trong nước hướng đến ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước những phần việc tự làm được, giúp tạo thị trường ổn định để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư chiều sâu, giữ được nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thị trường Việt Nam với 100 triệu dân và đầu tư công đang được đẩy mạnh chính là tài nguyên dồi dào, cần được tận dụng và khai thác triệt để. Nhà nước cần có chính sách giảm thiểu tình trạng doanh nghiệp Việt Nam làm thuê cho doanh nghiệp nước ngoài ngay trên chính quê hương, đất nước mình.




Dây chuyền sản xuất bảng mạch điện tại nhà máy của Công ty TNHH 4P, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. (Ảnh: MINH HÀ)
Dây chuyền sản xuất bảng mạch điện tại nhà máy của Công ty TNHH 4P, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. (Ảnh: MINH HÀ)

Sản xuất điện thoại tại khu phức hợp Samsung Electronics Việt Nam, khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: XUÂN PHƯƠNG)
Sản xuất điện thoại tại khu phức hợp Samsung Electronics Việt Nam, khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: XUÂN PHƯƠNG)

Sản xuất các sản phẩm lốp xe tại Công ty cổ phần cao su Đà Nẵng. (Ảnh: QUỐC DŨNG)
Sản xuất các sản phẩm lốp xe tại Công ty cổ phần cao su Đà Nẵng. (Ảnh: QUỐC DŨNG)
Các chính sách phát triển công nghiệp không thể chỉ dừng ở ngành công nghiệp mà phải có sự tổng hòa của chính sách vĩ mô, bao gồm cơ chế về đào tạo nguồn nhân lực, tài chính và tín dụng, chính sách thu hút FDI hay khuyến khích các thành phần doanh nghiệp mở rộng, đầu tư sản xuất,… Vì vậy, dù đã có Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành tiếp Nghị quyết 29-NQ/TW. Tuy trọng tâm của Nghị quyết 29-NQ/TW xoay quanh nhiệm vụ ưu tiên phát triển công nghiệp, nhưng 10 nhóm giải pháp chủ yếu của Nghị quyết 29-NQ/TW lại bao trùm, phủ kín hầu hết các lĩnh vực của kinh tế-xã hội với kỳ vọng tổng hợp mọi nguồn lực, nhằm khơi thông, đột phá mạnh mẽ cho tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa giai đoạn mới.

Ngày xuất bản: 15/12/2022
Chỉ đạo thực hiện: Thu Hà
Nội dung: Quang Hưng, Xuân Thủy, Việt Hải
Ảnh: Duy Linh, Reuters
Trình bày: Ngô Hương