Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Campuchia phát triển như thế nào?
Quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) là mối quan hệ đoàn kết truyền thống, hợp tác toàn diện, giữ vai trò nòng cốt trong quan hệ hai nước. Mối quan hệ giữa hai Đảng đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử.
Giai đoạn 1930-1951, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, những người cộng sản Việt Nam đã có mặt tại Campuchia giúp xây dựng và phát triển cơ sở đảng, phát động nhân dân Campuchia đứng lên làm cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, giành lại độc lập và tự do.
Năm 1951, Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương xây dựng ở mỗi nước Việt Nam, Lào và Campuchia một đảng cách mạng. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ 2, ngày 28/6/1951, Hội nghị cán bộ toàn quốc Khmer đã bầu ra Ban vận động thành lập đảng của Campuchia. Sau đó, Đảng Nhân dân Cách mạng Khmer đã được thành lập cùng năm. Ngày 28/6/1951 sau này được CPP chọn làm ngày thành lập Đảng.
Giai đoạn 1951-1954, vốn gắn bó dưới lá cờ Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Khmer lại càng gắn bó hơn trong Khối liên minh nhân dân Việt Nam-Lào-Campuchia, được thành lập tại Hội nghị đại biểu nhân dân 3 nước hồi tháng 3/1951.
Giai đoạn 1954-1970, quan hệ giữa Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Khmer chuyển sang thời kỳ mới. Đảng Nhân dân Cách mạng Khmer đã phải tạm thời rút vào hoạt động bí mật và chuyển hướng từ đấu tranh vũ trang sang đấu tranh chính trị. Trong giai đoạn này, Đảng Nhân dân Cách mạng Khmer đổi tên thành Đảng Công nhân Khmer năm 1960 và đổi tên thành Đảng Cộng sản Khmer vào năm 1966.
Giai đoạn 1970-1975, chính quyền Lon Nol của Campuchia theo đuổi chính sách thân Mỹ. Đảng Lao động Việt Nam chủ trương một mặt tích cực ủng hộ Mặt trận và Chính phủ đoàn kết dân tộc kháng chiến Campuchia, mặt khác tăng cường chi viện mọi mặt cho Đảng Cộng sản Khmer.
Sau khi lật đổ chế độ Lon Nol vào ngày 17/4/1975, tập đoàn Pol Pot lãnh đạo Đảng Cộng sản Khmer thành lập nhà nước Campuchia Dân chủ, thực hiện chính sách đối nội phản động và đối ngoại hiếu chiến, gây nên thảm họa diệt chủng.
Sau chiến thắng ngày 7/1/1979, chế độ Pol Pot bị lật đổ, nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia ra đời. Tại Đại hội lần thứ 4 (5/1981), Đảng Cộng sản Khmer đổi tên thành Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia.
Trong giai đoạn 1979-1991, mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia là mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai đảng cầm quyền, lãnh đạo đất nước theo con đường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tại Đại hội bất thường ngày 17/10/1991, Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia đổi tên thành Đảng Nhân dân Campuchia (CPP).
Sau khi Hiệp định Paris về Campuchia được ký kết vào tháng 10/1991, Campuchia tiến hành tổng tuyển cử, thiết lập chế độ quân chủ lập hiến và thành lập chính phủ liên hiệp, thực hiện chế độ đa đảng. Hiện nay, CPP trở thành đảng lớn nhất, giữ vai trò chủ đạo trên chính trường Campuchia.
Thông qua mối quan hệ nòng cốt giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với CPP, quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa Việt Nam và Campuchia không ngừng được củng cố và tăng cường.