Việt Nam có những đóng góp nổi bật nào trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010?

Chủ đề Năm Chủ tịch ASEAN 2010 là “Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động” do Việt Nam đề xuất đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các nước thành viên ASEAN.

Theo đó, Việt Nam đã đề ra và thúc đẩy nhiều sáng kiến phù hợp, tạo được sự thống nhất cao và cam kết chung của ASEAN về đẩy mạnh hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, đạt được những tiến triển cụ thể và quan trọng theo các trọng tâm ưu tiên là: đẩy nhanh tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN; tăng cường quan hệ đối ngoại của ASEAN và bảo đảm vai trò trung tâm của Hiệp hội ở khu vực; đẩy mạnh hợp tác rộng rãi nhằm duy trì hòa bình và an ninh khu vực, phát triển bền vững và ứng phó những thách thức toàn cầu.

Trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2010, Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng, như Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 16, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 17…

Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 16 và lần thứ 17 tại thủ đô Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 16 và lần thứ 17 tại thủ đô Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Trong năm 2010, dưới sự dẫn dắt của Việt Nam, sự liên kết và thống nhất của ASEAN phát triển sâu rộng và chặt chẽ hơn. Hợp tác ASEAN đã có sự chuyển biến quan trọng theo hướng nâng cao tính hành động và thực thi. Theo chủ đề của Năm Chủ tịch ASEAN 2010, các thành viên ASEAN đều nhấn mạnh việc thúc đẩy hành động nhằm cụ thể hóa các mục tiêu đã đề ra; thống nhất nhiều biện pháp, nhất là tăng cường cơ chế giám sát và đánh giá kết quả thực hiện các thỏa thuận cũng như sự phối kết hợp giữa các cơ quan thực thi.

Năm 2010, ASEAN thông qua Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC), một văn kiện quan trọng bổ sung cho Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, góp phần đẩy mạnh liên kết ASEAN và tạo cơ sở mở rộng kết nối ra toàn khu vực. MPAC đề ra những mục tiêu và biện pháp tăng cường kết nối ASEAN trên 3 lĩnh vực ưu tiên là hạ tầng, thể chế và người dân, nhất là ở tiểu vùng Mekong.

Các cơ chế đối thoại và hợp tác về chính trị-an ninh khu vực, nhất là Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) tiếp tục hoạt động mạnh mẽ và được bổ sung với việc lập một số cơ chế mới, trong đó có Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) theo sáng kiến của Việt Nam. ADMM+, với sự tham gia của 10 nước ASEAN và các đối tác, trở thành một cơ chế hợp tác đa phương về quốc phòng, góp phần thúc đẩy lòng tin, tăng cường hiểu biết về chính sách quốc phòng giữa các bên.

Quan hệ đối ngoại của ASEAN được tăng cường mạnh mẽ, góp phần duy trì hòa bình, an ninh và phát triển của Hiệp hội. Các đối tác ngày càng coi trọng vai trò và quan hệ với ASEAN; gia tăng cam kết hỗ trợ ASEAN bằng nhiều hình thức; tích cực tham gia vào hoạt động của các cơ chế đa phương khu vực do Hiệp hội dẫn dắt.

Trong Năm Chủ tịch ASEAN 2010 của Việt Nam, quan hệ giữa ASEAN với các đối tác theo khuôn khổ ASEAN+1 được đẩy mạnh và nâng cấp. Bên cạnh Hội nghị cấp cao hằng năm với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ, việc tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN với Nga, Australia, New Zealand và Mỹ, tạo động lực phát triển hơn nữa với quan hệ giữa Hiệp hội với các đối tác này. Năm 2010, ASEAN và Hàn Quốc đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược.

Các diễn đàn khu vực do ASEAN dẫn dắt, nhất là Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) tiếp tục phát triển năng động, góp phần đẩy mạnh đối thoại và hợp tác rộng rãi ở khu vực. Hai dấu ấn quan trọng của EAS là thông qua Tuyên bố Hà Nội kỷ niệm 5 năm thành lập, trong đó khẳng định lại các mục tiêu, nguyên tắc, thể thức và trọng tâm của EAS cũng như vai trò chủ đạo của ASEAN đã được thống nhất từ năm 2005 và quyết định mở rộng EAS để Nga và Mỹ tham gia, bắt đầu từ năm 2011.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã vận động thành công để thay mặt ASEAN tham dự Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và đã có những đóng góp quan trọng và thiết thực cho kết quả của hội nghị này trên cơ sở tham vấn chặt chẽ với các nước ASEAN.

Việt Nam, trên vai trò Chủ tịch ASEAN, cùng các thành viên nỗ lực nâng cao vị thế, vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực và trên thế giới. ASEAN đã nhất trí tiếp tục đẩy mạnh quan hệ đối ngoại và giữ vai trò trung tâm trong một cấu trúc khu vực đang định hình, tạo điều kiện cho các đối tác quan trọng tham gia sâu rộng hơn và đóng góp tích cực vào việc xử lý các vấn đề liên quan hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực, cũng như hỗ trợ mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN. Theo đó, ASEAN đã thống nhất lập trường chung là thúc đẩy cấu trúc khu vực đa tầng nấc, dựa trên các tiến trình hợp tác khu vực hiện có, đan xen, bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau, trong đó ASEAN giữ vai trò chủ đạo.

Trong năm 2010, đối thoại và hợp tác trong ASEAN, cũng như giữa ASEAN và các đối tác được tăng cường mạnh mẽ thông qua nhiều khuôn khổ và cấp độ, không chỉ nhằm duy trì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững, mà còn ứng phó những thách thức toàn cầu, phát triển tiểu vùng. Hợp tác ứng phó những thách thức toàn cầu, nhất là về biến đổi khí hậu được đẩy mạnh. ASEAN đã ra Tuyên bố về hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu và xây dựng kế hoạch hành động, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các đối tác thông qua nhiều khuôn khổ; tích cực đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm đạt được một thỏa thuận mang tính pháp lý về biến đổi khí hậu.

Hợp tác về phát triển tiểu vùng Mekong cũng đạt được những bước tiến quan trọng, với sự quan tâm và tham gia ngày càng lớn từ phía các đối tác của ASEAN. Việt Nam đã tổ chức Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 2 và Hội nghị Bộ trưởng các nước hạ nguồn sông Mekong-Mỹ lần thứ 2; đóng góp quan trọng vào thành công của Hội nghị cấp cao đầu tiên của Ủy hội sông Mekong.