VIỆT NAM CÓ QUAN ĐIỂM NHƯ THẾ NÀO VỀ DOC?

Với chủ trương đối ngoại hòa bình, khi chưa phải là thành viên của ASEAN, Việt Nam đã nhiệt liệt ủng hộ Tuyên bố năm 1992 của ASEAN về Biển Ðông. Sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy và có nhiều đóng góp vào việc xây dựng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC).

Từ khi DOC được ký đến nay, Việt Nam luôn tuân thủ các cam kết trong DOC, đồng thời yêu cầu các nước liên quan thực hiện đúng các cam kết trong văn kiện này.

Chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà thực hiện nhiệm vụ, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà thực hiện nhiệm vụ, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Trong quá trình thực hiện DOC, Việt Nam luôn kiên trì chủ trương giải quyết mọi tranh chấp liên quan Biển Ðông bằng các biện pháp hòa bình, căn cứ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, thúc đẩy thực hiện đầy đủ DOC, tiến tới xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Ðông.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực về biển với các nước láng giềng liên quan. Các nỗ lực của Việt Nam được chính giới và dư luận quốc tế, khu vực đánh giá tích cực.

Phiên họp toàn thể và bế mạc Hội nghị lần thứ 30 các thành viên UNCLOS 1982 ngày 9/12/2020. (Ảnh: TTXVN)

Phiên họp toàn thể và bế mạc Hội nghị lần thứ 30 các thành viên UNCLOS 1982 ngày 9/12/2020. (Ảnh: TTXVN)

Lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông phù hợp lập trường chung của ASEAN. Cùng với các nước thành viên, Việt Nam góp phần đề cao vai trò trung tâm, chủ động và tích cực của ASEAN trong việc xây dựng môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực, nhất là việc bảo đảm tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.