Việt Nam gia nhập ASEAN khi nào?

Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN ngày 28/7/1995 nhân dịp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 28 tại Brunei. Tuy nhiên, quá trình tham gia ASEAN của Việt Nam đã được khởi động từ trước thời điểm đó.

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm ký Tuyên bố kết nạp Việt Nam trở thành thành viên của ASEAN, ngày 28/7/1995. (Ảnh TTXVN)

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm ký Tuyên bố kết nạp Việt Nam trở thành thành viên của ASEAN, ngày 28/7/1995. (Ảnh TTXVN)

Tháng 7/1992, Việt Nam đã tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) và trở thành quan sát viên của ASEAN. Từ năm 1993, Việt Nam họp tham vấn thường xuyên với ASEAN nhân dịp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN hằng năm; tham gia các chương trình và dự án hợp tác ASEAN trong 5 lĩnh vực: khoa học-công nghệ, môi trường, y tế, văn hóa-thông tin, phát triển xã hội.

Năm 1994, Việt Nam trở thành một trong những thành viên ban đầu của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), một diễn đàn khu vực đầu tiên bàn về các vấn đề chính trị-an ninh do Hiệp hội giữ vai trò chủ đạo.

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (thứ hai, từ phải sang), Tổng Thư ký ASEAN và các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN trong cuộc họp kết nạp Việt Nam vào ASEAN, ngày 28/7/1995, tại Brunei. (Ảnh: TTXVN)

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (thứ hai, từ phải sang), Tổng Thư ký ASEAN và các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN trong cuộc họp kết nạp Việt Nam vào ASEAN, ngày 28/7/1995, tại Brunei. (Ảnh: TTXVN)

Với Việt Nam, việc trở thành một thành viên của ASEAN là cột mốc quan trọng trên con đường hội nhập khu vực và quốc tế. Việc gia nhập ASEAN là một bước đột phá giúp Việt Nam thoát khỏi thế bao vây, cấm vận, từng bước vượt qua khủng hoảng kinh tế-xã hội thời kỳ này.

Việc tham gia Hiệp hội cũng giải phóng những tiềm lực và góp phần thực hiện thành công chính sách đổi mới với nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội, làm thay đổi diện mạo, vị thế đất nước và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Việt Nam ngày nay đã vươn lên trở thành nước có mức thu nhập trung bình thấp, duy trì tỷ lệ tăng trưởng tương đối cao từ năm 1986 đến nay, có quan hệ thương mại tự do với hàng chục nền kinh tế, bao gồm tất cả các nền kinh tế phát triển nhất của Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7).

Chính sách về hợp tác ASEAN đã trở thành một bộ phận quan trọng trong đường lối đối ngoại của Việt Nam. Điều này được nhấn mạnh trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng về đối ngoại, đặc biệt là Chỉ thị 25-CT/TW ngày 8/8/2018 về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.