VỊNH HẠ LONG


CHUỖI NGỌC GIỮA BIỂN

Được ví như một tác phẩm nghệ thuật của thiên nhiên với hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ mang vẻ đẹp kỳ vĩ và sống động, Vịnh Hạ Long không chỉ là điểm đến quen thuộc của du khách trong và ngoài nước, mà còn là địa chỉ nghiên cứu của giới khoa học, từ địa chất, khảo cổ cho đến lịch sử, văn hóa…

HÌNH THÀNH TỪ NHỮNG BIẾN THIÊN HÀNG TRIỆU NĂM

Nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam, thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh, cách thủ đô Hà Nội 165 km, Vịnh Hạ Long có diện tích 1.553 km2, bao gồm 1.969 hòn đảo (trong đó 980 hòn đảo đã có tên). Khu vực Di sản thế giới được UNESCO công nhận có diện tích 434 km2, bao gồm 775 hòn đảo, trong đó có 411 hòn đảo đã được đặt tên. Đây là nơi tập trung rất nhiều đảo đá, hang động và bãi tắm đẹp nổi tiếng.

Sự hiện diện của Vịnh và những hòn đảo trên Vịnh là những minh chứng độc đáo về lịch sử phát triển của trái đất, bao gồm đặc điểm địa chất và quá trình vận động, phát triển liên tục của dạng địa hình Karst hệ Fengcong và Fengling. Địa hình đặc biệt của Vịnh Hạ Long có liên quan chặt chẽ tới lịch sử khí hậu và quá trình vận động kiến tạo của trái đất. Những hòn đảo ở đây là mẫu hình khá lý tưởng về Karst hình thành trong điều kiện nhiệt đới, ẩm. Toàn bộ khu vực Vịnh Hạ Long là một cảnh quan Karst qua nhiều triệu năm, với các tháp karst hình chóp, hình tháp, bị bào mòn, tạo nên cảnh đẹp nổi bật, độc đáo toàn thế giới.

Hang Tiên Ông (Ảnh: Ban Quản lý Vịnh Hạ Long)

Hang Tiên Ông (Ảnh: Ban Quản lý Vịnh Hạ Long)

Lịch sử địa chất địa mạo của Vịnh Hạ Long trải qua ít nhất 500 triệu năm với những hoàn cảnh cổ địa lý rất khác nhau, với nhiều lần tạo sơn-biển thoái và sụt chìm-biển tiến.

Vịnh Hạ Long còn giữ lại được những dấu ấn của quá trình tạo sơn, địa máng vĩ đại của trái đất, có cấu tạo địa lũy, địa hào cổ. Khu vực Vịnh Hạ Long đã từng là biển sâu vào các kỷ Odovic - Silua (khoảng 500 - 410 triệu năm trước), là biển nông vào các kỷ Cacbon - Pecmi (khoảng 340 - 250 triệu năm trước), biển ven bờ vào cuối kỷ Paleogen, đầu Neogen (khoảng 26 - 20 triệu năm trước) và trải qua một số lần biển lấn trong kỷ Nhân sinh (khoảng 2 triệu năm trước). Vào kỷ Trias (240 - 195 triệu năm trước), khi trái đất nói chung, châu Âu nói riêng có khí hậu khô nóng, thì khu vực Vịnh Hạ Long là những đầm lầy ẩm ướt, với những cánh rừng tuế, dương xỉ khổng lồ tích tụ nhiều thế hệ…

Địa hình Karst ngầm là hệ thống các hang động đa dạng trên vịnh, được chia làm 3 nhóm chính: nhóm 1, là di tích các hang ngầm cổ, tiêu biểu là hang Sửng Sốt, động Tam Cung, động Lâu Đài, động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, Thiên Long...; nhóm 2, là các hang nền Karst, tiêu biểu là các hang Trinh Nữ, Bồ Nâu, Tiên Ông và hang Trống…; nhóm 3, là hệ thống các “hàm ếch biển”, tiêu biểu như 3 hang thông nhau ở cụm hồ Ba Hầm, hang Luồn, Ba Hang…

Hang Sửng Sốt. (Ảnh: Ban Quản lý Vịnh Hạ Long)

Hang Sửng Sốt. (Ảnh: Ban Quản lý Vịnh Hạ Long)

Địa hình Karst của Vịnh Hạ Long có ý nghĩa toàn cầu và có tính chất nền tảng cho khoa học địa mạo. Môi trường địa chất còn là nền tảng phát sinh các giá trị khác của vịnh, như đa dạng sinh học, văn hóa khảo cổ và các giá trị nhân văn khác.

Hàng nghìn hòn đảo, hàng chục hang động đẹp đã tạo nên giá trị thẩm mỹ của Vịnh. Vẻ đẹp của Hạ Long được tạo nên từ 3 yếu tố: đá, nước và bầu trời. Hệ thống đảo đá ở Hạ Long muôn hình vạn trạng quyện với trời biển, tạo ra một bức tranh thủy mặc. Phía trong những đảo đá lớn lại hấp dẫn bởi những hang động đẹp đẽ, kỳ lạ. Hang Đầu Gỗ gợi cảm giác choáng ngợp, với những nhũ đá muôn hình dáng vẻ.

Động Thiên cung. (Ảnh: Ban Quản lý Vịnh Hạ Long)

Động Thiên cung. (Ảnh: Ban Quản lý Vịnh Hạ Long)

Động Thiên Cung như một đền đài hoành tráng, mỹ lệ. Hang Bồ Nâu có cửa uốn vòng cung, với vô số nhũ đá buông xuống mềm mại như cành liễu. Hang Sửng Sốt đẹp đến bất ngờ, với nhũ đá mang hình hài của gà rừng, cóc, rồng, thác nước, cùng với nhiều hình hài khác, như mở ra một thế giới cổ tích. Những hang động như Tam Cung, Trinh Nữ, Ba Hang, Tiên Long,… mỗi hang đều có những vẻ đẹp độc đáo, kỳ thú.

HỆ SINH THÁI ĐA DẠNG,
PHONG PHÚ

Bên cạnh giá trị địa chất và giá trị thẩm mỹ độc đáo toàn cầu, trong khu vực Vịnh Hạ Long hiện nay còn lưu giữ được nhiều hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới như: đồi núi, hang động, rừng ngập mặn, tùng áng, rạn san hô, cỏ biển … Các hệ sinh thái đó được phân bố trong một khu vực có khí hậu tương đối ôn hòa, nhiệt độ nước biển trung bình từ 19 - 25 độ C, là môi trường sống rất thuận lợi đối với các loài sinh vật.

Theo thống kê của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, ở đây tồn tại 10 kiểu hệ sinh thái rất đặc thù của quần đảo đá vôi vùng nhiệt đới.

Hệ sinh thái thảm thực vật trên đảo: Là nơi sinh sống và phát triển của 507 loài thực vật (thuộc 351 chi, 110 họ thực vật bậc cao có mạch). Đặc biệt là 21 loài thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng đã được ghi trong sách đỏ Việt Nam và 17 loài thực vật đặc hữu được các nhà khoa học ghi nhận chỉ phân bố trong khu vực vịnh Hạ Long mà chưa được công bố ở nơi nào khác.

Thảm thực vật trên các đảo đá. (Ảnh: Ban Quản lý Vịnh Hạ Long)

Thảm thực vật trên các đảo đá. (Ảnh: Ban Quản lý Vịnh Hạ Long)

Hệ sinh thái tùng áng: Là một kiểu hệ sinh thái đặc trưng, độc đáo của vùng biển có các đảo đá vôi như vịnh Hạ Long - Bái Tử Long - Cát Bà. Hệ sinh thái tùng áng nằm biệt lập với môi trường bên ngoài, xung quanh được bao quanh bởi các đảo đá vôi, trên bờ là các thảm thực vật xanh ngát bao phủ, dưới nước là thế giới sống động của các loài sinh vật biển tạo nên một kiểu sinh cảnh đẹp, yên bình, khác biệt nên rất hấp dẫn và mở ra nhiều bất ngờ thú vị.

Hệ sinh thái tùng áng. (Ảnh: Ban Quản lý Vịnh Hạ Long)

Hệ sinh thái tùng áng. (Ảnh: Ban Quản lý Vịnh Hạ Long)

Thành phần loài động, thực vật sống trong các tùng, áng đã phát hiện được có 21 loài Rong, 37 loài thân mềm, 8 loài Giáp xác, 6 loài Da gai và một số loài San hô. Những sinh vật này có thời gian dài thích nghi với môi trường sống biệt lập trong các tùng áng nên phát triển khá ổn định và có nhiều loài mang đặc điểm khác biệt, đặc hữu so với các loài sinh vật khác bên ngoài.

Hệ sinh thái Hang động: Hệ sinh thái hang động cũng là một hệ sinh thái đặc thù của vùng biển đá vôi. Môi trường sống trong hang động thường thiếu ánh sáng, độ ẩm không khí cao, nguồn thức ăn tự nhiên nghèo nàn, nhiệt độ ổn định quanh năm nên cấu trúc quần xã sinh vật nghèo hơn hẳn so với các hệ sinh thái khác, phần lớn đều là những loài đặc hữu cho khu vực. Tuy nhiên, đây lại là những nhóm sinh vật có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nghiên cứu quá trình tiến hóa của sinh vật. Một số loài tiêu biểu đã được phát hiện như: thạch sùng mí, cua hang Hạ Long, cá niếc hang, tôm gõ mõ...

Rệp hang catbaensis (Ảnh: Ban Quản lý Vịnh Hạ Long)

Rệp hang catbaensis (Ảnh: Ban Quản lý Vịnh Hạ Long)

Hệ sinh thái vùng triều đáy cứng: Hệ sinh thái vùng triều đáy cứng (hay còn gọi là Hệ sinh thái bãi triều rạn đá quanh các đảo) chủ yếu là các bãi triều có rạn đá phân bố quanh các chân đảo trong khu vực vịnh Hạ Long. Nền đáy chủ yếu là các vách đá, các ngấn biển, đôi chỗ là những nơi đá cuội, đá tảng trượt từ trên núi xuống trải rộng từ 5-10m. Do có nền đáy ít bị biến đổi nên môi trường trong hệ sinh thái này tương đối ổn định.

Hàu, một trong những loài thuộc hệ sinh thái vùng triều đáy cứng. (Ảnh: Ban Quản lý Vịnh Hạ Long)

Hàu, một trong những loài thuộc hệ sinh thái vùng triều đáy cứng. (Ảnh: Ban Quản lý Vịnh Hạ Long)

Vì có nhiều hang, hốc làm nơi trú ngụ và lẩn trốn kẻ thù nên thành phần loài của hệ sinh thái này rất phong phú và đa dạng với khoảng 423 loài sinh vật như rong biển, san hô, ốc, hai mảnh vỏ, bò sát, giáp xác... sinh sống và phát triển. Mặc dù thành phần loài phong phú nhưng diện tích nhỏ nên giá trị nguồn lợi (năng suất) của sinh vật biển trong khu vực này không cao. Đáng chú ý có loài Rong mơ (Sarrgassum spp), các loài ốc, hàu nhưng cũng chỉ có giá trị phục vụ bữa ăn hằng ngày tại các chợ địa phương. 

Hệ sinh thái vùng triều đáy mềm: Hệ sinh thái vùng triều đáy mềm là các bãi triều thấp quanh các đảo ven bờ vịnh Hạ Long. Dựa vào đặc điểm của nền đáy có thể chia thành 2 kiểu: kiểu bãi triều là cát bột, bùn sét tiếp giáp với rừng ngập mặn; kiểu cồn cát, doi cát nổi lên ở phía ngoài cửa sông. Hệ sinh thái vùng thấp triều có môi trường sinh thái phức tạp, biến đổi theo mùa và theo thời gian trong ngày, theo con nước triều khá lớn. Do điều kiện môi trường của hệ sinh thái đáy mềm cửa sông phức tạp nên thành phần loài của quần xã sinh vật nghèo hơn so với vùng triều các đảo xa bờ.

Quần xã sinh vật ở đây được chia thành 2 nhóm khác nhau: Nhóm sống định cư trên bãi triều bao gồm các loài động vật đáy; rong biển, cỏ biển, cá biển, và nhóm sống trong tầng nước di cư theo thuỷ triều bao gồm: Thực vật phù du, Động vật phù du, Cá biển. Ngoài ra một số loài động vật có xương sống cũng sinh sống, kiếm ăn trên vùng bãi triều cửa sông khi triều rút như rắn nước, chim nước ...

Hệ sinh thái bãi triều cát: Hệ sinh thái bãi triều cát là bãi triều cát ven các hõm đảo nhỏ, một số vùng bãi cát được che chắn và có rạn san hô phát triển phía dưới. Mặc dù số lượng bãi triều cát khá nhiều nhưng do địa hình đảo đá vôi thường có vách đá dựng đứng nên các bãi đều nhỏ, độ dốc lớn, cấu tạo bởi cát vỏ sinh vật như san hô, thân mềm (ốc, ngao, trai…). Bãi thường bị phơi khi thủy triều xuống.

Thành phần loài sinh vật trên các bãi triều cát khá nghèo nàn so với các kiểu hệ sinh thái khác và giá trị nguồn lợi không cao. Đặc điểm cơ bản của các bãi triều cát là hầu như không có sự phân bố của sinh vật theo đới do nền đáy không ổn định. Một số loài động vật bắt gặp trong hệ sinh thái này như: cua ma, dã tràng, giun nhiều tơ, hai mảnh vỏ, ốc, giáp xác và da gai, tổng cộng đã phát hiện được 116 loài sinh vật trên các bãi triều cát trong vùng.

Hệ sinh thái rừng ngập mặn: Rừng ngập mặn là một hệ sinh thái quan trọng, là nơi sinh cư của nhiều loài hải sản có giá trị trong khu vực vịnh Hạ Long. Khu vực vịnh Hạ Long và vùng phụ cận có 30 loài, chiếm khoảng 32% thành phần loài của thực vật ngập mặn Việt Nam. Trong số 500 loài sinh vật sinh sống trong rừng ngập mặn tại vịnh Hạ Long có 3 loài ốc, 3 loài bò sát, 3 loài chim và 1 loài thú nằm trong Danh lục đỏ Việt Nam, một số loài hải sản có giá trị kinh tế cao như ngán, sá sùng, bạch tuộc (ruốc), sò, cua... tạo nên những món ăn hải sản đặc trưng riêng tại địa phương.

Rừng ngập mặn vịnh Hạ Long. (Ảnh: Ban Quản lý Vịnh Hạ Long)

Rừng ngập mặn vịnh Hạ Long. (Ảnh: Ban Quản lý Vịnh Hạ Long)

Hệ sinh thái thảm cỏ biển: Là một hệ sinh thái biển quan trọng. Các thảm cỏ biển là nơi ương nuôi ấu trùng và định cư của nhiều loài tôm, cua, cá; đồng thời, hệ sinh thái cỏ biển còn đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định nền đáy và xử lý nước thải. Theo một số nghiên cứu trước đây, khu vực vịnh Hạ Long - Cát Bà đã phát hiện được 5 loài cỏ biển. Tuy nhiên, hiện nay diện tích các thảm cỏ biển tại vịnh Hạ Long đã bị thu hẹp nhiều do các công trình lấn biển, các vùng ven bờ hầu như không còn các bãi cỏ biển, do đó, không phát huy được giá trị của hệ sinh thái này.

Thảm cỏ biển (Ảnh: Ban Quản lý Vịnh Hạ Long)

Thảm cỏ biển (Ảnh: Ban Quản lý Vịnh Hạ Long)

Hệ sinh thái vùng ngập nước thường xuyên ven bờ: Hệ sinh thái vùng ngập nước thường xuyên ven bờ là phần mặt nước có độ sâu 0 – 20 m. Đây là một khối nước tương đối đồng nhất, nên khu hệ sinh vật bao gồm nhiều nhóm loài khác nhau như Thực vật phù du, Động vật phù du, Động vật đáy, Cá biển, Bò sát, giáp xác, thân mềm... Trong đó rất nhiều loài có giá trị kinh tế như cua biển, tôm he, cá vược, …

Hệ sinh thái rạn san hô: Rạn san hô tại vịnh Hạ Long được cấu tạo chủ yếu bởi các loài san hô cứng. Khu vực tập trung nhiều san hô nhất là Cống Đỏ, Trà Sản, Hang Trai, Đầu Bê (có độ phủ từ 30% - 45%). Một số loài sinh vật biển có giá trị kinh tế quan trọng sinh sống của hệ sinh thái rạn san hô như tu hài, sò lông, cá song, cá mú, trai ngọc, tôm hùm... Ngoài các loài có giá trị kinh tế, trên rạn san hô còn phân bố nhiều loài bị đe doạ tuyệt chủng, quý hiếm nằm trong Danh lục đỏ Việt Nam như rong chân vịt nhăn, cá ngựa gai, cá ngựa nhật, cá ngựa đen, san hô sừng cành dẹp, san hô lỗ đỉnh, sam ba gai đuôi, ốc đụn đực, ốc đụn cái, ốc xoắn vách, trai ngọc môi đen, mực thước, mực nang vân hổ….

San hô ở Vịnh Hạ Long. (Ảnh: Ban Quản lý Vịnh Hạ Long)

San hô ở Vịnh Hạ Long. (Ảnh: Ban Quản lý Vịnh Hạ Long)

Thế giới sinh vật tại vịnh Hạ Long rất đa dạng và phong phú, tập trung đầy đủ thành phần các loài sinh vật trên cạn, dưới nước, bậc thấp, bậc cao cùng sinh sống trong 10 hệ sinh thái biển và rừng khác nhau. Đến nay đã thống kê được gần 3.000 loài động thực vật sống trong khu vực, trong số đó có 507 loài thực vật trên cạn, 278 loài thực vật phù du, 141 loài động vật phù du, 110 loài san hô, 156 loài cá biển, 71 loài chim, 53 loài thú... Sự đa dạng về thành phần loài trên cạn, dưới nước đã nói lên bức tranh đa dạng sinh học của vịnh Hạ Long, đưa vịnh Hạ Long trở thành khu vực có số lượng loài nhiều nhất đã biết ở Việt Nam.

Sự đa dạng về nguồn gen đã khẳng định được sự khác biệt của Hạ Long so với các vùng khác trong khu vực. Rất nhiều loài sinh vật sinh sống tại vịnh Hạ Long mang nguồn gen đặc hữu, quý hiếm, nguồn gen dược liệu hoặc có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, các nhà khoa học đã xác định được 102 loài đang bị đe dọa ở các cấp độ khác nhau (64 loài động vật và 38 loài thực vật). Một số nhóm sinh vật có số lượng ít nhưng hầu hết đều mang nguồn gen đặc hữu của vịnh Hạ Long, tiêu biểu trong số đó là: cá Niếc hang Hạ Long, cua hang Hạ Long, tôm Alpheoid, Rết chân dài... và 17 loài thực vật đặc hữu đã được công bố.

Bên cạnh đó, một số nguồn gen khác lại là kho dược liệu tự nhiên, sơ bộ ước tính khoảng 357 loài cây cỏ và gần 100 động vật có thể làm thuốc được. Một số nguồn gen có giá trị kinh tế cao, là đặc sản để làm thực phẩm, mỹ nghệ xuất khẩu như: Bào ngư, ốc đụn, ốc hương, ốc nhảy, sò, tu hài, tôm he, cua, hải sâm, trai ngọc, cá song...

NHỮNG DẤU ẤN VĂN HÓA CỔ XƯA

Những kết quả nghiên cứu, khảo cổ học và văn hóa học cho thấy, sự hiện diện của những cư dân tiền sử trên vùng vịnh Hạ Long từ khá sớm, đã tạo lập được những hình thái văn hóa cổ đại tiếp nối nhau, bao gồm văn hóa Soi Nhụ(trong khoảng 18.000 - 7.000 năm trước Công nguyên), văn hóa Cái Bèo (7.000-5.000 năm trước Công nguyên) và văn hóa Hạ Long (cách ngày nay khoảng từ 3.500-5.000 năm).

Văn hóa Soi Nhụ có niên đại cách ngày nay 18.000-7.000 năm trước Công nguyên. Cư dân thời kỳ này cư trú chủ yếu trên các đảo đá vôi thuộc vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và các hang động ven bờ. Phương thức kiếm sống của họ là săn bắt, hái lượm và khai thác nhuyễn thể nước ngọt với công cụ lao động được chế tác bằng đá có hình dáng không ổn định, kỹ thuật chế tác đơn giản bằng phương pháp ghè đẽo một mặt, phương pháp chặt bẻ và rất ít tu sửa, biết bắt cá mà chưa có nghề đánh cá.

Văn hóa Cái Bèo có niên đại cách ngày nay 7.000-5.000 năm trước Công nguyên. Cư dân thời kỳ này cư trú chủ yếu trên bờ vũng vịnh kín gió, tựa lưng vào núi, mà chủ yếu là núi đá vôi. Độ cao của các di chỉ này so với mực nước biển hiện tại vào khoảng 2-6m. Phương thức kiếm sống của họ trước hết là định hướng khai thác biển ven bờ và sau đó là kết hợp với các phương thức kiếm sống truyền thống như săn bắt thú rừng, thu lượm rau củ, hoa quả trong thiên nhiên.

Hang Bồ Nâu. (Ảnh: Ban Quản lý Vịnh Hạ Long)

Hang Bồ Nâu. (Ảnh: Ban Quản lý Vịnh Hạ Long)

Công cụ lao động rất đơn giản, chủ yếu là các công cụ mũi nhọn. Kỹ thuật ghè đẽo chủ yếu là ghè một mặt và có thể ghè những nhát cách quãng ở mặt đối diện để tạo rìa lưỡi. Gốm Cái Bèo ở giai đoạn đầu thì thô, dày, nặng và loại hình đơn giản. Giai đoạn sau là gốm mịn, văn thừng, loại hình phong phú hơn. Gốm xốp bắt đầu xuất hiện với số lượng ít thể hiện bước phát triển mạnh mẽ của người tiền sử.

Di chỉ Cái Bèo là một trong những bằng chứng đầu tiên để có thể khẳng định, tổ tiên của người Việt cổ, từ rất sớm đã đương đầu với biển khơi và đã phát triển ở đây một nền văn hóa rực rỡ, là điểm hội tụ của nhiều yếu tố, sắc thái khác biệt vào một dòng văn hóa truyền thống rất lâu đời trong khu vực Việt Nam và Đông Nam Á: dòng văn hóa Cuội. Về phương thức cư trú và sinh sống của người Cái Bèo, ngoài săn bắt hái lượm, đã có thêm khai thác biển.

Hiện nay, trên vịnh Hạ Long có một số hang động đang lưu giữ các vết tích văn hóa của người tiền sử như là: hang Tiên Ông, hang Trống, hang Trinh Nữ, hang Bồ Nâu, động Mê Cung, động Thiên Long …Ngoài ra, hang Tiên Ông đang lưu giữ, bảo tồn những hố thám sát, hố khai quật khảo cổ với những trầm tích là vỏ ốc suối (Melania), ốc núi (Cyclophorus), là một trong những bằng chứng sinh động về phương thức cư trú, sinh sống trong hang động của người tiền sử Hạ Long thuộc văn hóa Soi Nhụ.

Di chỉ khảo cổ hang trinh nữ. (Ảnh: Ban Quản lý Vịnh Hạ Long)

Di chỉ khảo cổ hang trinh nữ. (Ảnh: Ban Quản lý Vịnh Hạ Long)

Vịnh Hạ Long còn là nơi lưu giữ rất nhiều chứng tích lịch sử qua các thời kỳ, từ phong kiến đến cận, hiện đại.

Với vị trí chiến lược quan trọng, ngay từ thế kỷ XII (năm 1149) dưới triều vua Lý Anh Tông, trong khu vực vịnh Hạ Long, thương cảng Vân Đồn đã được thành lập với nhiều bến thuyền thương mại trên các đảo quây quần trên vùng vịnh Bái Tử Long. Ngày nay những dấu tích về những bến thuyền cổ còn được tìm thấy khá dày đặc, phong phú tại các khu vực đảo Cống Đông, Cống Tây, Vân Hải, Quan Lạn… như hàng chục nghìn mảnh gốm sứ đặc trưng cho các thời kỳ Lý, Trần, Lê, Mạc cùng nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật.

Bên cạnh những dấu tích đồ sộ của các thuyền cổ, còn nhiều dấu tích của các công trình văn hóa vẫn tồn tại đến ngày nay như chùa Lấm, chùa Trong, chùa Cát và cụm di tích đình, đền, chùa Quan Lạn…

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, vịnh Hạ Long còn là nơi ghi dấu những chiến công hào hùng của dân tộc từ thế kỷ X đến thế kỷ XX, Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán (năm 938), Lê Hoàn đánh thắng quân Tống (năm 981), Trần Hưng Đạo đánh thắng quân Nguyên Mông (năm 1288).

Ngoài ra, Vịnh Hạ Long cũng là nơi lưu giữ các giá trị văn hoá phi vật thể mang đặc trưng của vùng biển như hò, vè, hát đám cưới, hát giao duyên, hò biển và nhiều lễ tục truyền thống như: lễ giở mũi thuyền, tục trồng cây nêu….

Vịnh cũng có nhiều di tích lịch sử cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ như hang Đúc Tiền: nằm ở phía Đông Nam đảo Vạn Gió (trên bản đồ có ký hiệu là hòn 376, dân gian gọi là núi Cánh Quít). Đây là căn cứ của nghĩa quân Đề Hồng, Cai Thái, nghĩa quân lập xưởng đúc súng, đúc tiền để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Pháp.

Núi Bài Thơ (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Núi Bài Thơ (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Đỉnh núi Bài Thơ cũng ghi dấu lá cờ đỏ búa liềm tung bay phấp phới trên đỉnh núi ngày 1/5/1930, đánh dấu một giai đoạn mới của phong trào đấu tranh cách mạng - của giai cấp công nhân vùng mỏ, góp phần đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp.

Ngoài ra, ngày 24/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh hội đàm với Cao ủy Pháp Georges Thierry d'Argenlieu trên chiến hạm Emin-bec-tanh trên vịnh Hạ Long.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đầu những năm 60, những chuyến tàu không số xuất phát từ khu vực Hạ Long tiến vào miền nam mang theo vũ khí, đạn dược…. góp phần vào chiến thắng vẻ vang của quân và dân ta (tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển).

Bên cạnh đó, Vịnh Hạ Long còn là nơi đầu tiên không lực Hoa Kỳ tập kích và thất bại khi mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền bắc ngày 5/8/1964 cùng với sự kiện bắt sống trung úy Alvarez, phi công Mỹ đầu tiên.

CÁC DANH HIỆU QUỐC TẾ

Di sản Thiên nhiên thế giới

Vịnh Hạ Long 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.

Lần thứ nhất: Ngày 17/12/1994, Kỳ họp thứ 18 tại Phuket, Thái Lan, Ủy ban Di sản Thế giới đã công nhận Vịnh Hạ Long vào danh mục Di sản Thiên nhiên thế giới với giá trị ngoại hạng toàn cầu về mặt thẩm mỹ. 

Lần thứ hai: Ngày 2/12/2000, tại Kỳ họp toàn thể lần thứ 24 ở thành phố Cairns, Queensland, Australia, Ủy ban Di sản Thế giới đã công nhận Vịnh Hạ Long là Di sản Thiên nhiên Thế giới lần thứ 2 theo tiêu chí về giá trị địa chất - địa mạo.

Vịnh đẹp nhất thế giới: Vịnh Hạ Long là một trong ba thành viên sáng lập và tham gia Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới từ tháng 3/1997.

Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới: Ngày 27/4/2012, tại sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội, Việt Nam), tổ chức New Open World đã trao tặng danh hiệu kỳ quan thiên nhiên thế giới mới cho Vịnh Hạ Long.

Mở rộng ranh giới Di sản thiên nhiên thế giới

Ngày 16/9/2023, tại thủ đô Riyadh, Vương quốc Saudi Arabia, ranh giới di sản thế giới Vịnh Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh được Uỷ ban Di sản thế giới tại kỳ họp lần thứ 45 phê duyệt mở rộng sang Quần đảo Cát Bà của thành phố Hải Phòng.

Sự kiện này đã đưa Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà trở thành di sản thế giới đầu tiên ở Việt Nam có ranh giới nằm trên địa phận hai tỉnh. 

Ngày xuất bản: 23/10/2023
Thực hiện theo Hợp đồng số 04/2023/HĐHTTT/STTTT-BND