Vào những năm 1965-1966, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền bắc, tăng cường khủng bố, tàn phá miền nam. Thời kỳ đó, khu vực Vĩnh Linh và Quảng Bình là nơi bị địch đánh phá ác liệt nhất, trở thành “tọa độ lửa”. Người dân tuyến lửa đã phải hứng chịu hàng nghìn tấn bom, đạn. Xóm làng bị cày nát bởi sự khốc liệt của chiến tranh. Cuộc sống của nhân dân chuyển hẳn xuống hầm hào, địa đạo.

Nhận định chiến tranh còn kéo dài, Trung ương Đảng đã đề ra Kế hoạch K8 (tức triển khai từ tháng 8/1966) và K10 (triển khai tháng 10/1967) nhằm di dân ra khỏi vùng chiến sự ác liệt, giảm mật độ dân số ở tuyến lửa, đồng thời “gìn giữ lực lượng và nòi giống”, bảo đảm cho lực lượng ở lại chiến đấu yên lòng đánh giặc. Hàng vạn đồng bào Vĩnh Linh đã được chuyển ra các tỉnh phía bắc, và hơn cả tầm của một cuộc sơ tán, hành trình của những người dân từ tuyến lửa ra vùng hòa bình đã trở thành một cuộc thiên di chưa từng có trong lịch sử. Và cho đến hôm nay, cuộc thiên di ấy vẫn in hằn trong ký ức những người con nặng tình nghĩa “quê chung”…

Cùng với nhiều địa phương miền bắc, Tân Kỳ (Nghệ An) là mảnh đất đã cưu mang, che chở đồng bào từ Quảng Trị sơ tán ra theo kế hoạch K10 khi vùng giới tuyến bị bom Mỹ đánh phá dữ đội những năm 1967-1972… Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nghĩa tình ấy luôn được các thế hệ cán bộ và nhân dân hai huyện không ngừng vun đắp và đã trở thành mối quan hệ đặc biệt với tên gọi “Quê chung”.

Tân Kỳ - huyện miền núi Nghệ An gần 50 năm sau chiến tranh, hai tiếng “Vĩnh Linh” vẫn hết sức thân thuộc. Hình ảnh và dấu ấn của Vĩnh Linh có mặt khắp nơi ở Tân Kỳ: từ cái cột nhà, giếng nước, cái nhà trâu cho đến cây tiêu, cây ớt… Nơi đây, trong những ngày bom đạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã dang rộng vòng tay đón nhận hơn 2 vạn đồng bào từ tuyến lửa Vĩnh Linh (Quảng Trị) ra sơ tán.

Năm nay đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, ông Ngô Kế Toản là một trong những nhân chứng hiếm hoi còn sót lại trực tiếp chứng kiến “cuộc thiên di” đặc biệt hàng chục năm về trước của đồng bào Quảng Trị.

Vào thời điểm đó, ông Toản được cử giữ chức Phó Ban K10 của huyện Tân Kỳ. Còn vợ ông, bà Nguyễn Thị Lộc là Chủ tịch Ủy ban hành chính xã Nghĩa Đồng. Dù không còn hoạt bát, nhưng ông Toản vẫn nhớ như in không khí khẩn trương ngày Tân Kỳ nhận nhiệm vụ.

“K8 được thực hiện trước nhằm đưa gần 3 vạn thiếu nhi Vĩnh Linh từ 7-15 tuổi ra các tỉnh miền bắc để học tập. Sau đó, là Kế hoạch K10 nhằm sơ tán người già, người tàn tật, phụ nữ và trẻ em dưới 5 tuổi ra các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Ở Nghệ An, người dân chủ yếu được đưa đến Tân Kỳ - là huyện mới thành lập năm 1963”, bà Ngô Thị Lộc, con gái cả của ông Toản kể lại.

Sách Lịch sử hệ thống hành chính Nhà nước cấp tỉnh ở Quảng Bình (1945-2000) ghi lại: Kế hoạch K10 được thực hiện bắt đầu từ tháng 10/1967 và được đánh giá là “đợt vận chuyển phức tạp và vất vả hơn nhiều” so với K8. Vào thời điểm này, việc đưa hơn 2 vạn đồng bào, chủ yếu là phụ nữ, trẻ nhỏ và người khuyết tật đi một chặng đường dài hàng trăm kilomet ra bắc dưới mưa bom bão đạn là một thử thách khổng lồ.

Bà Nguyễn Thị Kính, 82 tuổi hiện ngụ tại thôn Nam Hồ, xã Vĩnh Nam (Vĩnh Linh) nhớ lại: Chiến dịch K10 được chia làm 2 đợt; trong đó K10A áp dụng chính sách “mẹ ba con”, tức là một mẹ phải nuôi 3 con dưới 6 tuổi sẽ đi trước. Gần một năm sau, K10B được áp dụng, cho phép mẹ một con và người gia tiếp tục di tản.

Bà Võ Thị Liêu, gốc Vĩnh Nam là người Vĩnh Linh hiếm hoi hiện đang còn sống tại huyện Tân Kỳ. Tháng 10/1968, bà Liễu ôm con, rời quê hương ra bắc theo kế hoạch “số hai” mà bà gọi là “tách ra để tránh thương vong”. Ngày chia tay chồng bên dòng Bến Hải, bà đang mang thai tháng thứ 5.

Vào thời điểm này, việc đưa hơn 2 vạn đồng bào, chủ yếu là phụ nữ, trẻ nhỏ và người khuyết tật đi một chặng đường dài hàng trăm kilomet ra bắc dưới mưa bom bão đạn là một thử thách khổng lồ.

“Đường đi vô cùng khó. Tôi cho con vào thúng để gánh đi rồi lầm lũi rời quê mà chưa biết ngày về”, bà mẹ Vĩnh Linh ngồi co ro trên chiếc ghế ở sau sân nhà nhớ lại.

Nhằm tối ưu hóa lực lượng di tản, từng đội sản xuất cắt cử những dân quân thanh niên khỏe mạnh, gánh đỡ đồ đạc, hành lý và trẻ nhỏ cho những người già yếu, phụ nữ. Từ Vĩnh Linh, từng nhóm bà con được bố trí cách quãng đi bộ vượt Dốc Sỏi qua Sen Thủy, tạm nghỉ ở Hồng Thủy, Tân Ninh, Quảng Bình. Một thời gian sau đó được ô-tô chuyển đi tiếp.

Cực nhất là khi gặp những đoạn đường bị máy bay địch bắn phá ác liệt, cả đoàn phải dừng lại, xin ở nhờ các hộ dân ven đường. Để bảo đảm an toàn, mỗi khi đêm xuống, hơn 2 vạn đồng bào Vĩnh Linh mới tiếp tục băng rừng, vượt suối. Cuộc hành trình cứ mải miết dưới vầng trăng mờ ảo của tháng Mười… Đoàn người theo xe đi mà nơm nớp lo. Bởi trước đó không lâu, tháng 7/1967, trong chiến dịch K8, 39 em học sinh của xã Vĩnh Hiền đã trúng bom tử nạn khi di chuyển theo chiến dịch K8 tương tự.

Vừa đi, vừa ôm chặt đứa con bé nhỏ trong lòng, bà Liễu giật mình thon thót mỗi khi nghe tiếng ầm ì phía xa, hay mỗi khi màn đêm bùng lên màu pháo sáng.

“Chỉ tới khi đến được nơi ở mới, chúng tôi mới dám tin mình còn sống”, bà Liễu kể, những nếp nhăn lô xô ép chặt lại trên gương mặt gày quắt queo, xạm nắng.

_________________________________

Chỉ tới khi đến được nơi ở mới, chúng tôi mới dám tin mình còn sống.

Võ Thị Liêu

__________________________________

Theo báo cáo tổng kết công tác tiếp đón đột xuất Kế hoạch K10 hiện đang lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ tỉnh Nghệ An, cuối năm 1967, dân số Tân Kỳ chỉ có khoảng gần 30.000 người, nhưng lại tiếp nhận hơn 20.000 người dân Quảng Trị (đợt đầu), gồm phần lớn dân huyện Vĩnh Linh và một số ít dân 2 huyện Gio Linh, Cam Lộ. Sau đó đồng bào ra thêm và nhiều đồng bào sơ tán theo chiến dịch K8 trước đó và từ Hà Tĩnh cũng đến Tân Kỳ, cộng với số 2.612 cháu mới sinh thêm, tất cả là trên 31.000 người. Như vậy, cứ mỗi người dân Tân Kỳ che chở, bao bọc hơn 1 người Vĩnh Linh…

Nhớ lại giai đoạn chuẩn bị đón bà con Vĩnh Linh về Tân Kỳ, ông Ngô Kế Toản kể: Sau khi kế hoạch được thông qua, Ủy ban hành chính tỉnh và Ủy ban hành chính huyện cùng cán bộ, bộ đội địa phương ngay lập tức tổ chức làm công tác chính trị, tư tưởng cho nhân dân 13/15 xã sẽ nhận đồng bào về sơ tán.

Song song, một bộ phận đoàn viên, thanh niên được huy động để dựng nhà, chuẩn bị sẵn sàng cho đợt ổn định dân di cư chưa từng có trong lịch sử. Báo cáo kế hoạch K10 ghi nhận, ngay khi đồng bào sơ tán chưa đến, lực lượng địa phương đã làm được 97 ngôi nhà.

“Tinh thần của tất cả là hết lòng, hết dạ vì bà con”, bà Ngô Thị Lộc, con gái cả của ông Toản kể lại.

Tại xã Kỳ Sơn, ông Thái Khắc Quán, khi ấy là Cán bộ xã cũng chủ động dọn dẹp lại khoảnh vườn phía trước nhà, dựng nên một căn nhà đơn sơ để chờ đợi. Không khí khắp đất mới Tân Kỳ trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết.

"Tinh thần của tất cả là hết lòng, hết dạ vì bà con".

Bà Ngô Thị Lộc
Con gái ông Ngô Kế Toản

Một đêm muộn mùa đông năm 1967. Chiếc xe dã chiến sau cùng cũng chầm chậm chạm đất Tân Kỳ. Nghe tiếng động cơ ầm ì, ông Quán lật đật chạy ra thì đã thấy phía thùng xe lả cả chục người phụ nữ mang theo con nhỏ cùng lỉnh kỉnh thúng mủng, tư trang sơ sài. Bà con Vĩnh Linh tới rồi.

“Hôm ấy trời rất rét, nhưng tất cả bà con ở xã Kỳ Sơn đều ra chào đón. Ngay khi mọi người xuống xe, cấp ủy xã đã phân công từng hộ đón, nhận đồng bào về ở tạm”, ông Quán kể.

“Người dân xã Nghĩa Đồng chúng tôi chờ đón bà con Vĩnh Linh ra sơ tán đúng vào ban đêm. Mọi người tập trung chờ ở Hội quán Hợp tác xã Thượng Thắng, khuya lắm xe mới về tới nơi, cán bộ địa phương phân chia ở các xóm đón bà con. Xóm Đá Bạc và Thượng Thắng đón người Vĩnh Trung; xóm Khe Thần đón người của Hợp tác xã Mỹ Hội, huyện Gio Linh; xóm Nông trang tháng 10 đón người Hải Chữ…”, bà Ngô Thị Lộc kể lại.

Thời gian đầu, cứ một gia đình ở Nghĩa Đồng đón một gia đình ở Vĩnh Trung về ở chung một nhà.

Cũng theo bà Lộc, trên 850 người dân Vĩnh Trung sơ tán ở Tân Kỳ toàn là phụ nữ, người già, trẻ em dưới 5 tuổi. Thời gian đầu, cứ một gia đình ở Nghĩa Đồng đón một gia đình ở Vĩnh Trung về ở chung một nhà.

“Mà nhà cửa thời đó đâu có rộng rãi như bây giờ, toàn tranh tre vách đất, cũng không đủ chăn màn. Thế nhưng, người dân chúng tôi đón tiếp bà con như đón tiếp người thân của mình đi xa về”, bà Ngô Thị Lộc tiếp lời.

Ông Thái Doãn Bốn, người xã Kỳ Sơn thì nhớ lại: Thời gian bà con Vĩnh Linh ra đến nơi đã là giáp Tết. Người Tân Kỳ thương bà con xa quê nên chẳng nề hà chuẩn bị thêm vài phần bánh chưng, dăm cân thịt nạc.

“Thời đó, có gạo nhà nước cấp nhưng vẫn phải độn thêm ngô. Không đủ ăn, bà con cùng chúng tôi tăng gia thêm khoai sắn. Người dân Vĩnh Linh thích ăn ớt, ngoài các luống trồng khoai sắn khi nào cũng có thêm luống ớt”, ông Bốn kể.

Chỉ 2 tháng sau khi đến định cư ở đất Tân Kỳ, bà con đã ổn định cuộc sống và bắt tay vào sản xuất, tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Người dân 2 huyện học tập trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, chở che, cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ tận tình cho nhau. Qua những năm tháng chung sống, gắn bó đồng bào đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, cùng lao động sản xuất, khai hoang phục hóa…

Ngày xuất bản: 2/7/2024
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Nội dung: SƠN BÁCH
Ảnh: THÀNH ĐẠT
Trình bày: NGỌC DIỆP