(COPY)
Vịnh Mốc, mùa thu năm 1966.
Giữa màn đêm tối đen bỗng xuất hiện chấm đỏ của điếu thuốc sâu kèn đang cháy dở, thi thoảng lại rực lên, hắt lên khuôn mặt nhăn nheo đã quắt đi vì đau khổ của ông Hồ Văn Mò.
Mới hôm qua, người con trai cả Hồ Tỷ của ông đã nằm xuống sau chuyến vận hàng ra Cồn Cỏ.
Tiếng sóng vỗ vào chân cát ầm ào càng khiến người cha thêm quyết chí.
“Ngày mai, mi viết hộ ông lá đơn tình nguyện. Ông sẽ ra biển thay con”.
Chung quanh, gió vẫn lộng lên bốn bề, mặn mòi mùi bể khơi…
Chuyến ra khơi định mệnh
Ở Vịnh Mốc, chuyện của 3 cha con ông Hồ Văn Mò, Hồ Tỷ và Hồ Văn Triêm chắc chắn là một huyền thoại.
Năm nay đã 88 tuổi, ngày ngày, ông Triêm vẫn có thói quen dạo bước ra phía chân sóng, nhìn về phía đảo xa. Ngay gần đó là mộ của người anh trai Hồ Tỷ, người đã nằm xuống mãi mãi sau chuyến vận hàng cùng em trai một đêm tháng 9/1966. Trong căn nhà nép mình dưới khóm tre già, ông Triêm vẫn treo tấm bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Hồ Tỷ cùng 2 Kỷ niệm chương Chiến đấu và xây dựng đảo Cồn Cỏ của mình và cha.
Ngồi lặng lẽ bên hiên, ông Triêm kể: Cuối tháng 6/1966, Cồn Cỏ tiếp tục cần các loại hàng hóa cho những trận chiến tiếp theo. Chi bộ đội thuyền nhóm họp và quyết định tiếp tục phải mở đường ra đảo vào đêm 26/6.
“Đúng 16 giờ, bốn thuyền trưởng được gọi lên đại đội nhận nhiệm vụ. Tôi bất ngờ khi gặp anh Hồ Tỷ. Lúc đó, cả hai anh em chỉ nhìn nhau chứ chẳng nói gì. Tới tận lúc bốc hàng xong, trước lúc thuyền rời bến, anh mới bảo tôi: Chuyến này là chuyến đi rất khó, thời tiết xấu. Anh em ta hãy quyết tâm hoàn thành. Em nhớ đội hình và khoảng cách mà đi.”
Đúng 18 giờ, đội thuyền bắt đầu nhổ neo xuất phát. 4 chiếc thuyền gỗ hướng đảo tiến lên, chung quanh, sóng lừng lên từng đất, trời đất mịt mù. Thuyền hai anh em ông Chiêm đi ở giữa, cách nhau 60m.
Đến 23 giờ khuya, khi chỉ còn cách đảo 10km, bỗng bộ đàm bên hông 4 thuyền trường rẹt rè: Các đồng chí chú ý, có tàu địch xuất hiện phía đông nam!
Chưa kịp định thần thì địch đã xuất hiện, nhằm đoàn bắn tới tấp.
“Chưa kịp định thần thì địch đã xuất hiện, nhằm đoàn bắn tới tấp. Chúng tôi cũng nổ súng đánh trả, đồng thời bám sát đội hình để tránh bị chia cắt. Được vài phút thì thuyền anh Tỷ trúng đạn và bắt đầu chìm. Lúc này, từ phía đảo, hỏa lực ta cũng bắn ra chi viện khiến 4 tàu Mỹ bỏ chạy ra phía bắc cách đội thuyền 1km thì dừng lại”, ông Triêm kể.
Ở Vịnh Mốc, chuyện của 3 cha con ông Hồ Văn Mò, Hồ Tỷ và Hồ Văn Triêm chắc chắn là một
Huyền thoại
Đêm đó, ông vớt được hai đồng chí Hồ Tân và Lê Tiếm đang níu nhau trên một mảnh phao. Riêng các ông Hồ Duệ, Nguyễn Đức và Hồ Tỷ, phải tới tận sáng sớm hôm sau mới theo sóng đánh dạt vào bờ, trong đó ông Tỷ bị thương nặng.
Cựu thuyền trưởng Hồ Triêm
Nhìn về phía mặt biển tối đen, thuyền trưởng Hồ Triêm chỉ còn thấy những mảnh gỗ vụn nổi lên cùng vài bóng người đang chấp chới. Sau khi báo cáo tình hình, ông xin phép được quay trở lại vị trí chiến đấu để tìm anh em.
“Được đồng ý, tôi quay ngược mũi chạy về, trong lòng nóng như lửa đốt. Thế nhưng, mới đi được 1 hải lý thì tàu địch lại bất ngờ tập kích. Chỉ huy bắn 3 viên đạn vạch đường, yêu cầu thuyền tôi phải quay ngay về đảo”.
Bốc hàng xong, ông Triêm một lần nữa đi tìm đồng đội. Đêm đó, ông vớt được hai đồng chí Hồ Tân và Lê Tiếm đang níu nhau trên một mảnh phao. Riêng các ông Hồ Duệ, Nguyễn Đức và Hồ Tỷ, phải tới tận sáng sớm hôm sau mới theo sóng đánh dạt vào bờ, trong đó ông Tỷ bị thương nặng.
Ông Triêm khẽ thở dài bảo, khi ấy, ông không nghĩ được gì nhiều, chỉ nhớ lại lời dặn của anh trước khi ra khơi: “Chúng ta hãy cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”. 4 giờ chiều hôm sau, tình hình càng trở nên không ổn khi ông Tỷ vẫn chưa thể tỉnh được. Cả tiểu đội đặt quyết tâm, bằng mọi giá phải đưa được thương binh, liệt sĩ trở lại đất liền.
Phía bờ, đơn vị và địa phương đã đợi sẵn để tổ chức truy điệu, tiễn đưa và mai táng 2 liệt sĩ.
Giờ phút rời đảo nhỏ, anh em trên Cồn Cỏ đổ hết ra cầu tàu đưa tiễn. Như hiểu lòng người, biển trời thuận gió, đẩy đoàn thuyền vượt sóng về Vĩnh Linh. Đến nửa đêm, cả đội cập bến an toàn. Phía bờ, đơn vị và địa phương đã đợi sẵn để tổ chức truy điệu, tiễn đưa và mai táng 2 liệt sĩ. Riêng ông Tỷ do vết thương quá nặng nên đã được di chuyển tiếp lên bệnh viện tuyến trên.
Lớp con trước,
lớp cha sau…
Hai ngày sau chuyến ra khơi định mệnh, thuyền trưởng Hồ Triêm về thăm nhà. Lúc này, tin dữ về cuộc chạm trán giữa khơi xa cũng đã bay về ngôi làng nhỏ. Thoáng thấy bóng con, cụ ông Hồ Văn Mò xăm xắm chạy lại hỏi:
- Anh con bị thương có nặng không? Khi mô hắn trở về?
- Anh con bị thương không nặng đâu, đơn vị đã đưa anh đi bệnh viện rồi bọ! – ông Triêm đáp.
Nép ở trong trái nhà, chị dâu ông đã khóc nức nở. Linh tính của người vợ khiến chị không yên: “Chú nói thật đi, đừng giấu chị”. Nhìn đàn cháu nheo nhóc níu chặt đuôi áo mẹ, nước mắt ông Triêm cứ trào ra.
“Chỉ mình tôi biết, vết thương của anh Tỷ vô cùng nghiêm trọng. Phía thái dương bên phải của anh bị một mảnh đạn pháo găm vào. Khi vào gặp, anh chỉ có thể nói được từng tiếng một. Nhưng bữa nớ, tôi không dám cho ai biết mà chỉ bảo: Độ khoảng vài tuần là anh sẽ được ra viện thôi. Chẳng ai ngờ, tháng Hai năm sau, anh mất. Lời hứa của tôi với chị, với cha mãi không thành”.
Ngày 7/2/1967, đại gia đình họ Hồ ven biển Vịnh Mốc trắng khăn tang, đưa ông Tỷ về nằm lại bên triền đồi bazan nơi chân sóng, dưới rặng phi lao già nghi ngút gió. Người cha già, mặt đanh lại nỗi khổ đau, cố đứng thẳng lưng để làm chỗ dựa cho vợ, con dâu và bầy cháu nhỏ. Bữa đó, ông Mò không khóc. Cả đêm, ông châm thuốc sâu kèn, ngồi bên phần mộ còn nồng mùi cỏ mới nhìn về phía biển xa. Quay sang người con Hồ Triêm, ông bảo: “Chiến tranh là rứa đó con. Có khi mình ngồi trong hầm mà cũng không tránh khỏi bom đạn của thằng Mỹ. Con cứ yên tâm tiếp tục làm nhiệm vụ.”
Chiến tranh là rứa đó con. Có khi mình ngồi trong hầm mà cũng không tránh khỏi bom đạn của thằng Mỹ. Con cứ yên tâm tiếp tục làm nhiệm vụ.
Ông Hồ Văn Mò
Nói đoạn, ông hướng về người cháu trai: “Ngày mai, mi viết hộ ông lá đơn tình nguyện. Ông sẽ ra biển thay con”.
- Anh con bị thương có nặng không? Khi mô hắn trở về?
- Anh con bị thương không nặng đâu, đơn vị đã đưa anh đi bệnh viện rồi bọ!
...
Sớm hôm sau, người làng thấy ông lão 70, lưng đã còng hơn một chút vì gánh thêm nỗi mất mát, mang lá đơn lên Thường vụ Đảng ủy xin làm thuyền trưởng thay con trai.
“Các anh trên đại đội thấy ông quyết tâm nên cũng chấp nhận, nhưng chỉ để ông đi 3 chuyến. Sau này, ông được giữ lại để làm ‘cố vấn khí tượng’ cùng các cụ Cử, cụ Quy ở Vĩnh Giang. Các cụ đều là những người đã đi biển cả đời người nên chỉ cần nhìn mây trời và sóng biến là đoán định được chuyến đi có thuận hay không. Có các cụ, anh em trẻ chúng tôi càng thêm vững vàng”, ông Triêm kể tiếp.
Về sau, cả cụ Mò, ông Triêm đều được tặng Kỷ niệm chương vì đã có thành tích chiến đấu và xây dựng đảo Cồn Cỏ. Riêng ông Hồ Tỷ được truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công. Khi hy sinh, ông Tỷ là Tiểu đội trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Nếu có chết thì cũng phải chết cho vẻ vang.
Ở các thôn, xã ven biển Cửa Tùng như Vĩnh Giang, Vĩnh Thái giai đoạn 1965-1968, việc cả nhà ra biển mở đường máu tiếp tế đảo không hề hiếm gặp. Những người già còn sống vẫn kể cho nhau nghe về chuyện của cụ Trí cùng hai con cùng nộp đơn tình nguyện một ngày. Ông lão đi đầu tiên, đến cuối tháng 7/1965 thì về. Hai hôm sau, Trái, con trai cả của cụ lên đường với lời dặn của cha: “Nếu có chết thì cũng phải chết cho vẻ vang”. Sau cùng, Lý, người con gái út cũng theo chân cha anh lên thuyền hướng về Cồn Cỏ…
Ở các thôn, xã ven biển Cửa Tùng như Vĩnh Giang, Vĩnh Thái giai đoạn 1965-1968, việc cả nhà ra biển mở đường máu tiếp tế đảo không hề hiếm gặp.
Trong cuốn Ký sự miền đất lửa của 2 tác giả Vũ Kỳ Lân và Nguyễn Sinh (ông Vũ Kỳ Lân thời điểm những năm ấy là chính ủy Bộ chỉ huy quân sự đặc khu Vĩnh Linh, còn ông Nguyễn Sinh là phóng viên thường trú Báo Nhân Dân tại đây) có ghi lại những dòng mặn chát thế này về truyền thống ấy: “Hàng nghìn tấn vũ khí, kể cả pháo 75, cao xạ 37, lương thực, vật dụng… đã được những chiếc thuyền gỗ chạy buồm, chèo tay đơn sơ chở từ đất liền ra… Nhưng cái giá của mỗi viên đạn, mỗi hạt gạo đều phải tính bằng máu. Hàng trăm gia đình ở các xã ven biển có người hy sinh hoặc bị địch bắt mang đi mất tích. Có một đội sản xuất, gần như tất cả mọi người đều quấn khăn tang.”
Chiều muộn. Ông Hồ Triêm vẫn đứng trân trên triền đồi trước nhà, nhìn đăm đăm về phía Cồn Cỏ lúc này đang ẩn hiện dưới ráng nắng cuối cùng. Rặng tre già đón gió khơi, xao xác lá, tựa như gợi lại trong lòng cựu thuyền trưởng năm xưa những mảng ký ức buồn.
Vịnh Mốc, tháng 7/2024.
Trong cuốn Ký sự miền đất lửa của 2 tác giả Vũ Kỳ Lân và Nguyễn Sinh (ông Vũ Kỳ Lân thời điểm những năm ấy là chính ủy Bộ chỉ huy quân sự đặc khu Vĩnh Linh, còn ông Nguyễn Sinh là phóng viên thường trú Báo Nhân Dân tại đây) có ghi lại những dòng mặn chát thế này về truyền thống ấy: “Hàng nghìn tấn vũ khí, kể cả pháo 75, cao xạ 37, lương thực, vật dụng… đã được những chiếc thuyền gỗ chạy buồm, chèo tay đơn sơ chở từ đất liền ra… Nhưng cái giá của mỗi viên đạn, mỗi hạt gạo đều phải tính bằng máu. Hàng trăm gia đình ở các xã ven biển có người hy sinh hoặc bị địch bắt mang đi mất tích. Có một đội sản xuất, gần như tất cả mọi người đều quấn khăn tang.”
Từ Vịnh Mốc mở đường máu chi viện cho Cồn Cỏ
Lấy địa đạo Vịnh Mốc làm điểm tựa, trong vòng 6 năm, hàng nghìn chuyến tàu đã ra khơi, mở đường máu chi viện cho đảo tiền tiêu Cồn Cỏ.
>> xem tiếp...
Ba cha con cùng ra khơi tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ
Mới hôm qua, người con trai cả Hồ Tỷ của ông đã nằm xuống sau chuyến vận hàng ra Cồn Cỏ. Tiếng sóng vỗ vào chân cát ầm ào càng khiến người cha thêm quyết chí.
>> xem tiếp...
Ngày xuất bản: 21/8/2024
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Nội dung: SƠN BÁCH
Trình bày: NGỌC DIỆP
Ảnh: THÀNH ĐẠT - HÀ NAM