Cồn Cỏ nằm trên vĩ tuyến 17, cách bờ biển Kim Thạch khoảng 28km.

Năm 1965, giặc Mỹ leo thang đánh phá miền bắc, đảo Cồn Cỏ trở thành mục tiêu hủy diệt của chúng, bởi Cồn Cỏ chỉ cách quân cảng Cửa Việt 30km, án ngữ vùng biển phía đông của Quảng Trị, là cửa ngõ của Vịnh Bắc Bộ. Ngoài đánh phá bằng không quân, địch còn sử dụng tàu chiến bao vây đảo, tuần dương hạm, khu trục hạm uy hiếp và tập kích hỏa lực, dùng tàu biệt kích và tàu đổ bộ chở quân đột kích đánh phá đảo, quyết chia cắt đảo với đất liền.

Lấy địa đạo Vịnh Mốc làm điểm tựa, trong vòng 6 năm, hàng nghìn chuyến tàu đã ra khơi, mở đường máu chi viện cho đảo tiền tiêu Cồn Cỏ.

Mở đường cảm tử giữ đảo tiền tiêu

Trên địa đồ Tổ quốc, Cồn Cỏ là hòn đảo tiền tiêu án ngữ cửa ngõ phía nam vịnh Bắc Bộ, nằm vắt ngang vĩ tuyến 17 lịch sử, cách đất liền từ 13-17 hải lý. Đảo còn có tên gọi khác là Hòn Cỏ, Con Hổ, Hòn Mệ…

Đứng từ cửa biển Vĩnh Thạch ngày đẹp trời, bằng mắt thường có thể thấy rõ bóng dáng xanh rì của Cồn Cỏ ẩn hiện trong nắng trong. Ngư dân Vĩnh Linh hay ví đảo với một chiến hạm khổng lồ trấn giữ ngoài khơi xa, hay một con rùa khổng lồ hướng đầu về phía tây nam Tổ quốc.

Người Vĩnh Linh thường gọi Cồn Cỏ bằng cái tên ngắn gọn và giản đơn: Đảo. Ra đảo, đảo kia kìa, phía đó là đảo đó. Người già trong làng kể rằng, theo truyền thuyết, thuở xưa có một người khổng lồ gánh hai tảng đá lớn đi từ bắc vào nam. Đến Vĩnh Linh đứt quang, hai tảng đá rơi xuống. Tảng trong đất liền gọi là ngọn Linh Sơn ở xã Vĩnh Thụy. Tảng ngoài khơi là Cồn Cỏ.

Lịch sử Đảng bộ huyện Cồn Cỏ ghi lại: Ngày 8/8/1959, đơn vị bảo vệ đảo Cồn Cỏ thuộc Trung đoàn 270 (Khu vựcVĩnh Linh) được thành lập và hành quân ra đóng giữ đảo. Nằm ở vị trí chiến lược về quân sự, là "vọng gác tiền tiêu" của miền bắc, nên từ Cồn Cỏ, dùng các khí tài quan sát có thể theo dõi mọi động tĩnh ở đất liền và tàu thuyền từ ngoài khơi xa. Do đó, khi Mỹ phát động chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền bắc, Cồn Cỏ trở thành mục tiêu đánh phá hàng đầu.

Chỉ trong vòng 4 năm (1964-1968), máy bay Mỹ đã ném xuống Cồn Cỏ trên 13.000 quả bom các loại, hàng vạn quả rocket; 172 lần tàu chiến pháo kích trên 4.000 quả đạn pháo. Tính bình quân, mỗi hécta đất Cồn Cỏ “cõng trên mình” 22,6 tấn đạn bom.

Lúc này, công tác bảo đảm hậu cần trên đảo phụ thuộc hoàn toàn vào đất liền. Do đó, yêu cầu bổ sung quân số, vũ khí, lương thực, thực phẩm từ đất liền ra ngày càng trở nên vô cùng cấp bách.

Người Vĩnh Linh thường gọi Cồn Cỏ bằng cái tên ngắn gọn và giản đơn:

ĐẢO

Chúng tôi xác định rõ, ra biển nghĩa là sẽ có hy sinh.

Cựu thuyền trưởng Hồ Triêm

Từng là thuyền trưởng cảm tử bảo vệ đảo Cồn Cỏ, cụ Hồ Văn Triêm đưa chúng tôi ra doi cát dựa sát vào vách đồi bazan dưới chân làng Vịnh Mốc rồi trỏ về phía hòn đảo lam đang mờ tỏ dưới mây, bảo: Từ đầu năm 1965, Mỹ bắt đầu tăng cường cho máy bay, tàu chiến ngày đêm tuần tra trên biển, trên bến nhằm cắt đứt đường tiếp tế, cô lập hoàn toàn đảo.

Trước tình hình đó, thời gian đầu, Bộ Quốc phòng giao cho Quân chủng Hải quân lo việc chi viện cho đảo. Tháng 2/1965, một trạm radar chỉ huy được dựng ở Mũi Si. Tiếp đó, 2 tàu phóng lôi từ căn cứ Sông Gianh nhận nhiệm vụ chở hàng ra Cồn Cỏ. Do tàu không cập được vào đất liền, ta phải dùng thuyền nan bốc dỡ. Khi quay về, tàu ta đụng tàu địch. Trận đối đầu này cũng khiến cho tuyến vận tải đầu tiên bị lộ.

Một tháng sau, việc tiếp tế được chuyển sang cho bộ đội và dân quân Khu vực Vĩnh Linh đảm nhiệm. Tới cuối tháng 5, đảo tiền tiêu rơi vào tình trạng nguy cấp khi lương thực, đạn dược đều dần cạn kiệt. Gay go nhất là nước ngọt. Cả đảo có một cái giếng hình chữ L nhưng cũng cạn khô. Người trên đảo phải chặt chuối rừng vắt ra lấy nước uống. Địch biết điều đó nên “cho dội thật nhiều bom, phá nốt những gì còn lại trên đảo”; đồng thời dùng tàu chiến bao vây thật chặt, bịt kín mọi lối ra vào. Xảo quyệt hơn, chúng thả lên đảo năm mươi đồng bào đánh cá bị chúng bắt, làm nguồn lương thực, nước uống trên đảo cạn nhanh hơn. Những bức điện cầu cứu từ đảo đánh về mỗi lúc một dồn dập, như đốt cháy gan ruột các đồng chí lãnh đạo khu vực.

“Trước tình thế ấy, Khu ủy Vĩnh Linh khẳng định ý chí: Đảo là quả tim, dân Vĩnh Linh là mạch máu; đồng thời vận động dân quân 4 xã ven biển lên đường đi tiếp sức bảo vệ Cồn Cỏ. Lúc này, đang là Xã đội phó xã Kim Thạch, tôi đã viết đơn cảm tử ra khơi. Nhiều cụ già 60-70 tuổi cũng xung phong đi biển như các cụ Quy, cụ Bớt ở Vĩnh Quang; cụ Đăng, cụ Trí ở Vĩnh Thái. Song song, các hợp tác xã nghề cá sẵn sàng bàn giao thuyền cho đơn vị mang bí danh C22 để kịp thời chuyển hàng ra đảo”, ông Triêm nhớ lại.

Tháng 5/1965, Đại đội 22 tiếp tế cho Cồn Cỏ được thành lập, đóng quân tại xóm Xuân, xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Linh, gồm 40 chiến sĩ nòng cốt, 80 dân quân 4 xã ven biển là Vĩnh Quang (nay là thị trấn Cửa Tùng), Vĩnh Giang, Vĩnh Thạch, Vĩnh Thái.

Một đêm giữa tháng 6/1965, đoàn thuyền đầu tiên gồm 11 chiếc chở theo vũ khí, lương thực, nước ngọt rời bến Vịnh Mốc tiếp tế cho đảo thành công. Từ đây, con đường trên biển đã mở ra – con đường được dựng xây nên bằng máu, xương của những người cảm tử.

Dùng tay nguệch ngoạc phác thảo một tấm hải đồ lên… mặt cát, cựu thuyền trưởng kể tiếp: Thời gian bấy giờ, địch thiết lập nhiều “gọng kìm” trên biển. Máy bay trinh sát ngày đêm bay trên bầu trời. Tới đêm, tàu chiến tuần tra giăng kín tuyến đường từ đất liền hướng về Cồn Cỏ.

“Chúng tôi xác định rõ, ra biển nghĩa là sẽ có hy sinh”, ông Triêm nói, đồng thời kể: Ngày đầu ra khơi, ông chỉ dặn vợ ở lại giữ nhà, chăm con rồi chăm chắm chạy về phía biển. Trước khi đi, ông cùng đồng đội gửi balo, chăn màn và đồ tùy thân tại nhà quản lý để phòng trường hợp hy sinh thì gia đình còn nhận lại…

Ngày đầu ra khơi, ông chỉ dặn vợ ở lại giữ nhà, chăm con rồi chăm chắm chạy về phía biển.

“Mỗi thuyền sẽ được trang bị 1 khẩu B40, 1 trung liên RBD và 2 khẩu tiểu liên. Riêng thuyền trưởng có thêm 2 trái lựu đạn đã mở nắp, lôi dây sẵn giắt ở bên hông để sẵn sàng phát nổ khi gặp địch. Cùng lắm là chết chung chứ không để mất hàng”, lão ngư dân 88 tuổi cười nhẹ bẫng.

Ông Triêm vẫn còn nhớ rõ chuyến ra khơi của đội thuyền bạn đêm 28/5/1965. Từ chân sóng Vịnh Mốc, 12 chiếc thuyền lặng lẽ theo gió đông nam hướng về Cồn Cỏ. Thời tiết thuận lợi nên chỉ mất vài giờ, đoàn tiếp tế đã vào được đảo. Giao hàng xong, chỉ huy ra lệnh khẩn trương quay về.

Ngày tiếp theo, gió vẫn không ngừng. Chúng tôi đã bị đắm 5 thuyền trong lòng biển động. 30 đồng chí hy sinh. Tới tận chiều ngày thứ hai, nhóm còn lại mới bị gió chướng đẩy vào bờ nam và cũng bị địch bắt giữ.

Đúng 0 giờ đêm, khi đội thuyền chỉ còn cách bờ Vịnh Thái mười hai cây số, bỗng từ bên hông, ánh đạn sáng lòa. Tàu chiến Mỹ đã phát hiện ra, ầm ầm lao thẳng tới. Cả nhóm đánh trả quyết liệt nhưng chỉ chừng 20 phút sau, trời bất ngờ đổi gió đông bắc. Sóng lừng lên bốn bề, kèm theo mưa tầm tã. Thuyền gỗ nhỏ, không chịu được gió to, như những chiếc lá bị quăng đi giữa trời đêm…

“Ngày tiếp theo, gió vẫn không ngừng. Chúng tôi đã bị đắm 5 thuyền trong lòng biển động. 30 đồng chí hy sinh. Tới tận chiều ngày thứ hai, nhóm còn lại mới bị gió chướng đẩy vào bờ nam và cũng bị địch bắt giữ”, ông Triêm nghẹn ngào.

Đi biển chuyển hàng, cánh thuyền viên “ngư dân” sợ nhất loại pháo phát nổ ở trên không rồi rơi mảnh xuống. Không có chiến hào ẩn nấp, mọi người chỉ biết phơi mình chịu trận. Không ít dân quân bị các mảnh kim loại phạt ngang. Người mất, thuyền chìm…

Trong hồi ức của mình, cựu thuyền trưởng Hồ Triêm không bao giờ quên chuyển hàng ý nghĩa nhất của mình:

“Đêm 19/8/1965, thuyền tôi được cấp trên giao nhiệm vụ: Mang quà Bác Hồ gửi tặng cán bộ chiến sĩ đảo Cồn Cỏ. Chuyến đi đặc biệt thuận lợi, thuyền cập đảo từ sớm.

Tôi mang quà giao cho đồng chí Nguyễn Hữu Tứ, chỉ huy trận Pháo cao xạ Bến Nghè. Đồng chí Tứ mở hộp mới biết quà Bác tặng là chiếc đài bán dẫn nhãn hiệu Panasonic. Đồng chí mở đài mang đi khắp các trận địa. Các chiến sĩ trên đảo rất vui và hứa với Bác sẽ quyết tâm bám sát trận địa, sẵn sàng chiến đấu bắn rơi nhiều máy bay Mỹ”.

Những chuyến hàng nhuộm đỏ máu biển đêm

Để giúp chúng tôi có thể hình dung rõ hơn về con thuyền từng đưa hàng ra Cồn Cỏ những năm 1965-1968, ông Triêm cố gắng lấy bút vẽ lại hình dáng vào một tờ trang giấy học sinh đã hơi ố màu.

“Tất cả đều là thuyền gỗ nhỏ, có thể chở theo khoảng 2 tấn hàng hóa, vũ khí, nước ngọt. Mỗi thuyền có 6 người, gồm 3 bộ đội, 3 dân quân. Thuyền trưởng đều phải lựa chọn kỹ từ những ngư dân thạo nghề và có tinh thần quả cảm. Trên thuyền ngoài súng thì bộ đàm lại thiết bị hiện đại duy nhất. Chúng tôi sẽ chỉ có thể chèo tay và dựng buồm hứng gió”, cựu thuyền trưởng đội thuyền cảm tử dẫn giải.

Thời điểm ra khơi cũng chẳng giống thông thường. Nhóm tiếp viện phải căn khi tối trời, đặc biệt… đợi những ngày mù sương để xuất phát.

Thời điểm ra khơi cũng chẳng giống thông thường. Nhóm tiếp viện phải căn khi tối trời, đặc biệt… đợi những ngày mù sương để xuất phát. Nếu gió đẹp sẽ mất khoảng 4 giờ để cập vào Cồn Cỏ. Nếu không, cả nhóm sẽ phải chèo tay thêm vài giờ nữa.

Đáng sợ nhất là gặp ngày gió chướng. Biển đang bình yên bỗng cồn lên, đổi dòng theo chiều đông bắc. Từ trên cao, mưa đột ngột rào rào, rát bỏng như roi.  Sương mù tứ phía cũng ùn ùn tràn về, quây kín mít. Buồm phải hạ vì đã đã nặng trĩu nước. Đoàn thuyền nhỏ quay cuồng trong bão tố.

“Cả đêm, mọi người chia nhau lèo khèo lái để thuyền luồn lách với sóng, với gió. Chuyện anh em bị lạc hướng lênh đênh đến tận ngày hôm sau mới tìm được đảo cũng không ít”, ông Triêm hít một hơi sâu gió lộng rồi thở thõng ra.

Nhắc lại chuyện đi biển vận hàng, ông Triêm như được sống lại với thời thanh niên sôi nổi. Ông rành rọt kể: Đêm 4/8/1965, theo kế hoạch, nhóm 4 chiếc thuyền bắt đầu xuất phát. Đây đã là chuyến đi thứ 21 kể từ ngày ông viết đơn cảm tử ra khơi.  Được nửa đường, khi cách đảo 8 hải lý, bất ngờ 4 tài địch từ phía nam lao tới. Chúng bao vây đội thuyển và bắn như trút lửa, cố gắng chia cắt đội hình để dễ bề tiêu diệt.

“Qua nửa giờ giao chiến, thuyền đi đầu do đồng chí Tam chỉ huy bị trọng thương. Địch tiếp tục tập trung bắn phá thuyền tôi. Sau 15 phút, thuyền tôi cũng không trụ được. Đồng chí Trí ngã xuống; các đồng chí Xuyên, Toản, Sung bị thương. Chỉ còn lại tôi và đồng chí Kiên”.

Pháo sáng đèn pha tàu địch chiếu vào thuyền rõ như ban ngày. Nước từ phía dưới tràn vào bên trong đã xâm xấp mặt.

“Không thể cứu được nữa rồi! Phải rời thuyền thôi anh em ơi! Kiên còn khỏe ở lại vứt hết vũ khí xuống biển để không rơi vào tay địch rồi thoát sau. Anh Xuyên thương nhẹ cố dìu Dung vào bờ. Tôi sẽ kèm Toàn thương nặng. Anh em cố gắng hẹn gặp ở bên kia nhé”, thuyền trưởng gấp gáp hô hiệu lệnh rồi bắt đầu nhào về phía biển. Máu của đồng đội loang rộng trên mặt nước, thẫm đen dưới ánh đèn pha loang loáng rọi về của tàu chiến địch.

Máu của đồng đội loang rộng trên mặt nước, thẫm đen dưới ánh đèn pha loang loáng rọi về của tàu chiến địch.

Bơi được chừng một cây số, đồng chí Toàn do mất máu quá nhiều bắt đầu nói mê sảng. Ông Triêm cố gắng động viên nhưng chỉ 5 phút sau, tay người đồng chí đã buông thõng khỏi phao bơi rồi từ từ chìm vào lòng biển dữ. Những người còn may mắn sống sót nén nỗi đau cố vùng vẫy giữa khơi xa. Tới tận 5 giờ sáng hôm sau, họ mới được thuyền từ đảo ra ứng cứu.

“Sau chuyến đi ấy, cả đội được nghỉ 1 tuần để lấy lại sưc và ổn định tinh thần. Nhưng chỉ 3 ngày sau, chúng tôi lại đề nghị với đại đội tiếp tục được ra khơi. Chúng tôi không thể để máu anh em đổ xuống vô ích được”, ông Triêm nhấn mạnh, đôi mắt đục màu tháng năm bỗng hằn lên đỏ lựng.

Một chuyến đi khác cũng khiến ông không thể quên là vào ngày 4/7/1966. Đúng 7 giờ tối hôm ấy, ba thuyền xuống bến bốc hàng. Đến 8 giờ, cả đoàn nhổ neo, hướng đảo Cồn Cỏ mà tiến tới.

“Ra tới vị trí cách đảo khoảng hơn 10 cây số thì thuyền đồng chí Diệu bị gãy bánh lái. Cùng lúc đó, hai tàu chiến Mỹ lao tới, bắn tới tấp. Do đã hỏng, thuyền đồng chí Diệu bị kẹt lại. Dù rất lo cho đồng đội, nhưng chúng tôi vẫn phải đưa hàng về điểm tập kết. Bốc hàng xong đã 2 giờ sáng, anh em vội vã quay ra tìm thì không còn dấu tích gì nữa”, ông Triêm kể 

Trong ký sự Vùng đất lửa, 2 tác giả Nguyễn Sinh và Vũ Kỳ Lân kể lại về những đoàn đoàn thuyền “mất tích” khi tiếp tế cho Cồn Cỏ như sau: “Cách đất liền 15 cây số, tôi đếm vẫn đủ năm chiếc, không thấy tàu địch xuất hiện. Đột nhiên, hai chiếc tàu biệt kích từ phía bên kia đảo chồm tới. Thế là mất hút đoàn thuyền. Gọi không thấy thưa, hỏi đảo, đảo trả lời rằng không biết.”

Để tìm kiếm anh em, người trong bờ “đi dọc từ Cửa Tùng đến Lệ Thủy, vừa đi vừa gọi máy rà. Anh em men theo bờ cát, cứ vài ba phút lại gọi: Hồng Hà gọi Sông Lô, Hồng Hà gọi Sông Lô. Chỉ có tiếng sóng gió và tạp âm lạo xạo đáp lại… Gọi đến khản cả giọng nhưng “sông Lô vẫn biệt tăm. Buổi chiều trở về đến Vĩnh Thạnh, chúng tôi gặp hai ông lão và ba người đàn bà đang đứng trên bãi cãi nhìn những mảnh thuyền vỡ nát từ ngoài khơi dạt vào…

Chẳng phải giở bất cứ cuốn sổ nào, ông lão 88 tuổi làng Vịnh Mốc cứ điểm danh rành rọt từng đồng đội đã nằm xuống trên biển xanh, rõ từ biệt danh tới cả ngày mất: “Các anh Diệu, Sia, Sở, Thuyết, Văng… mất đêm 4/7/1966. Anh Toàn mất đêm 4/8/1965… Tuyến biển này giờ vẫn còn máu xương đồng đội tôi đó chú ạ…”

Kết thúc chiến tranh, Đại đội 22 và dân quân bốn xã của huyện Vĩnh Linh đã chuyển gần 7.000 tấn vũ khí, lương thực ra đảo Cồn Cỏ. 76 chiến sĩ, dân quân hy sinh và mất tích trên vùng biển Quảng Trị. Năm 1976, Đại đội tổ chức thành một đội thuyền vận chuyển hàng hóa ra Cồn Cỏ, do Tỉnh đội Quảng Trị quản lý. Đại đội 22, Trung đoàn 270 được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 24/4/2013.

Từ Vịnh Mốc mở đường máu chi viện cho Cồn Cỏ

Lấy địa đạo Vịnh Mốc làm điểm tựa, trong vòng 6 năm, hàng nghìn chuyến tàu đã ra khơi, mở đường máu chi viện cho đảo tiền tiêu Cồn Cỏ.
>> xem tiếp...

Ba cha con cùng ra khơi tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ

Mới hôm qua, người con trai cả Hồ Tỷ của ông đã nằm xuống sau chuyến vận hàng ra Cồn Cỏ. Tiếng sóng vỗ vào chân cát ầm ào càng khiến người cha thêm quyết chí.
>> xem tiếp...

Ngày xuất bản: 20/8/2024
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Nội dung: SƠN BÁCH
Trình bày: NGỌC DIỆP
Ảnh: THÀNH ĐẠT