Trong ký ức của các ông Dương Ngọc Trai, Hồ Sỹ Tuần, bà Lê Thị Thiều…, những cán bộ tham gia chiến dịch K8 năm ấy, những năm tháng đưa học sinh K8 ra bắc là khoảng thời gian mà “cái chết ở trên đầu, cái chết ở dưới chân”, sự bình yên và an toàn cho những mầm non tương lai được đổi bằng máu, rất nhiều máu.

Người Quảng Trị không ai là không biết đến K8, K10, những cuộc trường chinh lịch sử để bảo vệ những mầm non của đất nước, bảo vệ những người yếu thế giữa cuộc chiến khốc liệt, khi bom đạn còn nhiều hơn cả nắng mưa. Đặc biệt là K8, cuộc sơ tán trẻ em đi vào lịch sử thế giới, vì chưa từng có một quốc gia nào sơ tán hàng vạn trẻ nhỏ mà không có gia đình đi cùng, trải qua những chặng đường đầy gian khổ, thậm chí chết chóc, để đưa các em đến được với sự bình yên.

TỪ "TÚI BOM" GIỚI TUYẾN ĐẾN KẾ HOẠCH LỊCH SỬ

Cách đây tròn 70 năm sau, chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève được ký kết, hòa bình lập lại trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, đất nước tạm thời bị chia ra hai miền nam-bắc, dự kiến chờ 2 năm sẽ tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Vĩ tuyến 17 được xác định là ranh giới hai miền.

Đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn phá hoại Hiệp định Genève chia cắt lâu dài đất nước, biến miền nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự để tấn công miền bắc xã hội chủ nghĩa.

Trong suốt 21 năm, Vĩnh Linh là bàn đạp tiền tiêu, là điểm tập kết, trung chuyển, cửa ngõ để nguồn nhân lực, vật lực từ bắc vào nam theo cả ba đường: Qua sông, qua núi và trên biển, và cũng là nơi hứng chịu sự oanh tạc, trút giận của kẻ thù không ngày nào ngưng nghỉ. Trong suốt những năm tháng đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền bắc, mỗi người dân Vĩnh Linh phải gánh chịu 7 tấn bom đạn. Xóm làng bị cày nát bởi sự khốc liệt của chiến tranh. Cuộc sống của người dân chuyển hẳn xuống hầm hào, địa đạo. Những lớp học diễn ra trong tiếng bom rơi, đạn nổ. Một số địa đạo ở xã Vĩnh Giang, Vĩnh Quang, Vĩnh Thạch, Vĩnh Hòa bị bom Mỹ đánh sập làm hàng trăm người chết, trong đó có nhiều em nhỏ.

Trường cấp 3 Vĩnh Linh bị bom đánh sập. (Ảnh tư liệu)

Trường cấp 3 Vĩnh Linh bị bom đánh sập. (Ảnh tư liệu)

Nhận định chiến tranh còn kéo dài, để bảo vệ sự sống cho các em nhỏ, Trung ương Đảng đã đề ra Kế hoạch 8 - K8 (tức triển khai từ tháng 8/1966), nhằm di dân ra khỏi vùng chiến sự ác liệt, giảm mật độ dân số ở tuyến lửa. Với kế hoạch này, khoảng 30 nghìn em nhỏ từ 5 đến 15 tuổi ở vùng chiến tuyến Vĩnh Linh, Quảng Bình cần được sơ tán ra các tỉnh phía bắc. Mục đích của K8 là để “gìn giữ lực lượng và nòi giống”, bảo đảm cho lực lượng ở lại chiến đấu yên lòng đánh giặc; đồng thời, Trung ương Đảng cũng mong muốn các em có điều kiện học tập, sau này trở về xây dựng lại quê hương.

Ban chỉ đạo K8 do Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực làm Trưởng ban, Thứ trưởng Nội vụ Lê Tất Đắc đặc trách chiến dịch. Trưởng ban K8 đặc khu Vĩnh Linh, Quảng Trị là đồng chí Trần Đức Hạnh (ủy viên Thư ký Ủy ban hành chính), đồng chí Nguyễn Văn Tu (Phó Trưởng ty Giáo dục) làm Phó ban. Đồng chí Lại Văn Ly, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình là Trưởng ban chỉ đạo K8 Quảng Bình.

Nhà giáo ưu tú Dương Ngọc Trai, nguyên Trưởng phòng Giáo dục huyện Vĩnh Linh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Linh.

Nhà giáo ưu tú Dương Ngọc Trai, nguyên Trưởng phòng Giáo dục huyện Vĩnh Linh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Linh.

Nhà giáo ưu tú Dương Ngọc Trai, nguyên Trưởng phòng Giáo dục huyện Vĩnh Linh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Linh vẫn còn nhớ, đó là một buổi sáng tháng 6, khi ông đến Ty Giáo dục Vĩnh Linh, đóng tại chiếc lán hầm ở thôn Đặng Xá, xã Vĩnh Lâm, cạnh bờ nam sông Sa Lung, các thầy Lê Trọng Từ, Trưởng Ty, thầy Nguyễn Xuân Sang, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ và thầy Nguyễn Văn Màng, Trưởng phòng Hành chính Quản trị đã đợi sẵn để giao nhiệm vụ tham gia đội liên ngành thực hiện chiến dịch K8. Thầy Sang còn dặn thầy Trai, đây là nhiệm vụ tối mật, không được tiết lộ với bất kỳ ai.

Đội công tác liên ngành có nhiệm vụ tổ chức, triển khai kế hoạch sơ tán học sinh trên cung đường từ Vĩnh Linh đến Võ Xá, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Đội công tác liên ngành ấy có tên gọi là trạm K8 Vĩnh Linh với mật danh trạm 31B (tức số điện thoại của trạm).

Kế hoạch K8 diễn ra từ ngày 24/12/1966 đến 20/11/1967, chia làm 3 đợt:

Đợt 1 được tiến hành vào ngày 24 và 25/12/1966. Khi đó, lợi dụng Mỹ ngừng ném bom nhân dịp lễ Noel, xe của Bộ Giao thông vận tải vào Vĩnh Linh đón gần 3.000 học sinh vỡ lòng, cấp 1 và cấp 2 là con em gia đình chính sách, thương binh, liệt sĩ, có công với nước, con cán bộ B, C, K ra học tập tại các trường Võ Thị Sáu và Nguyễn Bá Ngọc (huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa).

Đợt 2 diễn ra từ ngày 19/6/1967 đến 21/8/1967, tổ chức sơ tán hơn 20.000 học sinh vỡ lòng, cấp 1, cấp 2, học sinh trường Thanh niên dân tộc, giáo sinh trường Sư phạm ra học tập tại các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Bắc Giang, Quảng Ninh.

Đợt 3 diễn ra từ ngày 22/8/1967 đến 20/11/1967, sơ tán hơn 1000 học sinh trường cấp 3 Vĩnh Linh và gần 600 học sinh vỡ lòng, cấp 1, cấp 2 còn sót lại của hai đợt trước. Học sinh trường cấp 3 Vĩnh Linh được đưa ra học tập tại huyện Tân Kỳ tỉnh Nghệ An. Học sinh vỡ lòng, cấp 1, cấp 2 được đưa đến các địa phương mà đợt 2 đến sơ tán.

Ban đầu, trạm K8 Vĩnh Linh đóng tại thôn Thủy Trung, xã Vĩnh Trung bởi địa hình rất thuận lợi cho việc tập kết học sinh. Tuy nhiên, lúc trời mưa, đường trơn trượt, xe ô-tô di chuyển rất khó khăn. Vì thế, đầu tháng 8/1967, trạm chuyển về thôn Mỹ Tú, xã Vĩnh Tú và đóng tại đây cho đến khi chuyến xe cuối cùng chở học sinh Trường trung học phổ thông Vĩnh Linh rời địa bàn. Hai địa điểm này cũng là nơi tập kết của các xã Vĩnh Quang, Vĩnh Giang, Vĩnh Thành, Vĩnh Thái.

Ngoài ra, trạm K8 còn chọn thôn Thượng Hòa, xã Vĩnh Long để tập kết các học sinh vùng Lâm-Sơn-Thủy và xã Vĩnh Long, thôn Lai Bình, xã Vĩnh Chấp là điểm tập kết của học sinh Trường Thanh niên dân tộc.

Để bảo đảm bí mật, mọi vấn đề liên quan đến chuyến đi chỉ được biết trước chưa đầy 1 ngày. Từng xã lập danh sách rồi tập trung tại các huyện, thị xã. Kế hoạch không thực hiện đồng loạt mà tranh thủ những lúc địch ngừng ném bom thì tổ chức di chuyển. Nhiều khi hôm sau đi thì chỉ chiều tối hôm trước, các gia đình nào có con đi mới biết thông tin. Gia đình nào cũng chỉ biết duy nhất tên con mình trong danh sách, mọi việc đều được giữ bí mật đến phút cuối cùng. Mỗi xe được bố trí một cán bộ hộ tống rút từ lực lượng dân quân, một y tá bảo mẫu, có 1-2 giáo viên, bình quân mỗi xe chở 40 em học sinh và cán bộ.

Trạm K8 Vĩnh Linh đồng thời tổ chức 3 công việc chính yếu. Trước hết, trạm cử một tổ công tác về các xã trực tiếp kiểm tra, đôn đốc việc chuẩn bị cho học sinh sơ tán. Song song với đó là cử 2 đồng chí làm nhiệm vụ khảo sát, nắm tình hình cung đường khoảng 50km từ Vĩnh Linh đến trạm Võ Xá (tỉnh Quảng Bình). Bên cạnh đó, có 2 đồng chí sẽ xuất phát khoảng 1 tiếng trước khi đoàn xe di chuyển để tiền trạm. Trên đường đi, nếu phát hiện có những trở ngại, xe tiền trạm phải quay lại báo cho các xe K8 biết để phân tán. Đến nơi, nhóm này sẽ tiến hành kiểm kê, lập biên bản bàn giao số lượng học sinh cho trạm Võ Xá.

Hành trình tản cư ấy diễn ra giữa muôn trùng vất vả. Các em được sắp xếp theo từng nhóm tuổi, ngoại trừ những đoạn đường có xe tải trung chuyển, nhiều học sinh phải đi bộ hàng trăm cây số. Lộ trình di chuyển lắm khi phải liều mạng vượt qua những vùng bom rơi, lửa cháy. Nhiều đoàn học sinh phải tranh thủ xuất phát ngay giữa đêm để tránh khỏi sự chú ý của địch.

Cứ như thế, các thầy cô bảo mẫu và các em nhỏ, đêm đi ngày nghỉ, hoặc ban ngày luồn rừng mà đi, cứ ngừng bom là đi. Hầu hết cô trò và các cán bộ hộ tống phải đi bộ, có những đoạn được đón bằng ô tô, có đoạn đi thuyền… Thức ăn là lương khô hoặc cơm nắm, nước uống được trữ vào ống bương mang theo mình. Những bước chân nhỏ bé ấy đã trèo đèo, lội suối, băng rừng, vượt qua hàng trăm km để ra được miền bắc.

Hình ảnh về những lần gặp mặt của học sinh K8.

Hình ảnh về những lần gặp mặt của học sinh K8.

Những đau thương

Ngày 28/7/1967, chiếc xe chở 40 học sinh của xã Vĩnh Hiền, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị và 2 thầy giáo trên đường sơ tán ra Thái Bình bị trúng bom tọa độ của quân đội Hoa Kỳ ở làng Mỹ Trung, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. 39 học sinh và một thầy giáo tử nạn, chỉ một học sinh là em Trần Văn Khỏe 8 tuổi và thầy giáo Nguyễn Văn Lý quê ở xã Vĩnh Hiền là còn sống sót.

Một chuyến xe khác chở 30 em nhỏ trên đường 22B ra Kỳ Anh, Hà Tĩnh gặp nạn, 20 em bị chết, 10 em bị thương và mang thương tật suốt đời.

Kết thúc chiến dịch có 70 con em Vĩnh Linh tử nạn, trong đó có 59 thiếu nhi.

Trong suốt 2 năm 1966 và 1967, tính đến ngày 10/10/1967, Kế hoạch K8 đã đưa được 30 nghìn học sinh, con em của Vĩnh Linh và hai huyện Gio Linh, Cam Lộ (sơ tán ra Vĩnh Linh (sơ tán ra Vĩnh Linh tháng 5/1967) ra các tỉnh Nam Hà, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa sinh sống và học tập.

Năm 1973, khi Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng, toàn bộ học sinh K8 đã được đưa trở về Vĩnh Linh, tiếp tục học tập và xây dựng quê hương.

“Đến giờ ngẫm lại mới thấy mọi chuyện quá bi hùng. Nếu chỉ tính trong giai đoạn lịch sử hiện đại, chưa bao giờ có một cuộc chiến tranh nào mà toàn bộ người dân phải rời bỏ ‘quê cha, đất tổ’, tìm đến một nơi khác để duy trì sự sống. Vậy mà, nhờ ý chí quật cường, người Vĩnh Linh đã vượt qua”, ông Trai nghẹn ngào.

NHỮNG NGƯỜI HÙNG TUỔI 19, ĐÔI MƯƠI CỦA TRẠM K8

Thầy Dương Ngọc Trai cho biết, những người tham gia chiến dịch K8 ở Vĩnh Linh lúc bấy giờ hầu hết còn rất trẻ, đều ở lứa tuổi 19, đôi mươi, chưa có gia đình, hồn nhiên vô tư. Lịch sử đã đưa họ trở thành những thầy cô “bảo mẫu”, chăm sóc cho hàng chục nghìn đứa trẻ xa gia đình, trong một hoàn cảnh không thể khắc nghiệt hơn. Những thầy cô, những cán bộ tuổi 19, 20 năm ấy đã thực sự trở thành những người hùng thầm lặng.

“Ngoài bom đạn, khó khăn nhất trong việc triển khai chiến dịch K8 là khâu giải quyết tình cảm. Khi ấy, nhiều cháu còn quá nhỏ để có thể rời xa vòng tay của cha mẹ. Và gia đình cũng chẳng nỡ xa đàn con thơ. Nhưng tất cả đành rứt ruột chia xa vì biết, nếu ở lại cả nhà có thể sẽ phải đối mặt với cái chết”, nhà giáo Dương Ngọc Trai bần thần nhớ lại.

Trong ký ức của ông Dương Ngọc Trai, những đứa trẻ năm đó còn nhỏ xíu, mỗi em đeo một chiếc tay nải được may từ quần áo cũ của cha mẹ, cũng chẳng đựng gì nhiều, có bộ quần áo cùng ít lương khô hoặc cơm nắm, đeo kèm một chiếc ống bương đựng nước. Nhiều em, chiếc ống bương còn cao hơn cả người.

Ông Dương Ngọc Trai nhớ nhất là chuyến xe chở học sinh cuối tháng 7/1967, xe ông đi tiền trạm xem đường sá, báo về cho các xe xuất phát, rồi chờ đón từng chuyến xe, bàn giao học sinh cho trạm Võ Xá.

“Hôm đó đoàn có 12 xe, chúng tôi đón được 11 chuyến rồi nhưng không thấy chiếc xe thứ 12 đâu cả. Sau đó mới biết xe đó của anh đội trưởng đội lái xe K8, khi ra tới Mỹ Trung bị bom chết hết, chỉ duy nhất một học sinh và một giáo viên sống sót”, ông Trai nghẹn ngào nhớ lại.

Lúc đó, ông Trai và các đồng đội vẫn chưa biết chuyện xảy ra với chiếc xe thứ 12, trên đường quay trở vào cũng không phát hiện dấu tích gì. Khi vào đến Vĩnh Linh, người ở Mỹ Trung (Quảng Bình) báo vào trạm, nhóm công tác mới biết và cử người quay ra khắc phục hậu quả. Sau khi chiến tranh kết thúc, di cốt tập thể của những học sinh và cán bộ trên xe được di dời về nghĩa trang Vĩnh Hiền.

Nhà giáo ưu tú Dương Ngọc Trai, nguyên Trưởng phòng Giáo dục huyện Vĩnh Linh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Linh

Nhà giáo ưu tú Dương Ngọc Trai, nguyên Trưởng phòng Giáo dục huyện Vĩnh Linh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Linh

Một trong những người nhận nhiệm vụ đi khắc phục hậu quả vụ xe bị đánh bom năm đó là ông Hồ Sỹ Tuần, nguyên là công an giao thông. “Hồi ức đó đã trở thành một nỗi ám ảnh với những cán bộ của trạm K8”, ông Tuần nói. Khi đó, bom trên đầu, đạn dưới chân, nhưng ông Tuần và các cán bộ phải lo tìm xác các em nhỏ và chôn cất ngay trong đêm.

“Máy bay đánh phá ác liệt lắm, pháo sáng ban đêm còn sáng hơn cả ban ngày, đến cái kim cũng nhìn thấy rõ. Đau xót lắm, những em bé mới chỉ 6, 7 tuổi, vừa ngơ ngác rời khỏi nhà, còn chưa hiểu trước mắt là chuyện gì, nay chỉ còn là những mảnh thân thể vương vãi khắp nơi. Những cán bộ đi khắc phục hậu quả như chúng tôi phải nén nỗi đau vào lòng, nước mắt cứ rơi nhòa hết nhưng vẫn phải tập trung làm thật nhanh để tránh máy bay địch quay lại. Sau này cứ dựa vào màu sắc, hình dáng những mảnh áo, mảnh quần rách nát mà nhận diện các em về cho cha mẹ, nhưng cũng không đáng kể”, ông Tuần kể, ánh mắt đã nhòa đi.

Ông Tuần cũng nhắc đến chuyến đi đêm 2/9/1967, khi đoàn 20 xe chở học sinh K8 vừa tắt đèn rời Vĩnh Linh, đi qua Dốc Sỏi thì bị máy bay Mỹ phát hiện và đánh phá. Khi đó, ông Trần Chí Thành (công tác tại Công ty ô-tô vận tải Khu vực Vĩnh Linh) bắc tay làm loa kêu gọi cả đoàn xe quay về trú tại vùng đồi Vĩnh Chấp, còn ông bật đèn pha, một mình chạy tiếp để đánh lạc hướng. Đúng như dự đoán, máy bay địch bám theo chiếc xe bắn phá và ném bom xối xả, nhưng may mắn ông chỉ bị thương, còn 20 chiếc xe chở học sinh bình an vô sự. Sau này, ông Trần Chí Thành được phong Anh hùng Lao động.

Ông Hồ Sỹ Tuần và vợ.

Ông Hồ Sỹ Tuần và vợ.

Năm nay 86 tuổi, đã gần 60 năm kể từ khi được Ty công an Vĩnh Linh điều động đến trạm K8, ông Hồ Sỹ Tuần không nhớ mình đã đồng hành cùng bao nhiêu chuyến xe học sinh qua nhiều chặng đường nguy hiểm.

“Hễ trời tối, chúng tôi lại dẫn các cháu đi để tránh sự chú ý của máy bay. Đoàn xuất phát từ khoảng 7-8 giờ tối. Ngoài danh sách đã được lập trước đó, số lượng học sinh di chuyển còn phụ thuộc vào số xe ô-tô được cấp tại điểm đón của trạm. Tôi công an giao thông nên vô cùng thông thuộc đường đi, được giao phụ trách bảo an cho mỗi chuyến xe”.

Cả chiến dịch K8 lẫn K10, ông Hồ Sỹ Tuần đều phụ trách trông coi sự an toàn của những đoàn người di chuyển. “Với cuộc đời tôi, đó là những phi vụ có ‘một không hai’. Di chuyển dưới những làn bom đạn chẳng khác nào tình cảnh cái chết treo lơ lửng trên đầu. Thế nên, cứ một đợt di chuyển an toàn là một lần tôi thở phào nhẹ nhõm vì đã hoàn thành nhiệm vụ”, ông Tuần hồi tưởng.

Ông Hồ Sỹ Tuần, nguyên là công an giao thông, bảo vệ an toàn cho các xe K8.

Ông Hồ Sỹ Tuần, nguyên là công an giao thông, bảo vệ an toàn cho các xe K8.

Nếu như các ông Dương Ngọc Trai và Hồ Sỹ Tuần có nhiệm vụ tiền trạm và bảo đảm an toàn cho các đoàn xe, thì bà Lê Thị Thiều nhận một nhiệm vụ tưởng dễ nhưng “khó nhằn” hơn nhiều, nhất là khi bà mới vừa tròn 19 tuổi, thậm chí còn chưa có người yêu. Đó là hộ tống, chăm sóc các em nhỏ trên suốt chặng đường và ở trường học mới.

Sau khi đi thanh niên xung phong, cuối năm 1966, bà Lê Thị Thiều được phân công làm giáo viên, trở thành mẹ nuôi cho các em nhỏ trong đợt di chuyển đầu tiên của chiến dịch K8. “Bắt đầu từ xã Vĩnh Hiền, đoàn xe chở chúng tôi di chuyển cả đêm qua từng trạm của mỗi tỉnh và mất hàng chục ngày liền mới đến được huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa”, bà Thiều kể lại.

Trở thành “mẹ nuôi” cho các em ở Trường Nguyễn Bá Ngọc (huyện Thọ Xuân) khi chỉ mới 18, 19 tuổi, bà không tránh khỏi những lúc lúng túng. Xe đi ban đêm, tắt hết đèn để giữ bí mật, cho nên các thầy cô bảo mẫu cũng không nhớ hết mặt trẻ. Trên đường đi bom rơi đạn nổ, trẻ con thì khóc vì sợ, khóc vì nhớ bố mẹ. Có nhiều đoạn đường phải đi bộ, cô bảo mẫu phải đeo giúp ba lô, tay nải, thậm chí có những cháu mệt quá không đi nổi, bảo mẫu phải cõng. Trèo đèo lội suối, túi đeo phía trước, phía sau, lưng cõng tay dắt, cứ thế bà Thiều cùng những đứa trẻ lầm lũi vượt qua từng mét đường.

“Tôi không thể nào quên được hình ảnh những đứa trẻ còn thơm sữa mẹ, òa khóc khi rời xa vòng tay gia đình. Có vài em còn nhảy khỏi xe, đòi về nhà khiến các thầy, cô giật mình thon thót. Gia đình nào có nhiều con phải chia ra nhiều xe, để tránh gặp rủi ro, xe này chẳng may trúng bom chết thì còn anh, chị, em ở xe khác”, ánh mắt bà nhìn xa xăm khi nghĩ về chuyện cũ.

Đến tận bây giờ, bà Lê Thị Thiều vẫn day dứt khi nhớ về cậu học trò nhỏ tên Sơn mà bà đã chăm bẵm suốt quãng đường tản cư từ Vĩnh Linh ra Thanh Hóa.

“Trong đầu tôi vẫn nhớ rõ mồn một hình bóng của Sơn. Cậu bé chỉ chừng 6, 7 tuổi. Năm 1967, chúng tôi phát hiện Sơn bị bệnh tim và phải chữa trị suốt thời gian dài ở Bệnh viện đa khoa Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Thế nhưng, lúc đó, y học còn hạn chế, lại trong chiến tranh, điều kiện vô cùng thiếu thốn. Bệnh của Sơn ngày càng nặng thêm”, bà Thiều kể lại.

“Những ngày cuối đời của Sơn, tôi luôn cận kề em, ôm em vào lòng. Dường như, Sơn cũng cảm nhận được điều gì đó nên cứ nắm tay tôi và nói ‘cô ơi, cô ngồi với em, đừng đi nghe’. Sơn mất để lại trong tôi nhiều niềm tiếc nuối”, mắt bà rưng rưng khi nhớ đến cậu học trò cũ.

“Thực ra, trong thời chiến tranh, ly biệt là chuyện thường tình. Chiến tranh kết thúc, không ít học sinh K8 ngày trở lại quê hương mất cả cha lẫn mẹ. Bây giờ ngẫm lại, dù còn nhiều day dứt nhưng lòng tôi cũng vơi đi phần nào khi mọi chuyện đã qua”, bà Thiều chia sẻ.

K8 TRONG TIM NHỮNG ĐỨA TRẺ NĂM XƯA

Những em bé đi K8 năm xưa, nay đều đã ở tuổi ông, bà. Nhưng những ký ức về những ngày tháng đó vẫn không hề phai mờ, như thể mới chỉ ngày hôm qua.

Ông Nguyễn Viết Tiện ở thị trấn Cửa Tùng kể lại, những tháng ngày đi K8 năm ấy với một đứa trẻ 10 tuổi như ông vừa vui vẻ, vừa đáng sợ. Vui vì nghe người lớn nói là được ra Hà Nội gặp Bác Hồ, với một đứa trẻ trong chiến tranh, việc đó là hạnh phúc lớn lao nhất trong cuộc đời.

“Khi đó mừng quá là mừng, chỉ mong được đi thật nhanh để được gặp Bác Hồ, không cần phải nói gì nhiều. Cha mẹ chỉ chuẩn bị cho một tay nải gồm quần áo, một ống bương nước và một cái mũ tre”, ông Tiện kể lại.

Còn sợ là vì suốt chặng đường, bom rơi đạn nổ khắp nơi, không biết sống chết lúc nào. Trong tâm trí của một đứa trẻ, mặc dù chưa hiểu đầy đủ về chiến tranh, nhưng chứng kiến cái chết lúc nào cũng cận kề quả là điều vô cùng đáng sợ.

“Mạ tôi gan dạ lắm. Mạ là người đưa hai anh em tôi đi bộ ra điểm tập kết ở Vĩnh Chấp, Vĩnh Tú (giáp Quảng Bình). Đường đến điểm tập kết khá xa nhà và rất nguy hiểm. Nhưng nắm chặt tay hai con, mạ vẫn cương quyết đưa chúng tôi đi để được an toàn. Khi băng qua rú Lịnh bị địch ném bom, lập tức bà nhấn đầu hai anh em ngồi thụp xuống ven đường, nằm bò xuống dang tay che cho chúng tôi. Cứ thế vừa mò đường đi vừa tránh bom. Em gái tôi 6, 7 tuổi, cũng đi cùng đợt này nhưng được ngồi xe vì nhỏ hơn, còn lứa 9, 10 tuổi như chúng tôi đi bộ cùng các cô chú bảo mẫu ra tận Ninh Bình”, ông Nguyễn Viết Tiện vẫn nhớ như in về lần đầu tiên xa nhà đi sơ tán.

Ông Nguyễn Viết Tiện ở thị trấn Cửa Tùng vẫn giữ bảng thanh toán tiền ăn, tiền tiêu vặt cho các cháu thuộc học sinh K8.

Ông Nguyễn Viết Tiện ở thị trấn Cửa Tùng vẫn giữ bảng thanh toán tiền ăn, tiền tiêu vặt cho các cháu thuộc học sinh K8.

Đoàn xuất phát di chuyển vào ban đêm. Đến trạm K8 của các tỉnh có sẵn cán bộ ở đó lo cơm nước. “Mỗi buổi sáng, chúng tôi được ăn cơm trộn cùng muối vừng đen. Đi bộ đường dài rất mệt, đứa nào cũng ăn ngấu nghiến rất ngon”, anh Tiện nhớ lại.

Ông Nguyễn Viết Tiện vẫn nhớ đoạn phà Gianh ở Quảng Bình là vất vả nhất. Khi đó chưa có phà, mà chỉ đi đò. Cả đoàn ra đến giữa sông thì máy bay địch đến đánh.  “Trên trời, quân địch đánh bom dữ dội. Dưới sông, cô trò ôm nhau ngồi trên đò. Chúng tôi sợ mà không dám khóc to. Giờ nghĩ lại, chắc là bom đạn tránh mình chứ hồi bé có biết gì đâu mà tránh bom đạn”.

Đến tỉnh Hà Nam, ông Tiện được gia đình ở xã Hòa Lý (huyện Lý Nhân, tỉnh Nam Hà cũ) nhận nuôi.

“Tôi vẫn nhớ khoảnh khắc sáng sớm, chú cán bộ xã cầm cuốn sổ to rồi đọc danh sách phân công gia đình nhận nuôi các học sinh. Ngay khi chú vừa dứt lời, tôi được một cặp vợ chồng đến đón về. Kể từ đó, cuộc đời tôi có thêm một thầy, một mẹ nữa”, ông Tiện nghẹn ngào khi nhắc lại chuyện xưa.

Mỗi buổi sáng, chúng tôi được ăn cơm trộn cùng muối vừng đen. Đi bộ đường dài rất mệt, đứa nào cũng ăn ngấu nghiến rất ngon

Ông Nguyễn Viết Tiện

Về nhà mới, ban đầu, ông Tiện thấy rất bỡ ngỡ vì “giọng miền trung tôi nói trọ trẹ quá, mọi người không hiểu được”. Nhưng lâu dần thành quen, cậu bé 11 tuổi nhanh chóng hòa nhập với các thành viên trong gia đình.

“Trong nhà, mọi người ăn cái gì, tôi ăn cái đó; mọi người làm cái gì, tôi cũng học làm bằng được cái đó để đỡ dần gia đình phần nào. Tôi đi vớt bèo, mót lúa, đập lúa, xuống đồng làm ruộng. Dần dần, tôi hòa nhập và trở thành con cháu trong nhà”, ông Tiện nói.

Theo chế độ, các em học sinh đi sơ tán theo diện Kế hoạch 8 sẽ được cung cấp kinh phí mỗi tháng. Học sinh nam sẽ nhận được 7 hào và học sinh nữ sẽ nhận 1,2 đồng mỗi tháng. “Tôi dành 2 hào để đi cắt tóc và 5 hào để đi xem phim, ăn dưa chuột. Chúng tôi luôn thấy mình may mắn vì dù xa nhà vẫn được nhà nước và bà con lối xóm đùm bọc từng chút một”, ông chia sẻ.

Cũng với lời hẹn “đi để được gặp Bác Hồ”, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ý ở xã Vĩnh Tân, khi ấy chỉ mới chừng 11 tuổi cùng em gái nhỏ 7 tuổi háo hức rời quê hương ra miền bắc.

Tháng 8/1967, cha mẹ gọi thầy Ý và em gái thức dậy, đưa cho một cái gùi bên trong có mấy bộ quần áo cùng một chiếc ống tre đựng nước và dặn “đây là hành trang để ra miền bắc học tập và gặp Bác Hồ nghe con”.

“Nói rồi, cha dắt chúng tôi đến điểm tập kết, đi dọc các hào, men theo các lối tắt để tránh bị địch phát hiện. Ra đến nơi tập trung, tôi choáng ngợp vì thấy quá nhiều người. Một vài bạn trong đó khóc lớn, mẹ con ôm nhau không rời. Khi ấy, tôi mới biết là mình sắp sửa đi sơ tán”, thầy Ý nhớ lại.

Thầy trò trường cấp 3 Vĩnh Linh trở về từ nơi sơ tán Tân Kỳ, Nghệ An, bắt tay vào xây dựng trường lớp. (Ảnh tư liệu)

Thầy trò trường cấp 3 Vĩnh Linh trở về từ nơi sơ tán Tân Kỳ, Nghệ An, bắt tay vào xây dựng trường lớp. (Ảnh tư liệu)

“Chỉ cần ngừng ném bom là chúng tôi đi. Đoàn tôi đi suốt hàng tháng trời, hầu hết là đi vào ban đêm. Ban ngày, chúng tôi sẽ nghỉ ngơi để lấy sức chờ tối đi tiếp. Đến một số đoạn an toàn, chúng tôi được leo lên xe. Đèn xe có khi tắt tối om để đánh lừa máy bay, có khi chạy giữa bãi cát để tránh bom. Trên xe bít bùng, chúng tôi đồng thanh hát vang. Hát để quên đi những ác liệt của chiến tranh”, với thầy Ý, hành trình K8 luôn đầy ắp những kỷ niệm khó quên.

Ban đầu, thầy Nguyễn Ngọc Ý tập kết ở xã Yên Thành, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Theo phân công, toàn bộ con em xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Linh) sẽ cùng ở tại xã Yên Thành. Chưa đầy 1 tháng sau, thầy được phân công về xã Yên Nghĩa.

“Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh người người đông đúc chen ở sân kho của xã. Tất cả mọi người được tập hợp lại, các ông bà và cháu nhỏ đều được phát mỗi người nửa chiếc bánh trung thu và 2 múi bưởi. Chủ tịch xã cho biết đó là quà nhân dịp rằm Trung Thu. Tôi vui sướng ăn từng miếng một”, thầy Ý nhớ lại.

“Ngay sau đó, đến mục nhận gia đình, ai ai cũng hồi hộp và mong chờ xem mình được về nhà nào. Người dân địa phương cũng trong ngóng và tò mò không biết mình được nuôi bé trai hay bé gái. Một gia đình đến đón tôi, hai ông bà già ôm tôi vào lòng và nói ‘từ nay, con đến ở với ông, bà nhé”, thầy Ý kể tiếp.

Item 1 of 4

Một số hình ảnh về những lần gặp mặt của học sinh K8.

Một số hình ảnh về những lần gặp mặt của học sinh K8.

Một số hình ảnh về những lần gặp mặt của học sinh K8.

Một số hình ảnh về những lần gặp mặt của học sinh K8.

Một số hình ảnh về những lần gặp mặt của học sinh K8.

Một số hình ảnh về những lần gặp mặt của học sinh K8.

Một số hình ảnh về những lần gặp mặt của học sinh K8.

Một số hình ảnh về những lần gặp mặt của học sinh K8.

Yên Nghĩa, Yên Thành là quê hương thứ hai của thầy Nguyễn Ngọc Ý. Rời Nam Định năm 1973 khi tỉnh Quảng Trị được giải phóng, thầy Ý về học tiếp và thi vào ngành sư phạm. Đến năm 1979, thầy liền đăng ký thực tập ở một trường cấp 3 gần đó để lại được về “quê hương thứ hai”.

 “Lần đó, tôi về nhà, ông đã mất, vào nhà chỉ thấy còn mỗi bà đang ngồi gọt khoai. Tôi đến hỏi: ‘bà có nhớ cháu không, cháu là Ý đây’. Vừa nghe dứt lời, bà bỏ cả rổ khoai lang, ôm tôi òa khóc và nói rằng, nếu ra sớm một năm thì tôi có cơ hội gặp lại ông rồi”, thầy Ý nghẹn ngào.

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ý.

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ý.

Mỗi lần có dịp ra bắc, thầy Nguyễn Ngọc Ý lại ghé về Yên Nghĩa, với cảm giác như một người con xa xứ trở về. Đến tận bây giờ, ông vẫn luôn giữ liên lạc với gia đình từng cưu mang và đùm bọc mình. Kể cả khi ông bà đã mất, anh em trong gia đình vẫn luôn dặn nhau rằng, còn có một người anh, người chú nữa ở Quảng Trị.

Với ông Nguyễn Đình Tế (nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Cửa Tùng), cũng như thầy Nguyễn Ngọc Ý, Nam Hà (cũ) như quê hương thứ hai của ông. Năm đó, ông rời quê hương ra đi cũng vì lời dỗ “ra bắc gặp Bác Hồ”.

Ông Nguyễn Đình Tế kể lại, cả quãng thời gian đó, đứa trẻ nào ở Vĩnh Linh cũng sống trong mông lung, cả ngày rúc trong hầm, bom đạn rơi suốt ngày. Nhà nước hỗ trợ lương thực nhưng không thể đi lấy được về mà ăn vì bom quá dữ dội. Tháng 8/1967, bom Mỹ đánh ác quá, trẻ con chết rất nhiều. “Với lũ trẻ chúng tôi thì điều đó hết sức bình thường. Ban ngày đi mò cua vì nước lên, đang ngụp lặn thì máy bay từ trong nam ra bắn xối xả, tôi cứ thế chạy dọc bờ ruộng lấp xấp, rồi cũng chạy thoát. Khi đó, cha tôi làm Phó công an xã, đang đứng chờ dân bên hầm xã đội để đưa về tuyến sau. Thấy tôi lóp ngóp chạy máy bay, cha quyết định cho tôi đi theo đoàn luôn”.

Điều đau xót nhất với ông Nguyễn Đình Tế là ngay sau khi vừa rời đi, bom Mỹ đã đánh tan căn hầm xã đội, nơi có người cha trú ẩn trong đó. Lúc đó, người dân chung quanh xin được cánh cửa nhà thờ để làm tạm áo quan chôn cất ông. Ngay trong đêm đó, anh em ông được đưa thẳng ra Vĩnh Trung, nơi tập kết.

Khi đi, ông Tế mặc độc chiếc quần đùi, được chú bộ đội cho một cái quần, cắt ống ra buộc lại rồi bỏ lương khô, quần áo vào trong đó, cùng với một ống tre lồ ô đựng nước. Đoàn của ông Tế được đi ô-tô ra Quảng Bình, nghỉ ngơi rồi tiếp tục được xe đón ra Hà Tĩnh. Từ Hà Tĩnh, cả đoàn bắt đầu đi bộ, ngày đi đêm nghỉ, chuyến đi kéo dài cả tháng. Đêm 28/7/1967, khi chiếc xe thứ 12 của xã Vĩnh Hiền bị đánh bom ở Mỹ Trung, thì đoàn của ông Tế đang ở Quảng Bình. Chặng đường nào cũng nguy hiểm, chỉ khi ra đến Ninh Bình mới thở phào nhẹ nhõm.

Đến Nam Hà, các nhóm học sinh được phân về các xã khác nhau, theo các gia đình nhận nuôi. Hai anh em ông Tế không được ở với nhau do anh trai ông học cấp 2, phải ở gần trường học.

Đồng bào Vĩnh Linh trở về từ Tân Kỳ, Nghệ An sau khi Hiệp định Paris được ký kết. (Ảnh tư liệu)

Đồng bào Vĩnh Linh trở về từ Tân Kỳ, Nghệ An sau khi Hiệp định Paris được ký kết. (Ảnh tư liệu)

“Ra đến Hà Nam, chúng tôi làm quen với cuộc sống mới rất nhanh. Người dân ai cũng chân tình, thân thiện, nghe giọng đã thấy cảm mến, hết sức nhẹ nhàng, tình cảm. Các gia đình thương yêu các cháu K8 như con cái trong nhà”, ông Tế kể.

Khi đó, ông Tế và các học sinh K8 cũng có nhiều trò nghịch ngợm khiến các bố mẹ nuôi “đau đầu”. Tuy nhiên, việc học hành của học sinh K8 năm đó lại rất ổn định, bản thân học sinh K8 cũng bảo nhau học hành chăm chỉ, nổi bật trong mọi hoạt động, phong trào, sánh vai với học sinh địa phương.

“Chúng tôi cố gắng học chăm vì vẫn nhớ đến phần thưởng được gặp Bác Hồ”, ông Tế nói.

Ông Nguyễn Đình Tế.

Ông Nguyễn Đình Tế.

Cho đến bây giờ, ông Nguyễn Đình Tế vẫn giữ liên lạc với gia đình đã nuôi nấng mình. Năm nào ông cũng ra Hà Nam thăm mọi người, tham dự các hoạt động của địa phương.

Chiến tranh đã đi qua gần 50 năm, lịch sử cũng đã viết những trang rực rỡ. Nhưng có một dòng chảy lịch sử vẫn ngày đêm chảy trong ký ức của những người con Vĩnh Linh năm ấy, những ngày tháng đau thương nhưng cũng hết sức hào hùng, không bút sách nào tả hết được. Những năm tháng mà trẻ nhỏ được bao bọc, bảo vệ, được đưa ra khỏi vùng chiến sự và trở thành một chiến dịch sơ tán trẻ em có một không hai trên thế giới.

Những em bé K8 năm ấy, giờ đã đầu hai thứ tóc, có người đã lên chức ông, bà. Học sinh K8 phần lớn là thành đạt, nhiều người giữ những trọng trách của ngành, địa phương, thậm chí Trung ương. Cho đến nay, các cựu học sinh K8 các xã vẫn thường xuyên gặp gỡ, trao đổi thông tin với nhau, giúp đỡ, hỗ trợ nhau khi cần thiết. Với những học sinh và cả các cán bộ, thanh niên xung phong, bảo mẫu tham gia chiến dịch năm đó, K8 không chỉ là một kỷ niệm nhớ mãi không quên, K8 còn là máu thịt, là gia đình, là một phần không thể thiếu trong cuộc đời.

Ngày xuất bản: 25/8/2024
Tổ chức sản xuất: HỒNG MINH - HỒNG VÂN
Nội dung: LÂM QUANG HUY - TUYẾT LOAN - NGỌC KHÁNH
Trình bày: PHÙNG TRANG
Ảnh: TUYẾT LOAN; NGỌC KHÁNH; ẢNH TƯ LIỆU