
Chiến sĩ Phạm Đình Tuấn
(Cục Cảnh sát giao thông)
Chiến sĩ Cảnh sát giao thông thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an.
1/10/2021: Anh được điều động tham gia tăng cường đợt 2 cho công an thành phố Hồ Chí Minh từ ngày, công tác tại Trạm Cảnh sát giao thông Tây Bắc, nằm trên tuyến đường Quốc lộ 22.
Năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên phạm vi cả nước diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt trong giai đoạn từ ngày 27/4 đến cuối năm, dịch bệnh bùng phát, lây lan mạnh, nhất là tại các tỉnh, thành phố phía nam, tác động rất lớn đến đời sống nhân dân và mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.
Anh Tuấn – chiến sĩ cảnh sát thuộc Cục Cảnh sát giao thông, hiện đang công tác tại Hà Nội được điều động tham gia tăng cường đợt 2 cho Công an Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 1/10/2021. Nhiệm vụ của anh là bảo đảm việc kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện qua lại trại Trạm Cảnh sát giao thông Tây Bắc. Công việc tưởng chừng đơn giản, nhưng thực sự anh gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh lây lan diện rộng tại các tỉnh miền nam. Bình thường, việc bảo đảm lưu thông thông suốt của các phương tiện giao thông đã không hề đơn giản, trong bối cảnh dịch bệnh còn cần bảo đảm công tác phòng, chống dịch nên trách nhiệm và nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát giao thông càng thêm nặng nề.
Đặc biệt vào tháng 7 và tháng 10/2021, nổi nên tình hình người dân từ các tỉnh miền nam về quê tránh dịch bằng xe máy tự phát khiến việc bảo đảm an toàn giao thông cũng như bảo đảm phòng, chống dịch trở nên cực kỳ khó khăn. Gần như các anh phải trực chiến cả ngày lẫn đêm, sẵn sàng xử lý ngay khi có ca F0 xuất hiện, tránh xảy ra các tình huống mất kiểm soát của nhân dân,…

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, anh được chứng kiến biết bao cảnh người, cảnh đời khổ cực. Có những gia đình đã cẩn thận xét nghiệm âm tính ngày hôm trước để được về quê tránh dịch, ấy vậy mà hôm sau xét nghiệm tại trạm lại dương tính, và thế là đường về quê đã xa giờ còn xa hơn. Các anh phải đưa họ về nơi cách ly theo quy định, bởi điều này liên quan tới an toàn của bao người dân khác. Dẫu vậy, ánh mắt buồn bã, bất ngờ xen lẫn sợ hãi của họ khiến trái tim người chiến sĩ trẻ nặng trĩu.
Anh kể lại:
Có một vị bác sĩ làm việc tại trạm không may bị lây nhiễm SARS-CoV-2 mà không biết, về nhà lại lây cho người thân trong gia đình, và người mẹ già đã không thể chống chọi với dịch bệnh mà ra đi để lại nỗi day dứt và hối tiếc trong lòng người con và những người ở lại. Biết chuyện, chúng tôi ai cũng thấy đau xót, nên tự nhủ phải nghiêm túc hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần không cho dịch bệnh lây lan và những tình huống đáng tiếc như trên không tái diễn nữa.
Ngày ngày qua trạm, là những xe hàng tất tả chở hàng hóa thiết yếu cung cấp cho người dân, là những chiếc xe máy chất đầy trên mình đồ đạc lỉnh kỉnh cùng những con người vội vã trở về quê lánh dịch trong nỗi hoang mang,... Nhìn những cảnh ấy, dẫu mệt mỏi bởi trực chiến ngày đêm, bởi cái nắng gay gắt mà chưa kịp làm quen, lại thêm sự bí bách của bộ đồ bảo hộ, anh vẫn luôn cố gắng hết sức làm thủ tục thông chốt thật nhanh chóng, đúng quy trình, để không ai thiếu thốn trong dịch bệnh, để những người con được an toàn trở về nơi mái ấm gia đình,...
Thực hiện nhiệm vụ ở trạm, không kể ngày đêm mưa nắng, vất vả là vậy nhưng anh có một nguồn động viên to lớn đến từ vợ con – những người ở ngoài bắc luôn chia sẻ cùng anh những câu chuyện vui buồn thường nhật, và không ngừng cầu mong hết dịch để anh được trở về bên gia đình, hay đơn giản là đến từ những người dân luôn tuân thủ giấy tờ thông quan đầy đủ để vơi bớt nỗi nhọc nhằn nơi người chiến sĩ giao thông, bởi chính họ cũng hiểu việc các anh đang làm là vì nước vì dân.
Cứ như vậy, những câu chuyện cảm động theo chân các anh trên mọi cung đường thực hiện nhiệm vụ. Dẫu nắng gắt mưa rào, đội của anh vẫn bám trụ địa bàn, hỗ trợ tối đa người dân, làm sao để người dân được an toàn, xe hàng được lưu thông và dịch bệnh không lây lan. Và ở nơi ấy, tình quân dân, tình đồng đội cứ chan hòa mặc con sóng dịch vẫn đang xô tràn mọi ngóc ngách, mọi phận đời.