Gỡ "nút thắt" cho các bệnh viện đấu thầu, mua sắm

Trong thời gian qua, để khắc phục khó khăn, vướng mắc trong công tác mua sắm, đấu thầu và tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế Quốc hội đã ban hành Luật Đấu thầu năm 2023, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 96/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Nghị định số 24/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu;

Bộ Y tế đã ban hành các Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Đấu thầu về công tác mua thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế để các đơn vị áp dụng như: Thông tư số 04/2024/TT-BYT ngày 20/4/2024 quy định danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với thuốc; Thông tư số 05/2024/TT-BYT ngày 14/5/2024 quy định danh mục thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được áp dụng hình thức đàm phán giá và quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu áp dụng hình thức đàm phán giá; Thông tư số 07/2024/TT-BYT ngày 17/5/2024 quy định về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập.

Hệ thống văn bản pháp luật khá đầy đủ đã tạo sự thông thoáng về cơ chế, chính sách trong đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế. Tuy nhiên, không ít cơ sở y tế vẫn còn những băn khoăn. Tuyến bài "Gỡ "nút thắt" cho các bệnh viện đấu thầu, mua sắm" phản ánh câu chuyện vì sao vẫn xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế; sự vào cuộc kịp thời của Chính phủ, Quốc hội, Bộ Y tế ban hành các văn bản pháp luật sát thực tiễn và ghi nhận những điểm sáng, mô hình hay trong đấu thầu, mua sắm tại một số bệnh viện lớn.

Để giải quyết bài toán của đơn vị mình trong công tác đấu thầu, mua sắm, một số cơ sở y tế có những cách làm riêng để từng bước chủ động tháo gỡ vướng mắc, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế cục bộ. Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Chợ Rẫy đã thành lập đơn vị quản lý đấu thầu, trong khi đó một số bệnh viện khác đã xây dựng kế hoạch dự trù, linh hoạt đấu thầu dựa theo năng lực.

Thành lập đơn vị quản lý đấu thầu

Tiên phong trong xây dựng đơn vị chuyên môn riêng về đấu thầu từ năm 2018, cơ sở y tế tiếp nhận số lượng bệnh nhân đông nhất phía nam là Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đã dự trù được số lượng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế bảo đảm cho công tác khám, chữa bệnh và các bước triển khai đấu thầu được xây dựng rất bài bản.

Một năm, bệnh viện triển khai khoảng 400 gói thầu, 9 tháng năm 2024, bệnh viện đã triển khai thực hiện 283 gói thầu nhằm phục vụ hoạt động toàn viện, trong đó bao gồm cả đấu thầu cho hoạt động tại nhà thuốc

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho hay, từ năm 2018, khi lượng bệnh nhân tăng lên, hoạt động mua sắm nhiều, Ban Giám đốc đã thành lập Đơn vị Quản lý đấu thầu. Đơn vị chuyên trách tư vấn pháp lý các khâu về thủ tục, cập nhật, phổ biến các văn bản pháp lý liên quan, xây dựng quy trình quy định nội bộ liên quan đến công tác mua sắm để bảo đảm mua đúng, mua đủ, mua hợp pháp.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh

Với chức năng nhiệm vụ như vậy, Đơn vị Quản lý đấu thầu sẽ phối hợp cùng các phòng, ban ngay từ khâu đầu tiên khi đề xuất nhu cầu, thực hiện rà soát nhu cầu của đơn vị so với thực tiễn để triển khai từng gói thầu cụ thể. Sau khi từng đơn vị chuyên môn về dược, vật tư, trang thiết bị y tế, vận hành tòa nhà… hình thành bộ hồ sơ hoàn chỉnh, Đơn vị Quản lý đấu thầu sẽ rà soát tất cả các nội dung về yêu cầu kỹ thuật, danh mục số lượng, giá dự toán và các nội dung về thủ tục, pháp lý trước khi trình lên hội đồng và Ban giám đốc phê duyệt.

“Nhờ quy trình chặt chẽ này, chúng tôi cùng phối hợp chạy được mấy trăm gói thầu không bị gián đoạn, ngay cả giai đoạn khó khăn nhất. Đơn vị Quản lý đấu thầu đã có những hỗ trợ chuyên môn rất tốt về pháp lý cho các bộ phận mua sắm, làm giá gói thầu chặt chẽ. Trung bình, một gói thầu trước khi được trình lên lãnh đạo và các Hội đồng chuyên môn sẽ phải mất thêm 3-15 ngày cho việc rà soát nhưng khi xây dựng được quy trình từ lúc bắt đầu triển khai cho tới khi có kết quả, chúng tôi cân đối được hết các khâu để cùng phối hợp thực hiện nên thủ tục rất nhanh, không có yếu tố chủ quan nào dẫn đến chậm thầu, chậm trễ đáp ứng cung ứng cho thực hiện nhiệm vụ chuyên môn bệnh viện”, ông Minh Anh cho hay.

Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh không gặp nhiều vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm nhờ thành lập Đơn vị Quản lý đấu thầu.

Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh không gặp nhiều vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm nhờ thành lập Đơn vị Quản lý đấu thầu.

Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, Đơn vị Quản lý đấu thầu của bệnh viện tư vấn pháp lý, rà soát từ khâu đầu như xây dựng danh mục, yêu cầu về giá theo quy định… tới khâu cuối là nghiệm thu thực hiện hợp đồng, thanh toán chứ không chỉ tham gia vào việc lựa chọn nhà thầu, tổ chức đấu thầu cho các đơn vị chuyên môn như một số cơ sở y tế khác.

Nhờ đó, khi có văn bản pháp luật mới ra đời, Đơn vị Quản lý đấu thầu nhanh chóng cập nhật, phổ biến và tư vấn các quy định pháp luật để các đơn vị áp dụng vào thực tiễn kịp thời, không làm gián đoạn trong lúc giao thời giữa các văn bản hướng dẫn.

Đi sau chừng 2-3 năm, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã xây dựng một đơn vị đấu thầu riêng. Nhưng khác với cách làm của Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, các phòng chuyên môn của Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ tự xây dựng hồ sơ danh mục yêu cầu kỹ thuật cần mua sắm trình Hội đồng kỹ thuật, rồi tiến tới lấy báo giá để xây dựng gói thầu. Khi có kế hoạch lựa chọn nhà thầu, các đơn vị chuyên môn sẽ chuyển hồ sơ sang bên đơn vị đấu thầu hoàn thiện khâu cuối.

Việc mua sắm tại bệnh viện thống nhất, đồng bộ, chuyên nghiệp nhờ có Đơn vị Quản lý đấu thầu.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thanh Việt, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy

Chia sẻ với chúng tôi, bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thanh Việt, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay: “Trong đấu thầu, giai đoạn xây dựng yêu cầu kỹ thuật và chấm thầu là 2 công đoạn quan trọng nhất và là 2 công đoạn tạo biến nhất”. Do đó, việc gom lại đề xuất của các phòng, ban chuyên môn xây dựng yêu cầu kỹ thuật về đầu mối là đơn vị đấu thầu sẽ làm việc cho đồng bộ.

Các trang thiết bị vận hành bình thường sau thời gian không có hóa chất, vật tư thay thế.

Các trang thiết bị vận hành bình thường sau thời gian không có hóa chất, vật tư thay thế.

“Điều lợi nhất là anh em thống nhất cách làm cho các đầu mối mua sắm dược, quản trị, trang thiết bị. Khi hồ sơ đưa lên cùng mẫu, cùng cách làm sẽ tạo ra sự đồng nhất, thuận tiện, rút ngắn thời gian cho các đơn vị và giúp hai bên kiểm soát lẫn nhau. Nếu chỉ một đơn vị làm từ đầu tới cuối sẽ không thể nhìn ra được sai sót của quy trình. Nhờ đó, nhiều năm qua, việc mua sắm tại bệnh viện thống nhất, đồng bộ, chuyên nghiệp”, ông Việt nói.

Chủ động xây dựng kế hoạch dự trù, linh hoạt đấu thầu dựa theo năng lực

Chủ động dự trù trước mô hình bệnh tật là phương án mà nhiều bệnh viện lớn triển khai để tiến hành đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế đầy đủ ngay từ đầu năm.

Không có một đơn vị riêng về đấu thầu, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh triển khai đấu thầu riêng của từng đơn vị chuyên môn dược, vật tư, trang thiết bị y tế. Khoa Dược của bệnh viện luôn chủ động trước mọi tình huống để thực hiện tốt nhiệm vụ đấu thầu mua sắm đủ thuốc cho công tác khám chữa bệnh cho 6.000 bệnh nhân ngoại trú và 2.000 bệnh nhân nội trú.

Kho thuốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh luôn cung ứng kịp thời thuốc thông thường cho khám, chữa bệnh.

Kho thuốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh luôn cung ứng kịp thời thuốc thông thường cho khám, chữa bệnh.

Thạc sĩ, dược sĩ Nguyễn Thị Bích Nga, Trưởng Khoa Dược, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh cho hay, khi Luật Đấu thầu 2023 được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, phải đợi tới 27/2/2024 mới có Nghị định và giữa tháng 5/2024, Bộ Y tế mới có Thông tư hướng dẫn về công tác đấu thầu nên các phòng, ban tại bệnh viện cũng cố gắng nghiên cứu Luật và vận dụng linh hoạt hướng dẫn đã có của Chính phủ cũng như của các Bộ.để bảo đảm cung ứng thuốc đầy đủ kịp thời. Với công tác chuyên môn về dược, các chuyên viên của Khoa đều phải tự nghiên cứu văn bản quy phạm pháp luật để hạn chế thấp nhất làm sai quy định. Bệnh viện cũng tranh thủ đấu thầu thuốc năm 2024 cho bệnh viện, trước khi luật mới ban hành, nên bệnh viện cơ bản không có tình trạng thiếu thuốc, vật tư.

Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh không bị gián đoạn nguồn cung với những loại thuốc thông thường.

Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh không bị gián đoạn nguồn cung với những loại thuốc thông thường.

"Khi Luật Đấu thầu 2023 có hiệu lực, bệnh viện vận dụng điều khoản chỉ định thầu rút gọn. Khi Nghị định có hiệu lực, chúng tôi vận dụng chỉ định thầu có hạn mức, chỉ định thầu rút gọn trong thời gian chờ Bộ Y tế ra Thông tư về đấu thầu thuốc. Khi Thông tư ra đời, bệnh viện có đầy đủ cơ sở pháp lý để thực hiện tổ chức mua sắm thuốc với nhiều hình thức khác, đặc biệt là với đấu thầu rộng rãi và mua sắm trực tiếp", bà Nga nói.

Để không gián đoạn cung ứng, khoa có trách nhiệm theo dõi sát tình hình thuốc trong kho, khả năng cung ứng của các đơn vị trúng thầu, theo dõi dự báo mô hình bệnh tật để dự trù thuốc kịp thời.

Thạc sĩ, dược sĩ Nguyễn Thị Bích Nga, Trưởng Khoa Dược, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh.

Thạc sĩ, dược sĩ Nguyễn Thị Bích Nga, Trưởng Khoa Dược, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh.

Với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Nguyễn Thanh Phong cho biết, kế hoạch dự trù thuốc cho năm kế tiếp rất quan trọng. Với đặc thù là bệnh viện phải ứng phó với các dịch bệnh truyền nhiễm, Ban Giám đốc bệnh viện tiên đoán được các chu kỳ dịch lớn, thí dụ như sốt xuất huyết 3-4 năm bùng phát một lần.

“Do đó, với thuốc sử dụng hàng ngày, chúng tôi áp dụng kế hoạch như những năm trước đó, nhưng với những loại thuốc đặc trị cho dịch bệnh, chúng tôi sẽ tiến hành đấu thầu mua sắm phù hợp ứng phó với diễn biến”, ông Phong nói.

Item 1 of 3

Bệnh viện Chợ Rẫy không cơ bản không còn thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế.

Bệnh viện Chợ Rẫy không cơ bản không còn thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế.

Bệnh nhân BHYT được bảo đảm quyền lợi.

Bệnh nhân BHYT được bảo đảm quyền lợi.

Kho thuốc tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Kho thuốc tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Chia sẻ khó khăn với nhiều đơn vị bạn trong việc có thể tổ chức mô hình một đơn vị chuyên phụ trách đấu thầu, ông Minh Anh cho hay, nếu các bệnh viện chưa tự chủ, chưa có cơ cấu nhân sự được đào tạo chuyên sâu, có kinh nghiệm về đấu thầu cũng rất khó triển khai.

Vì thế, mỗi năm, bệnh viện đều triển khai nhiều hội nghị chuyên đề về công tác mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế để chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều đơn vị bạn.

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/2/2024 Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu, tháng 4/2024, bệnh viện đã tổ chức chuyên đề riêng về công tác mua sắm, thu hút gần 1.000 người tham dự.

Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh trung bình một ngày tiếp nhận khám cho gần 8.000 người.

Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh trung bình một ngày tiếp nhận khám cho gần 8.000 người.

Đồng thời, Bệnh viện cũng đã tham gia hỗ trợ xây dựng, chia sẻ mô hình hoạt động trong công tác mua sắm theo đề nghị của một số bệnh viện bạn có nhu cầu, trong đó có cả một số cơ sở y tế phía bắc đã trực tiếp đến học tập kinh nghiệm, học hỏi cách thức hoạt động của mô hình bệnh viện trong mua sắm.

“Hầu hết các bệnh viện phản hồi đều thích mô hình này vì sau nhiều năm triển khai, các quy trình đấu thầu, mua sắm được thông suốt và bảo đảm đúng quy định. Điều đó đã tạo yếu tố yên tâm cho người làm chuyên môn. Quan trọng nhất, mô hình này bảo vệ được nhân viên trực tiếp làm công tác đấu thầu, giảm được nhiều áp lực về quản lý và thực hiện triển khai mua sắm cho lãnh đạo và toàn bệnh viện. Đó là chuỗi chu trình có hiệu quả”, Thạc sĩ Trần Thị Trà Giang, Trưởng Đơn vị quản lý đấu thầu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh bày tỏ.

Việc bệnh viện triển khai mô hình có một đơn vị riêng thực hiện công tác đấu thầu đã tạo yếu tố yên tâm cho người làm chuyên môn và quan trọng nhất là bảo vệ được nhân viên trực tiếp làm công tác đấu thầu, giảm được nhiều áp lực về quản lý và thực hiện triển khai mua sắm cho lãnh đạo và toàn bệnh viện.

Thạc sĩ Trần Thị Trà Giang

Một điều quan trọng, theo bà Giang, việc phân công nhiệm vụ và quy định trách nhiệm rõ ràng, dàn đều cho mọi người cùng cống hiến và chịu trách nhiệm như nhau. Điều này để giúp các bệnh viện an tâm tiến hành đấu thầu, mua sắm với mục tiêu sau cùng là đáp ứng được tốt nhiệm vụ chuyên môn, công tác khám chữa bệnh, mang đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người bệnh.

“Nếu mô hình này được nhân rộng thì ngành y tế sẽ không còn nhiều lo lắng. Nếu hoạt động của một bệnh viện chỉ quay cuồng với công tác đấu thầu, mua sắm, thì nhân sự làm công tác chuyên môn không thể tập trung khám, chữa bệnh, sẽ rất đáng tiếc”, bà Giang bày tỏ.

Tuy nhiên, với đặc thù là bệnh viện trực thuộc trường, đến nay, bệnh viện vẫn triển khai theo Quy chế hoạt động Bệnh viện đã được ban hành từ năm 1997, trong đó không có mô hình quản lý đấu thầu. Bởi vậy, Phó Giám đốc Minh Anh nhấn mạnh, với thời điểm hiện tại và xu hướng phát triển, vai trò của Đơn vị Quản lý đấu thầu rất quan trọng để bệnh viện vận hành an toàn; và cần sớm có quy định mới về cơ cấu tổ chức để bổ sung quy chế hoạt động của một bộ phận chuyên trách về pháp lý mua sắm, đấu thầu trong bệnh viện. 

Việc có riêng một đơn vị quản lý đấu thầu, tiến hành đấu thầu là một mơ ước nhưng cũng là thách thức với phần lớn các cơ sở y tế khi chưa tự chủ, do không có cơ chế chính sách tuyển dụng nguồn nhân lực làm công tác đấu thầu. Bởi vậy, dù đã được tháo gỡ nhiều khó khăn nhờ hành lang pháp lý thông thoáng, các cơ sở y tế vẫn còn rất nhiều vướng mắc và cần sự đồng hành của Bộ Y tế.

Ngày xuất bản: 27/10/2024
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Thực hiện: THẢO LÊ - THIÊN LAM
Trình bày: THIÊN LAM
Ảnh: THIÊN LAM, BỆNH VIỆN CUNG CẤP