Thực trạng khó đấu thầu, mua sắm tại các bệnh viện
Gỡ "nút thắt" cho các bệnh viện đấu thầu, mua sắm
Trong thời gian qua, để khắc phục khó khăn, vướng mắc trong công tác mua sắm, đấu thầu và tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế Quốc hội đã ban hành Luật Đấu thầu năm 2023, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 96/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Nghị định số 24/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu;
Bộ Y tế đã ban hành các Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Đấu thầu về công tác mua thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế để các đơn vị áp dụng như: Thông tư số 04/2024/TT-BYT ngày 20/4/2024 quy định danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với thuốc; Thông tư số 05/2024/TT-BYT ngày 14/5/2024 quy định danh mục thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được áp dụng hình thức đàm phán giá và quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu áp dụng hình thức đàm phán giá; Thông tư số 07/2024/TT-BYT ngày 17/5/2024 quy định về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập.
Hệ thống văn bản pháp luật khá đầy đủ đã tạo sự thông thoáng về cơ chế, chính sách trong đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế. Tuy nhiên, không ít cơ sở y tế vẫn còn những băn khoăn. Tuyến bài "Gỡ "nút thắt" cho các bệnh viện đấu thầu, mua sắm" phản ánh câu chuyện vì sao vẫn xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế; sự vào cuộc kịp thời của Chính phủ, Quốc hội, Bộ Y tế ban hành các văn bản pháp luật sát thực tiễn và ghi nhận những điểm sáng, mô hình hay trong đấu thầu, mua sắm tại một số bệnh viện lớn.
Thực trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế diễn ra thời gian dài tại một số cơ sở y tế trên cả nước đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác khám, điều trị và đặc biệt là người bệnh có thẻ BHYT. Không ít cơ sở y tế vẫn còn gặp "vướng mắc" trong thực hiện mua sắm, đấu thầu; vẫn có tình trạng thiếu cục bộ ở một số bệnh viện; có nơi còn tâm lý e dè khi thực hiện đấu thầu, nhưng cũng có những cơ sở y tế chỉ thiếu với một số mặt hàng như thuốc hiếm, thuốc có giá quá rẻ hoặc với mặt hàng mà cơ sở y tế ít có bệnh nhân điều trị do đứt gẫy nguồn cung.
Bệnh viện thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế
Một năm trước, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh cũng như một số cơ sở y tế sản-nhi khác của thành phố rơi vào tình trạng thiếu thuốc Gamma globulin điều trị bệnh tay chân miệng. Là bệnh viện thành phố, nhưng với vai trò là cơ sở y tế tuyến cuối điều trị cho bệnh nhi ở các tỉnh phía nam, bệnh viện phải tiếp nhận nhiều các bệnh nhi từ các địa phương lân cận chuyển lên. Hầu hết các trường hợp này phải chuyển tuyến do tình trạng diễn biến nặng của ca bệnh, và do thiếu thuốc tại các cơ sở y tế tuyến dưới. Trước tình trạng quá tải ca mắc tay chân miệng, dự trữ thuốc của bệnh viện có lúc không kịp thời để cung ứng cho công tác điều trị.
Theo Thạc sĩ, dược sĩ Nguyễn Thị Bích Nga, Trưởng Khoa Dược, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh, thực trạng thiếu Gamma globulin không phải xuất phát từ nguyên nhân thiếu văn bản quy phạm pháp luật trong công tác mua sắm mà chủ yếu phần lớn do đứt gẫy chuỗi cung ứng do không kịp nhập khẩu thuốc về Việt Nam.
“Chúng tôi đã thường xuyên rà soát tình hình tồn kho của thuốc, nắm số thuốc mua sắm theo hợp đồng còn hiệu lực, kể cả nghe ngóng tin tức cung ứng và theo dõi dự báo bệnh để dự trữ thuốc. Tuy nhiên, có những tình huống phát sinh nằm ngoài dự trù. Thí dụ năm 2023, 13 nhà cung ứng có giấy phép lưu hành cung cấp Gamma globulin điều trị tay chân miệng đều không thể cung ứng đủ, chúng tôi chủ động xin ý kiến Sở Y tế và Bộ Y tế để có thuốc cung ứng cho bệnh viện để chống dịch. Thực tế, Gamma globulin là thuốc hiếm, thiếu nhiều năm là do thiếu nhà cung ứng chứ không phải do văn bản quy phạm pháp luật chưa ban hành kịp thời để đấu thầu, mua sắm”, bà Nga nói.
Gamma globulin là thuốc hiếm, thiếu nhiều năm do thiếu nhà cung ứng chứ không phải do văn bản quy phạm pháp luật chưa ban hành kịp thời để đấu thầu, mua sắm.
Thạc sĩ, dược sĩ Nguyễn Thị Bích Nga, Trưởng Khoa Dược, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh
Trải qua thời gian nóng nhất về khan hiếm thuốc đặc biệt, Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Nga cho hay, với các thuốc thường quy, bệnh viện về cơ bản không thiếu. Giai đoạn thiếu nhất do nhiều yếu tố khách quan và trong thời gian chờ đợi Chính phủ và Bộ Y tế hướng dẫn, bệnh viện đã lên kế hoạch đấu thầu trước.
Một câu chuyện khác được cho là nóng nhất năm 2023 tại địa bàn này nói riêng, cả nước nói chung, đặc biệt là tại các bệnh viện tuyến Trung ương là tình trạng hàng loạt máy chụp CT bị “đắp chiếu” do không có vật tư thay thế. Bệnh viện không thể thực hiện đấu thầu vì quy định phải có 3 báo giá.
Một cán bộ làm công tác tại đơn vị đấu thầu trang thiết bị y tế của Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh dẫn chứng: “Một cái bóng của máy chụp CT có giá chừng 2-4 tỷ đồng. Trung bình 1-2 năm, máy này phải thay bóng một lần. Yêu cầu phải làm 3 báo giá mới mua được là một thách thức đặt ra với các cơ sở y tế. Không đơn vị nào dám mua sắm vì đặc thù của hệ thống trang thiết bị này là máy hãng nào phải dùng bóng hãng đó, nên chỉ có thể làm được một báo giá”.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 24/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 thì chỉ cần tối thiểu một báo giá là có thể xây dựng được giá kế hoạch thay vì cứ phải 3 báo giá như trước đây. Theo đó, các bệnh viện đã mạnh dạn mua sắm phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh kịp thời cho người bệnh và đồng thời giải quyết vấn đề lãng phí trang thiết bị bỏ không.
Là cơ sở y tế có lượng bệnh nhân đông nhất các tỉnh phía nam, trung bình một ngày Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh tiếp nhận 7.000-8.000 bệnh nhân ngoại trú và khoảng hơn 1.000 bệnh nhân nội trú. Việc bảo đảm đầy đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế cho công tác khám, điều trị là bài toán rất cấp thiết.
Chia sẻ về khó khăn của đơn vị từng gặp phải thời gian qua khi chưa có Luật, Nghị định, Thông tư mới, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện cho hay, khó khăn nhất của đấu thầu, mua sắm là lấy giá kế hoạch của các danh mục đấu thầu với quy định yêu cầu tối thiểu phải có 3 báo giá và thầu giá thấp nhất. Bên cạnh đó, nếu trong danh mục đấu thầu, chỉ cần có một loại không lựa chọn được báo giá hoặc giá thấp làm ảnh hưởng cả gói thì cũng không triển khai được gói thầu.
Về vật tư, trang thiết bị y tế, nhiều mặt hàng chỉ lấy được một báo giá trên thị trường do liên quan đến nhà cung cấp máy hãng nào đi với hóa chất hãng đó. Sau nhiều trường hợp vướng mắc về pháp lý trong mua sắm, không ít đơn vị có tâm lý e ngại bởi ngay cả việc xin báo giá của nhà thầu cũng không dễ dàng.
Tuy nhiên đến nay, ông Minh Anh khẳng định với quy định cho phép lấy một báo giá, trường hợp bệnh viện thu thập được nhiều hơn một báo giá thì được lấy báo giá cao nhất làm giá kế hoạch trên cơ sở phù hợp với yêu cầu chuyên môn và khả năng tài chính của bệnh viện thì về cơ bản bệnh viện đã không thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị do công tác dự trù được xây dựng cả năm và tiến hành đấu thầu liên tục. Chủ yếu có những điểm nghẽn nhỏ trong công tác đấu thầu vật tư, trang thiết bị y tế do phân nhóm để tiến hành thầu.
“Theo số liệu báo cáo mới nhất, tỷ lệ đấu thầu, mua sắm của bệnh viện đến nay đạt 80%. Khoảng 10-20% còn lại không phải vướng mắc nội bộ chủ quan mà do khách quan của chuỗi cung ứng; các mặt hàng trúng thầu đang xin gia hạn giấy phép đăng ký lưu hành thuốc. Đây là những vướng mắc ngoài phạm vi của bệnh viện và Bộ Y tế. Tuy nhiên, số đó không ảnh hưởng nghiêm trọng tới bệnh viện. Chúng tôi luôn có giải pháp thay thế thuốc tương đương về mặt công dụng điều trị, bệnh nhân được hưởng điều trị tương đối ổn”, ông Minh Anh cho hay.
-----------------------------------
Theo số liệu báo cáo mới nhất, tỷ lệ đấu thầu, mua sắm của bệnh viện đến nay đạt 80%. Khoảng 10-20% còn lại không phải vướng mắc nội bộ chủ quan mà do khách quan của chuỗi cung ứng, ngoài phạm vi bệnh viện và Bộ Y tế. Tuy nhiên, số đó không ảnh hưởng nghiêm trọng tới bệnh viện. Chúng tôi luôn có giải pháp thay thế thuốc tương đương về mặt công dụng điều trị, bệnh nhân được hưởng điều trị tương đối ổn.
---------------------------------------------
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, trung bình một ngày tiếp nhận khoảng 5.000-6.000 bệnh nhân ngoại trú và hơn 1.000 nội trú. Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thanh Việt, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, thực trạng thiếu thuốc chủ yếu liên quan đến đứt gãy chuỗi cung ứng thế giới. Các đơn vị sản xuất thuốc trong nước cũng chậm trễ cung cấp do thiếu nguyên liệu nhập khẩu. “Việc thiếu thuốc thực chất từ nguồn gốc chứ không phải từ nguyên nhân thiếu quy định pháp luật hay bệnh viện không có đủ năng lực mua cho bệnh nhân”, bác sĩ Việt nói.
Cũng theo phân tích của ông Việt, những sự cố liên tiếp của ngành y tế liên quan đến đấu thầu khiến các cơ sở thận trọng hơn, đặc biệt khi luật pháp chưa có những quy định rõ ràng, cụ thể trong các trường hợp. Đã có quy định cụ thể các trường hợp được chỉ định thầu. "Tuy nhiên, chỉ định thầu là điều mở cho những đơn vị thiếu nhưng không ai dám làm vì vấn đề giải trình”, ông Việt bày tỏ.
Trước câu hỏi vậy bệnh viện có thiếu thuốc hay không, một cán bộ làm công tác đấu thầu về dược cho hay, Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn có tình trạng này, nhưng chủ yếu nằm ở khách quan, như giá thuốc quá rẻ không đơn vị nào tham dự thầu; hoặc thuốc hiếm chỉ có rất ít nhà cung cấp; hoặc có những đơn vị trúng thầu nhưng đến thời điểm giao thuốc, vật tư lại không thể nhập hàng do đứt gẫy nguồn cung, kéo dài thời gian cung ứng đến 4-5 tháng. Trong những trường hợp này, nếu không có thuốc thay thế, bệnh viện rất khó cung ứng được đầy đủ và bệnh viện không thể chấm dứt gói thầu để tiến hành thầu lại.
“Đơn vị răng hàm mặt của bệnh viện chúng tôi hiện chưa thể đấu thầu thuốc gây tê trong nha khoa vì lượng bệnh nhân tới khoa này rất ít. Ngay như thuốc vitamin C, chúng tôi thực hiện đấu thầu mấy lần nhưng không có đơn vị tham dự hoặc dự cũng không trúng thầu. Một số thuốc như giải độc hoặc thuốc BAT thì không phải lúc nào cũng có sẵn nguồn cung ứng. Bệnh viện phải mất thời gian tìm kiếm nguồn cung”, người này dẫn chứng.
Các địa phương còn nhiều vướng mắc trong đấu thầu
Tại các địa phương, việc thiếu thuốc cục bộ vẫn xảy ra tại nhiều cơ sở y tế do không thể đấu thầu, mua sắm. Chia sẻ về khó khăn của Ninh Thuận, ông Bùi Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, tại tỉnh Ninh Thuận, các bệnh viện khó khăn trong công tác mua sắm một số mặt hàng. Đặc biệt trong đấu thầu thuốc, khó khăn rõ nhất của Ninh Thuận là đấu thầu thuốc gây tê.
“Ba năm liền, không có nhà thầu nào tham dự đấu thầu loại thuốc này. Vấn đề khó khăn chủ yếu do nhập khẩu, phân phối và giá cả. Đây là vấn đề Bộ Y tế cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn khó khăn ở đâu để tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc mà hiện nay dù thị trường có sẵn nguồn cung nhưng y tế công không thể cung ứng được”, ông Kỳ nói.
Ông Kỳ cho rằng, ngành y tế cần hướng dẫn, tập huấn để tháo gỡ những nội dung trên để đơn vị chủ động quyết định, tự lựa chọn về giá có thể cho cao nhất, nhưng phải lấy giá cao nhất với sản phẩm nào có giá trị sử dụng tương ứng với giá trị sản phẩm để quyết định đúng, lâp kế hoạch tài chính phù hợp. Nếu không tự quyết định, chính các đơn vị lại tự trói mình.
Cũng chia sẻ về những khó khăn này của địa phương, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Vũ Hữu Quang, Phó Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk cho biết, thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế diễn ra ở địa phương chủ yếu diễn ra thời gian trước. Thời điểm khi chưa có Thông tư, Nghị định hướng dẫn, nhiều cơ sở y tế tâm tư, không dám mạnh dạn đấu thầu vì sợ lao lý.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế, khó khăn nhất của Đắk Lắk là giao cho các cơ sở tuyến huyện đấu thầu. Năng lực đấu thầu chưa đủ, thiếu nhân viên chuyên trách, các cơ sở y tế đã phải vận động các bác sĩ tham gia vào đấu thầu, nhưng không phải ai cũng hiểu chuyên môn. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở y tế ở xa, gói thầu nhỏ, có những loại thuốc tháng chỉ sử dụng vài lần nên không đơn vị nào tham gia đấu thầu. Sở Y tế phải giải quyết bài toán bằng phương án tập hợp nhu cầu của các cơ sở y tế để tiến hành đấu thầu tập trung.
Địa phương cũng có khoảng trống 6 tháng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Thời gian qua, Sở Y tế tỉnh đang tiến hành làm danh mục khung trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. "Đến năm 2024, cơ bản Đắk Lắk đáp ứng khá đủ thuốc cho các cơ sở y tế. Chúng tôi đang phê duyệt 30 gói thầu cho các 20 cơ sở y tế”, ông Quang cho hay.
Theo ông Lê Ngọc Danh, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, việc thiếu thuốc giai đoạn vừa qua được đề cập, chủ yếu không phải vướng ở cơ chế mua sắm mà chủ yếu vướng chuỗi cung ứng.
Đứng ở góc độ là quản lý về lĩnh vực dược của thành phố, ông Danh cho hay, TP Hồ Chí Minh là địa bàn đặc thù với nhiều bệnh viện thành phố làm nhiệm vụ trung ương, nên trong trường hợp xảy ra dịch bệnh, ngoài dự trù cho nhu cầu người dân thành phố thì các cơ sở y tế tại đây còn phải đáp ứng nhu cầu điều trị của các địa phương lân cận nên xảy ra tình trạng thiếu.
“Dịch tay chân miệng năm 2023 tại TP Hồ Chí Minh thiếu thuốc điều trị chủ yếu do phải điều tiết cho điều trị người bệnh tại chỗ ở một số địa phương, còn nếu chỉ cung ứng cho riêng thành phố thì cơ bản đủ. Ngoài ra, một số thuốc được cấp số đăng ký nhưng thực tế các nhà nhập khẩu không nhập về, TP Hồ Chí Minh phải tiến hành cấp đơn hàng nhập khẩu đặc biệt”, ông Danh cho hay.
Việc thiếu thuốc giai đoạn vừa qua được đề cập, chủ yếu không phải vướng ở cơ chế mua sắm mà chủ yếu vướng chuỗi cung ứng.
Xây dựng danh mục thuốc để đấu thầu tại bệnh viện rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng và phải mất 6 tháng mới có kết quả. Ngay cả hình thức chỉ định thầu không thể có ngay được thuốc cung ứng. Có những trường hợp có nguồn lực nhưng không phải muốn mua là được như thuốc giải độc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) hoặc giải độc kim loại nặng do ít nhà cung ứng. Bài toán khó khăn này đang từng bước được Chính phủ, Quốc hội, Bộ Y tế gỡ khó…
Ngày xuất bản: 24/10/2024
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Thực hiện: THẢO LÊ - THIÊN LAM
Trình bày: THIÊN LAM
Ảnh: THIÊN LAM, BỆNH VIỆN CUNG CẤP