Vào những năm 1965-1966, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền bắc, tăng cường khủng bố, tàn phá miền nam. Thời kỳ đó, khu vực Vĩnh Linh và Quảng Bình là nơi bị địch đánh phá ác liệt nhất, trở thành “tọa độ lửa”. Người dân tuyến lửa đã phải hứng chịu hàng nghìn tấn bom, đạn. Xóm làng bị cày nát bởi sự khốc liệt của chiến tranh. Cuộc sống của nhân dân chuyển hẳn xuống hầm hào, địa đạo.

Nhận định chiến tranh còn kéo dài, Trung ương Đảng đã đề ra Kế hoạch K8 (tức triển khai từ tháng 8/1966) và K10 (triển khai tháng 10/1967) nhằm di dân ra khỏi vùng chiến sự ác liệt, giảm mật độ dân số ở tuyến lửa, đồng thời “gìn giữ lực lượng và nòi giống”, bảo đảm cho lực lượng ở lại chiến đấu yên lòng đánh giặc. Hàng vạn đồng bào Vĩnh Linh đã được chuyển ra các tỉnh phía bắc, và hơn cả tầm của một cuộc sơ tán, hành trình của những người dân từ tuyến lửa ra vùng hòa bình đã trở thành một cuộc thiên di chưa từng có trong lịch sử. Và cho đến hôm nay, cuộc thiên di ấy vẫn in hằn trong ký ức những người con nặng tình nghĩa “quê chung”…

Cùng với nhiều địa phương miền bắc, Tân Kỳ (Nghệ An) là mảnh đất đã cưu mang, che chở đồng bào từ Quảng Trị sơ tán ra theo kế hoạch K10 khi vùng giới tuyến bị bom Mỹ đánh phá dữ đội những năm 1967-1972… Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nghĩa tình ấy luôn được các thế hệ cán bộ và nhân dân hai huyện không ngừng vun đắp và đã trở thành mối quan hệ đặc biệt với tên gọi “Quê chung”.

Có mặt trên đoàn xe “trường chinh vạn dặm” rời quê cha đất tổ ở tuyến lửa trong đêm mùa đông năm 1968, bà Võ Thị Liêu ôm con, mang bụng bầu về ở tạm nhà một hộ dân ở Kỳ Sơn.

4 tháng sau, bà sinh người con trai thứ hai trên mảnh đất hậu phương miền bắc. Cũng chính lúc này, bà nhận tin chồng bà đã hy sinh trong một đợt chuyển quân ven dòng Bến Hải. Hạnh phúc và nỗi đau đột ngột ập đến một lúc. Nhưng, nhìn hai đứa trẻ đang chập chờn ngủ, bà lại gượng dậy.

Phải sống. Phải nuôi con khôn lớn để giữ gìn “dòng máu” Vĩnh Linh qua cơn lửa đạn…

Cuối tháng 10/1968.

Bà Võ Thị Liêu nhận lệnh rời quê nhà Vĩnh Nam (Vĩnh Linh, Quảng Trị) theo kế hoạch K10B để di tản ra miền bắc dành riêng cho các bà mẹ 1 con và người già cả.

Sau vài ngày chuẩn bị, bà Liêu ôm cậu con trai còn chưa đi vững đặt lọt thỏm vào một bên thúng. Phía còn lại cũng đã chất đầy áo quần, đồ đạc và cả… một bu gà. Xong xuôi, người mẹ 28 tuổi khó nhọc ghé vai vào sương (đòn gánh-PV) liêu xiêu bước thấp bước cao hướng về phía trước. Vào thời điểm này, bà đang bầu ở tháng thứ 5.

Gánh con rời quê, bà vừa đi vừa khóc. Chồng bà, người bộ đội ở lại Vĩnh Nam chỉ biết cố động viên, dặn vợ bảo trọng, hẹn vài năm sau sẽ đoàn tụ… 

......

Gần 60 năm sau, ngồi thẫn thờ trong căn nhà nhỏ ở xã Kỳ Sơn, Tân Kỳ (Nghệ An), bà Liêu vẫn rưng rưng khi nhắc lại hẹn ước năm xưa cùng chồng bên dòng Bến Hải. Bà bảo, lời thề ước ấy giống như một sợi chỉ đỏ, một ngọn lửa cháy suốt trong đêm khiến bà có thêm niềm tin giữa những ngày gian khó nhất.

Thế nhưng, “hẹn nớ, mà chỉ mấy tháng, ông ấy lại hy sinh trong một lần chuyển quân”, bà Liêu thở hắt ra, mắt đục ngầu màu năm tháng.

Tin dữ được giữ kín tới tận khi bà Liêu đã “mẹ tròn con vuông”. Hạnh phúc và nỗi đau đột ngột ập đến một lúc. Nhưng, nhìn hai đứa trẻ đang chập chờn ngủ, bà lại gượng dậy. Phải sống. Phải nuôi con khôn lớn để giữ gìn “dòng máu” Vĩnh Linh trên miền đất hậu phương …

Hẹn ước tan vỡ, đó cũng là câu chuyện của bà Nguyễn Thị Kính, 82 tuổi, người thôn Nam Hồ, xã Vĩnh Nam (nay là thị trấn Hồ Xá, Vĩnh Linh, Quảng Trị). Cùng sơ tán theo diện K10B với bà Liêu, cuối năm 1968, bà Kính bế theo con gái còn đỏ hỏn hướng về miền bắc cùng mệ già. Trước đó không lâu, chồng bà đã ra trận, khi bà mới mang thai được 28 tuần.

“Bao giờ đơn vị cho nghỉ phép, hay chỉ cần có cơ hội, anh sẽ về thăm em”, bà Kính vẫn nhớ mãi lời chồng dặn.

Khác với bà Liêu, trước khi bắt đầu cuộc sơ tán, rời khỏi quê hương, bà Kính đã mập mờ đoán được chồng của mình hy sinh.

Bao giờ đơn vị cho nghỉ phép, hay chỉ cần có cơ hội, anh sẽ về thăm em...

“Sinh con gái được 1 tháng tuổi, tôi nghe phong thanh từ anh lính đầu làng vừa trở về rằng, chồng tôi đã mất. Tôi chẳng nhớ mình đã khóc cạn nước mắt thế nào, nhưng vì quá nhớ thương, tôi chấp nhận sống trong cảnh nửa tin nửa ngờ cho đến khi nhận được giấy báo tử”, bà Kính nhớ lại.

Bà Kính vẫn nhớ, đêm trước khi chồng xa nhà, chuẩn bị đồ đạc cho chồng, thấy anh nhét một mẩu giấy nhỏ vào túi áo. “Mẩu giấy ấy ghi đầy đủ họ tên, ngày, tháng, năm sinh, quê quán của chồng tôi. Anh bảo, ai ra trận cũng làm như thế, rồi cười”, bà kể lại.

“Dường như linh tính được điều gì đó, trước khi rời đi, anh gửi tôi cho gia đình anh và nhờ bà con chăm sóc. Mãi sau này tôi mới hiểu là anh lo cho hai mẹ con và đường ra trận chưa biết ngày nào trở lại”, mắt bà buồn khi nhớ lại những kỷ niệm đau thương.

Sớm cuối năm 1968, bà Kính nén nước mắt, liêu xiêu cùng đoàn người hướng ra miền bắc. Con gái bà, chị Đinh Thị Thu khi ấy mới tròn 2 tháng tuổi, được mệ đặt vào thúng để gánh đi. Tiếng khóc oe oe thi thoảng lại ngằn ngặt vang lên dọc đường trường chinh vạn dặm…

Tới Nghệ An, mỗi gia đình được phát 12 món hàng, bao gồm các vật dụng sinh hoạt, nhu yếu phẩm cơ bản như áo quần, gạo, dao, kim chỉ. Hằng tháng, người lớn được thêm 12kg gạo trộn cùng khoai, sắn; nước mắm, nước tương. Trẻ em thì nhận 4-7kg tùy theo độ tuổi. Gửi con ở trường mẫu giáo gần điểm tạm cư, bà Kính nhận nhiệm vụ mới là Kế toán trưởng Hợp tác xã Nam Hồ.

Gần một năm sau, từ Tự Lực (Quảng Bình), bà Võ Thị Liêu cũng gánh hai con về Tân Kỳ, ở chung với bà Kính. Trong khoảng thời gian ngắn, hai gia đình “vỡ đôi” chập lại thành một, cùng nhau cố gắng nuôi dạy lũ trẻ Vĩnh Linh nên người.

Vài năm tiếp theo, thế hệ thứ hai của “lũy thép” cứ dần lớn lên trên đất mới Tân Kỳ. Tuổi thơ của họ là những ngày “đi lượm hạt lim đen nhánh về làm đồ chơi, rủ nhau ngụp lặn ở khe Su chảy từ nguồn Đá Ông-Đá Bà, mùa hè mát lịm và trong vắt. Lớn thêm một chút thì kéo nhau vào rừng hái măng, hái nấm, rồi xuống suối bắt cua, xúc cá, đặt ống trúm bẫy lươn.” (Trích bài viết Trở lại Tân Kỳ, nhà báo Đinh Như Hoan).

Tuổi thơ của họ là những ngày “đi lượm hạt lim đen nhánh về làm đồ chơi, rủ nhau ngụp lặn ở khe Su chảy từ nguồn Đá Ông-Đá Bà, mùa hè mát lịm và trong vắt. Lớn thêm một chút thì kéo nhau vào rừng hái măng, hái nấm, rồi xuống suối bắt cua, xúc cá, đặt ống trúm bẫy lươn.”(Trích bài viết Trở lại Tân Kỳ, nhà báo Đinh Như Hoan)

Tuổi thơ của họ còn là những ngày “trốn chạy” bom đạn của quân thù. Đó là vào khoảng những năm 1971-1972, Mỹ tăng cường ném bom miền bắc, trong đó có tọa độ Tân Kỳ-đường 15A, nơi có hàng vạn chuyến xe chở vũ khí, quân lương tập kết. Mọi sinh hoạt đều phải chuyển sang thời chiến.

Bà Ngô Thị Lộc ở xã Nghĩa Đồng, sinh trước khi đồng bào Vĩnh Linh di tản tới Tân Kỳ đúng 10 năm. Trực tiếp lớn lên, sinh hoạt cùng “thế hệ thứ hai” của lũy thép Quảng Trị, bà vẫn nhớ như in không khí đặc biệt những ngày tháng đỏ lửa hơn 60 năm về trước. Nhà nào cũng tiến hành đào hầm chữ A với những cây gỗ lớn, chắc chắn được kéo về từ rừng. Ngay cả các điểm trường lớp cũng không ngoại lệ.

“Tôi học cấp 1 cùng với các bạn học sinh và thầy cô giáo từ Vĩnh Linh tới. Giai đoạn này, lớp học nào cũng có một đường hào để sơ tán. Mỗi khi nghe tiếng kẻng, chúng tôi lại vội vã chui qua bờ tường chạy ra trú dưới các hầm Triều Tiên được đào sẵn”, bà Lộc kể.

Nhà nào cũng tiến hành đào hầm chữ A với những cây gỗ lớn, chắc chắn được kéo về từ rừng. Ngay cả các điểm trường lớp cũng không ngoại lệ.

Mới 4 tuổi khi “cao điểm” đánh phá Tân Kỳ diễn ra, chị Đinh Thị Thu vẫn nhớ âm thanh ầm ầm của động cơ máy bay B52 xé toạc vùng trời bình yên của ngôi làng chị trú ngụ.

Tiếng rít kéo dài, âm thanh ù ù dội thẳng vào lồng ngực khiến người ta nghẹt thở. “B-52! B-52 đến! Chạy đi”, từ dãy nhà mầm non, có tiếng người hô hoán. Khắp tứ phía, cảnh già, trẻ, gái, trai chạy tán loạn giữa cái nắng đổ lửa. Gần đó, có hai chiếc hang trú ẩn. Một hang có rắn nên ít ai dám vào.

“Lúc ấy, tôi còn quá nhỏ để hiểu cảm giác sợ hãi là gì nên vô tư chạy vào chiếc hang có rắn”, chị Thu hồi tưởng. Từng tốp người kéo nhau chạy vào hang còn lại cách đấy không xa. Tất cả đều nín thở như chờ đợi một kết cục nào đó.

“Đoàng! Đoàng! Đoàng! Ba quả bom liên tiếp thả xuống chỗ hang có nhiều người đang trú ẩn. Trời đất mịt mù. Tôi chao đảo rồi ngã huỵch phía miệng hang. May mắn chạy thoát, nhưng tôi biết, mọi người trong chiếc hang còn lại chết sạch. Không một ai sống sót”, chị Thu thất thần nhớ lại.

Sau này, chị Thu chẳng thể nhớ nổi ai đã đưa mình về nhà. Chỉ biết rằng, càng lớn, những hình ảnh về trận bom hôm ấy càng hiện rõ mồn một trong tâm trí và trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi…

Bất chấp khói lửa, vượt qua cả khó khăn, rất nhiều đứa trẻ Vĩnh Linh tiếp tục cất tiếng khóc chào đời và lớn lên trên quê hương thứ hai xứ Nghệ. Điều đặc biệt, trong số họ, có những người có chung ngày khai sinh là 1/6.

Bà Nguyễn Thị Kính, nguyên Kế toán trưởng Hợp tác xã Nam Hồ lý giải: “Ngày ấy còn quá khổ nên chẳng mấy người nhớ ngày, nhớ tháng. Cứ tới dịp 1/6, chúng tôi lại tổ chức phát bánh kẹo cho các cháu. Chắc đó cũng là lý do không ít gia đình lấy luôn ngày 1/6 là ngày sinh cho con”.

Sinh năm 1970, anh Trần Thanh Dương, hiện là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thị trấn Hồ Xá (Vĩnh Linh, Quảng Trị) cũng là người được sinh ra trên đất Tân Kỳ. Chia sẻ với chúng tôi qua điện thoại, anh bảo: “Với tôi, Vĩnh Linh là quê hương nhưng Tân Kỳ là nơi chôn nhau cắt rốn. Lạ lắm, tôi chẳng hiểu vì sao cứ mỗi lần về Tân Kỳ là bỗng nhiên cổ họng tôi phát ra tiếng Nghệ đặc sệt. Chắc là vì con người ta sinh ra, uống nước từ miền quê nào thì sẽ mang chất giọng của miền quê ấy”.

Với tôi, Vĩnh Linh là quê hương nhưng Tân Kỳ là nơi chôn nhau cắt rốn. Lạ lắm, tôi chẳng hiểu vì sao cứ mỗi lần về Tân Kỳ là bỗng nhiên cổ họng tôi phát ra tiếng Nghệ đặc sệt.
Anh Trần Thanh Dương

Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn từ 1968-1972, dân số Tân Kỳ chỉ có khoảng gần 30.000 người, sau đó tiếp nhận hơn 20.000 người dân Quảng Trị (đợt đầu), gồm phần lớn dân huyện Vĩnh Linh và một số ít dân 2 huyện Gio Linh, Cam Lộ. Sau đó đồng bào ra thêm và nhiều đồng bào sơ tán theo chiến dịch K8 trước đó và từ Hà Tĩnh cũng đến. Đặc biệt, trong 5 năm, đã có 2.612 cháu bé mới sinh thêm. Họ trở thành những “hạt mầm của hy vọng”, cũng là biểu tượng của sức sống Vĩnh Linh trên quê chung Tân Kỳ…

------------------------------------

Ngày xuất bản: 6/7/2024
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Nội dung: SƠN BÁCH - NGỌC KHÁNH
Ảnh: THÀNH ĐẠT, Trung tâm lưu trữ quốc gia
Trình bày: NGỌC DIỆP