Con người Việt Nam đã làm nên lịch sử nghìn năm kiên cường, bền bỉ và chính lịch sử đó đã tạo nên đặc trưng con người Việt Nam, cả mặt mạnh và cả những hạn chế. Hai nhân tố đó đang ẩn sâu trong hiện tại qua một tiến trình tiếp nhận, chọn lọc phức tạp và đang biến đổi.

Con người gắn bó với mảnh đất nơi chôn nhau cắt rốn của mình và con người hòa hợp với thiên nhiên, là hoa như muôn vàn của đất, nhưng là hoa đặc biệt: con người - hoa đẹp nhất.

Suy rộng ra, như các nhà nghiên cứu lịch sử thường có hai luận điểm tưởng như trái ngược nhau nhưng thật ra rất biện chứng: Con người làm nên lịch sử và tiến trình lịch sử tạo nên sự phát triển con người.

Thiêng liêng Lễ chào cờ từ giàn khoan Hải Thạch-Mộc Tinh - giàn khoan xa nhất Biển Đông. Ảnh: HIẾU NGUYỄN

Thiêng liêng Lễ chào cờ từ giàn khoan Hải Thạch-Mộc Tinh - giàn khoan xa nhất Biển Đông. Ảnh: HIẾU NGUYỄN

Những cảm nhận luận điểm trên đây giúp chúng ta tìm hiểu về con người Việt Nam đương đại được hình thành, phát triển và biến đổi trong một tiến trình lịch sử rất đặc biệt, cả trong quá khứ và trong hiện tại. Phải chăng, cái đặc biệt đó được thể hiện nổi bật hơn cả ở các dấu ấn sau: đó là lịch sử nghìn năm đấu tranh kiên cường, bền bỉ để dựng nước, giữ nước và mở mang bờ cõi; đó là cuộc chiến đấu âm thầm, dẻo dai để chống lại âm mưu và thủ đoạn đồng hóa văn hóa, bảo vệ bản sắc dân tộc và đó là lịch sử diễn ra trong hàng nghìn năm chế độ phong kiến, tính đến cuối thế kỷ 19.

Mặt mạnh, những giá trị tốt đẹp, bền vững cần được bảo vệ, phát huy, song cũng đang đứng trước những thách thức. Để có những giá trị tạo nên sức mạnh nội sinh, sức mạnh bên trong của con người Việt Nam thời kỳ hội nhập, dù có chịu những tác động tiêu cực như thế nào, các giá trị truyền thống cốt lõi như yêu nước, đoàn kết, tự cường, nhân ái, nghĩa tình… phải được bảo vệ không chỉ như là một di sản của quá khứ để chiêm ngưỡng mà phải trở thành một sức sống, sức mạnh, một phẩm chất bền vững trong nhân cách Việt Nam.

Không thể để xảy ra sự đứt gãy, thậm chí “mất gốc” giữa con người đương đại và truyền thống.

Không thể để xảy ra sự đứt gãy, thậm chí “mất gốc” giữa con người đương đại và truyền thống. Chính vì thế mà trong hầu hết các văn kiện, nghị quyết của Đảng đều nhấn mạnh yêu cầu “mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc” (Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII).

Đó là một nhiệm vụ lớn lao mà những năm qua, chúng ta đã và đang làm, song còn nhiều hạn chế, hiệu quả thấp. Phải chăng, lời giải cho bài toán “lịch sử” này còn ở phía trước, trong khi đó, giá trị của con người Việt Nam thời kỳ mới, thời kỳ hội nhập chỉ có thể hình thành và phát triển vững chắc khi có sự “kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại” như ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Báo Nhân Dân ngày 25/11/2021, trang 3).

Các giá trị truyền thống tốt đẹp là bệ đỡ cho hệ giá trị con người Việt Nam mới. Ảnh: THANH GIANG

Các giá trị truyền thống tốt đẹp là bệ đỡ cho hệ giá trị con người Việt Nam mới. Ảnh: THANH GIANG

Vào những năm nửa đầu thế kỷ 20, cùng với phong trào Đông kinh nghĩa thục và nhu cầu “cách tân, khai dân trí, chấn dân khí” đã xuất hiện xu hướng chỉ ra, phân tích những thói hư, tật xấu của người Việt để sửa chữa, vượt qua sự lạc hậu của chính mình và vươn lên. Một số bài của các trí thức yêu nước nổi tiếng, có uy tín đã có tác dụng tích cực trong giai đoạn lịch sử đặc biệt trên, thức tỉnh, giác ngộ, cổ vũ con người Việt Nam vươn lên tự giải phóng.

Sau này, trong thời gian khá dài, chúng ta chỉ nhấn mạnh mặt tốt đẹp, ưu điểm của người Việt, đôi khi có phần tuyệt đối hóa hoặc né tránh chỉ ra những hạn chế lịch sử, thói hư, tật xấu của người Việt. Từ đổi mới đến nay, cách nhìn một chiều trên dần thay đổi, chỉ ra đồng thời cả mặt tốt để phát huy và mặt hạn chế để khắc phục.

Đó là hướng đi rất cần thiết, tỉnh táo và khoa học để người Việt tự vượt mình, tự nhìn rõ mình hơn trong thời kỳ lịch sử mới: từ một xã hội nông nghiệp, tiểu nông, lạc hậu bước vào xã hội công nghiệp, hiện đại và hội nhập quốc tế.

Nhận rõ mình, tự vượt lên chính mình, kiên quyết gạt bỏ cái xấu, cái phản giá trị trong chính mình và kiên trì chăm chút, nuôi dưỡng những giá trị mới, phải chăng là một đòi hỏi gay gắt, không thể né tránh của thời kỳ mới, hiện nay và những năm tới.

Trong bài viết gần đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, nhiều lần, đồng chí nhấn mạnh “thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” và cho rằng “nhất thiết phải trải qua thời kỳ quá độ đó với đặc điểm nổi bật là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp, vì nó phải tạo sự biến đổi sâu sắc về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội”.

Tinh thần những chiến binh sao vàng tràn ngập khán đài sân Mỹ Đình. Ảnh: TRẦN HẢI

Tinh thần những chiến binh sao vàng tràn ngập khán đài sân Mỹ Đình. Ảnh: TRẦN HẢI

Có lẽ, trong thời gian qua, trong hoạt động lý luận, tư tưởng, giáo dục, tuyên truyền… chúng ta làm chưa tốt, thiếu sức thuyết phục và nhận thức chưa sâu sắc quan điểm này, nên trong đời sống xuất hiện hai xu hướng: một là, cho rằng chủ nghĩa xã hội đã trở thành hiện thực ở nước ta và hai là, đối chiếu với thực tiễn, đặc biệt ở mặt yếu kém, khuyết điểm, hạn chế của nó, cho rằng, chủ nghĩa xã hội chỉ là một ước vọng, thậm chí một ảo tưởng!

Tổng Bí thư cho rằng, chính trong thời kỳ quá độ này đang diễn ra “sự đấu tranh giữa cái cũ và cái mới”, “các nhân tố xã hội chủ nghĩa được hình thành, xác lập và phát triển đan xen, cạnh tranh với các nhân tố phi xã hội chủ nghĩa”. Đặc điểm đó thể hiện rõ trong quá trình xây dựng các giá trị con người Việt Nam hiện nay.

Nhạc cụ dân tộc được coi là nét đẹp trong văn hóa Việt Nam từ xa xưa. Ảnh: THANH GIANG

Nhạc cụ dân tộc được coi là nét đẹp trong văn hóa Việt Nam từ xa xưa. Ảnh: THANH GIANG

Một cuộc đấu tranh liên tục, khi quyết liệt, lúc thầm lặng giữa giá trị tốt đẹp và phản giá trị trong mỗi con người, bất kể đó là ai, và trong toàn xã hội. Cách đây hơn 50 năm, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, đó là một “cuộc chiến đấu khổng lồ” để “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”.

Các giá trị mới, tốt đẹp sẽ ra đời và phát triển chính trong cuộc đấu tranh đó nếu chúng ta bằng toàn bộ tâm huyết, bản lĩnh, sự kiên định-sáng tạo, bằng trí lực và tài lực, kiên trì trong cuộc đấu tranh này.

Các sĩ quan Đội Công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 lên đường thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại Abyei và Nam Sudan. Ảnh: THÀNH ĐẠT

Các sĩ quan Đội Công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 lên đường thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại Abyei và Nam Sudan. Ảnh: THÀNH ĐẠT

Và khi kết quả của thời kỳ quá độ “tạo ra sự biến đổi sâu sắc về chất trên các lĩnh vực của đời sống xã hội” thì Hệ giá trị con người Việt Nam sẽ định hình trong sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa giá trị tốt đẹp của truyền thống, vượt qua và khắc phục các hạn chế lịch sử với các giá trị mới của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập.

Tôi nghĩ đến một hệ giá trị đó với các giá trị căn cốt như: yêu nước, đoàn kết, tự cường, nhân ái, ý thức công dân, dân chủ, trách nhiệm, sáng tạo, chủ động và khát vọng vươn lên.

Trong nghiên cứu về các giá trị và hệ giá trị, giới khoa học đã trình bày một số hệ giá trị có quan hệ với nhau thành thang giá trị. Như vậy, việc định vị Hệ giá trị con người Việt Nam không thể tách ra khỏi hệ thống hệ giá trị theo một thang giá trị gồm:

- Hệ giá trị quốc gia.
- Hệ giá trị con người Việt Nam.
- Hệ giá trị gia đình Việt Nam.
- Các chuẩn mực văn hóa là sự cụ thể hóa giá trị con người Việt Nam nói chung cho các đối tượng khác nhau (giới, tuổi tác, nghề nghiệp, vùng miền, dân tộc)…

Tết không chỉ là dịp mừng đón mùa xuân mới lại về mà còn là dịp mừng sum họp gia đình, gia tộc, mong đất nước và xã hội tốt đẹp hơn, mong ai cũng được đủ đầy hạnh phúc. Ảnh: THÀNH ĐẠT

Tết không chỉ là dịp mừng đón mùa xuân mới lại về mà còn là dịp mừng sum họp gia đình, gia tộc, mong đất nước và xã hội tốt đẹp hơn, mong ai cũng được đủ đầy hạnh phúc. Ảnh: THÀNH ĐẠT

Do mối quan hệ trên mà trong quá trình hướng tới xác định Hệ giá trị con người Việt Nam cần đồng thời nghiên cứu các hệ giá trị khác nhau để tạo thành một hệ thống chặt chẽ, hài hòa, một thang giá trị đồng tác động vào cuộc sống, tạo nên một cuộc vận động lớn có tính tự giác, tự nguyện của quần chúng.

Để thực hiện được điều đó, Văn kiện yêu cầu thực hiện cả ba khâu: Tập trung nghiên cứu + xác định + triển khai xây dựng để hiện thực hóa các kết quả nghiên cứu này trong thực tiễn.

Đó là một đòi hỏi cấp thiết của cuộc sống.

Ngày xuất bản: 10/1/2023
Trình bày: Ngô Hương
Ảnh: Thanh Giang; Thành Đạt; Trần Hải; Hiếu Nguyễn