Trường Sa, với tôi và rất nhiều người đã từng ăn sóng, ngủ gió và mơ đảo, là một nỗi nhớ thường trực. Đặc biệt, những ngày Tết nguyên đán, thời khắc đón giao thừa và chào năm mới, trong lòng mỗi người con đất Việt lại chất chứa nỗi nhớ hướng về biển đảo Tổ quốc thân yêu.

Riêng với chúng tôi, những phóng viên từng may mắn được đặt chân đến Trường Sa, nỗi nhớ ấy còn cụ thể theo mỗi chuyến tàu ra đảo, với những hải trình chở nặng yêu thương.

Gần 5 giờ sáng, mặt trời bắt đầu nhô lên từ phía biển, làm ửng hồng cả một vùng quân cảng Cam Ranh. Trên bến đỗ, các chiến sĩ hải quân, với nụ cười tươi rói, gương mặt trẻ dường như còn.... sáng bừng hơn cả rạng đông. Tay chuyển những phần quà được gói ghém cẩn thận, các anh đã sẵn sàng chở yêu thương từ đất liền gửi ra đảo đá.

Tàu rút 3 hồi còi dài chào đất mẹ. Lúc này, những trái tim Việt Nam cũng bắt đầu rung lên theo nhịp điệu của sàn tàu...

Tàu rút 3 hồi còi dài chào đất mẹ. Lúc này, những trái tim Việt Nam cũng bắt đầu rung lên theo nhịp điệu của sàn tàu...

Tấm lòng từ đất Mẹ

Bình minh Trường Sa. (Ảnh: Hương Giang)

Bình minh Trường Sa. (Ảnh: Hương Giang)

Có mặt trên boong tàu từ rất sớm, chị Nguyễn Thị Thanh Huệ, thành viên đoàn Tập đoàn dầu khí, đang kiểm tra lại lần cuối món quà đặc biệt sẽ gửi tới các chiến sĩ Trường Sa. Chia sẻ với phóng viên, chị cho biết, ngay khi có thông tin được có mặt trên chuyến tàu đặc biệt, chị đã chuẩn bị những gói trà xanh để mang ra với biển.

“Đây là những gói trà do công ty gia đình tôi sản xuất, lấy tên là “Trà xanh Trường Sa”. Mỗi sản phẩm bán ra, chúng tôi sẽ dành 15.000 đồng đóng góp vào quỹ dành tặng các chiến sĩ, bà con nơi hải đảo”, chị Huệ hồ hởi nói.

Ngay bên cạnh, chị Lương Thị Hồng Nhung, Trưởng ban tuyên giáo Nữ công Công đoàn Dầu khí Việt Nam cũng đang rà soát lại danh sách quà. Chỉ khi chắc chắn rằng tất cả đã được chuyển lên tàu, chị mới yên tâm rời đất liền.

Chị cho biết, chuyến đi này, Công đoàn dầu khí mang tặng tivi, xe đạp, quạt điện cầm tay, quần áo, dầu gió, máy bơm gửi tặng các điểm đảo. Bên cạnh đó, các đơn vị trong đoàn công tác số 18 cũng trao nhiều món quà ý nghĩa đến tận tay các chiến sĩ và người dân như các dự án xanh hóa Trường Sa, hạt giống rau, sim Viettel, sách vở, các suất học bổng cho các em học sinh và các phần quà cho các gia đình trên quần đảo.

Những gói trà sạch mang tên tên “Trà xanh Trường Sa” như một món quà tự tâm gửi đến các chiến sĩ nơi đảo xa...

Những phần quà được gói ghém cẩn thận, các anh đã sẵn sàng chở yêu thương từ đất liền gửi ra đảo đá.

Là người lớn tuổi nhất đoàn công tác, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Ngọc Vinh, Chi Hội trưởng Chi hội nhiếp ảnh Việt Nam tỉnh Sơn La cũng bồn chồn không yên.

Ông mong muốn, những tác phẩm của mình sẽ ghi lại được những hình ảnh đẹp, ý nghĩa về cuộc sống, sinh hoạt của cán bộ chiến sĩ và người dân nơi đầu sóng ngọn gió. Có mặt trên tàu khi chỉ còn đúng 1 năm nữa chạm ngưỡng tuổi quy định không được đi Trường Sa nữa khiến nhiếp ảnh gia cận kề thất thập vô cùng mãn nguyện. Người nghệ sĩ 69 tuổi cũng cẩn trọng khoe những túi chè ô long, đặc sản Mộc Châu, thứ ông gọi là món quà quê gói ghém cả tâm tình của đất Mẹ.

Chị Lê Thị Hương Giang đến từ Hà Nội cho biết, trước đây, trong các chuyến đi lên miền núi phía bắc, chị vẫn thường chụp và in ảnh tặng các em bé vùng cao. “Lần này, tôi sẽ chụp và in chân dung các chiến sĩ ngay tại chỗ. Hy vọng đó sẽ là món quà ý nghĩa gửi tới các anh”, chị Giang mong chờ.

Chị Lê Thị Hương Giang.

Chị Lê Thị Hương Giang.

Vũ Mỹ Lệ, năm nay vừa tròn 20, là thành viên trẻ tuổi nhất đoàn. Mặc dù bị say sóng nặng, nhưng Lệ vẫn cố gắng cùng bạn bè trong đoàn nghệ thuật của Đại học Văn hóa Hà Nội ôn luyện lại những bài hát, điệu múa trong niềm háo hức, vinh dự vì sắp được gặp, đem lời ca tiếng hát của mình động viên tinh thần các chiến sĩ.

Ngồi ngay bên cạnh là Nguyễn Phước Hoàn, chiến sĩ hải quân trẻ của Lữ đoàn 172, cũng tham gia phục vụ văn hóa văn nghệ cho đoàn công tác. Hoàn chia sẻ: “Ngay từ bé, tôi đã muốn trở thành một người lính hải quân, góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo”.

Nói đoạn, cậu lính trẻ măng nghêu ngao cất tiếng hát: “Phía xa xa chân trời nghìn trùng sóng gió/Có những con người thay chúng ta đang vượt qua ngọn sóng, vươn tới chân trời/Giữ lấy nơi biên cương chưa bình yên của mọi người… /Trường Sa...

Lúc này, trăng lưỡi liềm đã treo lơ lửng chiếu sáng cả một vùng biển, sà vào lòng người, hòa chung niềm háo hức ngày mai được gặp cán bộ, chiến sĩ tại nơi phên dậu Tổ quốc…

Trăng lưỡi liềm treo lơ lửng chiếu sáng cả một vùng biển, sà vào lòng người, hòa chung niềm háo hức ngày mai được gặp cán bộ, chiến sĩ tại nơi phên dậu Tổ quốc…

Những gương mặt trẻ… của biển khơi

Lê Bá Bảy, chàng trai chớm đôi mươi tươi rói chia sẻ cảm xúc tự hào khi ngày ngày được đứng gác nơi đảo tiền tiêu của Tổ quốc. (Ảnh: NGỌC BÍCH)

Lê Bá Bảy, chàng trai chớm đôi mươi tươi rói chia sẻ cảm xúc tự hào khi ngày ngày được đứng gác nơi đảo tiền tiêu của Tổ quốc. (Ảnh: NGỌC BÍCH)

Sau 2 ngày lênh đênh, cuối cùng Đá Thị - điểm đến đầu tiên của hải trình cũng đã hiện ra trước mắt. Quên đi mỏi mệt, khách trên tàu đổ dồn ra mạn phải, đăm đắm nhìn về điểm xám đang dần rõ hơn trước mắt mình.

Đảo Đá Thị.

Đảo Đá Thị.

Đảo đã mỗi lúc một gần. Hai tòa nhà được xây dựng kiên cố nối với nhau bằng cây cầu bê-tông như một thành trì vững chắc giữa mênh mông Biển Đông. Thấp thoáng xa xa còn có màu xanh của cây bàng vuông và những luống rau xanh mướt anh em mới trồng.

Tàu thả neo, rít dài 3 hồi còi chào đảo. Từ bên hông KN-390, những chiếc xuồng được thả xuống trong niềm hân hoan khó tả. Xuồng, mang theo cờ Tổ quốc, mang theo cả đoàn người say sóng, say nắng lần lượt cập đảo.

Đá Thị chiều nay ồn ào hơn thường lệ bởi những cái bắt tay thật chặt, những lời hỏi han không ngớt. Ngay trước bảng thông tin là chiến sĩ trẻ Nguyễn Văn Thành, sinh năm 2004, đang đứng gác giữa cái nắng cháy da thịt. Ra đảo được hơn 5 tháng mà làn da của Thành đã chuyển màu đen sạm “đặc trưng” của lính đảo.

Chiến sĩ Nguyễn Văn Thành.

Chiến sĩ Nguyễn Văn Thành.

Thành cười thật thà chia sẻ: “Đá Thị là một trong những đảo chìm của quần đảo Trường Sa nên môi trường sinh hoạt khá chật hẹp, thiếu nước và đồ ăn tươi. Lúc mới ra, em cũng nhớ nhà lắm. Nhưng sau một thời gian đóng quân tại đảo, quen với anh em, cùng nhau ăn ngủ, tham gia huấn luyện, chơi thể thao, chia nhau từng cọng rau, lít nước, nơi đây đã trở thành ngôi nhà thứ hai”.

Đứng chòi gác bên cạnh, Lê Bá Bảy cũng là tân binh mới ra đảo đợt đầu năm.

Chiến sĩ Trần Thiện Thoại.

Chiến sĩ Trần Thiện Thoại.

Vừa xong ca trực, Trần Thiện Thoại, chàng trai 20 tuổi quê Khánh Hòa đầy hào hứng, phấn khởi khoe khách phương xa những luống rau mà anh em tăng gia trên đảo. Đảo đá thị có 3 vườn rau, vườn nào cũng xanh tốt cả. Thoại cho biết, nhiệm vụ chính của em là làm chiến sĩ tín hiệu, trực phất cờ hướng dẫn tàu xuồng của ngư dân và các đoàn vào đảo đúng hướng, tránh va phải đá ngầm.

Hơn 5 tháng làm lính Trường Sa, chiến sĩ Thoại đã trưởng thành lên rất nhiều. Nếu trước kia ở nhà, em không biết nấu ăn thì giờ cái gì cũng làm được. Thoại yêu bình minh sáng sớm và mê ngắm trăng.

Thoại yêu bình minh sáng sớm và mê ngắm trăng.

Nụ cười rạng ngời của chiến sĩ Trường Sa.

Nụ cười rạng ngời của chiến sĩ Trường Sa.

Các chiến sĩ chăm sóc rau trên quần đảo Trường Sa.

Các chiến sĩ chăm sóc rau trên quần đảo Trường Sa.

Đứng gần Thoại, Đại úy Bùi Xuân Quốc, chính trị viên Đảo Đá Thị, người đã có gần 12 năm gắn bó với Trường Sa. Anh bảo, ở biển, người lính quý nhất là rau xanh và nước ngọt. Một năm tàu hậu cần cung cấp 4 quý, mỗi chuyến chỉ chở được một ít loại củ quả như bí xanh, bí đỏ, khoai tây. Vì vậy, bằng mọi cách anh em phải trồng được rau xanh để phục vụ cho bữa ăn hằng ngày.

Khổ nhất là những khi biển động hay có áp thấp nhiệt đới, sóng tung nước mặn lên tận sàn nhà tầng 1 và vườn rau gặp nước mặn rũ ra “giận dỗi”, bao công sức đổ xuống sông xuống biển. Chờ biển cả êm đềm, anh em lại bắt đầu lại, dăm bữa nửa tháng, được chăm chút cẩn thận, vườn rau lại xanh tươi mơn mởn.

“Vào mùa khô, ở đảo không có nổi một hạt mưa, chúng tôi được chia nước theo lít, cứ 20 lít 3 ngày. Hầu như chúng tôi không để phí một hạt nước nào, tất cả nước dùng trong sinh hoạt: rửa rau, nước tắm, rửa bát… đều được trữ lại để tưới rau. Tuy thế, nhưng anh em không hề lơ là cảnh giác và luôn sẵn sàng trong mọi tình huống, mọi hoạt động trên biển đều được chúng tôi ghi lại, theo dõi và báo cáo cho chỉ huy kịp thời để có phương án xử lý chuẩn xác và kịp thời”, chính trị viên đảo cho biết.

Tuy còn nhiều khó khăn những niềm vui tinh thần tại đảo là thứ khó mà tìm thấy ở bất cứ nơi đâu.

---Đại úy Bùi Xuân Quốc---

Tuy còn nhiều khó khăn những niềm vui tinh thần tại đảo là thứ khó mà tìm thấy ở bất cứ nơi đâu. Đảo vẫn là nơi mà bà con ngư dân tìm đến mỗi khi gặp khó khăn trong những chuyến ra khơi bám biển. Anh em luôn cố gắng giúp đỡ bà con, lúc thì một vài cân gạo, khi thì một ít nước ngọt và cả thuốc uống mỗi khi ngư dân có bệnh đến xin. Mỗi lần như thế bà con lại biếu anh em túi cá, túi quà nhỏ từ đất liền mang ra. Đó là tình quân dân ấm nồng, nặng nghĩa tình như mạch nguồn cuộn chảy trong mỗi con người mang dòng máu Việt.

“Mới ra đảo thì thấy khổ, nhưng sau một thời gian anh em nào cũng yêu đời, yêu biển, tình đồng chí đồng đội gắn bó, giây phút chia tay hết thời gian nghĩa vụ không anh em nào không ngấn lệ”, Đại úy Bùi Xuân Quốc chia sẻ.

Những chàng trai trẻ măng vừa mới kịp quen với hơi mặn chát của Biển Đông dường như không quen kể về mình. Họ thường chỉ cười và bẽn lẽn nói đôi ba câu ngắt quãng. Nhưng trong đôi mắt 19, 20, tôi thấy đã nhen nhóm sự rắn rỏi mà chỉ có ở phên dậu trùng khơi Tổ quốc mới kịp hun đúc cho họ. Cái rắn rỏi chứa đựng chiều dài của năm tháng bám biển, giữ biên cương, thứ tài sản tinh thần vô hình được truyền lưu qua nhiều thế hệ.

Bài 1: Ghi trên chuyến tàu chờ đầy yêu thương
Bài 2: Lực lượng kiểm ngư Việt Nam: Những lặng thầm chưa nói
Bài 3: Có một làng quê bình yên trong trái tim

Ngày xuất bản: 29/1/2025
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Nội dung & trình bày: NGỌC BÍCH-BÌNH NGUYÊN
Ảnh: HƯƠNG GIANG-NGỌC VINH-
NGỌC BÍCH