Trường Sa, với tôi và rất nhiều người đã từng ăn sóng, ngủ gió và mơ đảo, là một nỗi nhớ thường trực. Đặc biệt, những ngày Tết nguyên đán, thời khắc đón giao thừa và chào năm mới, trong lòng mỗi người con đất Việt lại chất chứa nỗi nhớ hướng về biển đảo Tổ quốc thân yêu.
Riêng với chúng tôi, những phóng viên từng may mắn được đặt chân đến Trường Sa, nỗi nhớ ấy còn cụ thể theo mỗi chuyến tàu ra đảo, với những hải trình chở nặng yêu thương.
![](./assets/i8KFtOvJZG/trg-sa-lon-2560x1706.jpg)
Sau một tuần lênh đênh trên biển, vượt hơn 1.200 hải lý, qua những Đá Thị, Sinh Tồn Đông, Len Đao, An Bang, Đá Đông C, Đá Tây C…, chúng tôi cũng đã tới được với Trường Sa lớn - trái tim của quần đảo thân yêu…
Trường Sa lớn - trái tim của quần đảo thân yêu…
![](./assets/ACOZ0xsbvm/img_3438-2480x1772.jpg)
Bài hát hay nhất mình từng hát là bài Quốc ca trên đảo Trường Sa Lớn
![](./assets/1qzAEuLD7v/img_3438-2480x1772.jpg)
Xa xa, Trường Sa Lớn tựa 1 pháo đài vững chắc giữa Biển Đông. Chiếc cầu cảng dài 150m như cánh tay vạm vỡ dang rộng nối tàu đưa đoàn công tác lên đảo. “Thủ đô” của quần đảo được thiên nhiên ưu đãi với nguồn nước ngọt dồi dào hơn cả và cũng là đảo duy nhất có cầu cảng để tàu có thể cập.
Như thường lệ, tàu rít 3 hồi còi chào đảo, 2 tổ dây sẵn sàng về vị trí thả neo. Những bước chân người đi biển trước đó còn líu ríu vì sóng gió, bỗng trở nên vững vàng, bao mệt nhọc tiêu tan.
Đi hết cầu cảng là tới cổng chính dẫn vào đảo Trường Sa Lớn. Hai hàng cây bàng vuông xanh tươi uốn mình kết thành cổng chào dài cả trăm mét đón người từ đất liền ghé thăm. Sau những cái bắt tay vội, các đại biểu rảo bước chân, tiến về phía đường băng để tham gia nghi thức đặc biệt: Lễ chào cờ và duyệt đội hình đội ngũ.
Lời hát quốc ca cất lên đầy tự hào giữa biển trời thiêng liêng cùng 10 lời thề danh dự của người quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam vang lên đầy tự hào, khiến hơn lúc nào hết tình yêu quê hương lại trào dâng lên trong huyết quản của mỗi người.
Chiếc cầu cảng dài 150m như cánh tay vạm vỡ dang rộng nối tàu đưa đoàn công tác lên đảo.
![](./assets/akEKJryNg0/truong-sa-lon-cau-tau-5-2480x1772.jpg)
Nhà báo Đinh Như Hoan, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân chia sẻ: “Có đến Trường Sa bạn mới nhận ra bài hát hay nhất mình từng hát là bản Quốc ca khi chào cờ ở đảo Trường Sa Lớn, và tấm hình đẹp nhất mình từng chụp được chính là chân dung của những người lính giữa biển đảo quê hương”.
Lễ chào cờ trên đảo Trường Sa lớn.
Lễ chào cờ trên đảo Trường Sa lớn.
Tình yêu biển đảo là sự kế thừa mạch đập ngàn năm của dân tộc Việt Nam anh hùng bao đời vẫn bám lấy biển, giữ từng con cá bảo vệ biển đảo để có một Trường Sa hôm nay hiên ngang, nơi cả nước đang ngày đêm hướng về.
![](./assets/XeGvpgj8p1/nen-2560x1440.jpg)
![](./assets/qVFINYTkQD/truong-sa-lon-5-2560x1560.jpg)
Chưa bao giờ đất liền và hải đảo gần nhau đến thế
![](./assets/qVFINYTkQD/truong-sa-lon-5-2560x1560.jpg)
Trường Sa hôm nay thật yên bình, xanh tươi và tiện nghi. Có chùa, trường học, bệnh xá, nhà văn hóa, sân bay… và cả những cây bàng vuông xanh mát rợp bóng, nở hoa chùm rực đỏ, những chùm quả chín sơn tra chín căng mọng. Quân dân Trường Sa Lớn đã gần như chủ động được rau xanh trong bữa ăn hằng ngày, vườn thuốc nam của Trung tâm y tế thị trấn Trường Sa tuy nhỏ nhưng đa dạng chủng loại.
Trường Sa hôm nay là quê hương thứ 2 của nhiều người khi rời đất liền và gắn bó nơi đây. 7 mái nhà đỏ, tường sơn xanh, đứng liền kề, là nơi sinh sống của 7 hộ gia đình tại thị trấn Trường Sa. Những ngôi nhà được xây từ năm 2008, gọn gàng, tiện nghi; những đứa trẻ đang nô đùa ngoài sân dưới bóng cây rợp mát là hình ảnh thật thanh bình.
Tiếp đón chúng tôi, gia đình anh Phạm Quốc Sang (sinh năm 1992) và chị Lê Thị Hoa Trâm (1988) đầy phấn khởi và hạnh phúc khi được địa phương tạo điều kiện để có cơ hội trải nghiệm cuộc sống mới tại đảo tiền tiêu. Là quân dân trên đảo, tham gia dân quân tự vệ, kết nghĩa với các hộ gia đình trên đảo, cùng nhau ăn uống, ngày ngày mời nhau ly trà chén nước, kể cho nhau những câu chuyện thường nhật trên đảo, rồi cuộc sống trong đất liền, cùng nhau giao lưu đón Tết, cùng gói bánh chưng, bày mâm cỗ Tết, đón giao thừa… tất cả đều là những trải nghiệm đáng quý. Không biết tự lúc nào, đảo đã trở thành gia đình lớn thứ hai của những hộ dân Trường Sa.
7 mái nhà đỏ, tường sơn xanh, đứng liền kề, là nơi sinh sống của 7 hộ gia đình tại thị trấn Trường Sa.
![](./assets/M9GE9Y9P9H/truong-sa-lon-2560x1440.jpg)
Anh Sang chia sẻ: “Ra Trường Sa, tôi có nhiều thời gian bên vợ con hơn. Sau khi xong xuôi các công việc thường ngày, gia đình tôi cùng nhau đi dạo dưới những tán bàng vuông xanh mát. Với tôi, đó chính là hạnh phúc”. Và sắp tới, gia đình anh chị lại được đón nhận niềm vui lớn khi mảnh đất thiêng này đem đến cho gia đình anh chị thêm một thành viên mới.
Nếu em bé là con gái sẽ đặt tên Sa, còn là bé trai thì đặt tên Trường.
---Chị Hoa Trâm, cư dân đảo Trường Sa Lớn---
Ngồi cạnh chồng, bà bầu tháng thứ 7, Hoa Trâm dáng vẻ đã khá nặng nề nhưng gương mặt vẫn tươi rói toát lên vẻ hạnh phúc: “Hơn 1 tháng nữa tôi sẽ vào đất liền để sinh em bé. Nếu em bé là con gái sẽ đặt tên Sa, còn là bé trai thì đặt tên Trường”. Với gia đình anh chị Sang Trâm, Trường Sa không chỉ là chốn bình yên, sum vầy mà còn là mảnh đất sinh sôi, là nơi kết tinh tình yêu đôi lứa.
Cầm chùm sơn tra vừa hái tặng khách phương xa, Nguyễn Tấn Gia Bảo, chàng lính trẻ sinh năm 2004 chia sẻ, em vui và tự hào khi trong xã chỉ có mình mình được trở thành lính Trường Sa. Hơn 5 tháng làm lính đảo, làn da vốn đen của Bảo nay càng đậm màu nắng gió Biển Đông. Bảo “đen” cho biết, với sự quan tâm của nhân dân cả nước, Trường Sa hôm nay đã có cơ sở hạ tầng khang trang, hiện đại, đời sống của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ ngày càng cải thiện. Bảo yêu không gian xanh mướt, yên bình nơi đây.
Kỷ niệm Trường Sa với Bảo là những ngày huấn luyện vất vả, giúp em rắn rỏi và trưởng thành từng ngày. Đặc biệt, thước phim in hằn trong tâm trí Bảo là đêm giao lưu văn nghệ với đoàn Bộ quốc phòng giữa trời mưa lớn. Tối đó, mưa cứ thế đổ như trút, nhưng khán giả không ai rời khỏi ghế ngồi, vẫn yên vị reo hò trong mưa, và thế là trên sân khấu các “nghệ sĩ” chiến sĩ như được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục nhảy, tiếp tục “rap”. Cảm động trước tình đồng bào đồng chí, Bảo biểu diễn mà nước mắt thoáng rơi hòa chung cơn mưa rào giữa biển đảo quê hương.
Buổi tối, tại đảo Trường Sa Lớn, các thành viên Đoàn công tác cũng lần lượt gửi tới các chiến sĩ những món quà tinh thần là lời ca tiếng hát, là những món quà nhỏ, là những câu chuyện thắm tình quân dân.
Ngồi cạnh tôi trong đêm giao lưu văn nghệ là anh Quang, cán bộ trạm GPS, người đã có 13 năm công tác tại đảo Trường Sa Lớn và cũng là anh lính già nhất tại đảo. Khi biết tôi làm việc tại Hà Nội, anh tự hào khoe cô con gái thông minh đang học tại Trường Đại học Sư phạm; trong những câu chuyện không đầu không cuối, chúng tôi đã kịp hẹn nhau hội ngộ tại Bờ Hồ Hoàn Kiếm khi anh có dịp lên thăm con gái.
![](./assets/XeGvpgj8p1/nen-2560x1440.jpg)
![](./assets/XnIOmQSYFR/z5583107826634_8ef879f28b82d35cc059c231cb7b8af8-2560x1706.jpg)
9 giờ tối, đêm giao lưu văn nghệ kết thúc cũng là lúc tàu thông báo đã đến giờ chia xa. Khách vội choàng ôm những người bạn mới quen rồi chạy về cầu cảng mà mắt bỗng nhòe đi.
Tàu lại rít 3 hồi dài chào đảo. Hành khách đổ dồn hết sang mạn trái. Anh em chiến sĩ cùng các hộ gia đình tại Trường Sa Lớn quân phục, áo dài chỉnh tề đứng dàn hàng sát mép cầu cảng tiễn đoàn.
Tiếng gió biển ù ù, tiếng máy tàu cũng bắt đầu lớn dần kéo con tàu rời đảo. Người trên tàu, người dưới đảo vẫy tay chào nhau không dứt.
Bỗng, các chiến sĩ hải quân hát vang bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, lập tức hơn 200 đại biểu trên tàu cùng hòa giọng. Lời ca hòa vào mây trời, len vào sâu trái tim mỗi người, giây phút chia xa nhưng chưa bao giờ đất liền và hải đảo lại gần nhau như thế.
Con tàu ngày càng xa cảng, không gian biển khơi mịt mù, chung quanh chỉ còn tiếng gió và sóng biển. Những chiến sĩ vẫn chưa chịu về, họ vẫn đứng vẫy chào những vị khách phương xa nhưng hình ảnh họ giờ chỉ là những chấm nhỏ giữa không gian bao la…
![](./assets/XeGvpgj8p1/nen-2560x1440.jpg)
![](./assets/ZWO5POmX9R/z5479139993364_856850a930ba8f0a0c2b7536bb9a7c2d-2560x1920.jpg)
Chào Trường Sa, chào những người giữ biển! Các anh canh gác ngoài hải đảo, chúng tôi tiếp tục cố gắng nỗ lực trong đất liền để biển yên bình và đất nước ta ngày một tươi đẹp…
Bài 1: Ghi trên chuyến tàu chở đầy yêu thương
Bài 2: Lực lượng kiểm ngư Việt Nam: Những lặng thầm chưa nói
Bài 3: Có một làng quê bình yên trong trái tim
Xuất bản: 31/1/2025
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Nội dung & trình bày: NGỌC BÍCH-BÌNH NGUYÊN
Ảnh: HƯƠNG GIANG-YOU HOANG-
NGỌC VINH-NGỌC BÍCH
Chào Trường Sa, chào những người giữ biển!
![](./assets/9NFIXSL8CX/z5583112538958_a878cdbfd91354a6edf616f9f003f6a3-2560x1706.jpg)