Trường Sa, với tôi và rất nhiều người đã từng ăn sóng, ngủ gió và mơ đảo, là một nỗi nhớ thường trực. Đặc biệt, những ngày Tết nguyên đán, thời khắc đón giao thừa và chào năm mới, trong lòng mỗi người con đất Việt lại chất chứa nỗi nhớ hướng về biển đảo Tổ quốc thân yêu.

Riêng với chúng tôi, những phóng viên từng may mắn được đặt chân đến Trường Sa, nỗi nhớ ấy còn cụ thể theo mỗi chuyến tàu ra đảo, với những hải trình chở nặng yêu thương.

Một ngày cuối năm biển Đông cuộn sóng. Bão ầm ì kéo tới. Một tàu cá đã chết máy, nước tràn vào bên trong. Tình thế khẩn cấp, nhận lệnh, lực lượng kiểm ngư của tàu KN-390 lập tức triển khai công tác ứng cứu ngư dân gặp nạn.

Những mảnh ký ức về một tình huống cứu kéo ngư dân trên biển đang dần hiện lên trong tâm trí thuyền trưởng tàu KN-390 Hoàng Ngọc Chung.

Bão ầm ì kéo tới. Một tàu cá đã chết máy, nước tràn vào bên trong. Tình thế khẩn cấp...

Tốt nghiệp ngành Điều khiển tàu biển, năm 2015, Hoàng Ngọc Chung về làm nhiệm vụ điều hành các con tàu kiểm ngư, thuộc Kiểm ngư Việt Nam, lực lượng chuyên trách thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chung cho biết, ngoài nhiệm vụ điều hành con tàu, chở đại biểu đi thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, anh cùng các anh em thuyền viên còn tham gia cứu hộ nhiều tàu cá của bà con ngư dân gặp nạn trên biển, làm điểm tựa vững chắc cho bà con vươn khơi bám biển.

Biển nay hiền hòa, lặng sóng nhưng câu chuyện ứng cứu ngư dân gặp nạn giữa bão giông năm nào khiến thuyền trưởng tàu KN 390 Hoàng Ngọc Chung không khỏi xúc động mỗi khi nhớ lại.

Đó là vào mùa đông năm 2021.

Thời tiết trên biển mỗi lúc một xấu hơn. Sóng lớn bạc đầu dựng lên những bức tường nước khổng lồ, chồm tới khiến lòng Chung nóng như lửa đốt. Trước đó vài giờ, anh đã nhận lệnh từ Sở Chỉ huy về việc có một tàu ngư dân bị hỏng máy, có nguy cơ lật chìm ngoài khơi xa.

Nhớ về ngày hôm đó, Hoàng Ngọc Chung kể lại: “Nhận lệnh từ Sở chỉ huy, anh em chúng tôi lập tức tổ chức cứu hộ cứu nạn tàu cá. Sóng gió mạnh quá, các anh em đi tàu đã quen mà nhiều người trong đội vẫn say sóng. Mặc dù vậy, cả đội tập trung thực hiện làm dây, triển khai các phương án tiếp cận, cứu kéo tàu bị nạn”.

Theo thuyền trưởng Chung, tình thế lúc đó rất nguy hiểm, quá trình thực hiện lai kéo phải dùng dây to, bảo đảm chắc chắn, động tác cần nhanh, chớp thời cơ thật chuẩn, lực xiết của dây cực mạnh, chỉ cần sơ ý để dây thắt, ngón tay thậm chí cả bàn tay đứt lìa luôn. Sóng lớn đổ từng đợt vào thân tàu khiến tàu trôi, góc lái bị bẻ, nếu tiếp cận không chuẩn tàu mình sẽ va vào tàu cá.

Qua nhiều lần tiếp cận, thực hiện nhiều phương án, đội đã nối được dây cho tàu cá, hỗ trợ đưa các ngư dân lên tàu an toàn. Lúc ngư dân đáp tàu cứu hộ cũng là lúc những bàn tay các anh sưng lên đỏ rát vì nắm thừng, tiết trời dưới 10 độ C mà mồ hôi vẫn túa ra như tắm.

Lúc ngư dân đáp tàu cứu hộ cũng là lúc những bàn tay chiến sĩ sưng lên đỏ rát vì nắm thừng, tiết trời dưới 10 độ C mà mồ hôi vẫn túa ra như tắm.

Những thiệt thòi, tủi thân đó, chỉ là giây phút thoáng qua, chẳng thể làm sờn lòng, nao núng tinh thần thủy thủ. Nụ cười tươi rói vẫn thường trực trên môi, bởi “những trái tim thép” biết rằng, họ chính là những lá chắn gió, chắn sóng, giữ vững bình yên cho đất liền.

(Ảnh: YOU HOÀNG)

(Ảnh: YOU HOÀNG)

Ngồi cạnh thuyền trưởng Chung là thuyền viên Nguyễn Văn Huy, người con quê hương Quảng Bình đã có 8 năm trên tàu, 2 năm công tác tại đảo Phan Linh và Núi Le thuộc quần đảo Trường Sa. Huy cho biết, nếu khó khăn với người lính đảo là không gian sinh hoạt chật chội, là thiếu nước ngọt, thiếu đồ ăn thức uống,… thì những thủy thủ lái tàu lại có những vất vả riêng. Đó là cả tháng trời biền biệt đi trực tại những khu vực trọng điểm, không có sóng điện thoại, không có mạng, không thể liên lạc với gia đình. Hay những ngày đi trực gặp sóng lớn, đồ ăn mang lên không ai nuốt nổi, anh em bỏ bữa vì cứ ăn là nôn, nhưng vẫn phải dậy đi trực, lái tàu, quan sát khu vực trực.

Kỷ niệm đi biển với Huy còn là những lần thực hiện nhiệm vụ xua đuổi tàu cá nước ngoài ra khỏi vùng biển Việt Nam. Nhiều tàu của bạn to hơn, trang thiết bị hiện đại hơn, nhưng lực lượng kiểm ngư Việt Nam với bản lĩnh sắc bén, ý chí quyết tâm cao đã vượt mọi khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ, khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Đáng nhớ nhất là ngày Huy nhận tin vợ sinh trong đất liền. Nỗi vui sướng được làm cha nhanh chóng lẫn vào nỗi buồn vì không thể cùng vợ vượt cạn. Phải tận 13 tháng sau, anh mới được ôm con trai vào lòng khi cháu đã hết… lễ thôi nôi.

Giống như Huy, đâu đâu trên những con tàu kiểm ngư, trên đất đảo Trường Sa cũng có những hy sinh thầm lặng như thế. Đó là thoáng tiếc nuối của thuyền trưởng Chung khi tuần tới là sinh nhật 4 tuổi của con trai mà anh không thể về. Hay chút áy náy của Nguyễn Hữu Thắng khi không kịp về dự đám cưới của chị gái ruột vào cuối tuần.

Đó còn là câu chuyện của trưởng ngành máy điện Đào Doãn Hoàng. Từ lúc vợ sinh đến giờ anh chỉ ở nhà được vài ngày, sau đó những cuộc gặp với con thơ là những khi tranh thủ có sóng tại cảng. Từng giai đoạn lớn lên của con, lúc con biết bò, biết ngồi, Hoàng chỉ xem qua video vợ gửi. Nay con trai Hoàng đã 7, 8 tháng tuổi nhưng cứ nhìn thấy bố là khóc vì… quá lạ.

Nhưng, những thiệt thòi, tủi thân đó, chỉ là giây phút thoáng qua, chẳng thể làm sờn lòng, nao núng tinh thần thủy thủ. Nụ cười tươi rói vẫn thường trực trên môi, bởi “những trái tim thép” biết rằng, họ chính là những lá chắn gió, chắn sóng, giữ vững bình yên cho đất liền.

Trưởng máy Đào Doãn Hoàng (phía trước) cùng nhân viên tổ máy Nguyễn Hữu Thắng kiểm tra hoạt động của hệ thống máy tàu. (Ảnh: YOU HOÀNG)

Trưởng máy Đào Doãn Hoàng (phía trước) cùng nhân viên tổ máy Nguyễn Hữu Thắng kiểm tra hoạt động của hệ thống máy tàu. (Ảnh: YOU HOÀNG)

Trắng đêm canh tiếng máy nổ giòn

Chúng tôi tiếp tục theo chân Hoàng xuống tầng thấp nhất của con tàu KN-390, khu vực kín và ít người biết đến nhất. Trưởng ngành máy điện chỉ cho chúng tôi khu vực buồng máy, nơi bảo đảm toàn bộ tình trạng hoạt động tốt của các trang bị máy móc và cho biết: “Nơi đây được ví như ‘trái tim’ của con tàu bởi máy móc có vận hành tốt thì con tàu mới di chuyển được”.

Năm nay 30 tuổi, Hoàng đã có 6 năm công tác tại đơn vị. 6 năm đó cũng là quãng thời gian anh ăn ngủ để… canh máy. Hằng ngày, Hoàng cùng các anh em trực theo dõi sự hoạt động của máy móc, xử lý các tình huống sự cố phát sinh. Ở dưới này, anh em đã quen với mùi xăng dầu, với tiếng ồn. “Tiếng máy nổ giòn là đêm yên giấc, sợ nhất có tiếng nổ lạ”. Nói đến đây, Hoàng ngừng lại, kể về 1 đêm giấc chẳng lành.

Hơn 1 giờ sáng hôm đó, tàu đang lênh đênh trên biển, anh em trực thông báo xảy ra sự cố. Mắt nhắm mắt mở, cả đội chạy xuống sâu khoang máy. Lúc này, một chiếc bơm nước biển bị dò, nước biển đẩy vào không đủ lưu lượng làm mát thiết bị. Tiếng máy réo chói tai. Dù đã có hệ thống quạt đảo lưu hỗ trợ, sức nóng dưới hầm máy vẫn lên tới 60-70 độ C.

Tất cả anh em “đánh trần” hết, phối hợp nhịp nhàng, cố gắng bịt dò, khắc phục sự cố nhanh nhất có thể phần vì không thể chịu nổi cái nóng hầm hập quá lâu, và quan trọng hơn là để tàu trở lại hoạt động bình thường, chạy theo đúng lịch trình.  Xử lý xong tình huống cũng là lúc đồng hồ điểm 2 rưỡi sáng, nhễ nhại mồ hôi và anh em lại có một đêm không ngủ.

Tiếng máy NỔ GIÒN là đêm YÊN GIẤC

Trong các chuyến công tác đưa đón đại biểu ra thăm quần đảo Trường Sa, ngoài nhiệm vụ trên tàu, anh em lực lượng kiểm ngư còn làm công tác lái xuồng, đưa đại biểu, nhân dân cập đảo an toàn. (Ảnh: NGỌC BÍCH)

Trong các chuyến công tác đưa đón đại biểu ra thăm quần đảo Trường Sa, ngoài nhiệm vụ trên tàu, anh em lực lượng kiểm ngư còn làm công tác lái xuồng, đưa đại biểu, nhân dân cập đảo an toàn. (Ảnh: NGỌC BÍCH)

Mới công tác tại tàu được 3 tháng rưỡi, chàng thủy thủ trẻ Hoàng Anh Chiến chăm chú nghe như nuốt từng con chữ trong câu chuyện của “tiền bối”. Chiến hồ hởi: “Được làm việc công việc theo đúng mơ ước từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường em thấy mình thật may mắn và hạnh phúc. Em nguyện cống hiến sức trẻ và nhiệt huyết cho lực lượng kiểm ngư, góp công sức nhỏ bé của mình cho công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo”.

Thực ra mong muốn sắp tới của em là trải nghiệm cuộc sống của 1 người lính đảo. Năm tới, em sẽ xin đóng quân tại một đảo nào đó, miễn là Trường Sa.

---Nguyễn Tiến Phước---

Hơn 2 ngày lênh đênh trên biển, người tôi có duyên trò chuyện đầu tiên là thuyền viên Nguyễn Tiến Phước.

Nếu như hầu hết các thủy thủ trẻ trên tàu nhắc đến Hà Nội chỉ với những hình dung trong tưởng tượng thì chàng trai trẻ quê Quảng Bình lại thuộc đường và biết nhiều câu chuyện về Thủ đô. Hỏi ra mới biết, trước kia vì nuôi đam mê vào bộ đội chuyên nghiệp mà gia đình đã không dưới 10 lần đưa Phước ra Hà Nội để liên tiếp thực hiện các ca mổ mắt tại Bệnh viện mắt Trung ương. Phước tâm sự, đó là cả 1 hành trình gian nan, mắt em cận rất nặng và còn bị 1 số tật rất khó điều trị, có những khi mẹ thương, mẹ bảo: “Hay là thôi con hè!”, nhưng ước mơ vào bộ đội chuyên nghiệp là động lực giúp em vượt qua những ca phẫu thuật, may mắn có ba mẹ luôn đồng hành và em đã điều trị mắt thành công. Ngồi bên mạn tàu, đang lan man với những câu chuyện đi biển và cả những ký ức về một Hà Nội đầy chất thơ thì Phước nghiêm túc: “Chị ạ, thực ra mong muốn sắp tới của em là trải nghiệm cuộc sống của 1 người lính đảo. Năm tới, em sẽ xin đóng quân tại một đảo nào đó, miễn là Trường Sa”.

Nghe những lời ấy, tôi quay sang nhìn gương mặt hiền lành nhưng rắn rỏi, sáng ngời của Phước, nở một nụ cười trong vô thức. Hai chị em không ai nói gì, cùng nhau ngước về bầu trời, nhìn lên trăng lưỡi liềm duyên dáng treo mình giữa biển cả quê hương cùng những chộn rộn, ước mơ Trường Sa.

Bài 1: Ghi trên chuyến tàu chở đầy yêu thương
Bài 2: Lực lượng Kiểm ngư Việt Nam: Những lặng thầm chưa nói
Bài 3: Có một làng quê bình yên trong trái tim

Ngày xuất bản: 30/1/2024
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Nội dung & trình bày: NGỌC BÍCH-BÌNH NGUYÊN
Ảnh: YOU HOÀNG-NGỌC VINH-
HƯƠNG GIANG-NGỌC BÍCH