Mười năm trước, chúng tôi từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh, ngồi say sưa nghe Đại tá tình báo nhân dân Nguyễn Văn Tàu (bí danh Tư Cang) kể chuyện về cuộc đời làm tình báo ly kỳ của ông trong lòng nội đô Sài Gòn. 10 năm sau gặp lại, thật vui mừng vì thấy ông vẫn còn khỏe mạnh, vẫn nghe được điện thoại rành rọt, vẫn cười bảo: “Ừ đến đi, thích nghe chuyện gì thì mình kể”. Ở tuổi 97, ông đầy tếu táo và vẫn giữ nét duyên của một nam thanh niên lãng tử. 

Chúng tôi đến gặp ông vào một buổi chiều thành phố oi ả. Ông đang ngồi dưới hiên nhà, nhìn cuộc sống chầm chậm trôi qua hàng cây xào xạc lá. Con gái cả của ông, năm nay chớm 70 tuổi đon đả pha cốc nước cam đặt lên bàn. Ông chỉ con gái, cười bỏm bẻm: “Đây là Nhồng mà tôi hay kể chuyện là sau 28 năm hoạt động, khi giải phóng về nhà, cha con mới nhận nhau đó”. Nhấp ngụm nước, ông giao kèo: “Nói chuyện 2 tiếng nhé, tí mình còn tiếp khách. Hẹn chúng nó rồi, không tiếp là sau hổng có đứa nào chơi với mình”.

Ừ đến đi, thích nghe chuyện gì thì mình kể.

“Ẩn (tình báo Phạm Xuân Ẩn) mất năm 2006. Gã nói với mình thế này: “Tôi với anh may mắn thôi, vượt qua hết không bị bắt chứ mình đâu có giỏi gì hơn anh em, mà anh em bị bắt nhiều quá. Tôi với anh giờ này còn sống như vầy, được chăm sóc ở bệnh viện quân y rồi qua đời vì già. Chắc số tử vi của tôi với anh tốt lắm”. Ẩn rất khiêm tốn, rất tốt”, ông mở đầu câu chuyện.

28 năm đi qua cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cuộc đời hoạt động tình báo của Tư Cang sôi nổi nhất trong khoảng 10 năm, từ 1961 đến 1973. Trong đó, khoảng tháng 4/1962 tới 1971, Đại tá Nguyễn Văn Tàu (tức Tư Cang) phụ trách cụm tình báo H.63, cụm tình báo phục vụ hoạt động của điệp viên Phạm Xuân Ẩn (tức Hai Trung).

Để có thể đi khắp nơi và tiếp cận với những nhân vật có quyền lực nhất, tháng 10/1957, theo sự chỉ đạo của đồng chí Mai Chí Thọ và Trần Quốc Hương (Mười Hương, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương), Phạm Xuân Ẩn qua Mỹ học ngành báo chí tại Quận Cam, California, trong hai năm (1957-1959) và là người Việt Nam đầu tiên sang học báo chí tại quận Cam.

Nhiệm vụ của ông, là kết nối đường dây với ông Phạm Xuân Ẩn.

Đầu năm 1965, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn, Tổng thống Mỹ Johnson quyết định chuyển sang thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đưa quân đội vào trực tiếp xâm lược miền nam Việt Nam. Cấp trên chỉ thị, Nguyễn Văn Tàu khi đó mang hàm Thiếu tá phải vào thành, vì có nhiều diễn biến phức tạp. Năm 1966, ông rời Củ Chi, về ở nhà bà Tám Thảo, bắt đầu cuộc đời tình báo trong nội thành. Nhiệm vụ của ông, là kết nối đường dây với ông Phạm Xuân Ẩn.

Ông miên man trong dòng hồi ức về tình báo Phạm Xuân Ẩn mà ông sử dụng đại từ nhân xưng là “gã”.

“Lần đầu tiên gã gặp mình ở nhà Tám Thảo, gã (Phạm Xuân Ẩn-PV) khoái chí nói: “Thằng cha này ngon ta, ở trong rừng ra mà còn ngon hơn tôi”. Mình biết, gã đã mê mình ngay từ cái nhìn đầu tiên. Sau này, mình thường xuyên cùng đi với Ẩn tiếp xúc với nhà báo, các sĩ quan của Chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Mình biết, gã (tình báo Phạm Xuân Ẩn-pv) đã mê mình ngay từ cái nhìn đầu tiên.

-- Tư Cang --

Mới đầu lạ mặt, nhiều người hỏi, gã chỉ mình bảo: “Ông là chủ sở cao su Dầu Tiếng, lâu có con chim khướu hay, mang xuống cho”. Ẩn nói tiếng Pháp rất giỏi, ngay cả con chó béc-giê mà ông dắt theo mỗi ngày cũng hiểu mệnh lệnh bằng tiếng Pháp. Nhờ đó, chả ai tin 2 ông rành tiếng Anh, tiếng Pháp kia là Việt cộng”, ông Tư Cang kể một hơi dài.

Kỷ niệm với Phạm Xuân Ẩn thì nhiều vô kể, nhiều phen cũng suýt vỡ tim. Nhưng có nhiệm vụ mà kể lại, ông Tư Cang cứ cười mãi. Năm đó, 2 ông được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ, đưa một cuộn giấy nhỏ chừng bằng ngón tay từ Trung ương Đảng bạn tới tay sĩ quan nước ngoài có vị trí lớn trong chính quyền Sài Gòn. Hai ông lo mất ăn mất ngủ, sợ “tiêu” (bị phát hiện-PV) cả cụm vì không biết tên sĩ quan này có trung thành với Đảng của họ không.

Sau thời gian bàn bạc, may thay, bữa ấy Đại sứ quán có tiệc. Nhận thấy đây là cơ hội “có một không ai”, hai ông hẹn nhau ở nhà hàng Victory, đường Hàm Nghi bàn phương án. Ông Tư Cang nói với Phạm Xuân Ẩn: “Trên chấp nhận cho chúng ta hy sinh, anh nói với vợ anh về Đồng Tháp đi. Còn mai tôi lái xe cho anh đi, tôi giấu súng ở trong, nếu nó bắt anh, xuống bắt tôi thì tôi bắn mấy đứa rồi cùng hy sinh tại sân Đại sứ quán”.

Ông Tư Cang nói với Phạm Xuân Ẩn: “Trên chấp nhận cho chúng ta hy sinh, anh nói với vợ anh về Đồng Tháp đi. Còn mai tôi lái xe cho anh đi, tôi giấu súng ở trong, nếu nó bắt anh, xuống bắt tôi thì tôi bắn mấy đứa rồi cùng hy sinh tại sân Đại sứ quán”.

Ông Tư Cang chở Phạm Xuân Ẩn đến điểm hành động, thủ sẵn súng, lòng đầy lo lắng nghĩ phen này tiêu đời là chắc. Hồi sau, ông Tư Cang thấy người bạn mình đi xuống lầu im re. “Trời đất ơi, sao ngon vậy” – ông Tư Cang reo lên. Ông Ẩn leo lên xe bảo: “Anh Tư ơi, làm tình báo 16 năm nay, chưa năm nào chân trái tôi run như hôm nay”. Khi được cấp trên báo đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ông Tư và ông Ẩn được chỉ đạo cắt liên lạc với tay sĩ quan nhưng cả 2 cũng vẫn luôn cảnh giác vì nếu tên cấp trên kia khai ra thì đi tong cả cụm H63. “Bình phong của Ẩn rất vững”, ông Tư Cang ngưỡng mộ người bạn tình báo của mình.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cụm tình báo H63 có tất cả 45 người, trong đó có 27 người hy sinh và những người còn lại, ai cũng bị thương. Tư Cang bảo, ông nhiều phen chết hụt. Phen nào cũng nhớ đời nhưng số ông vẫn may không bị bắt hay chết vì bom đạn. Bởi thế, trong những lúc cao hứng kể về cuộc đời làm tình báo của mình và đồng đội, có lúc ông lặng người đi khi thương nhớ “Hai Thương bị cưa chân, Lâm bị địch bắt tại Hóc Môn, tra tấn tại chỗ rồi đưa ra nhà tù Phú Quốc đánh đến chết”.

Quay lại chuyện mà ông tếu táo nói mình và Phạm Xuân Ẩn may mắn không bị lộ cụm H63, chúng tôi hỏi: “Điều gì giúp các ông giữ được sự “may mắn” ấy trong suốt những năm tháng hoạt động”, ông lớn giọng, nói đầy khí thế, để giữ cụm H63 đứng vững trước nhiều phen sóng gió, các ông đều có một triết lý sống "coi như đã chết". Tinh thần thép, ý chí sắt đá, sẵn sàng hy sinh là kim chỉ nam hành động, để rồi dù có người bị bắt, đường dây chưa hề bị lộ; dù có những nhiệm vụ muôn phần hiểm nguy có thể bị bắt cả cụm nhưng cũng chưa từng bị đứt đoạn đường dây thông tin.

Sau mấy năm hoạt động, những người trong đường dây H63 đều được rút lui. Già nửa năm 1973, cấp trên rút Tư Cang về làm Phó Chính ủy Phòng Tình báo miền. Sau đó, ông được ra Hà Nội học chính trị với mục tiêu đến năm 1976 trở về giải phóng thành phố.

Những ngày tháng ở Đông Anh, Hà Nội, ngóng về phương nam, nghe tin tức mặt trận sục sôi khí thế chiến thắng, ông sốt ruột mong mỏi có tia hy vọng được trở về Sài Gòn. Và ngày ấy, cuối cùng cũng đến thật.

Trong cuốn “Nước mắt ngày gặp mặt”, Tư Cang có viết lại cảm xúc khi được Tổng cục Chính trị có chỉ thị gọi về Hà Nội để trở về chiến trường rằng: “Người tôi lâng lâng như trong một giấc mơ đẹp”.

Chuyến này trở về, ông không còn là sĩ quan tình báo với nhiệm vụ lấy tài liệu địch, thu thập tình hình mà là một sĩ quan chỉ huy đơn vị tác chiến, chỉ huy những anh chị em mà ông đã từng rất mến phục.

Sau này, ông có hỏi cấp trên gọi ông về miền nam với nhiệm vụ gì, cấp trên nói: “Dương Văn Minh sắp đầu hàng, chúng ta phải chuẩn bị phương án đánh đường phố. Nếu Dương Văn Minh không đầu hàng, thì chúng ta phải đánh bằng pháo binh, biệt động để chiếm lấy thành phố”. Tư Cang rành đường đi lối lại, được giao chỉ huy lữ đoàn đặc công đóng tại Hóc Môn, có nhiệm vụ tấn công vào cơ quan Bộ tổng tham mưu.

Thời gian này, ông là Chính ủy Lữ đoàn Đặc công biệt động 316, nhận nhiệm vụ chiếm giữ cầu Rạch Chiếc để cho đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975. Trong trận chiến đó, hơn 200 chiến sĩ của Lữ đoàn 316 đã đương đầu với hàng nghìn lính ngụy được trang bị vũ khí hiện đại và đã có 52 chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại dưới lòng sông.

Năm 1971, H63 là cụm tình báo duy nhất được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngay trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước. 
26 năm sau khi nghỉ hưu, Đại tá Nguyễn Văn Tàu mới được công nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Ảnh tư liệu: Báo Ảnh Việt Nam

Ảnh tư liệu: Báo Ảnh Việt Nam

Đêm 29/4/1975, các nẻo đường tiến về thành phố Sài Gòn nhộn nhịp khác thường. Khí thế các cánh quân hừng hực như dòng sông đến mùa nước lũ. Chiến tranh đang đi đến những giờ kết thúc. Thành phố có một đêm không ngủ.

Sáng 30/4/1975, Tư Cang trên cương vị Trung tá Chính ủy Lữ đoàn, ngồi đường hoàng trên chiếc xe con chiến lợi phẩm, trong những người đi đầu tiến về sào huyệt cuối cùng của quân thù. “Không có cách mạng chỉ lối đưa đường, không có Đảng lãnh đạo, thì mình đã thành một con người thuộc thứ hạng nào trong xã hội nô lệ tối tăm! Tôi đưa tay vẫy chào đồng bào mà nước mắt lưng tròng vì cảm xúc”, ông hồi tưởng.

Ông nhớ như in cảnh bà con tràn ra đường chào mừng đoàn quân cách mạng, nhớ cả hình ảnh lính ngụy chạy lếch thếch, vừa chạy vừa lột giày, nón, cởi quần áo binh lính vất bừa bãi, tan rã như bèo bọt.

Nhân dân Sài Gòn chào mừng chiến thắng, giải phóng Sài Gòn (15/5/1975). (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Nhân dân Sài Gòn chào mừng chiến thắng, giải phóng Sài Gòn (15/5/1975). (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Gặp các cán bộ đang làm nhiệm vụ tại từng khu phố, ông không quên dặn dò các đồng chí thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền, giữ đúng các chính sách mà Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam đã ban hành, nhất là chính sách đối với tù hàng binh, chính sách chiến lợi phẩm.

Sau này, khi chiếm được Bộ tổng tham mưu, ông phát hiện một danh sách các cán bộ cộng sản quan trọng mà ngụy quyền Sài Gòn điều tra mãi, trong đó thông tin về ông được ghi lại: “Tư Cang, Phó Chính ủy tình báo Miền, người trắng trắng, cao cao, có đặc điểm bắn súng bằng hai tay rất giỏi, yêu thích văn nghệ. Quê quán: Chưa xác định. Gia đình: chưa xác định” và không có ảnh của ông. Bởi vậy, gia đình ông an toàn suốt cuộc chiến, và ông cũng may mắn sống sót đến ngày nay.

Ông Tư Cang sum họp cùng vợ, con gái, cháu ngoại sau ngày 30/4/1975. (Ảnh: tư liệu gia đình)

Ông Tư Cang sum họp cùng vợ, con gái, cháu ngoại sau ngày 30/4/1975. (Ảnh: tư liệu gia đình)

“Êm giặc… Anh lại về với em”, câu nói của ông dặn vợ trước khi vác ba lô vào rừng để làm nhiệm vụ, cuối cùng phải mất 28 năm, đi qua 2 cuộc kháng chiến mới thành hiện thực. Ngày bừng bừng khí thế tiến về Sài Gòn hôm 30/4/1975, vợ ông đi tìm ông ở cánh đông, còn ông đi vào thành phố từ cánh bắc. Phải tới đêm, sau khi tạm hoàn thành nhiệm vụ, ông tranh thủ chừng tiếng tạt về qua nhà tìm mẹ con Nhồng. Bữa cơm lúc 12 giờ đêm hôm ấy là bữa cơm ngon nhất từ trước đến nay ông được ăn, do chính vợ mình nấu. Hôm nay, ông được trút bỏ mọi vai diễn, để được sống thật với những người thân yêu đã vò võ một mình chờ ông về.

Sau này, tất cả những câu chuyện về thời gian hoạt động được ông viết thành sách. Từ “Sài Gòn Xuân Mậu Thân 1968”, “Nước mắt ngày gặp mặt”, “Trái tim người lính”, “Tình báo kể chuyện”… mọi câu chuyện về hoạt động tình báo, về đồng đội, về gia đình thân yêu… được ông nắn nót viết lại đầy cảm xúc chân thực.

Tiễn chúng tôi ra về, ông lôi bút và con dấu ra ký tặng cuốn “Nước mắt ngày gặp mặt”. Những dòng chữ đã không còn rõ nét, thẳng hàng, nhưng chan chứa tình cảm của một điệp viên huyền thoại muốn thế hệ trẻ như chúng tôi có thêm nhiều tư liệu sống để biết về một thời gian khó nhưng oanh liệt của những người quả cảm, trí tuệ, sẵn sàng xả thân vì non sông Tổ quốc. Ông bảo, mỗi cuốn sách như một “món nợ” ông trả với đời, với đồng đội… viết cho người đời biết đến những âm thầm của lực lượng tình báo.

Cụm tình báo H63 có tất cả 45 người thì 27 người đã hy sinh để bảo vệ mạng lưới tình báo chiến lược. Trong hơn 10 năm hoạt động, hàng trăm báo cáo từ H63 đã được mã hóa rồi chuyển tiếp thành những thông tin chính xác, kịp thời giúp chỉ huy đưa ra những quyết định đúng đắn, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Ngày xuất bản: 4/2025
Tổ chức thực hiện: TRƯỜNG SƠN
Thực hiện: HỒNG VÂN - THIÊN LAM
Trình bày: NGỌC DIỆP
Ảnh: THIÊN LAM