Chiều muộn, chuyến xe chở vũ khí chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968 được cấp trên yêu cầu bí mật vận chuyển vào nội thành Sài Gòn. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa tăng cường càn quét, rà soát với chỉ thị, bắt được Việt cộng chở vũ khí là bắn. Nhận thấy tình hình căng thẳng, đồng chí Nguyễn Văn Ba (Ba Bảo) bàn với vợ, cho hai con gái sinh đôi chưa tới một tuổi đi cùng để che mắt địch. Nhiều chuyến xe như thế đã trót lọt trong sự thót tim của người làm cha, làm mẹ. “Địch mà phát hiện, cả nhà không còn mạng”, bà Trần Thị Điều, vợ ông Ba Bảo rùng mình nhớ lại.

CHUYẾN XE TẢI VŨ KHÍ CHỞ TÍNH MẠNG CẢ GIA ĐÌNH

Lực lượng Biệt động Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị: đánh địch trong nội thành, đưa cuộc chiến tranh vào sào huyệt địch, làm mất ổn định hậu phương là thủ đô trung tâm đầu não chiến tranh của chúng.

Điểm nổi bật của lực lượng biệt động là ngoài xây dựng lực lượng và tác chiến các mục tiêu nội thành, còn xây dựng được một lực lượng hết sức quan trọng. Đó là lực lượng bảo đảm cơ sở vật chất cho lực lượng chiến đấu, bao gồm một mạng lưới được thiết lập hoàn chỉnh từ nội thành ra vùng căn cứ kháng chiến như các đường dây giao liên bí mật và công khai, dùng để liên lạc, đưa đón cán bộ, chuyển công văn, mệnh lệnh, vận chuyển vũ khí trang bị vào nội thành; các hầm bí mật chứa vũ khí, ém quân, nuôi giấu thương binh, một hệ thống gia đình cơ sở chí cốt với cách mạng, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp chung.

Vũ khí vào được nội thành Sài Gòn cần qua 2 chặng. Chặng 1 từ "bàn đạp" chuyển ra vùng địch (quốc lộ 1) và chặng 2 chuyển vào Sài Gòn.

Vũ khí vào được nội thành Sài Gòn cần qua 2 chặng. Chặng 1 từ "bàn đạp" chuyển ra vùng địch (quốc lộ 1) và chặng 2 chuyển vào Sài Gòn. Đồng chí Nguyễn Văn Ba (bí danh Ba Bảo) là một trong những biệt động thực hiện nhiệm vụ tối mật và đặc biệt nguy hiểm này.

Để vận chuyển trót lọt vũ khí từ ngoại thành vào Sài Gòn, phục vụ cho các trận đánh và kế hoạch lớn, Ba Bảo phải tìm nhiều cách sáng tạo khác nhau để đưa được “hàng cấm” vào nội đô mà không bị địch phát hiện.

Các đồng chí giao liên vận chuyển vũ khí cho đơn vị bảo đảm chiến đấu tại căn cứ Thái Mỹ (Củ Chi).

Gần đến Tết Mậu Thân 1968, lượng vũ khí được vận chuyển bí mật ngày càng nhiều vào nội thành, cất giấu dưới các hầm để chuẩn bị cho cuộc đánh lớn. Bị địch tăng cường kiểm tra gắt gao, ông Ba Bảo bàn với vợ, nhà có 5 đứa con, mang theo đứa lớn thì khó ngụy trang, sợ bị lộ, nên chỉ đưa 2 con gái còn bế ẵm chưa đầy một tuổi là Nguyễn Thị Hồng Nho, Nguyễn Thị Mai Hương đi cùng. Chuyến đi bà Trần Thị Điều (vợ ông Ba Bảo) thót tim nhất chính là vụ vận chuyển vũ khí đánh Tòa đại sứ quán Mỹ.

Như mọi ngày, chiều muộn, xe tải hiệu Peugeot tiến vào nội đô. Trong vai một người buôn rau củ quả, nheo nhóc dắt theo hai đứa con sinh đôi, nhiệm vụ của bà là qua trạm gác, không để bọn quân cảnh kiểm tra kỹ thùng xe.

Các chiến sĩ Biệt động giấu vũ khí bên dưới các giỏ hoa quả.

Các chiến sĩ Biệt động giấu vũ khí bên dưới các giỏ hoa quả.

Tới trạm gác đầu tiên, viên cảnh sát lăm lăm vũ khí đứng đầu xe. Một tên cảnh sát mặt đằng đằng khí thế quát: “Xe có chở vũ khí của Việt Minh không”, bà Điều giả đò ngơ ngác: “Em không biết Việt Minh như thế nào”. Rồi bà Điều nhanh nhẹn nhảy xuống, nói giọng van vỉ: “Chồng tôi bị bắt quân dịch tận Đà Nẵng, một thân phải nuôi 4-5 con, vất vả lắm ông ơi”. Chỉ vào ông Ba Bảo, bà tiếp lời: “Tôi vừa thuê ông lái xe này chở ít rau củ vào nội đô để buôn bán, kiếm tiền nuôi con, tiếp tế cho chồng. Sếp thương, sếp đừng kiểm tra kẻo hỏng hết rau củ”. Nói rồi, bà nhanh chóng "đút lót" cho mấy tên quân cảnh. Nhìn thấy cảnh đàn bà một nách mấy con nheo nhóc, chúng nhanh chóng bỏ qua.

Mỗi chuyến đi đánh cược tính mạng cả gia đình như vậy, ông bà đều toát mồ hôi. Không ít lần, ông Ba Bảo buồn bã nói với vợ: “Chồng đi làm biệt động còn kéo vợ, giờ kéo con đi, nhỡ có chuyện thì sống sao”. Buồn vậy, nhưng việc nước quan trọng, ông bà lại tất tả mỗi người một việc lo công chuyện.

Sau mấy chuyến đưa con đi trót lọt, anh em cùng đội can ngăn hai vợ chồng Ba Bảo. Bà Điều nhớ lại: “Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ tuyên bố gặp bất kỳ xe nào chở vũ khí bắn tại chỗ. Đồng đội nói với chồng tôi: 'Nếu hy sinh thì hy sinh mình đồng chí thôi, đừng kéo vợ con vào'. Vì vậy, sau này chồng tôi không cho con đi theo để áp tải vũ khí vào thành phố nữa".

Có những chuyến đi trót lọt, nhưng cũng có những chuyến mà vợ chồng ông Ba Bảo hú vía. Người tiếp nhận những "chuyến hàng đặc biệt" này không ai khác chính là ông Trần Văn Lai (ông Mai Hồng Quế, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, bí danh Năm Lai, Đơn vị 159 Biệt động Quân khu Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định). Tuy nhiên, trong một lần hẹn với Năm Lai ở bùng binh quận 3 để giao chiếc xe chở đạn pháo dùng để pháo kích, nhưng vì đến điểm hẹn trễ thời gian so với giờ thông tin trước, ông Năm Lai nghĩ đường dây bị “bể” nên biến mất khỏi điểm hẹn để bảo toàn lực lượng.

Đồng chí Trần Văn Lai và đồng chí Nguyễn Văn Ba trao đổi ám hiệu chuyển giao vũ khí. (Ảnh tư liệu)

Đồng chí Trần Văn Lai và đồng chí Nguyễn Văn Ba trao đổi ám hiệu chuyển giao vũ khí. (Ảnh tư liệu)

Bấy giờ, Ba Bảo mới vượt được qua trạm gác để tới điểm hẹn thì không thấy bóng dáng ông Năm Lai đâu. Sau khi cho xe chạy vòng quanh thành phố, sợ nguy hiểm rình rập, ông Ba Bảo liều mình chở vũ khí về biệt thự của anh trai bà Điều. Anh trai bà Điều là nhà thầu khoán Trần Quang Thản, từng xây dựng Dinh Độc lập. Biệt thự của ông Thản nằm sát biệt thự hai lãnh đạo cấp cao của chính quyền Việt Nam cộng hòa. Vì nhà thường xuyên là nơi tập kết vật liệu dư thừa, nên địa bàn nhà rất rộng rãi để có thể làm nơi cất giấu cho xe vũ khí.

Sự việc tưởng trót lọt thì tối đó, bà Nguyễn Thị Lan (chị dâu - vợ ông Thản) khi phát hiện có vũ khi giấu trong các giỏ cần xé đựng rau củ quả, bà la thất thanh lên và đầu gối muốn quỵ xuống té xỉu. Khi nghe tiếng la của vợ, ông Thản chạy ra xem và bình tĩnh nói với bà: “Thôi em vào trong nhà đi, chuyện này để anh giải quyết và nhớ là không được nói cho ai biết”, bà Điều kể lại.

Vụ việc này khiến gia đình anh trai bà Điều đầy lo lắng, nếu bị phát hiện thì cả nhà sẽ bị bắn không tha một ai. Ông Trần Quang Thản, anh trai bà Điều bình tĩnh gọi vợ chồng bà lên “hỏi tội”. Khi đó, Ba Bảo mới thật thà nói: “Em theo quân giải phóng lâu rồi, xe vũ khí này được chuyển vận về nội thành để chuẩn bị đánh Mậu Thân, tình thế cấp bách quá nên em mới liều để xe chở vũ khí tại nhà anh chị, em có tội, anh tha thứ cho em”.

Anh trai Bà Điều nín giận bỏ qua, nhưng từ đó, chỉ dặn em mình thật sự cẩn thận vì tai mắt khắp nơi, có thể gây họa cho cả gia đình.

CẢ CUỘC ĐỜI THEO CHỒNG ĐI LÀM BIỆT ĐỘNG

Chỉ tính đến chiến dịch Mậu Thân, Biệt động Sài Gòn đã xây dựng được 19 lõm chính trị, bao gồm 325 gia đình, tạo nên 400 điểm ém quân từ vùng trung tuyến đến nội thành. Đây là lực lượng thầm lặng, sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh mất mát, nhưng đóng một vai trò rất quan trọng cho những trận đánh vang dội tại Sài Gòn.

Nhiều cơ sở cả gia đình sống trên "kho" vũ khí hàng năm trời như đồng chí Ba Căn, Năm Mộc, Năm Lai, Bảy rau muống. Đặc biệt là đồng chí Ba Bảo mưu trí, dũng cảm đảm nhận chở nhiều chuyến vũ khí quan trọng phục vụ cho các trận đánh lớn ở Sài Gòn.

Ba Bảo là một chiến sĩ biệt động kiên trung, mưu trí, gan dạ, không chỉ là người vận chuyển vũ khí trót lọt vào nội thành mà còn thực hiện nhiều pha tấn công vào sào huyệt của địch.

Một số vũ khí lực lượng Biệt động Sài Gòn từng sử dụng hiện được trưng bày tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Một số vũ khí lực lượng Biệt động Sài Gòn từng sử dụng hiện được trưng bày tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Tại trận pháo kích cối 82 đêm 30/12/1967, Đội 6 biệt động đã dùng cối 60mm đặt tại gác xép nhà 143 Tôn Thất Đạm bắn vào Dinh Độc Lập, nơi đang diễn ra tiệc mừng đăng quang của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, có mặt Phó Tổng thống Mỹ Hămprây (Hamphrey) từ Hoa Kỳ sang dự. Tuy không bị mất mạng nhưng cả lũ bỏ chạy tán loạn, một phen hồn vía lên mây.

Khẩu cối thực hiện trận đánh này do đồng chí Ba Bảo thuộc đơn vị 19 bảo đảm chở vào Sài Gòn giao cho đồng chí Trần Thị Bi cất giấu tại nghĩa địa Phú Thọ Hòa. Theo báo chí ngụy đưa tin, trận pháo kích này có một tướng quân đội Hoàng gia Úc bị thương.

Từ các bàn đạp trung tuyến và vùng ven, trên các trục hành lang vận chuyển công khai, bán công khai và đường dây giao liên của Quân khu, lực lượng bảo đảm vật chất của Biệt động Thành với nghệ thuật ngụy trang tài tình, khéo léo ngày đêm vượt qua bom đạn, hệ thống kiểm soát gắt gao của địch, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển gần 10 tấn thuốc nổ, súng đạn và trang bị, vào ém đều khắp trong 13 cơ sở gần mục tiêu đầu não địch tại Sài Gòn, chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân.

Lực lượng bảo đảm vật chất của Biệt động thành đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển gần 10 tấn thuốc nổ, súng đạn và trang bị, vào ém đều khắp trong 13 cơ sở gần mục tiêu đầu não địch tại Sài Gòn, chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân.

Ngày 25/1/1968, Tiền phương Nam quyết định Phân khu 6 đảm nhiệm thêm mục tiêu Đại sứ quán Mỹ. Để vận chuyển vũ khí vào trong nội thành, xe đạn được ông Năm Đầy và ông Chín Teng ở xã Thái Mỹ (Củ Chi) ngụy trang trong xe bò chở ra một địa điểm ở Suối Sâu (Trảng Bàng). Từ đây đồng chí Ba Bảo dùng xe hơi lao lách qua các chốt kiểm soát với nhiều tình huống nguy hiểm, đưa số vũ khí trót lọt vào Sài Gòn.

Nhiều năm, nhà Ba Bảo vận chuyển vũ khí từ vùng giải phóng như Tràng Bàng, Tây Ninh, Củ Chi về Sài Gòn. Sau này, khi anh trai bà Ba Bảo biết em mình là biệt động, cũng làm ngơ cho những chuyến xe chở vũ khí về cất giấu trong nhà.

Nhà Ba Bảo thường không ở cố định một chỗ vì sợ bị lộ. Để che mắt địch và mưu sinh, bà Ba Bảo làm đủ nghề, từ bán vải, bán hoa quả, gạo, than…

Trước Tết Mậu Thân 1968, nhà Ba Bảo nhiều người hơn mọi hôm. Để ngụy trang đưa các chiến sĩ biệt động từ Củ Chi về nội thành, chuẩn bị cho Cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968, bà Điều nhập thêm nhiều gạo, giả đò nhà thuê thêm người về bê vác hàng.

Đêm 30, rạng 31/1/1968 (đêm mùng 1, rạng 2 Tết), 12 chiến sĩ Đội biệt động số 3 đánh chiếm Đài phát thanh Sài Gòn. Địch dùng cả xe tăng, bộ binh, máy bay đánh giải tỏa liên tục. Đội biệt động đã chiến đấu quả cảm, đến 6 giờ ngày 31/1, 10 người hy sinh, 2 chiến sĩ biệt động cuối cùng buộc phải dùng bộc phá đánh hỏng các thiết bị phát thanh của địch. (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Đêm 30, rạng 31/1/1968 (đêm mùng 1, rạng 2 Tết), 12 chiến sĩ Đội biệt động số 3 đánh chiếm Đài phát thanh Sài Gòn. Địch dùng cả xe tăng, bộ binh, máy bay đánh giải tỏa liên tục. Đội biệt động đã chiến đấu quả cảm, đến 6 giờ ngày 31/1, 10 người hy sinh, 2 chiến sĩ biệt động cuối cùng buộc phải dùng bộc phá đánh hỏng các thiết bị phát thanh của địch. (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Tuổi 94, trí nhớ của bà Điều vẫn rõ mồn một vào ngày đánh trận lịch sử Tết Mậu Thân. Buổi tối 30 Tết, bà Điều nấu bữa cơm ngon, mời 12 anh em trước khi lên đường làm nhiệm vụ. Số anh em được chia làm 2 nhóm: Nhóm thứ nhất do đồng chí Ngô Văn Vân (tự Ba Đen) chỉ huy trực tiếp đánh vào tòa Đại sứ quán Mỹ, nhóm thứ hai đánh vào Đài Phát thanh Sài Gòn. Ăn xong bữa cơm, 23 giờ, họ xuất phát lên đường. Chừng một tiếng sau, tiếng nổ súng đồng loạt vang lên ở các địa điểm tấn công. Thành phố chìm trong khói bom, những chiến sĩ biệt động lần lượt ngã xuống, cảm tử vì Tổ quốc. Những người tấn công vào cứ điểm này đều không còn ai.

Bà Điều sụt sùi bảo: “Tôi thương quá. Hôm sau, chỉ biết giặt đồ của các anh chị để lại, ủi cho khô rồi xếp vào bao, đưa anh em mang về Củ Chi để chờ thân nhân gia đình đến nhận”.

Ông Ba Bảo sau đó bị quân chiêu hồi chỉ điểm là người chuyên chở vũ khí, bị bắt sống. Bà Ba Bảo nhận tin, chân tay khuỵu xuống. Thủ trưởng đơn vị cho mấy chị giao liên đến nhà động viên, chia sẻ. Mất một hồi run sợ, sau bà Ba Bảo cũng cắn răng chịu đựng. “Mình mà sợ sệt, bối rối thì không khác gì lạy ông tôi ở bụi này. Mình phải giả như câm, như điếc không biết gì, ai hỏi cũng tảng lờ. Nhưng đêm đến thì khóc nước mắt lưng tròng”, bà Ba Bảo kể.

Sau nhờ anh trai cho vài trăm cây vàng “chạy án”, ông Ba Bảo không bị khép tội buôn bán vũ khí, thoát án tử hình. Nhưng ông cũng bị địch tra tấn dã man ở trại giam Chí Hòa, suy kiệt sức khỏe. Năm 1973, ông được tha tù. Về nhà, thi thoảng buồn ông giả vờ lấy xe chạy xe ôm. Ông cứ đi miết thì mãi sau này, bà Điều mới biết, ông vẫn tiếp tục làm biệt động.

Lúc này, ông mới thiệt thà khai báo: “Tôi chết thì thôi, còn sống vẫn cống hiến, hy sinh cho cách mạng. Vợ con khổ nhiều rồi, biết ít càng tốt”.

Một điều mà ít người biết về gia đình người vợ chiến sĩ Ba Bảo, đó là mẹ ruột bà Điều nhiều năm nuôi giấu cán bộ; vợ chồng bà làm giao liên cho Biệt động Sài Gòn, anh trai làm thầu thoán nhưng em trai bà lại là lính cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Dù vậy, vỏ bọc là Biệt động Sài Gòn của vợ chồng bà chưa bao giờ bị lộ bởi người trong gia đình.

Hai bé gái sinh đôi ngồi trên chuyến xe năm ấy giờ đã 58 tuổi. Đến nay, chị Mai Hương kinh doanh buôn bán ở Việt Nam, chị Hồng Nho định cư tại Mỹ.

Thương cho người chồng suốt đời cống hiến cho cách mạng mất 25 năm trước vì suy kiệt sức khỏe, bà Ba Bảo nghẹn ngào nói, bao năm nay, đơn vị đã cất công sưu tầm và đã lập hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho ông và một số các đồng chí, đồng đội khác như ông Ngô Toại (Phở Bình), ông Đỗ Văn Căn (Ba Mủ), ông Phan Văn Sự (Bảy Sự), ông Võ Văn Nhân (Chín Khổ), Dương Văn Ten (Chín Ten), Dương Văn Đầy (Năm Đầy), Nguyễn Huy Xích (Mười Tâm). Hồ sơ đã hoàn tất ở cấp cơ sở từ năm 2023 và gửi lên cấp trên đề nghị được công nhận, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi. Trước khi chia tay, bà Ba Bảo rưng rưng cầm tay chúng tôi nói: “Tôi 94 tuổi rồi, chồng tôi và các đồng chí, đồng đội cũng hết mình vì đơn vị nhưng đến nay chưa được truy tặng. Tôi mong mỏi còn khỏe mạnh ngày nào, sớm được nhìn thấy phần thưởng Nhà nước phong tặng cho mọi người”.

Xuất bản: Tháng 4/2025
Tổ chức thực hiện: TRƯỜNG SƠN
Thực hiện: HỒNG VÂN-TRƯƠNG NGỌC
Trình bày: NGỌC BÍCH
Ảnh: THÀNH ĐẠT, TTXVN