
Biệt động Sài Gòn là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, có lối đánh độc đáo, thích hợp đạt hiệu quả cao, gây tác động mạnh quân địch và có tiếng vang lớn cổ vũ khí thế chiến đấu của quân, dân thành phố và cả nước. Trong đó, cuộc tấn công vào các mục tiêu năm Mậu Thân là đỉnh cao của lực lượng biệt động về nghệ thuật tổ chức chỉ huy, hợp đồng chiến đấu và tinh thần dũng cảm tuyệt vời của các chiến đấu viên.
Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, Báo Nhân Dân đã có cuộc trò chuyện với các nhân chứng lịch, là những chiến sĩ biệt động năm xưa, vợ con của các biệt động thành, để hiểu hơn về một lực lượng đặc biệt chiến đấu bí mật trong nội đô quả cảm, gan dạ, mưu trí và sẵn sàng xả thân vì cuộc kháng chiến trường kỳ.
Chín năm chuyên tâm để tạo nên “vũ khí bí mật” là các giấy tờ giả cho các chiến sĩ biệt động Sài Gòn-Gia Định, Lâm Quốc Dũng (bí danh Dũng “râu”) đã trải qua nhiều phen tưởng chừng bế tắc. Nhưng bằng dụng cụ đơn giản như bút viết, thước kẻ, compa…, với đôi mắt tinh anh, bàn tay khéo léo, Dũng “râu” đã mô phỏng được cả những giấy tờ tinh vi nhất của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, tạo “vỏ bọc” hoàn hảo cho lực lượng biệt động hoạt động trong nội đô. Thời ấy, mọi người gọi các giấy tờ giả của Dũng “râu” là “tấm bùa hộ mệnh”.
Để ngăn chặn lực lượng ta xâm nhập nội đô Sài Gòn bằng giấy tờ giả, địch đã cải tiến mẫu mã, in ấn tinh vi hơn. Cùng nhiều giấy tờ khác, nhiệm vụ làm giả giấy tờ tuyệt mật trở nên đầy thách thức để các cán bộ cấp cao, giao liên, trinh sát, biệt động “khoác” lai lịch mới thông hành an toàn qua các trạm kiểm soát an ninh. Những giấy tờ ấy như tấm “bùa hộ mệnh” để vượt qua sự kiểm tra gắt gao của kẻ địch.
“Đứng trước kẻ đối đầu là các tình báo của bọn ngụy quyền, việc làm giấy tờ giả vô cùng căng thẳng. Đấy là điều nhắc nhở tôi phải làm với trách nhiệm cao nhất, dồn hết khả năng, tâm trí vào công việc để không đồng đội nào bị phát hiện ra mang giấy tờ giả, sa vào tay giặc”, ông Dũng nói.
Đầu năm 1967, ông Lâm Quốc Dũng rời Phòng Chính trị, nhận nhiệm vụ tại Phòng Tham mưu theo lệnh điều động của Quân khu. Trước khi sang đây, ông học ở ba người thầy về làm giấy tờ giả, rút tỉa ở mỗi thầy những gì tinh hoa nhất về khắc con dấu, chụp ảnh và chuyên môn kỹ thuật, vì thế, ông có thể làm được “3 trong 1”. “Chỉ cần một mình, tôi có thể làm giả từ A đến Z nhiều loại giấy tờ của địch mà lẽ ra công việc này phải cần từ hai đến ba người cùng thực hiện như: chụp ảnh, khắc dấu, đánh máy, ký tên giả, kỹ thuật dán ép thẻ và hàng loạt các khâu khác”, ông tự hào kể.
Giai đoạn những năm 1967, để có được bộ hồ sơ giấy tờ đầy đủ, trang bị được cho từng đối tượng vào nội thành, ông Dũng mất nhiều năm sưu tầm những mẫu giấy tờ, sau đó lựa chọn loại có thể làm giả được, khắc mộc dấu để sẵn phòng khi cần đến. Bởi thế, ông có thể thành thạo làm cả căn cước quân nhân, giấy giải ngũ dành cho binh lính của ngụy, sử dụng lệnh cho tình báo đi hoạt động, nhiều loại giấy tờ khác…
Hồi ấy, Dũng “râu” còn có cái tên khác là Dũng quận trưởng vì ông phải học rất nhiều chữ ký và mỗi chữ ký phải học hàng chục lần để ký trên các giấy tờ giả. Suốt thời gian dài, ông đóng vai ký được nhiều chữ ký của các quận trưởng, trưởng ty, xã trưởng, cấp trưởng… Điều này hoàn toàn làm kẻ địch bất ngờ, vì chúng nghĩ, Việt cộng cùng lắm làm giả được căn cước công dân.
Dụng cụ để Dũng "râu" làm giả giấy tờ. (Ảnh: Bảo tàng Biệt động Sài Gòn)
Dụng cụ để Dũng "râu" làm giả giấy tờ. (Ảnh: Bảo tàng Biệt động Sài Gòn)
Ông Dũng làm vài động tác mô phỏng lại quá trình làm giả con dấu, rồi tiếp lời: Khó nhất là khắc dấu và ký tên giả, làm sao cho thật giống so với mẫu thật. Chữ ký khó là phải “luyện” khéo léo mới giống được thật. Khâu nào cũng đòi hỏi sự chính xác cao, nếu sơ suất để mắc một lỗi nhỏ là có thể đánh đổi sự hy sinh của đồng đội. Và theo đó, có thể làm phá sản hoàn toàn kế hoạch tác chiến.
Trước năm Mậu Thân 1968, Bộ chỉ huy phân khu lựa chọn đánh vào 5 mục tiêu trọng yếu của địch trong Sài Gòn bằng con đường công khai, hợp pháp. Bởi vậy, việc đưa được quân biệt động qua nhiều trạm, chốt kiểm tra kiểm soát của địch đầy nguy hiểm.
Theo chỉ đạo của đồng chí Bảy Sơn (Trần Minh Sơn Phó Tư lệnh), bộ phận giấy tờ do ông Dũng “râu” và đồng chí Sáu Hổ đã tiến hành làm hàng loạt thẻ căn cước, giấy hoãn dịch, chứng chỉ tại ngũ, giấy nghỉ phép (dùng cho lính)... để tạo thế hợp pháp cho gần 200 người của lực lượng Biệt động Sài Gòn lần lượt vào nội đô chuẩn bị cho các trận đánh. Đến nửa chặng đường thì đồng chí Sáu Hổ được điều động bổ sung vào lực lượng chiến đấu của biệt động, một mình Dũng “râu” hoàn thiện nốt với những việc dang dở.
“Tôi nhớ giai đoạn đó phải chạy đua với thời gian mới theo kịp tiến độ công việc. Tôi đến tận thao trường chụp hình, lăn tay... cho từng anh chị em biệt động để làm giấy tờ cho họ, bảo đảm kịp thời việc triển khai bố trí lực lượng theo kế hoạch tác chiến của cấp trên. Đây là thử thách bước đầu trong tình huống phải “độc lập tác chiến”", ông nói.
Lần đó, ông lẻn được vào nội đô, nhưng cuộc tấn công của các chiến sĩ biệt động không đạt kế hoạch đề ra, gần như hầu hết hy sinh, chỉ còn một số ít sống sót trở về. Sau đó địch tăng cường bố ráp, lùng sục khắp các nhà, kiểm tra gắt gao căn cước hòng hốt bằng sạch Việt cộng đang ẩn nấp. Dũng “râu” sau nhiều phen hú vía nên đã tìm cách trở ra căn cứ.
Tôi nhớ giai đoạn đó phải chạy đua với thời gian mới theo kịp tiến độ công việc. Tôi đến tận thao trường chụp hình, lăn tay... cho từng anh chị em biệt động để làm giấy tờ cho họ, bảo đảm kịp thời việc triển khai bố trí lực lượng theo kế hoạch tác chiến của cấp trên. Đây là thử thách bước đầu trong tình huống phải “độc lập tác chiến”.
Giai đoạn này, ông cũng học được ở người thầy cách tráng phim ở trong thùng đạn 20 ly của Mỹ, rút ngắn thời gian hoàn thành thẻ căn cước.
Lo sợ kẻ địch phát hiện giấy tờ giả từ việc lục soát những chiến sĩ hy sinh, nên đến đợt tấn công thứ 2 dịp Tết Mậu Thân, ông đã thu thập thêm một số giấy tờ tùy thân của bà con địa phương để cho ra đời phiên bản mới.
Năm 1968, chính quyền Sài Gòn tiến hành đổi thẻ căn cước mới trên toàn miền nam cho công dân từ 15 tuổi trở lên. “Căn cước Rồng xanh” được in ấn bởi công nghệ hiện đại của Mỹ được xem là biện pháp mạnh để chống Việt cộng làm giả giấy tờ lọt vào nội thành.
“Nhìn căn cước in ấn tinh vi, tôi bàng hoàng lắm. Có lúc tôi nghĩ, phen này mình “sập tiệm” rồi. Ngoài việc sử dụng màu sắc đậm nhạt khác nhau, chúng còn sử dụng con dấu đóng chìm rất tinh vi, khi đóng phải dùng nhiệt. Thẻ được dán ép xong thì rất khó bóc tách, tẩy xóa hay thay hình khác”, ông Dũng nhíu mày, nhớ lại khoảnh khắc được cầm trên tay thẻ căn cước rồng xanh mà toát mồ hôi.
Quy trình để đổi, cấp căn cước mới cũng rất khép kín, phải có tên trong tờ khai gia đình, căn cước cũ phải có hồ sơ gốc. Khi đó, cả miền nam không có loại chữ của máy điện toán IBM, lĩnh vực in ấn, trình độ công nghệ, phương tiện đều còn non kém.
Cán bộ Bảo tàng biệt động Sài Gòn chỉ vào bộ công cụ làm giấy tờ giả do ông Dũng 'râu' tặng.
Cán bộ Bảo tàng biệt động Sài Gòn chỉ vào bộ công cụ làm giấy tờ giả do ông Dũng 'râu' tặng.
Để khắc phục tình trạng này, biết việc cấp căn cước mới còn mất nhiều thời gian, ông Lâm Quốc Dũng tiếp tục làm căn cước giả để anh chị em “lận lưng” ra vào Sài Gòn làm nhiệm vụ. Ngoài ra, ông cũng tinh vi làm giả được giấy biên nhận căn cước trong lúc chờ nhận căn cước mới. Tuy độ chính xác chỉ đạt hiệu quả 90% nhưng cũng qua mặt được cảnh sát. “Tôi được tặng thưởng Huân chương Chiến công nhờ sáng tạo này”, ông Dũng kể.
Giai đoạn này, địch dùng chiêu bài “chiến tranh tâm lý”, kêu gọi cán binh cộng sản rời bỏ hàng ngũ. Bộ dân vận chiêu hồi cấp cho những tên chiêu hồi loại giấy tờ “Chứng nhận hoàn lương”. Từ đây, Dũng “râu” tìm cách tương kế, tựu kế, tìm cách làm giả giấy tờ này, đưa lực lượng biệt động “gia nhập” vào đội quân hồi chánh, tạo vỏ bọc để hoạt động.
Ông cũng tinh vi làm giả được giấy biên nhận căn cước trong lúc chờ nhận căn cước mới. Tuy độ chính xác chỉ đạt hiệu quả 90% nhưng cũng qua mặt được cảnh sát.
Ngay khi có mẫu giấy, ông Dũng “râu” đến ngay xưởng in của Phân khu 2 để nhờ họ in gấp để kịp phục vụ cho hai trận đánh tới. Giấy này in bằng chữ chì thông thường. Chỉ khó khăn là phải sắp chữ đúng khoảng cách.
“Đồng chí Hai Sương, Trưởng ban Quân báo chỉ đạo tôi phải nhanh chóng hoàn thành giấy hoàn lương. Qua mấy ngày cật lực, tôi đã hoàn thành công việc”, ông kể lại. Tuy nhiên, giấy chiêu hồi giả có thời gian sử dụng rất ngắn, sau khi đồng chí Nguyễn Phổ (người sử dụng giấy tờ giả này) hy sinh trong trận đánh vào Biệt khu thủ đô ngày 11/5/1969, tổ chức quyết định cho dừng “sản xuất”.
Suốt 9 năm làm nhiệm vụ đặc biệt trong Quân khu, ông Lâm Quốc Dũng là đối tượng truy nã của kẻ địch.
Hành trình làm giả “Căn cước Rồng xanh” hao tốn nhiều tâm sức của Khu ủy và Quân ủy. Ông Tư Lũy – thầy của ông Dũng “râu” đã có chuyến công tác bí mật sang Phnom Penh để in căn cước nhưng không thành. Ông Dũng “râu” đã quyết định thực hiện một việc chưa có tiền lệ là chọn mẫu thẻ căn cước mới, sắc nét nhất để calque (mô phỏng).
“Tôi nhớ khi đó mất chừng một tuần tập trung hết sức lực, đôi mắt và bàn tay nắn nót từng nét mực để mô phỏng từng cái vẩy của rồng xanh. Làm nhiều lần, tôi chọn được mẫu chính xác nhất để đưa cho thầy, đem đi in ấn”, ông Dũng kể.
Đây là giai đoạn nghiên cứu khẩn trương, tận tâm, tận lực, tập trung hết trí tuệ không để có một sơ suất nào xảy ra.
Lần thứ 2 thầy Tư Lũy trở về, ấn phẩm đặc biệt đã được hoàn thiện, nhưng màu sắc đậm nhạt khác nhau. Ông Dũng ngồi lọc từng cái, cái nào chưa đạt, mang tiêu hủy ngay. Lợi dụng là thẻ mới nên không phải tên cảnh sát Sài Gòn nào cũng phân biệt được thật giả, Dũng “râu” cho thăm dò khả năng thông hành của loại giấy tờ này thông qua việc cấp thử cho các chị em giao liên. Sau khi chắc chắn không bị soi kỹ và an toàn, lãnh đạo phân khu quyết định cho tiến hành làm căn cước từng đợt, bảo đảm chặt chẽ.
“Căn cước Rồng xanh sản xuất 2 đợt, đợt sau tinh vi hơn. Tôi mạnh dạn chinh phục tờ biên nhận căn cước bằng đôi tay của mình. Tôi đã khắc thành công toàn bộ nội dung của tờ biên nhận căn cước trên bảng gỗ”, Dũng “râu” tự hào nói.
Để cầm cự khi các giấy tờ làm giả không còn hiệu lực thông hành, ông Dũng “râu” báo cáo cấp trên sử dụng các loại giấy như giấy hoãn dịch, căn cước quân nhân, thẻ công vụ các loại… để sử dụng. Sau này, khi có làn sóng bà con ở Campuchia bị ép buộc hồi hương, nhà chức trách Việt Nam Cộng hòa tạm thời cấp cho bà con giấy chứng nhận “Việt kiều hồi hương”. Nhờ đó, ông Dũng lại có cơ hội để làm "hàng nhái", chuyển đổi quốc tịch cho nhiều chiến sĩ biệt động. Suốt 4 năm, “vũ khí” này được coi là lợi hại cho lực lượng hợp pháp ra vào Sài Gòn hoạt động.
“Cả cuộc đời cứ né qua, né lại như thế, khó khăn giấy này, xoay sang làm giấy khác”, ông cười khà khà. Suốt 9 năm làm nhiệm vụ đặc biệt trong Quân khu, ông Lâm Quốc Dũng là đối tượng truy nã của kẻ địch. Nhiều phen ông cũng suýt chết hụt khi hoạt động nhiệm vụ bí mật. Công việc thầm lặng ấy, đã giúp cho bao lực lượng của ta lọt nội đô an toàn, thực hiện các nhiệm vụ tối mật cho công cuộc giải phóng miền nam.
Tôi hỏi, ông tiếc nhất điều gì, chiến sĩ biệt động Dũng “râu” buồn bã nói: “Sau giải phóng cả chục năm trời, tôi cũng bị theo dõi vì nghĩ tôi bị mua chuộc để làm giả giấy tờ cho nhiều người khác”. Chiến công thầm lặng ấy của ông cũng chưa được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ông quả quyết, cuộc đời cống hiến cho cách mạng, không màng sự hy sinh, quan điểm lập trường rõ ràng, không bao giờ ông để mình bị mua chuộc, không làm gì có lỗi với những đồng đội của mình đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng đất nước.
BIỆT ĐỘNG SÀI GÒN
Lực lượng vũ trang đặc biệt
|
Sức mạnh phi thường của nữ chiến sĩ biệt động duy nhất tấn công Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968 |
|
Người tạo "vũ khí bí mật" cho các chiến sĩ biệt động Sài Gòn-Gia Định |
|
Tư Cang - Người tình báo nhân dân |
|
Chuyện về hai bé gái sinh đôi áp tải vũ khí vào nội thành Sài Gònnăm 1968 |
|
Chuyện về người lính trẻ tuổi nhất trong lực lượng đặc công biệt động Sài Gòn |
|
Nữ biệt động 16 tuổi và chuyện dũng cảm pháo kích vào Sở Chỉ huy của tướng Mỹ |
Ngày xuất bản: 4/2025
Tổ chức thực hiện: TRƯỜNG SƠN
Thực hiện: THẢO LÊ, THIÊN LAM
Trình bày: NGỌC DIỆP
Ảnh: THÀNH ĐẠT