Gỡ "nút thắt" cho các bệnh viện đấu thầu, mua sắm

Trong thời gian qua, để khắc phục khó khăn, vướng mắc trong công tác mua sắm, đấu thầu và tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế Quốc hội đã ban hành Luật Đấu thầu năm 2023, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 96/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Nghị định số 24/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu;

Bộ Y tế đã ban hành các Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Đấu thầu về công tác mua thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế để các đơn vị áp dụng như: Thông tư số 04/2024/TT-BYT ngày 20/4/2024 quy định danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với thuốc; Thông tư số 05/2024/TT-BYT ngày 14/5/2024 quy định danh mục thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được áp dụng hình thức đàm phán giá và quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu áp dụng hình thức đàm phán giá; Thông tư số 07/2024/TT-BYT ngày 17/5/2024 quy định về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập.

Hệ thống văn bản pháp luật khá đầy đủ đã tạo sự thông thoáng về cơ chế, chính sách trong đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế. Tuy nhiên, không ít cơ sở y tế vẫn còn những băn khoăn. Tuyến bài "Gỡ "nút thắt" cho các bệnh viện đấu thầu, mua sắm" phản ánh câu chuyện vì sao vẫn xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế; sự vào cuộc kịp thời của Chính phủ, Quốc hội, Bộ Y tế ban hành các văn bản pháp luật sát thực tiễn và ghi nhận những điểm sáng, mô hình hay trong đấu thầu, mua sắm tại một số bệnh viện lớn.

Tổ chức liên tiếp các buổi hội thảo, làm việc trực tiếp với địa phương để “gỡ khó” đấu thầu là sự đồng hành mạnh mẽ, thiết thực của Bộ Y tế trong thời gian qua để đưa các văn bản pháp luật quy định về đấu thầu, mua sắm vào thực tiễn. Tuy nhiên, theo phản ánh từ các cơ sở y tế, họ vẫn còn gặp một số vướng mắc, đặc biệt là đấu thầu về hóa chất, vật tư y tế.

Cần tiếp tục có thêm những văn bản hướng dẫn cụ thể

Trong năm 2024, các quy định của pháp luật về đấu thầu đối với việc mua thuốc, vật tư, thiết bị y tế đã được ban hành kịp thời, đầy đủ, thống nhất và đồng bộ; trong đó đã quy định nhiều giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế thời gian vừa qua.

Bộ Y tế đã chủ động, kịp thời các ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện mua sắm, đấu thầu thuốc, hoá chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế gửi tất cả các địa phương, cơ sở y tế.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định phân cấp thẩm quyền quyết định các nội dung trong quá trình lựa chọn nhà thầu cho các bệnh viện trực thuộc Bộ để các bệnh việc chủ động, linh hoạt, tự quyết định và chịu trách nhiệm trong việc bảo đảm thuốc, vật tư, thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện.

Bệnh viện Chợ Rẫy đề nghị cần có thêm các hướng dẫn cụ thể về đấu thầu, mua sắm.

Bệnh viện Chợ Rẫy đề nghị cần có thêm các hướng dẫn cụ thể về đấu thầu, mua sắm.

Mặc dù các cơ chế cho đấu thầu, mua sắm đã thông thoáng hơn, cụ thể là việc mua sắm thuốc đã cơ bản hoàn chỉnh. Tuy nhiên, theo đại diện các cơ sở y tế, Bộ Y tế vẫn tiếp tục cần phải có những Thông tư, văn bản hướng dẫn về công tác đấu thầu, mua sắm khác như hướng dẫn cụ thể xây dựng yêu cầu kỹ thuật, tính năng kỹ thuật cho nhóm thiết bị y tế, vật tư y tế và hóa chất…

Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thanh Việt, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, đến nay, Bộ Y tế chưa có Thông tư riêng hướng dẫn mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế nên khó cho cơ sở xây dựng yêu cầu kỹ thuật. Thực tế, thiết bị của hãng nào sẽ có hóa chất, vật tư thay thế đi kèm. Vì thế, nhiều cơ sở y tế sợ rơi vào “bẫy” là sau khi trúng thầu trang thiết bị giá rẻ, nhưng sau này, sẽ phải mua hóa chất, vật tư với giá cao của đơn vị trúng thầu vì chỉ duy nhất đơn vị này cung ứng. Điều này dẫn tới, cơ sở y tế có nguy cơ phải giải trình vì sao lựa chọn giá hóa chất, vật tư cao hơn so với các đơn vị khác.

Bệnh viện Chợ Rẫy đề xuất Bộ Y tế tiếp tục có Thông tư hướng dẫn cụ thể xây dựng yêu cầu kỹ thuật, tính năng kỹ thuật cho nhóm thiết bị y tế, vật tư y tế và hóa chất.

Bệnh viện Chợ Rẫy đề xuất Bộ Y tế tiếp tục có Thông tư hướng dẫn cụ thể xây dựng yêu cầu kỹ thuật, tính năng kỹ thuật cho nhóm thiết bị y tế, vật tư y tế và hóa chất.

“Vừa qua các nơi e ngại nhất điều này nên chưa dám mua sắm trang thiết bị dẫn tới thiếu. Cuối cùng, người thiệt là người bệnh. Bộ Y tế cần có Thông tư hướng dẫn cụ thể xây dựng yêu cầu kỹ thuật, tính năng kỹ thuật cho nhóm thiết bị y tế, vật tư y tế và hóa chất. Nếu chúng ta làm kịp thời sẽ cung ứng kịp thời cho người bệnh, bảo đảm có được thiết bị đủ số lượng, chất lượng thiết bị phục vụ cho người bệnh, điều trị kịp thời. Để giải quyết bài toán này, trước mắt bệnh viện chúng tôi tiến hành đấu thầu cả 2 gồm cả trang thiết bị và hóa chất để tránh việc bị ép giá sau này”, ông Việt nói.

Bộ Y tế cần có Thông tư hướng dẫn cụ thể xây dựng yêu cầu kỹ thuật, tính năng kỹ thuật cho nhóm thiết bị y tế, vật tư y tế và hóa chất.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thanh Việt, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy

Bên cạnh đó, ông Việt cũng đề xuất, với Thông tư 22/2024/TT-BYT Bộ Y tế mới ban hành, ngoài quy định cho thuốc hiếm cần cần mở rộng thanh toán trực tiếp cho bệnh nhân trong điều kiện khách quan xảy ra.

Theo ông Lê Ngọc Danh, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, trong quá trình thực hiện Luật Đấu thầu 2023, TP Hồ Chí Minh có 2 vấn đề vướng và kiến nghị sửa đổi, bổ sung.

Một là, liên quan tới mua sắm hàng hóa không phải thuốc tại các cơ sở y tế công lập, theo Luật yêu cầu phải đấu thầu. Nhưng người bệnh có thể mua một số hàng như thực phẩm chức năng, dụng cụ y tế… mà cơ sở y tế không đấu thầu được. TP Hồ Chí Minh đề xuất nội dung này nên giao cho trách nhiệm cho các đơn vị đầu tư vị lựa chọn cách thức phù hợp.

Hai là, Luật Đấu thầu 2023 cũng đang hướng tới đối với việc mua sắm tại các cơ sở y tế công lập phải thông qua hình thức đấu thầu (trừ thuốc ngoài danh mục BHYT, vaccine sử dụng tiêm chủng dịch vụ). TP Hồ Chí Minh đề xuất hướng tới, việc mua sắm này dựa vào nguồn thu của các bệnh viện.

Người dân xếp hàng chờ phát thuốc tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh.

Người dân xếp hàng chờ phát thuốc tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh.

"Nếu nguồn thu từ ngân sách, bảo hiểm y tế thì có thể tiến hành đấu thầu. Nếu từ nguồn thu khác như từ dịch vụ có thể giao cho chủ đầu tư quyết định hình thức mua sắm bảo 4 nguyên tắc: công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình", ông Danh đề xuất.

Đối với Thông tư 22/2024/TT-BYT, ông Danh cũng đặt ra khó khăn với cơ quan chi trả trong việc thẩm định thực tế cơ sở y tế có thiếu thuốc bảo hiểm hay không; không có thuốc khác thay thế hay không.

“Điều này cần phải được xem xét phù hợp, tránh việc các bệnh viện không bảo đảm cung ứng thuốc thông thường để người bệnh phải ra ngoài mua thuốc rồi đến cơ quan BHYT chi trả. Mặc dù có hướng mở ra nhưng chúng ta cũng cần phải có giải pháp tránh việc lạm dụng, lấy cớ né trách nhiệm mua sắm không phù hợp”, ông Danh cho hay.

Kho dược bảo đảm đầy đủ thuốc cung ứng cho bệnh nhân.

Kho dược bảo đảm đầy đủ thuốc cung ứng cho bệnh nhân.

Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cung ứng kịp thời thuốc, vật tư y tế cho công tác khám, chữa bệnh.

Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cung ứng kịp thời thuốc, vật tư y tế cho công tác khám, chữa bệnh.

Để giải quyết bài toán thiếu thuốc, một số bệnh viện lớn tại TP Hồ Chí Minh cũng đề xuất Bộ Y tế có cơ chế điều chuyển thuốc giữa các bệnh viện với nhau để bảo đảm quyền lợi của bệnh nhân BHYT. Theo Trưởng Khoa Dược, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Bích Nga, hiện nay, với thuốc được đấu thầu thành công nằm trong gói thầu đàm phán giá, đấu thầu tập trung cấp quốc gia hay đấu thầu tập trung cấp địa phương đã được điều chuyển thuốc giữa các bệnh viện, tuy nhiên, hiện đối với các loại thuốc nằm trong gói thầu riêng lẻ của bệnh viện lại chưa thể điểu chuyển sang bệnh viện khác. Đây là một vướng mắc theo bà Nga cần phải sớm tháo gỡ.

Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh.

Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh.

Đối với Thông tư 22/2024/TT-BYT của Bộ Y tế vừa ban hành ngày 18/10/2024 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, bà Nga bày tỏ, Thông tư đã đáp ứng nguyện vọng của người dân, bảo đảm quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT.

Nhưng trong Thông tư này, có một điều kiện mà dược sĩ Nga băn khoăn nhất, đó là điều kiện tại thời điểm kê đơn thuốc, chỉ định sử dụng thiết bị y tế phải bảo đảm các điều kiện theo quy định mà không có thuốc, thiết bị y tế do đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được duyệt theo một trong các hình thức: Đấu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu hạn chế hoặc chào hàng cạnh tranh hoặc mua sắm trực tiếp hoặc lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt nhưng chưa lựa chọn được nhà thầu hoặc chào giá trực tuyến hoặc mua sắm trực tuyến và đã thực hiện chỉ định thầu rút gọn. Bà Nga đặt câu hỏi, đặt điều kiện như vậy đối với người bệnh đi khám BHYT bình thường liệu có bảo đảm quyền lợi của họ hay không?

Một số cơ sở y tế đề nghị cần phân loại chất lượng thiết bị y tế.

Một số cơ sở y tế đề nghị cần phân loại chất lượng thiết bị y tế.

Ông Bùi Văn Kỳ, Phó Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận bày tỏ băn khoăn về việc đấu thầu mua sắm cơ sở nhà thuốc trong bệnh viện vẫn còn chưa rõ ràng. Ông đề nghị, Bộ Y tế cần có những hướng dẫn thêm về nội dung mua sắm nhà thuốc bệnh viện để tạo điều kiện cho đơn vị tiếp tục có thuốc phục vụ nhân dân. Về đấu thầu vật tư, thiết bị y tế, ông cũng đề nghị Bộ Y tế cần hướng dẫn rõ hơn về lập hồ sơ gói thầu, xét thầu về các nội dung đấu thầu theo giá cố định, đấu thầu trọn gói bảo đảm đúng quy định pháp luật. Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp tục hướng dẫn rõ hơn công tác đấu thầu tại các cơ sở y tế cũng như đấu thầu tập trung cấp địa phương và đấu thầu tập trung cấp Trung ương.

Bên cạnh đó, nhiều cơ sở y tế đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành Thông tư liên quan đến phân nhóm trang thiết bị y tế nhằm phân loại được chất lượng thiết bị y tế. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, các văn bản quy phạm pháp luật về công tác đấu thầu mua sắm.

Một số cơ sở y tế địa phương tại tỉnh đề nghị tỉnh cần có trung tâm mua sắm tập trung cấp địa phương để thực hiện các thủ tục đấu thầu thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế, hóa chất để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở y tế trong việc cung ứng thuốc, hóa chất vật tư số lượng lớn, tiết kiệm nhân lực, tránh tình trạng trượt thầu do mua sắm nhỏ lẻ tại các đơn vị.

Item 1 of 2

Vướng tới đâu, tiếp tục tháo gỡ tới đó

Điểm mạnh nhất của Bộ Y tế trong việc đồng hành với các bệnh viện trong thời gian vừa qua chính là triển khai mạnh mẽ, liên tiếp các buổi tập huấn, phổ biến pháp luật về đấu thầu trực tiếp và trực tuyến đến từng cơ sở y tế; nhanh chóng trả lời văn bản cho các đơn vị; làm việc trực tiếp với một số cơ sở y tế địa phương để tạo nên cách hiểu đồng nhất trong việc đưa các văn bản pháp luật vào thực tiễn.

Là người trực tiếp trả lời thắc mắc của hàng trăm cơ sở y tế thời gian qua, ông Hoàng Cương, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính, Bộ Y tế cho biết, qua kiểm tra rà soát, Bộ Y tế thấy rằng có xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số bệnh viện do nguyên nhân là trong đầu năm 2024, các bệnh viện áp dụng Luật Đấu thầu mới nên việc áp dụng còn chậm trễ. Một số gói thầu đưa ra những quy định chưa phù hợp dẫn đến không lựa chọn được nhà thầu, phải hủy thầu để đấu thầu lại.

Các khó khăn của địa phương tập trung chủ yếu xoay quanh các nội dung: thủ tục thẩm định, phê duyệt tại một số địa phương còn phức tạp; có địa phương còn chưa phân cấp triệt để cho các bệnh viện trong việc quyết định mua sắm; việc thu thập báo giá, thông tin để xác định giá gói thầu còn có cách hiểu chưa thống nhất như việc xác định giá gói thầu theo báo giá cao nhất, thấp nhất hay trung bình; khó khăn trong việc phê duyệt dự toán ngân sách dành cho mua sắm; việc đánh giá về xuất xứ của hàng hóa mà nhà thầu nêu trong hồ sơ dự thầu; một số bệnh viện chưa mạnh dạn quyết định mua sắm cho 2-3 năm thay vì chỉ đấu thầu theo từng năm như trước đây…

Về cơ bản các vướng mắc chủ yếu từ phía cơ sở y tế trong quá trình thực thi là do chưa có cách hiểu thống nhất.
Ông Hoàng Cương, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính, Bộ Y tế

“Về cơ bản các vướng mắc chủ yếu từ phía cơ sở y tế trong quá trình thực thi là do chưa có cách hiểu thống nhất. Một số địa phương đã ban hành quy định phân cấp triệt để cho các cơ sở y tế, các bệnh viện quyết định việc mua sắm nhưng cũng có một số địa phương lại phân cấp ở mức vừa phải. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc kéo dài thời gian mua sắm vì phải qua các bước trình duyệt, thẩm định trung gian”, ông Cương nói.

Ông Hoàng Cương trao đổi với đại diện các cơ sở y tế phía nam về đấu thầu, mua sắm.

Ông Hoàng Cương trao đổi với đại diện các cơ sở y tế phía nam về đấu thầu, mua sắm.

Ông Hoàng Cương cho biết thêm, những vướng mắc phát sinh kể từ khi văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu được ban hành không phải là nguyên nhân chủ chốt. Bằng chứng là là rất nhiều địa phương, bệnh viện đã đấu thầu và không gặp vướng mắc gì. Tuy nhiên, một số bệnh viện khác lại xảy ra vướng mắc.

Tại các cuộc trao đổi trực tiếp, các vụ, cục chức năng của Bộ Y tế đã giải đáp các nội dung quan trọng như việc áp dụng tùy chọn mua thêm để có thể mua thêm ngay được thuốc, vật tư, thiết bị y tế; các cơ sở y tế có thể đấu thầu để mua sắm số lượng sử dụng cho nhu cầu sử trong 2 năm, 3 năm thay vì đấu thầu dùng cho 1 năm như trước đây; cách thức xác định giá gói thầu cho phù hợp; việc đánh giá về xuất xứ của hàng hóa; thực hiện ưu đãi cho hàng hóa sản xuất trong nước; thẩm định kế hoạch lựa chọn  nhà thầu trong mua sắm tập trung… Thông tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế đã Mẫu hóa toàn bộ các khâu trong quá trình lựa chọn nhà thầu, đã có quy định rõ về trình tự, thủ tục thực hiện đấu thầu.

Đại diện Trung tâm đấu thầu qua mạng Quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã hướng dẫn cho các chủ đầu tư cách thức khai thác, tra cứu thông tin về giá trúng thầu, các mặt hàng đã trúng thầu, thông tin về nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để các chủ đầu tư làm cơ sở xây dựng giá gói thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu, tìm hiểu thông tin về các nhà thầu và thông tin đấu thầu của các địa phương, bệnh viện khác.

Bộ Y tế cũng đã tổng hợp xây dựng bộ câu hỏi bệnh viện thường gặp, dẫn dắt các quy định của luật, cách thức xử lý căn cứ vào luật.

Bệnh nhân đăng ký khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh.

Bệnh nhân đăng ký khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh.

Hiện Chính phủ giao cho Bộ Y tế nhiệm vụ tiếp tục rà soát, để đề xuất sửa đổi theo thẩm quyền đối với nội dung trong quá trình thực hiện còn vướng mắc hoặc chưa phù hợp với thực tế. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ cũng giao cho Bộ Y tế chủ trì xây dựng Sổ tay hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện công tác đấu thầu để các bệnh viện tham khảo, áp dụng.

“Chúng tôi đang triển khai nhiệm vụ này. Sắp tới, trên cơ sở nghiên cứu, tổng hợp vướng mắc của các bệnh viện để ban hành sổ tay, theo tinh thần cầm tay chỉ việc. Các bệnh viện có thể tham khảo để thực hiện đấu thầu, mua sắm. Tránh việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, đẩy nhiệm vụ của mình lên cấp trên", ông Cương cho biết.

Chính phủ giao cho Bộ Y tế nhiệm vụ tiếp tục rà soát, để đề xuất sửa đổi theo thẩm quyền đối với nội dung trong quá trình thực hiện còn vướng mắc hoặc chưa phù hợp với thực tế. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ cũng giao cho Bộ Y tế chủ trì xây dựng Sổ tay hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện công tác đấu thầu để các bệnh viện tham khảo, áp dụng.

Tư lệnh ngành y tế - Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, việc chưa giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu vật tư y tế, thuốc tại các cơ sở y tế công lập là điều Bộ rất “lao tâm, khổ tứ” để tham mưu các chính sách tháo gỡ tổng thể cho vấn đề này. Các Nghị quyết đã được Quốc hội ban hành vừa qua hay một số Luật đang được xem xét thông qua đã cho phép thực hiện những cơ chế ngắn hạn, cũng như có cơ chế tháo gỡ khó khăn về thể chế để cung ứng vật tư y tế, thuốc chữa bệnh. Các cơ chế tháo gỡ khó khăn trong đấu thầu vật tư y tế, thuốc cũng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu khá đầy đủ trong quá trình xây dựng Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế sẽ tiếp tục có những văn bản hướng dẫn các cơ sở y tế gỡ khó đấu thầu, mua sắm.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế sẽ tiếp tục có những văn bản hướng dẫn các cơ sở y tế gỡ khó đấu thầu, mua sắm.

Bộ Y tế cũng đang phối hợp với các đơn vị hoàn thiện 2 dự án Luật hết sức quan trọng đó là Luật Dược (sửa đổi) và Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 lần này. Nếu Luật Dược (sửa đổi) được thông qua, trong đó Bộ Y tế đã trình 5 chính sách, cơ bản các chính sách đều nhằm cải cách thủ tục hành chính mạnh theo yêu cầu của Thủ tướng để làm sao đẩy nhanh tiến độ cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, giúp các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh có điều kiện nhập nguyên liệu, nhập thuốc sản xuất, cung ứng trong cơ sở y tế.

Bộ Y tế tiếp tục kiện toàn hàng lang pháp lý cho công tác đấu thầu, mua sắm, tiếp tục giải quyết các thách thức, vướng mắc, bất cập liên quan thực hiện cơ chế tự chủ, mua sắm đấu thầu...
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan

Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh, trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục kiện toàn hàng lang pháp lý cho công tác đấu thầu, mua sắm, tiếp tục giải quyết các thách thức, vướng mắc, bất cập liên quan thực hiện cơ chế tự chủ, mua sắm đấu thầu...

Tuy nhiên, khi thể chế đã có đầy đủ, nhưng ở địa phương, các đơn vị còn vấn đề trong tổ chức thực hiện thì cũng dẫn đến tình trạng không đủ thuốc, vật tư phục vụ khám chữa bệnh. Do đó, các địa phương phải rất chủ động, linh hoạt trong việc mua sắm, đấu thầu bảo đảm công khai, minh bạch, kịp thời, đáp ứng mục tiêu của công tác mua sắm, đấu thầu cũng như bảo đảm thực hiện tốt nhất nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân; phải đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết.

Ngày xuất bản: 29/10/2024
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Nội dung: THẢO LÊ - THIÊN LAM
Trình bày: THIÊN LAM
Ảnh: THIÊN LAM, BỆNH VIỆN CUNG CẤP