CUỘC CHIẾN CHƯA TỪNG CÓ VỚI BIẾN CHỦNG DELTA

Thế giới gọi giai đoạn đối mặt với Covid-19 từ đầu năm 2021 là cuộc chiến với biến chủng Delta. Bởi dù đã “làm quen” với virus SARS-CoV-2 hơn một năm rưỡi, tưởng đã bắt đầu hiểu và kiểm soát được, thì đại dịch Covid-19 vẫn trở nên nguy hiểm, khó lường khi biến chủng Delta xuất hiện. Nó làm đảo ngược mọi thành quả chống dịch của nhiều nước trong suốt gần hai năm trước.

Tại Việt Nam, chỉ khi biến chủng Delta xuất hiện tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam từ cuối tháng 4/2021 thì công cuộc chống dịch mới thực sự bắt đầu khốc liệt. Với tốc độ lây lan nhanh, mạnh, diễn biến hết sức phức tạp, kéo dài, số ca mắc tăng nhanh trong thời gian ngắn, vượt hơn nhiều so với dự báo và cao gấp trăm nghìn lần cả ba đợt dịch trước cộng lại, làn sóng dịch thứ tư đẩy thành phố đầu tàu cả nước vào một cuộc chiến chưa từng có trong lịch sử và để lại một hậu quả hết sức nặng nề.

Qua hơn 4 tháng cao điểm của đại dịch, TP Hồ Chí Minh ghi nhận hơn 427 nghìn người mắc Covid-19, chiếm khoảng 48% số ca nhiễm của cả nước. Và đau xót hơn, có tới 16 nghìn 500 người tử vong, chiếm tới 75% con số tử vong của cả nước. Thành phố phải chịu thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 kéo dài gần 3 tháng, và điều đó ảnh hưởng nặng nề đến sinh kế của người dân cũng như mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội. Theo ước tính, có tới 80% lao động thành phố (hơn 3,7 triệu người) bị giảm hoặc mất thu nhập. Và hơn tất cả là những ảnh hưởng, mất mát về tinh thần mà người dân phải chịu đựng sẽ lâu dài về sau…

Trước sự nguy hiểm khó lường của biến chủng Delta, những chính sách, biện pháp chống dịch đã có lúc lúng túng, bị động. Tuy nhiên, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, sự đồng lòng quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân thành phố, sự chung sức và chia sẻ của đồng bào cả nước, thành phố đã nhanh chóng vượt qua những thời điểm khó khăn nhất.

Dịch Covid-19 hiện vẫn còn phức tạp khó lường với nhiều đợt sóng lây nhiễm mới, và cùng với toàn thế giới, Việt Nam vẫn đang từng bước thích ứng tình hình, kiểm soát an toàn để phục hồi và phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống an sinh cho nhân dân. Nhìn lại hành trình chống dịch thời gian qua cũng là rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu cho nhiều địa phương trong cả nước.

Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 tại TP Hồ Chí Minh qua những con số

TP Hồ Chí Minh và gần 200 ngày chống Covid-19

Cuộc chiến chưa từng có với biến chủng Delta

Từ “đốm lửa nhỏ” đến vết dầu loang

Biến chủng Delta có mặt tại TP Hồ Chí Minh cuối tháng 5, và chỉ cần nửa tháng đã tấn công vào 22 quận, huyện của thành phố, ngấm sâu vào cộng đồng, khu công nghiệp, các bệnh viện, rồi theo dòng người hồi hương lan ra các tỉnh miền nam và nhiều tỉnh, thành phố khắp cả nước. Mọi sự chủ động, kinh nghiệm có được từ 3 đợt dịch trước, trở nên bối rối và không phù hợp trước sự nguy hiểm của biến chủng mới virus SARS-CoV-2, khiến cho sự lây lan và tác hại của nó dường như có lúc không thể kiểm soát...

Cuối tháng 5, thành phố phát hiện những ca bệnh đầu tiên thuộc nhóm truyền giáo tại phường 3, quận Gò Vấp và nhanh chóng trở thành một chuỗi lây nhiễm lớn nhất mang biến chủng Delta. TP Hồ Chí Minh đã chứng kiến những ngày khốc liệt khi số ca mắc vọt từ 2 con số lên 3, rồi 4 con số, ngày hôm sau lại lập kỷ lục so với ngày hôm trước về số ca nhiễm và con số thống kê cập nhật mỗi ngày vượt quá mọi hình dung...

Suốt mấy tháng qua tôi chỉ ở trong nhà đọc sách, viết lách, không bước chân ra ngoài dù chân mình muốn đi dữ lắm. Ngày nào tôi cũng nghe tiếng xe cứu thương, tiếng chuột chạy, tiếng kêu của những con mèo hoang kéo đến sinh sống tại các sạp bỏ không trong chợ. Một cảnh tượng vắng lặng đáng sợ mà tôi chưa từng thấy ở khu vực từ mấy chục năm nay. Dịch bệnh lần này quả thật quá khủng khiếp, nó vượt quá sức tưởng tượng của bản thân tôi”.
Nhà văn Trần Bảo Định

Làn sóng lây nhiễm lần thứ tư từ tâm dịch TP Hồ Chí Minh đã tạo nên một cơn rung chấn, ảnh hưởng nặng nề tới nhiều địa phương… Trong đó, Bình Dương, Đồng Nai, Long An là những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ tâm dịch TP Hồ Chí Minh. Dịch vẫn tiếp tục lây lan và số ca nhiễm tăng cao đồng loạt ở hầu hết các tỉnh miền nam. Thực trạng đó cũng xảy ra tương tự với Đồng Tháp, Cần Thơ, và các tỉnh miền trung xa hơn như Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi, lan ra Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An… và các tỉnh miền bắc như Phú Thọ, Vĩnh Phúc và… Hà Nội. Các địa phương này cũng chịu cảnh “đóng, mở” liên tục các hoạt động thiết yếu, thực hiện giãn cách xã hội  và đưa ra nhiều biện pháp để kiểm soát người về từ TP Hồ Chí Minh.

Bác sĩ khám cho các bệnh nhân Covid tại bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 tại Trường THPT Phú Nhuận. (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)

Bác sĩ khám cho các bệnh nhân Covid tại bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 tại Trường THPT Phú Nhuận. (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)

Công tác khám sàng lọc diễn ra khẩn trương.

Công tác khám sàng lọc diễn ra khẩn trương.

Bệnh viện Hồi sức người bệnh Covid-19 của Bệnh viện Việt Đức những ngày đầu tiên tiếp đón rất nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Bệnh viện Hồi sức người bệnh Covid-19 của Bệnh viện Việt Đức những ngày đầu tiên tiếp đón rất nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Rất đông người dân tập trung tại chợ Bình Điền để được lấy mẫu xét nghiệm trưa 5/7. Ảnh: Dân trí

Rất đông người dân tập trung tại chợ Bình Điền để được lấy mẫu xét nghiệm trưa 5/7. Ảnh: Dân trí

Dòng người đổ về các quê đã mang theo virus lây lan ra các địa phương.

Dòng người đổ về các quê đã mang theo virus lây lan ra các địa phương.

Item 1 of 5

Bác sĩ khám cho các bệnh nhân Covid tại bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 tại Trường THPT Phú Nhuận. (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)

Bác sĩ khám cho các bệnh nhân Covid tại bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 tại Trường THPT Phú Nhuận. (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)

Công tác khám sàng lọc diễn ra khẩn trương.

Công tác khám sàng lọc diễn ra khẩn trương.

Bệnh viện Hồi sức người bệnh Covid-19 của Bệnh viện Việt Đức những ngày đầu tiên tiếp đón rất nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Bệnh viện Hồi sức người bệnh Covid-19 của Bệnh viện Việt Đức những ngày đầu tiên tiếp đón rất nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Rất đông người dân tập trung tại chợ Bình Điền để được lấy mẫu xét nghiệm trưa 5/7. Ảnh: Dân trí

Rất đông người dân tập trung tại chợ Bình Điền để được lấy mẫu xét nghiệm trưa 5/7. Ảnh: Dân trí

Dòng người đổ về các quê đã mang theo virus lây lan ra các địa phương.

Dòng người đổ về các quê đã mang theo virus lây lan ra các địa phương.

Sự tác động khủng khiếp của virus SARS-CoV-2 chủng Delta còn in đậm mãi trong ký ức của nhiều người thành phố TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền nam, nhất là đối với những ai đã gắn bó lâu năm với vùng đất này. Nhà văn Trần Bảo Định, nay đã gần 80 tuổi, nhưng ông chưa bao giờ nhìn thấy nơi ông ở trở nên tiêu điều, hoang vắng như thế. Ông sống trong khu vực chợ Tân Định, nơi nổi tiếng sầm uất với kẻ bán người mua thuộc địa bàn quận 1, TP Hồ Chí Minh. Từ đầu tháng 7, khi những ca dương tính bắt đầu xuất hiện tại chợ, khu vực này nhanh chóng bị phong tỏa. Gia đình “ông già Nam Bộ nhiều chuyện” Trần Bảo Định may mắn là một trong những hộ ít ỏi ở khu vực chợ không bị Covid -19 tấn công. 


Mất mát đau thương, khó khăn chồng chất

Trong đợt dịch thứ tư, TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố phải đối mặt với một cơn chấn thương với những mất mát chưa từng có. Con số tử vong tăng nhanh từng ngày và nhiều ca bệnh trở nặng, diễn biến xấu không kịp trở tay, hệ thống điều quá tải. Những ngày khốc liệt còn in dấu vết thương trong lòng mỗi người không thể nào đo đếm được. Sẽ cần nhiều, thật nhiều thời gian, sự tận tâm và nỗ lực để có thể bù đắp, xoa dịu những gì mà hơn 10 triệu người dân sống ở thành phố đã trải qua…

Kể từ 27/4 tới 15/10, có hơn 21.000 bệnh nhân tử vong vì Covid-19. Con số gấp hàng chục nghìn lần cả ba đợt dịch trước cộng lại và cũng là con số buồn đưa Việt Nam từ nước có tỷ lệ ca tử vong thấp nhất thế giới trong hơn một năm qua trở thành nước ở mức xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ chỉ trong mấy tháng. Thật đúng như các chuyên gia nhận định, biến chủng Delta đã làm đảo lộn mọi thành quả chống dịch. Trong những ngày từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 8, số ca mắc và ca tử vong liên tiếp lập “kỷ lục buồn” mỗi ngày. Điều đó không những là sự mất mát đau thương với người dân thành phố và các điểm nóng như Đồng Tháp, Bình Dương, Đồng Nai, lan cả ra Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi… mà còn là sự ám ảnh, tổn thương với người dân cả nước.

Suốt tháng 8 cao điểm đầy đau thương ấy, chị Phạm Thị Mộng Cầm, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường 1, quận 6 (TP Hồ Chí Minh) không nhớ rõ mình cùng cơ quan tiếp nhận và chuyển giao bao nhiêu hũ tro cốt người mất vì Covid-19 cho thân nhân của họ. Chính vì vậy, khi ngồi trên chiếc xe bán tải của Công an phường 1, chị Cầm như người thất thần vì hũ cốt lần này vận chuyển về chính địa chỉ nhà chị, người trong hũ cốt lại là cha ruột chị. Đau đớn thay, trong lúc chị Cầm đang mải miết chăm lo hỗ trợ nhân dân phường chống dịch, thì chính Covid-19 lại cướp đi người cha thương yêu.

Đau đớn nhất là khi làn sóng thứ tư đi qua, để lại hàng nghìn trẻ em không còn cha mẹ, người thân. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong đợt dịch thứ tư, TP Hồ Chí Minh có khoảng 2.000 trẻ em mồ côi vì cha mẹ nhiễm Covid-19. Hệ lụy này vô cùng khủng khiếp và đối tượng gánh chịu phải thấm nỗi đau suốt cuộc đời. Thực tế buồn đặt ra nhiều câu hỏi cho chính quyền và cả xã hội.

Đường phố về đêm trong những ngày giãn cách càng thêm vắng lặng và chất chứa bên trong nhiều nỗi lo lắng, căng thẳng vì dịch bệnh có thể ập tới bất cứ gia đình nào. Ảnh: Hải An

Đường phố về đêm trong những ngày giãn cách càng thêm vắng lặng và chất chứa bên trong nhiều nỗi lo lắng, căng thẳng vì dịch bệnh có thể ập tới bất cứ gia đình nào. Ảnh: Hải An

Dịch bệnh đã tác động hết sức nghiêm trọng đến sinh mạng, sức khỏe, đời sống của người dân và ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt kinh tế, xã hội. Đặc biệt, các biện pháp đối phó dịch bệnh đã làm đình trệ hoạt động sản xuất, tác động tiêu cực đến đời sống và sinh kế, ảnh hưởng tâm lý của nhân dân, nhất là người lao động, cộng đồng doanh nghiệp. Kinh tế của thành phố suy giảm chưa từng có, với tăng trưởng xuống mức -5% trong năm 2021. Giá trị GRDP của thành phố bị mất đi do đại dịch năm 2021 bằng khoảng 20% GRDP năm 2019, khoảng 268 nghìn tỷ đồng (khoảng hơn 11 tỷ USD).

Trên địa bàn thành phố có khoảng 1,6 triệu hộ có hoàn cảnh khó khăn và 4,7 triệu nhân khẩu trong hộ có hoàn cảnh khó khăn cần được trợ giúp. Những mất mát, đau thương có thể nói chưa từng có trong lịch sử...


Cả nước dồn sức chi viện cho miền nam

Chúng ta ước lượng được bao nhiêu chuyến xe, bao nhiêu tấn hàng vận chuyển vào TP Hồ Chí Minh, nhưng không thể cân đo hết bao nhiêu yêu thương, lo lắng dành cho thành phố. Chúng ta tính được hàng trăm nghìn nhân lực chi viện ở mọi mặt trận nhưng không thể đong đếm được bao nhiêu giọt mồ hôi, nước mắt đã rơi xuống trong hơn 150 ngày qua. Nghĩa tình đồng bào, sự chung sức, đồng lòng, sẻ chia gánh vác trách nhiệm đã giúp cho TP Hồ Chí Minh vượt qua được những tháng ngày khốc liệt nhất.

Gần 5 tháng qua, đã có hơn 300.000 nhân lực hỗ trợ, đồng hành cùng TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía nam, lăn xả ở nhiều chiến tuyến, dốc sức vì những địa phương này đang rơi vào tình thế khó khăn chưa từng có. Hơn 25.000 người từ các bệnh viện lớn của Trung ương và địa phương trực tiếp điều trị bệnh nhân tại các bệnh viện, các trung tâm y tế và tham gia công tác truy vết.

Khi dịch bệnh tại thành phố khốc liệt nhất với mỗi ngày số F0 ở mức hàng nghìn, số ca tử vong tính hàng trăm, tháng 8, Bộ Y tế tiếp tục tung một lực lượng tinh nhuệ nhất từ trước tới nay với sự tham gia chỉ huy mặt trận điều trị là các giám đốc bệnh viện đầu ngành tuyến Trung ương vào TP Hồ Chí Minh xây dựng các trung tâm hồi sức. Các bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y, Bệnh viện Trung ương Huế... đều có mặt và thiết lập những trung tâm cứu chữa bệnh nhân Covid-19 nặng tại khắp các quận, huyện của TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương, đồng thời hỗ trợ từ xa cho các địa phương khác.

Bộ Quốc phòng hỗ trợ cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam hơn 133.000 quân, trong đó bộ đội hơn 33.000, dân quân hơn 99.000. Riêng lực lượng quân y tăng cường khoảng 9.800, triển khai 13 cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 với 6.600 giường bệnh, thành lập 660 tổ quân y cơ động, 510 tổ vaccine, hơn 1.100 tổ lấy mẫu xét nghiệm, tăng cường xuống cơ sở thực hiện truy vết, xét nghiệm, tiêm ngừa, tư vấn sức khỏe và điều trị F0 tại nhà có hiệu quả.

Cũng trong những ngày gian khó càng sáng lên nghĩa đồng bào. Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát và TP Hồ Chí Minh phải thực hiện giãn cách, hàng trăm chuyến xe từ khắp mọi miền đất nước mang theo gạo rau, củ quả, cả những con cá, hạt lạc từ miền trung, trang thiết bị y tế… chạy suốt quốc lộ vào nam hỗ trợ thành phố trong cơn hoạn nạn. Những mạnh thường quân lăn lộn nhiều ngày vác từng bao gạo, từng bình oxy đi đến những con hẻm dài sâu hun hút để cứu trợ những F0 tại nhà…

Trong tâm dịch, ngay lúc khó khăn nhất, khi mọi lực lượng tuyến đầu căng mình với nhiều hy sinh mất mát, hàng loạt chương trình bếp ăn miễn phí, bếp ăn không đồng, bếp nghĩa tình… ra đời với nhiều quy mô mà mục đích tiếp sức tuyến đầu và chăm lo người dân trong hoạn nạn. Thống kê cuối tháng 9/2021, nếu như Bếp ăn Suối mát Từ Tâm (Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam) đã cung cấp 125.000 suất ăn đến các hoàn cảnh nghèo khổ thì bếp ăn Chùa Tường Nguyên đã nấu tổng số 1,25 triệu suất cơm. Còn các bếp ăn tại Chùa Nam Thiên Nhất Trụ, Chùa Giác Ngộ, Chùa Vĩnh Nghiêm đã nấu từ 5.000-10.000 suất cơm/ngày chuyển tới lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Cùng với ký ức đau thương mất mát, thành phố trong cơn đại dịch cũng ghi dấu những câu chuyện cảm động, ấm áp yêu thương của nghĩa đồng bào...


Những quyết định chưa từng có

Các chuyên gia nhận định đợt chống dịch Covid-19 lần thứ tư tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam thời gian qua là “Cuộc chiến chưa từng có trong lịch sử” với rất nhiều quyết định lần đầu tiên được áp dụng.Cùng với những quyết định cam go, lịch sử cũng chứng kiến lần đầu tiên có sự huy động toàn dân tham gia tuyến đầu chống dịch, với sự chi viện của các lực lượng từ y tế, quân đội, công an… Để an dân, đồng lòng cùng chính quyền vượt qua đại dịch, vấn đề an sinh xã hội được xem là một trong những trụ cột quan trọng giúp cho người dân yên tâm ở trong nhà, đồng hành cùng cả thành phố chống dịch.

Suốt thời gian trong 2 tháng, từ giữa tháng 7 tới giữa tháng 9 là giai đoạn Chính phủ đã có rất nhiều cuộc họp để cùng thành phố tháo gỡ những nút thắt. Đặc biệt, ngày 25/8/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 1438/QĐ-TTg kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Theo Quyết định, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban chỉ đạo, trực tiếp chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất từ Trung ương xuống địa phương, đáp ứng yêu cầu huy động nhanh nhất, hiệu quả nhất mọi nguồn lực, biện pháp để sớm ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi cả nước.

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ tại TP Hồ Chí Minh cao hơn, được áp dụng nhờ Nghị quyết 30 của Quốc hội đã mở đường cho Chính phủ thực hiện các biện pháp tương tự trường hợp khẩn cấp, nhưng không ban bố tình trạng khẩn cấp. “Nhờ vậy, chúng ta mới kiểm soát được tình khu vực phía nam. Quyết định đó đã góp ngăn sự gia tăng diện rộng tình trạng lây nhiễm và tử vong trong khu vực này”, Bộ trưởng Y tế khẳng định.

Cùng với những quyết định cam go, lịch sử cũng chứng kiến lần đầu tiên có sự huy động toàn dân tham gia tuyến đầu chống dịch, với sự chi viện của các lực lượng  từ y tế, quân đội, công an… Để an dân, đồng lòng cùng chính quyền vượt qua đại dịch, vấn đề an sinh xã hội được xem là một trong những trụ cột quan trọng giúp cho người dân yên tâm ở trong nhà, đồng hành cùng cả thành phố chống dịch.

Để an dân, đồng lòng cùng chính quyền vượt qua đại dịch, vấn đề an sinh xã hội được xem là một trong những trụ cột quan trọng. Ngày 15/8, TP Hồ Chí Minh đã thành lập Trung tâm An sinh xã hội với mục tiêu nhanh chóng, kịp thời, hỗ trợ đúng và tránh trùng hoặc bỏ sót đối tượng; phấn đấu trao tặng túi an sinh để chăm lo tất cả người dân gặp khó khăn cần sự hỗ trợ, giúp đỡ thông qua các đường dây nóng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác phòng chống dịch tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 6-2021. Ảnh: HCDC

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác phòng chống dịch tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 6-2021. Ảnh: HCDC

Thủ tướng trao đổi với lãnh đạo địa phương về công tác bảo đảm an sinh, an dân và phòng chống dịch. Ảnh: VGP

Thủ tướng trao đổi với lãnh đạo địa phương về công tác bảo đảm an sinh, an dân và phòng chống dịch. Ảnh: VGP

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên thăm hỏi, động viên người dân phường 4, quận 8 trong những ngày dịch bệnh diễn biến căng thẳng tại thành phố. Ảnh: Hoàng Triều.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên thăm hỏi, động viên người dân phường 4, quận 8 trong những ngày dịch bệnh diễn biến căng thẳng tại thành phố. Ảnh: Hoàng Triều.

Đồng chí Phan Văn Mãi (phải) thăm hỏi cán bộ, nhân viên Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 2.

Đồng chí Phan Văn Mãi (phải) thăm hỏi cán bộ, nhân viên Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 2.

Item 1 of 4

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác phòng chống dịch tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 6-2021. Ảnh: HCDC

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác phòng chống dịch tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 6-2021. Ảnh: HCDC

Thủ tướng trao đổi với lãnh đạo địa phương về công tác bảo đảm an sinh, an dân và phòng chống dịch. Ảnh: VGP

Thủ tướng trao đổi với lãnh đạo địa phương về công tác bảo đảm an sinh, an dân và phòng chống dịch. Ảnh: VGP

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên thăm hỏi, động viên người dân phường 4, quận 8 trong những ngày dịch bệnh diễn biến căng thẳng tại thành phố. Ảnh: Hoàng Triều.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên thăm hỏi, động viên người dân phường 4, quận 8 trong những ngày dịch bệnh diễn biến căng thẳng tại thành phố. Ảnh: Hoàng Triều.

Đồng chí Phan Văn Mãi (phải) thăm hỏi cán bộ, nhân viên Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 2.

Đồng chí Phan Văn Mãi (phải) thăm hỏi cán bộ, nhân viên Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 2.

Nhiều quyết định táo bạo trong điều trị bệnh nhân Covid-19 cũng được đưa ra để đối phó lại tình trạng quá tải và diễn biến nhanh của biến chủng mới cũng đã được thực hiện. Việc thay đổi chiến lược điều trị phù hợp với diễn biến dịch, cùng sự chi viện của ngành y tế cả nước đã giúp cho thành phố khống chế được sự quá tải của hệ thống điều trị.

Một trong những biện pháp mang tính chất tiên quyết để đưa TP Hồ Chí Minh sớm vượt qua sự khốc liệt của đỉnh dịch và tình trạng “đóng băng” mọi hoạt động là thúc đẩy kế hoạch tiêm vaccine. Chính phủ đã tích cực thực hiện Chiến lược vaccine, nhất là luôn tích cực thực hiện ngoại giao vaccine. Mục tiêu bao phủ vaccine càng sớm càng tốt để thành phố có miễn dịch cộng đồng, không có tư tưởng phân biệt nguồn vaccine từ nước nào được triển khai bài bản, nhanh chóng trên diện rộng bằng nhiều hình thức.

Một trong những bước ngoặt lớn trong điều trị của TP Hồ Chí Minh là triển khai điều trị F0 tại nhà vào ngày 21/8. Giải pháp này được cho là phát huy hiệu quả khi hệ thống y tế quá tải, không còn đủ sức quản lý F0 tại các khu thu dung, điều trị. Hơn 500 trạm y tế lưu động được thiết lập dần dần trở thành “điểm tựa” của người dân trong đại dịch, vừa test nhanh phát hiện sớm ca bệnh, hỗ trợ điều trị F0, cung cấp oxy cho tới phát túi thuốc an sinh F0 tại nhà, triển khai tiêm chủng. Nhờ đó, người bệnh được chăm sóc kịp thời ngay từ cơ sở nên đã giảm số ca tử vong, tăng nặng; giảm hẳn quá tải cho tuyến trên.

Vượt qua rất nhiều thách thức, với những quyết định chưa từng có trong tiền lệ, sự chung tay, đồng lòng của người dân cả nước, sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, TP Hồ Chí Minh đã vượt qua giai đoạn khó khăn thách thức nhất, dần đưa cuộc sống trở lại bình thường mới.


Thích ứng an toàn, vết thương hồi phục

Ngày 1/10 đánh dấu cột mốc quan trọng với mỗi người dân ở thành phố mang tên Bác khi một số lĩnh vực được hoạt động trở lại. Thành phố đang chữa dần những vết thương sau cuộc chiến khốc liệt để bắt đầu cho một cuộc hồi sinh. Với truyền thống kiên cường, bản lĩnh vững vàng của người dân, doanh nghiệp và của cả hệ thống chính trị, những tổn thất hôm nay sẽ không ngăn được khát vọng vươn lên của TP Hồ Chí Minh, “đầu tàu” kinh tế của cả nước.

Những con đường ở TP Hồ Chí Minh nhộn nhịp hơn trong những ngày đầu tháng 10. Ở góc ngã tư Phạm Ngọc Thạch và Nguyễn Đình Chiểu xuất hiện một người đàn ông vừa lạ, vừa quen. “Lạ” vì anh vừa trở lại sau 3 tháng nay “biến mất” vì dịch bệnh. Nhưng “quen” vì anh là người bán báo duy nhất trên con đường trung tâm thành phố này suốt hơn 20 năm qua. Người đàn ông ấy tên Lê Văn Hùng, giọng vẫn còn đặc sệt của người con đất Quảng Nam.

Anh Hùng xúc động: “Cảm giác ngày đầu đi bán trở lại giống như chim sổ lồng vậy. Gặp lại những khách hàng quen thuộc tôi vui lắm vì biết mọi người đều khỏe mạnh”. Anh Hùng cho biết thêm, những ngày đầu số người mua báo chưa nhiều. Nhưng điều đó không quan trọng, điều quan trọng với anh giờ đây chính là được trở lại với công việc đã nuôi sống mình và nhìn thấy thành phố đang trở lại với nhịp sống như xưa…

Tính đến 25/10, toàn thành phố đã có 120 trong số 234 chợ truyền thống được hoạt động trở lại. Dù một số quận vẫn còn cẩn trọng trong việc cho các chợ truyền thống hoạt động sau thời gian ảnh hưởng dịch Covid-19, nhưng số chợ truyền thống mở cửa vẫn tăng dần lên. Các quận, huyện, TP Thủ Đức vẫn tiếp tục xem xét, rà soát các điều kiện an toàn để mở lại các chợ truyền thống khác, dự kiến từ nay đến ngày 31/10 sẽ mở lại thêm 15 chợ truyền thống nữa.

Item 1 of 4

Đến cuối tháng 10/2021, TP Hồ Chí Minh đã theo nhịp cùng cả nước từng bước thực hiện Nghị quyết 128, bắt đầu “sống chung” an toàn với dịch bệnh. Thậm chí, dù số lượng ca mắc mỗi ngày vẫn ở mức 4 con số, cao hơn nhiều so với các tỉnh, thành phố khác, nhưng TP Hồ Chí Minh đã đi đầu và chủ động trong thực hiện kế hoạch bình thường mới.

Kế hoạch phục hồi kinh tế thành phố được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn đầu từ 1/10 đến 31/10; giai đoạn 2 từ 1/11 đến 15/1/2022 và giai đoạn 3 từ sau 15/1/2022. Tuy nhiên, tất cả những kế hoạch, lộ trình phục hồi kinh tế của thành phố đều tùy thuộc tình hình thực tế của dịch bệnh trên địa bàn.

Cùng với việc thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, thành phố đã lên kế hoạch triển khai mở cửa từng bước thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn theo phương châm “an toàn là trên hết”, “an toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn”. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng, bảo đảm lưu thông hàng hóa, vận tải hành khách, vận chuyển người lao động… từng bước đưa sinh hoạt của người dân sang trạng thái “bình thường mới”.

Thực hiện Chỉ thị 18, sức sống của thành phố sau cơn bão Covid-19 như dần trở lại. Đường phố trở nên sôi động hơn, nhiều hoạt động đã mở cửa đón khách sau khoảng thời gian dài “ngủ mê” trong cơn đại dịch.

TP Hồ Chí Minh luôn là thành phố năng động, khát vọng trở thành một trung tâm tài chính, dịch vụ và đổi mới sáng tạo. Vẫn còn đó những dư địa của các dự án đầu tư đã được chuẩn bị, có điều kiện nhưng chưa kịp khai thông. Nguồn đầu tư công của thành phố nếu được tập trung sẽ kích thích nền kinh tế. TP Hồ Chí Minh còn là nơi hội nhập quốc tế, cửa ngõ giao thương, chiếm 30% cảng xuất khẩu của cả nước. Các doanh nghiệp sở hữu năng lực đổi mới, sáng tạo, vượt lên trên khó khăn thách thức. Hơn hết, đó là sự đoàn kết, hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền với doanh nghiệp nơi đây. Những điều này là vốn liếng vô cùng quan trọng để “đánh thức” đầu tàu kinh tế của cả nước sau chuỗi ngày kiệt quệ.

Cơn bão nào rồi cũng sẽ qua, trên bầu trời thành phố, mây mù đang dần tan và những tia nắng đầu tiên đã xuất hiện, báo hiệu những bình minh trong trẻo. Dù chặng đường phía trước còn rất nhiều gian nan như Đảng và Nhà nước đã xác định, cuộc chiến với Covid-19 không phải là tư duy chiến dịch nữa, mà là tư duy cho một cuộc trường kỳ kháng chiến. Nhưng chúng tôi tin tưởng vào các đồng chí, các đồng nghiệp. TP Hồ Chí Minh, thành phố mang tên Bác kính yêu sẽ đứng dậy, mạnh mẽ hơn sau giông bão”.
Thạc sĩ - Bác sĩ Bùi Quang Huy, Trưởng đoàn Bệnh viện E, tăng cường cho Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh

Chỉ đạo thực hiện: NGUYỄN NGỌC THANH, LÊ NAM TƯ
Tổ chức sản xuất: DƯƠNG HỒNG LÂM, NGUYỄN HỒNG MINH, NGÔ VIỆT ANH
Nội dung: HỒNG LÂM, HỒNG MINH, BÍCH NGỌC, MINH ANH, MẠNH HẢO, HỒNG VÂN, TÙNG QUANG, ANH TUẤN, QUÝ HIỀN, THIÊN VƯƠNG, TRỊNH BÌNH, THANH GIANG, HƯƠNG GIANG, PHONG NGUYÊN, THANH PHONG
Ảnh: QUANG QUÝ, HẢI AN, HOÀNG TRIỀU, BỆNH VIỆN CHỢ RẪY, BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT ĐỨC
Đồ hoạ: BÔNG MAI, ĐỨC DUY, DUY KHÁNH
Thiết kế trình bày: ĐĂNG PHI, BÔNG MAI, ANH NGỌC