Vịnh Mốc: Huyền thoại của lũy thép, lũy hoa

Trong số hàng nghìn mét địa đạo trải dài khắp Vĩnh Linh, Vịnh Mốc được coi là một huyền thoại bất tử, nơi đã chở che, nuôi nấng và ươm những hạt mầm hy vọng cho vùng lũy thép, lũy hoa. Vịnh Mốc cũng chính là công trình tiêu biểu nhất cho ý chí quật cường, không chịu lùi bước trước kẻ thù xâm lược của cha ông.

Vịnh Mốc là một vùng đất có vị trí đặc biệt trong lịch sử Vĩnh Linh nói riêng, Quảng Trị nói chung. Nhìn trên địa đồ, đây là một triền đất đỏ bazan nằm sát biển, cách thị trấn Hồ Xá 14km về phía đông, cách Cửa Tùng 8km về phía bắc. Phía đông là đảo Cồn Cỏ.

Trong những năm kháng chiến, Vịnh Mốc không những là địa đầu miền bắc xã hội chủ nghĩa, mà còn là địa điểm rất thuận lợi cho việc tập kết lương thực, thực phẩm và vũ khí để tiếp sức bảo vệ đảo Cồn Cỏ, chi viện cho chiến trường miền nam bằng đường biển.

Chính vì vị trí trọng yếu ấy, tháng 8/1964, khi bắt đầu chiến dịch leo thang đánh phá ra miền bắc, quân đội Mỹ đã tập trung cô lập và quyết tâm tiêu diệt bằng được “tiền tiêu” địa đầu. Địch sử dụng không quân, hải quân, trong đó có cả máy bay chiến lược B52, hàng trăm nòng súng các loại từ căn cứ Cồn Tiên, Dốc Miếu bắn ra, ngày đêm đánh phá các xã dọc bờ biển Cửa Tùng thuộc khu vực Vĩnh Linh.

Tới giữa năm 1965, sự đánh phá của quân xâm lược ngày càng ác liệt khiến Vịnh Mốc và một số làng của Vĩnh Thạnh đều bị bom đạn cày xới ác liệt. Đứng trước tình thế cam go ấy, Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Thạch thực hiện quyết tâm của Khu ủy Vĩnh Linh: “Quân sự hóa toàn dân, công sự hóa toàn khu vực”.

Người Vịnh Mốc, vì sự tồn vong của mình, cũng vì cuộc chiến trước mắt đã quyết định đưa cả ngôi làng của mình “lặn sâu” vào trong lòng đất.

Trích đoạn phim tài liệu "Lũy thép Vĩnh Linh". Hãng phim Tài liệu-Khoa học Trung ương, 1970.

Năm nay đã 88 tuổi, nhưng ông Hồ Văn Triêm vẫn vô cùng minh mẫn. Từng là xã đội phó Vĩnh Thạch, ông chính là người đã trực tiếp chỉ đạo người dân phối hợp với lực lượng vũ trang đào địa đạo gần 60 năm về trước.

Nhớ lại khoảng thời gian đặc biệt này, ông Triêm kể: Từ giữa năm 1965, lực lượng vũ trang, bán vũ trang đã được xây dựng khắp Vĩnh Thạch. Lần lượt các đội sản xuất, tổ thuyền chắc tay súng, vững tay cày/tay chèo ra đời. Có cụ già 60 tuổi cũng hăng hái xin vào dân quân để chiến đấu và chở hàng ra đảo Cồn Cỏ.

Để đối phó với sự tàn phá của bom, đạn quân thù, nhân dân Vĩnh Thạch, dưới sự hướng dẫn của Đồn Công an vũ trang 140 đóng trên địa bàn bắt đầu xây dựng hệ thống hầm đào, trận địa rộng khắp, nhất là các trận địa 12 ly 7, trận địa pháo 57 ly, các điểm chốt dọc bờ biển và hàng trăm mét giao thông hào chằng chịt trên mặt đất. Hàng trăm hầm các loại cũng được xây dựng khắp nơi: Hầm trong nhà, hầm dọc đường, hầm nơi sản xuất, hầm lán, hầm chữ L, hầm móoc, hầm bằng, hầm chữ A… Nhà nối nhà, hầm nối hầm, đội nối đội đã được thông nhau liên hoàn. Đây cũng là “tiền đề” đầu tiên hình thành nên ngôi làng địa đạo vài tháng về sau.

Ngừng lại một lát, ông Triêm kể tiếp: Sự xuất hiện của nhiều loại vũ khí mới như bom tấn, bom đào, bom nổ chậm và đặc biệt là bom khoan đã khiến cho các loại hầm trước đó trở nên không còn an toàn nữa. Lúc này, Chi bộ Vịnh Mốc họp lại và ra Nghị quyết: “Phải đào địa đạo”. Người Vịnh Mốc, vì sự tồn vong của mình, cũng vì cuộc chiến trước mắt đã quyết định đưa cả ngôi làng của mình “lặn sâu” vào trong lòng đất.

Cả ngôi làng “lặn sâu” vào lòng đất. Công tác cứu chữa thương binh cũng được thực hiện trong lòng địa đạo.

Cả ngôi làng “lặn sâu” vào lòng đất. Công tác cứu chữa thương binh cũng được thực hiện trong lòng địa đạo.

Anh Lê Xuân An, con trai cụ Lê Xuân Vi, nguyên Đồn trưởng Đồn Công an vũ trang 140 kể lại: Ngày còn sống, cha anh được coi như “tổng công trình sư” của hệ thống địa đạo Vịnh Mốc. Lúc bấy giờ, được cấp trên giao nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho đồng bào và chiến sĩ ở khu vực Vịnh Mốc, cụ Vi đã tự phác họa sơ đồ đường hầm theo hướng đông-tây. Lộ trình của địa đạo cũng được thiết kế tỉ mỉ từ đường giao thông hào phía trên, đến hầm lán trại, hầm chữ A, cuối cùng mới đến địa đạo, theo phương châm tránh và phòng. Do vậy, Mỹ có phát hiện địa đạo cũng rất khó vào được khu vực trung tâm ẩn sâu phía dưới.

“Ông luôn tâm niệm, với tình hình lầm than của Vĩnh Linh lúc đó, cần nghĩ ra một kế sách để vừa đánh địch, vừa giữ làng. Bên cạnh đó vẫn phải tìm hướng để đưa hàng hóa ra đảo Cồn Cỏ”, anh An nhớ lại.

Chủ trương được đưa ra và được Chi bộ chấp thuận. Đúng 7 giờ ngày 25/7/1965, chi ủy viên Chi bộ thôn Vịnh Mốc Ngô Trạn đã bổ nhát cuốc đầu tiên vào lòng đất, mở đầu cho công cuộc đào địa đạo. Địa điểm được lựa chọn là quả đồi phía nam làng, sát mép biển, cách Cửa Tùng khoảng 7km về phía bắc, cách Cồn Cỏ 30km về phía tây.

Đúng 7 giờ ngày 25/7/1965, chi ủy viên Chi bộ thôn Vịnh Mốc Ngô Trạn đã bổ nhát cuốc đầu tiên vào lòng đất, mở đầu cho công cuộc đào địa đạo.

Chi bộ phân công đồng chí Ngô Trạn, Chi ủy viên tiến hành chỉ huy, chỉ đạo. 4 đồng chí đoàn viên khác gồm Hồ Văn Triêm, Nguyễn Hứa, Lê Hồng Trí và Hồ Xuyên chịu trách nhiệm đào thử nghiệm. Cùng lúc, “mũi” của Đồn 140 do đồn trưởng Lê Xuân Vi chỉ huy cũng bắt tay vào nhiệm vụ.

“Chúng tôi bắt đầu làm trong sự mong chờ của cả thôn, làng. Sau 2 ngày, kết quả rất khả quan. Chúng tôi đã đào sâu xuống dưới chừng 3,8m; lòng rãnh rộng 1,2m và cao tới 1,7m”, ông Hồ Triêm kể.

Dẫn chúng tôi ra mỏm đất nhô ra sát biển ngay phía trước nhà, ông lão 88 tuổi lập cập chỉ vào những vách đá dựng đứng lởm chởm phía dưới giải thích: Để có thể chịu được sức công phá của bom, tất cả địa đạo sẽ được bắt đầu đào từ biển, kéo sâu nhiều kilomet vào tận đất liền. Các tuyến sẽ chạy theo hướng đông-tây, nhằm bảo đảm khi Mỹ ném bom cũng chỉ có thể phá được một đoạn ngắn hầm bên ngoài. Phần còn lại ở lõi làng sẽ được an toàn.

“Ban đầu chúng tôi chia một ca đào gồm 4 người, một người đào, một người xúc đất, một người gánh ra ngoài, một người chặt lá ngụy trang. Ở trên mặt đất quen, xuống phía dưới không khí ngộp như rang. Nhưng chẳng ai kêu than gì. Tất cả chỉ cố gắng dồn sức cho từng nhát cuốc”, ông Triêm kể.

Đào đến đâu, người dân lại khoét bờ thành địa đạo để thắp đèn dầu đến đó. Nói là đèn dầu cho “sang”, chứ thời đó, đèn dầu chỉ là một hộp sắt đựng dầu hỏa, còn tim đèn thì được xé từ mảnh vải mùng. Lòng đất ẩm ướt, thiếu khí, khói đèn dầu tỏa ra cay xè, ám đen cả lỗ mũi.

Các gia đình thay phiên nhau mời cơm người lao động, hình thành phong trào thi đua Bữa cơm ngon mời người đào địa đạo.

Cánh đàn ông Vĩnh Thạch chia thành từng tổ lao động, tận dụng mọi thứ có thể để đào hầm. Các cụ già thì chẻ tre, đan rổ, làm gánh đất. Chị em phụ nữ gánh đất đá ra ngoài biển đổ. Đổ đến đâu phải ngụy trang kín đáo tới đó để tránh giặc Mỹ phát hiện. Các mẹ thì phân nhau giữ con trẻ để chị em đã đến ca vào làm. Tất cả đào chung, ăn chung. Các gia đình thay phiên nhau mời cơm người lao động, hình thành phong trào thi đua Bữa cơm ngon mời người đào địa đạo. Mâm cơm khi ấy chủ yếu là cá, rau, canh ngư dân trồng và đánh bắt được.

Để định vị, nhóm tiên phong dùng 3 cây đèn đặt thành một đường thẳng rồi cứ nhắm đó để đào sâu vào. Cách chừng 100m, mọi người lại đào một miệng giếng sâu xuống, rồi từ những đáy giếng theo một độ sâu ấn định này đào thành những quãng địa đạo nối thông với nhau.

Trong suốt quá trình này, “tổng kiến trúc sư” Lê Xuân Vi luôn theo sát đồng đội và nhân dân. Ông thường xuyên kiểm tra địa bàn, dùng thước đo tính toán sao cho lúc triển khai không bị lệch hướng. Ánh đèn được tận dụng để canh khoảng cách và chiều kích của các lối. Nhận thấy, nếu chỉ đào một hướng thì tiến độ xây dựng hầm sẽ rất chậm, ông Vi lập tức chỉ đạo đào mở rộng theo nhiều hướng.

Theo anh Lê Xuân An, cha anh kể lại rằng: Với mục tiêu ‘đào nhanh để có nơi trú ẩn và đánh giặc’, ông đã chia quân số ra làm nhiều tổ; đồng thời tận dụng vị trí đắc địa của Vịnh Mốc để đổ đất vừa đào được ra sát mép biển. Mỗi ngày, mực nước dâng cao sẽ cuốn theo đất, đá và trôi ra biển lớn. Nhờ đó, việc xây dựng địa đạo có thể diễn ra trong bí mật.

“Để khuyến khích các tổ làm việc hiệu quả, cha tôi nghĩ cách khen thưởng và danh hiệu ‘đại kiện tướng đào hầm’ cho tổ nào đào được 10m đất trong ngày. Tổ nào đào khoảng từ 7-10m sẽ đoạt danh hiệu ‘kiện tướng đào hầm’. Vì thế, tinh thần làm việc của mọi người ngày càng hăng hái”, anh An tiếp lời.

Theo ông Hồ Văn Triêm, việc đào địa đạo những năm 1965-1966 là “nhiệm vụ toàn dân” và cũng có ca kíp chặt chẽ. Ca sáng sẽ bắt đầu từ 7-10 giờ; ca trưa từ 10-14 giờ. Ca chiều làm từ 15-18 giờ và ca đêm kéo dài từ 19-21 giờ.

Nhưng khi địa đạo “chạm mốc” 15 mét, một loạt khó khăn đã cùng lúc xuất hiện: Thiếu ánh sáng, thiếu dụng cụ để đào. Lúc này, một phong trào “hiến kế, hiến mưu” được phát động trong toàn dân. Cái khó ló cái khôn. Không có ánh sáng, người Vĩnh Thạch chẻ tre làm đuốc. Thiếu cuốc xẻng, nhân dân tận dụng chính mảnh bom, vỏ đạn của quân thù để đào.

Cũng trực tiếp tham gia đào địa đạo những năm 1965, ông Nguyễn Tri Phương, thôn Vịnh Mốc vẫn nhớ như in không khí khẩn trương khắp rặng đất đỏ bazan ven biển Cửa Tùng. Khi ấy, ông Phương mới 17 tuổi nhưng đã tình nguyện xin vào “đội cuốc” của làng.

“Vấn đề khó khăn đầu tiên chính là ánh sáng. Để đào được cả ngày lẫn đêm, nhân dân Vịnh Mốc ban đầu sử dụng đèn dầu. Những khi dầu hết, địch đánh phá ác liệt, đội vật tư chưa kịp cấp, người dân tận dụng các loại tre, nứa khô đập dập làm đóm. Đóm rất dễ tắt nên cần 1 người điều hành, để đóm chúc xuống mới sáng và được lâu”, vừa dứ dứ tay làm động tác diễn tả, ông lão 73 tuổi vừa nói.

Nhằm bảo đảm “năng suất”, trong giai đoạn này, mỗi tổ làm việc được tăng cường thêm 2 nhân lực, trong đó 2 người đào và thay nhau cầm đuốc chiếu sáng, một người xúc đất, 2 người gánh đất và 1 người ngụy trang.

“Khó khăn tiếp theo là làm thế nào để… thông hầm từ hai hướng đào khác nhau ở độ sâu 18-20m. Chúng tôi không có la bàn, cũng chẳng có máy móc nào khác ngoài bàn tay và cuốc xẻng. Để "tìm được nhau", chúng tôi dùng cách lắng nghe. Có lúc đào đúng độ dài được xác định đã nghe tiếng cuốc thình thịch, có tiếng người từ bên kia vọng lại mà vẫn chưa giáp mặt. Chúng tôi lại tiếp tục đào, lại lắng nghe tiếng cuốc. Đến khi có tiếng đập mạnh, một lỗ thủng to tựa cái bát bật ra. Tiếng nói từ hai phía văng vẳng, thêm mấy nhát cuốc nữa một luồng gió mát đưa đến, ngách hầm lộ ra dưới ánh đèn dầu leo lắt. Giây phút ấy vui mừng không kể xiết, anh em xúc động, bắt tay nhau qua lỗ thủng”, ông Phương thao thao kể về giây phút thông hầm.

Suốt những năm tháng ấy, chỉ bằng những dụng cụ đào thô sơ, mỗi người mỗi ngày chỉ đào được 0,45m3 nhưng nhờ sự kiên trì, sáng tạo, sau 600 ngày đêm lao động, với 18 nghìn ngày công quân dân Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch (nay là xã Kim Thạch) đã đào được hệ thống làng hầm 3 tầng, dài 2.034m, sâu trên dưới 20m, bên trong có nhiều ngăn hộ gia đình và giếng nước.

Cấu trúc của làng hầm Vịnh Mốc là sự nối thông các địa đạo. Mỗi đường hầm có vị trí gần nhau tập trung tại làng Vịnh Mốc nối một nhánh vào Sơn Hạ. Làng hầm gồm một trục chính dài 768m, nối thông với các đường hầm khác dài hơn 1.000m.

Địa đạo Vịnh Mốc có 13 cửa ra vào, trong đó gồm 6 cửa lên đồi và 7 cửa ra biển, đào chếch theo hướng gió biển để hút gió biển vào hầm nên luôn thoáng mát. Đường hầm có dạng hình vòm cao 1,7m, rộng 1,2m, phân thành 3 tầng với độ sâu từ 15-23m, trên nền đất đỏ bazan mềm, độ kết dính cao, bảo đảm không sạt lở. Trung tâm làng hầm có hội trường sức chứa 40-50 người dùng làm nơi hội họp, sinh hoạt. Tại các nhánh có những ngăn hầm rộng 3m dùng làm nơi ăn, ở, sinh hoạt.

Ngoài ra còn có nhà trẻ, nơi cứu thương, nhà thông tin, nhà dân quân trực gác, kho chứa hàng cho đảo, có ngăn hầm làm việc của ban lãnh đạo xã. Có 3 giếng nước sâu 7-9m. Toàn bộ địa đạo Vịnh Mốc được kiến tạo thành 3 tầng: Tầng 1 dài 1.000m gồm 82 căn hộ, 1 giếng nước, 1 trạm xá; tầng 2 dài 800m, nơi có trụ sở Đảng ủy, Ủy ban hành chính, xã đội, có hội trường sức chứa 50 người; tầng 3 dài 234m, sâu 23m, là kho chứa lương thực, vũ khí, đã chuyển cho Cồn Cỏ 1.150 tấn hàng với 43 lần xuất kích và 3.350 tấn hàng hóa, vũ khí cho miền nam.

Từ năm 1967, khi chiến sự trở nên ác liệt hơn thì Vịnh Mốc, nơi cửa ngõ tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ trở thành trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ. Trước sự tàn phá dã man đó, nhân dân Vịnh Mốc đã củng cố làng hầm bằng tất cả các phương tiện. Nhân dân đã dỡ những ngôi nhà còn sót lại trên mặt đất, huy động được 1.970 cột gỗ mít để lồng cho đường hầm được chắc chắn; xây dựng thêm 200 hầm chữ A, 800m giao thông hào khắp thôn, xóm; tích cực ngụy trang địa đạo.

Giữa những năm bom đạn ác liệt, không ai có thể ngờ rằng lại có một địa đạo Vịnh Mốc - một thế giới sống trong lòng đất, bên dưới cuộc chiến. Địa đạo Vịnh Mốc là di tích lịch sử văn hóa mang nhiều giá trị lịch sử, giáo dục to lớn, là biểu tượng cho tinh thần yêu nước bất diệt, ý chí quật cường và sự sáng tạo của cha ông ta trong những năm kháng chiến, là huyền thoại sống trong lòng đất lửa Quảng Trị.

Giữa những năm bom đạn ác liệt, không ai có thể ngờ rằng lại có một địa đạo Vịnh Mốc - một thế giới sống trong lòng đất, bên dưới cuộc chiến.

Làng hầm địa đạo Vĩnh Linh: Mạch sống dưới lòng đất lửa

Mỗi mét hầm hào, địa đạo trên mảnh đất lửa Vĩnh Linh được xây bằng lòng yêu nước, ý chí quật cường, bằng cả nước mắt và máu của mỗi người dân.
>> xem tiếp...

Vịnh Mốc:
Huyền thoại của lũy thép lũy hoa

Vịnh Mốc cũng chính là công trình tiêu biểu nhất cho ý chí quật cường, không chịu lùi bước trước kẻ thù xâm lược của cha ông.
>> xem tiếp...

Một thế giới bên dưới cuộc chiến

Chính cái thế giới lạ kỳ trong góc nhìn của những người nước ngoài ấy, đến lượt mình, lại ươm lên cho Vĩnh Linh những hạt mầm của hy vọng và tương lai…
>> xem tiếp...

Những đứa con của địa đạo

Tui tưởng đã chết ở trong căn hầm đó rồi. Sinh xong, chỉ kịp nhìn con o oe tìm sữa là ngất lịm đi...
>> xem tiếp...

Ngày xuất bản: 15/8/2024
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH - XUÂN BÁCH
Nội dung & trình bày:
LÂM QUANG HUY - SƠN BÁCH - SONG THU
NGỌC BÍCH - NGỌC KHÁNH
Ảnh: THÀNH ĐẠT - HÀ NAM