Tác giả Nguyễn Huy trong cuốn “Vĩnh Linh” đánh giá: “Chưa kể đến những chiến công bắn máy bay, tàu chiến, tiêu diệt giặc Mỹ, chỉ nguyên việc đào hầm, hào, địa đạo, bám trụ mấy năm liền trong lòng đất để giữ lấy bàn đạp cho mặt trận Đường 9, Vĩnh Linh đã xứng đáng là đất Anh hùng rồi”.

Mỗi mét hầm hào, địa đạo trên mảnh đất lửa Vĩnh Linh được xây bằng lòng yêu nước, ý chí quật cường, bằng cả nước mắt và máu của mỗi người dân.

Bom đạn phá tan làng mạc, nhà cửa, ruộng vườn của người dân

Trong những năm chiến tranh phá hoại, đế quốc Mỹ đã tiến hành một chiến lược đánh phá mang tính hủy diệt hết sức dã man đối với miền bắc nước ta. Đặc biệt, vùng giới tuyến Vĩnh Linh là nơi phải hứng chịu sự khốc liệt của đạn bom ở mức đỉnh điểm.

Theo sách Lịch sử Đảng bộ Vĩnh Linh, trong chiến tranh phá hoại, Mỹ-ngụy đã huy động khoảng 60 nghìn lượt máy bay các loại, dội xuống Vĩnh Linh 560 nghìn tấn bom. Hàng trăm nòng pháo cỡ lớn đặt ở căn cứ ở bờ nam sông Bến Hải và các hạm đội tàu ở biển Đông đã bắn 727 nghìn quả đại bác vào Vĩnh Linh.

Những năm tháng đó, ngày nào cũng có mấy lượt máy bay Mỹ quần thảo. Vách núi dựng đứng bên bờ biển cao gần 30m mà bị bom ném phá san bằng cả.

---Ông Dương Văn Cảnh, xã Kim Thạch---

Là một trong số những nhân chứng sống của sự tàn phá khốc liệt một thời đó, ông Dương Văn Cảnh (85 tuổi), trú tại xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh nhớ lại: “Những năm tháng đó, ngày nào cũng có mấy lượt máy bay Mỹ quần thảo. Vách núi dựng đứng bên bờ biển cao gần 30m mà bị bom ném phá san bằng cả”.

Theo số liệu ghi lại, trên mảnh đất Vĩnh Linh rộng 820km², bình quân mỗi km2 hứng chịu 600 tấn bom và 800 quả đại bác. Theo đó, hơn 7 vạn dân Vĩnh Linh lúc ấy, bình quân mỗi người phải chịu 7 tấn bom và 80 quả đại bác.

Dù đã gần 90 tuổi, nhưng Anh hùng Lao động Đinh Như Gia (thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh) vẫn nhớ như in những năm tháng Mỹ thực hiện chiến tranh phá hoại, trải thảm bom đạn xuống Vĩnh Linh, đặc biệt là ở trung tâm Hồ Xá, nhằm phá hoại thành tựu 10 năm xây dựng xã hội chủ nghĩa của miền bắc. Ông kể: “Chúng dùng đủ mọi phương tiện chiến tranh hiện đại nhất, từ máy bay, tàu chiến đến cả pháo đài bay B52, trút hàng trăm nghìn tấn bom đạn xuống các làng mạc, bệnh viện, trường học. Có thể nói, suốt ngày đêm trên bầu trời Vĩnh Linh không lúc nào vắng tiếng đạn bom. Bom đạn phá tan làng mạc, nhà cửa, ruộng vườn của người dân”.

Một tấc không đi, một ly không rời; mỗi làng xã là một pháo đài chiến đấu

Đối mặt với sự tàn phá kinh hoàng của bom đạn, đặc biệt từ ngày 5/8/1964, quân đội Mỹ tiến hành ném bom phá hoại trên diện rộng ở khu vực Vĩnh Linh và miền bắc, Trung ương Đảng, Bộ Quốc phòng và Đảng ủy khu vực Vĩnh Linh liên tục tổ chức những cuộc họp bàn nhằm đưa ra những quyết sách quan trọng để chỉ đạo cuộc đấu tranh, đồng thời bảo đảm đời sống, an toàn cho nhân dân khi chiến sự xảy ra.

Cuối tháng 8/1964, Đảng ủy khu vực Vĩnh Linh đã tổ chức Hội nghị quốc phòng, tập trung giải quyết hai vấn đề quan trọng nhất là: Chuẩn bị cho cuộc chiến tranh nếu quân Mỹ và Việt Nam cộng hòa tấn công ra khu vực Vĩnh Linh, đánh giá những thuận lợi và khó khăn và vấn đề bảo đảm an toàn cho nhân dân... Cuộc họp diễn ra rất căng thẳng và cuối cùng thống nhất đưa ra chủ trương “công sự hóa toàn khu vực” để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh.

Ngay sau đó, Vĩnh Linh đã tiến hành xây dựng hầm ngầm, công sự, lô-cốt kiên cố để phòng tránh bom đạn, trực chiến... và bước vào thời kỳ thực hiện hai nhiệm vụ song song: Chiến đấu, phục vụ chiến đấu, phục vụ tiền tuyến và lao động sản xuất.

Bằng những dụng cụ thô sơ, quân và dân Vĩnh Linh đã biến khu vực Vĩnh Linh thành mảnh đất của hầm, hào, địa đạo với tinh thần “Một tấc không đi, một ly không rời; mỗi làng xã là một pháo đài chiến đấu”.

Ngày ấy, nhà nhà đào hầm, người người đào hào. Người già làm việc nhẹ, người trẻ làm việc nặng hơn. Tất cả đều chung một quyết tâm bám trụ và chiến đấu.
Ông Nguyễn Tri Phương, thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch

60 năm trước, từng hăm hở cùng đồng bào Vĩnh Linh đào hầm, hào thực hiện chủ trương công sự hoá toàn khu vực, ông Nguyễn Tri Phương (thôn Vịnh Mốc) hồi tưởng: “Ngày ấy, nhà nhà đào hầm, người người đào hào. Người già làm việc nhẹ, người trẻ làm việc nặng hơn. Như bố tôi, dù tuổi cũng đã cao, nhưng ông vẫn xung phong làm nhiệm vụ đẩy đất từ hầm ra. Thanh niên trai tráng khỏe hơn thì trực tiếp đào, hoặc gánh đất ở cửa đi đổ. Tất cả đều chung một quyết tâm bám trụ và chiến đấu”.

Ở giai đoạn đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm xây hầm, hào, chính quyền và người dân Vĩnh Linh xây các hầm đúng quy cách, triệt để loại trừ các loại hầm vuông, hầm lộ thiên, phát triển hầm chữ A, hầm rọ, hầm lán và bắt đầu tổ chức cuộc sống trong lòng đất. Do hầm còn khá thô sơ nên việc tổ chức cứu sập và cấp cứu cho người bị nạn cũng được quan tâm thực hiện tốt.

Những năm sau đó, hệ thống hầm hào Vĩnh Linh đã phát triển mạnh mẽ và không ngừng được cải tiến nhằm phòng tránh bom đạn và chống trả đối phương một cách hiệu quả hơn. Giao thông hào cũng được đào chằng chịt thay cho mọi nẻo đường trên mặt đất để thôn nối thôn, xóm nối xóm, nhà nối nhà, hầm nối hầm. Cấu trúc giao thông hào có tính chất liên hoàn.

Nhớ lại thời kỳ này, ông Đinh Như Gia kể: “Với chủ trương quân sự hóa toàn khu vực, người dân khi đi ra đồng phải đi dưới giao thông hào. Gặp bom Mỹ thả xuống, mọi người sẽ chạy vào các hầm trú ẩn đã bố trí sẵn hoặc nằm nép dưới giao thông hào để tránh máy bay, tránh bom. Khi bom ngưng thả, mọi người lại lên mặt đất tiếp tục sản xuất”.

Bằng những dụng cụ thô sơ, quân và dân Vĩnh Linh đã biến khu vực Vĩnh Linh thành mảnh đất của hầm, hào, địa đạo với tinh thần “Một tấc không đi, một ly không rời; mỗi làng xã là một pháo đài chiến đấu”.

Khi ấy, trên mặt đất hầu như không có nhà, mọi sinh hoạt của người dân đều chuyển xuống dưới lòng đất. Mặt đất trở thành nơi chỉ để trồng cây tăng gia sản xuất và để ngụy trang.

Bằng khối óc, bàn tay và sự nỗ lực phi thường, nhân dân Vĩnh Linh đã đào được nhiều hệ thống giao thông hào khá hoàn chỉnh, không chỉ dùng cho người đi bộ mà kể cả các phương tiện như xe đạp, tuyến giao thông cho trâu, bò.

Mạch sống dưới lòng đất lửa...

Có thể nói, bằng khối óc, bàn tay và sự nỗ lực phi thường của mình, nhân dân Vĩnh Linh đã đào được nhiều hệ thống giao thông hào khá hoàn chỉnh, thay thế gần như hoàn toàn mọi đường đi trên mặt đất. Hệ thống giao thông hào không chỉ dùng cho người đi bộ mà kể cả các phương tiện như xe đạp, tuyến giao thông cho trâu, bò.

Chỉ tính riêng xã Vĩnh Thạch - một xã ven biển, cùng với Đồn Công an vũ trang 140 đóng trên địa bàn, nhân dân đã xây dựng hệ thống hầm đào, trận địa rộng khắp, nhất là các trận địa 12 ly 7, trận địa pháo 57 ly, các điểm chốt dọc bờ biển và hàng trăm mét giao thông hào chằng chịt trên mặt đất. Hàng trăm hầm các loại cũng được xây dựng khắp nơi: Hầm trong nhà, hầm dọc đường, hầm nơi sản xuất, hầm lán, hầm chữ L, hầm móoc, hầm bằng, hầm chữ A…

Nhà nối nhà, hầm nối hầm, đội nối đội đã được thông nhau liên hoàn.

Từ “hầm trong làng” chuyển sang “làng trong hầm”

Cùng với sự leo thang phá hoại của Mỹ, dù hầm có vững chắc đến mấy thì cũng chỉ chống được các loại bom sát thương cỡ nhỏ, không thể chịu đựng nổi sức công phá của bom đào, bom lùi và các loại bom cỡ lớn. Chính bởi vậy, đã có không ít trường hợp bom đánh trúng hầm bằng, hầm chữ A, lấy đi sinh mạng của cả một gia đình.

Đứng trước bối cảnh đó, việc nghiên cứu tìm ra một kiểu hầm mới với độ an toàn cao hơn càng trở nên bức thiết. Đó cũng chính là tiền đề cho việc ra đời hệ thống làng hầm, địa đạo sau này, chuyển hình thái cơ bản về thực trạng bám trụ, chiến đấu ở Vĩnh Linh từ “hầm trong làng” sang “làng trong hầm”.

Trên thực tế, việc đào địa đạo đã được tính toán và thực hiện từ đầu năm 1963, khi đế quốc Mỹ chưa đánh phá miền bắc nói chung và Vĩnh Linh nói riêng. Nhưng, ở một địa bàn cách kẻ thù chỉ trong gang tấc thì Vĩnh Linh vẫn luôn luôn mài sắc cảnh giác. Chỉ có điều, khi ấy chưa một ai ở Vĩnh Linh, kể cả bộ đội công binh biết hình dạng, kích thước và cách đào địa đạo như thế nào.

Lịch sử Đảng bộ Vĩnh Linh ghi lại, vào cuối năm 1963, nhờ những kinh nghiệm trong việc đào địa đạo Củ Chi được đồng chí Trần Nam Trung từ Trung ương Cục miền nam ra giới thiệu, nhát cuốc đầu tiên triển khai việc đào địa đạo đã được thực hiện ở thôn Tân Trại Hạ. Công trình thí điểm kéo dài 2 tháng, hình thành nên một địa đạo dài 50m, sâu 7m.

Ngày ấy, mô hình địa đạo tuy còn đơn giản nhưng đã bổ sung vào hệ thống làng chiến đấu một hình thức phòng tránh mới. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, việc đào địa đạo ở Vĩnh Linh bước đầu chỉ dừng đến đó.

Đến tháng 5/1966, trước cường độ đánh phá ác liệt của địch, Đảng ủy Khu vực thành lập Ban Chỉ đạo đào địa đạo, nhằm tiếp tục tổ chức nghiên cứu, hướng dẫn các địa phương đào địa đạo. Đến cuối năm 1966, hầu hết các xã trong vùng đất đỏ bazan đều triển khai đào địa đạo như: Vĩnh Giang, Vĩnh Quang, Vĩnh Thạch, Vĩnh Thành, Vĩnh Hiền, Vĩnh Hòa, Vĩnh Nam, Vĩnh Trung, Vĩnh Kim, Vĩnh Tân...

Ông Dương Văn Cảnh nhớ lại: “Vĩnh Thạch khi ấy, cứ thôn nào có đất đỏ bazan đều đào địa đạo để “mỗi làng, mỗi thôn là một pháo đài đánh Mỹ”.

Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm nên hệ thống địa đạo này chỉ là loại tiểu đạo, trung đạo được khoét vào lòng đất, chỉ có tác dụng tránh được bom pháo chứ chưa thể dùng để ăn ở, sinh hoạt trong điều kiện địch đánh phá ác liệt, dai dẳng. Thậm chí, khi Mỹ sử dụng các loại bom cỡ lớn, bom khoan, bom lùi đánh trúng địa đạo hoặc trúng cửa, lỗ thông hơi vẫn gây tổn thất lớn về người.

Đầu năm 1968, Đảng ủy khu vực Vĩnh Linh tiếp tục phát động quân và dân đào địa đạo. Những tiểu đạo, trung đạo được phát triển thành những địa đạo có quy mô lớn hơn, vững chắc hơn, kết nối với nhau bằng hệ thống đường hầm, giao thông hào. Những xã có nền đất yếu không được phép đào địa đạo như Vĩnh Thủy, Vĩnh Lâm, Vĩnh Chấp, Vĩnh Thái thì liên hệ với các xã khác để có phần đất cho dân đào địa đạo. Từ đây, chuỗi hầm-hào-địa đạo Vĩnh Linh được hoàn chỉnh và trở thành hệ thống “làng hầm”.

Từ đó, những ngôi làng trên mảnh đất Vĩnh Linh “lặn sâu” dần vào lòng đất, tạo nên một mạch sống ngầm ngay dưới lòng đất lửa. Địa đạo chính là đường hầm lớn nhất và cũng chính là đường làng, mỗi nhánh nhỏ là các tiểu đạo, cũng chính là ngõ dẫn ra đường làng, mỗi ngách chính là một hộ gia đình. Đường hầm chính được thiết kế có hội trường để sinh hoạt, hội họp, biểu diễn văn nghệ, có nhà hộ sinh, trạm phẫu thuật, giếng nước, nhà tắm, kho tàng, trạm gác ở các cửa vào, ra. Toàn bộ sinh hoạt thường ngày và bám trụ chiến đấu của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và người dân được diễn ra trong lòng đất.

Khi ấy, trên mặt đất hầu như không có nhà, mọi sinh hoạt của người dân đều chuyển xuống dưới lòng đất. Mặt đất trở thành nơi chỉ để trồng cây tăng gia sản xuất và để ngụy trang”, ông Đinh Như Gia miêu tả lại.

Những ngôi làng trên mảnh đất Vĩnh Linh “lặn sâu” dần vào lòng đất, tạo nên một mạch sống ngầm ngay dưới lòng đất lửa.

Hệ thống 70 làng hầm được phân bố khắp 15 xã, thị trấn ở Vĩnh Linh, ngoài chức năng chính là phòng tránh thì tùy đặc điểm từng vùng, từng xã mà có những thay đổi về công dụng của địa đạo; có thể là một làng hoàn chỉnh hoặc chỉ là nơi trú ẩn nhất thời khi bom đạn, nơi làm việc, kho tàng, là trạm trung chuyển hàng hóa, nơi dừng chân của bộ đội...

Tính đến cuối năm 1966, toàn Vĩnh Linh đã đào được 20km địa đạo, 1.500km hào giao thông cùng hàng vạn hầm trú ẩn. Trong hệ thống 70 làng hầm-địa đạo, với tổng số 114 địa đạo lớn nhỏ khác nhau, đặc biệt có các địa đạo lớn về quy mô và chiều dài, điển hình và tiêu biểu nhất trong hệ thống làng hầm, địa đạo Vĩnh Linh là địa đạo Vịnh Mốc.

Có thể nói, từ chủ trương “quân sự hóa, công sự hóa toàn khu vực” đến việc ra đời hệ thống làng hầm, địa đạo Vĩnh Linh là một minh chứng thể hiện rõ ý chí chiến đấu quật cường, nghị lực phi thường của quân và dân Vĩnh Linh. Mỗi mét hầm hào, địa đạo được làm nên bởi biết bao công sức, mồ hôi và cả máu của những người dân nơi tuyến lửa, trở thành biểu tượng về sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam, khiến bạn bè trong nước và quốc tế ngưỡng mộ, khâm phục.

Ngày 31/12/2014, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 2408/QĐ-TTg về việc xếp hạng di tích Quốc gia Đặc biệt, trong đó xếp hạng Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh là Di tích Quốc gia Đặc biệt. Hệ thống bao gồm các di tích, điểm di tích: Địa đạo Vịnh Mốc, Địa đạo thôn Roọc và các địa đạo Hải quân, Hệ thống địa đạo Hương Nam, địa đạo Troong Môn - cửa Hang (xã Kim Thạch); Hệ thống địa đạo Hiền Dũng (xã Vĩnh Hòa); Địa đạo Hải quân (xã Trung Nam); Địa đạo 61 và hệ thống địa đạo Mũi Si (thị trấn Cửa Tùng).

Làng hầm địa đạo Vĩnh Linh: Mạch sống dưới lòng đất lửa

Mỗi mét hầm hào, địa đạo trên mảnh đất lửa Vĩnh Linh được xây bằng lòng yêu nước, ý chí quật cường, bằng cả nước mắt và máu của mỗi người dân.
>> xem tiếp...

Vịnh Mốc:
Huyền thoại của lũy thép lũy hoa

Vịnh Mốc cũng chính là công trình tiêu biểu nhất cho ý chí quật cường, không chịu lùi bước trước kẻ thù xâm lược của cha ông.
>> xem tiếp...

Một thế giới bên dưới cuộc chiến

Chính cái thế giới lạ kỳ trong góc nhìn của những người nước ngoài ấy, đến lượt mình, lại ươm lên cho Vĩnh Linh những hạt mầm của hy vọng và tương lai…
>> xem tiếp...

Những đứa con của địa đạo

Tui tưởng đã chết ở trong căn hầm đó rồi. Sinh xong, chỉ kịp nhìn con o oe tìm sữa là ngất lịm đi...
>> xem tiếp...

Ngày xuất bản: 14/8/2024
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH - XUÂN BÁCH
Nội dung & trình bày:
LÂM QUANG HUY - SƠN BÁCH - SONG THU
NGỌC BÍCH - NGỌC KHÁNH
Ảnh: THÀNH ĐẠT - HÀ NAM