Một thế giới bên dưới cuộc chiến
Trong phần mô tả bộ phim tài liệu Một thế giới bên dưới cuộc chiến: Bí mật địa đạo Việt Nam, nữ đạo diễn người Hà Lan janet Gardner đã viết: Những năm 1965, người dân ở một tỉnh miền trung Việt Nam đứng ở tuyến đầu của một cuộc chiến tranh ngày càng tàn khốc. Với họ, chiến tranh đã trở thành một cuộc đấu tranh để sinh tồn. Nhưng thay vì lựa chọn chạy trốn khỏi ngôi làng của tổ tiên, họ lại kiến tạo nên một loạt đường hầm, kiến tạo nên MỘT THẾ GIỚI BÊN DƯỚI CUỘC CHIẾN.
Chính cái thế giới lạ kỳ trong góc nhìn của những người nước ngoài ấy, đến lượt mình, lại ươm lên cho Vĩnh Linh những hạt mầm của hy vọng và tương lai…
Chiều muộn cuối tháng 7, cụ ông Hồ Văn Triêm lụm cụm chống gậy đưa chúng tôi đi men theo con đường đê bao biển vây quanh làng Vịnh Mốc để tới cửa hầm số 5. Từ đây, lom khom theo nhánh hầm xương cá dài gần 1.000m, chúng tôi “lạc” hẳn vào lòng địa đạo chằng chịt những lối dọc ngang. Vách đất lạnh ngắt, dày cộp vẫn còn ẩm hơi muối biển từ phía khơi xa theo gió lộng về.
Thi thoảng, hầm lại đột ngột dựng đứng, hướng lên trên đồi cao; hoặc ngoặt tay áo, gấp khúc xuống hẳn một tầng phía dưới hun hút tối. Mùi ẩm mốc, vị đất nồng lên sau cơn mưa ban ngày, tiếng người âm vang phía trước khiến chúng tôi gần như… mất hoàn toàn phương hướng.
Lùi lại hơn nửa thế kỷ, cuối năm 1966, do yêu cầu trú ẩn an toàn, các nhánh địa đạo tại Vịnh Mốc đã được đào nối lại với nhau, tạo nên một hệ thống hầm địa đạo liên hoàn với rất nhiều cửa và hướng khác nhau. Cùng thời gian này, khoảng 82 hộ gia đình với 300 nhân khẩu cũng nhận lệnh “lặn sâu” vào lòng đất để tiếp tục trường kỳ kháng chiến.
Mùa đông năm đó, ông Triêm đưa người vợ đang mang bầu cùng 2 con nhỏ xuống hầm trong muôn vàn nỗi lo phía trước, trong đó việc cần kíp nhất chính là “đào nhà”.
Khoảng 82 hộ gia đình Vịnh Mốc với 300 nhân khẩu cũng nhận lệnh “lặn sâu” vào lòng đất để tiếp tục trường kỳ kháng chiến.
Người dẫn đường 88 tuổi lúc này đã dừng lại ở trước một dãy vách gần sát lối lên mặt đất, chỉ tay vào 2,3 chiếc hang sâu được khoét vào phía trong chừng gần 2m, cao 1,5m rồi nhẹ bẫng nói: “Đây chính là ‘nhà’ của chúng tôi khi đó”.
Nhóm khách phương xa thoáng ngây ra khi trước mắt chỉ là một khoảng không chật hẹp hình vòm, diện tích chỉ đủ kê vừa một chiếc chõng tre cỡ nhỏ.
“Năm đó, khi xuống địa đạo, mỗi hộ sẽ cử người tự làm chỗ ở. Bà con tự giác chia nhau đi dọc theo trục chính, chọn chỗ ‘an cư’ rồi… đào. Anh đào chỗ này, tôi sẽ xích vào bên trong. Mỗi ‘căn hộ’ có độ rộng, chiều cao bao nhiêu cũng được quy định rõ để không làm ảnh hưởng tới độ bền và kết cấu của cả địa đạo”, ông Triêm vừa sờ vào bức tường bóng nhẵn bên trong một “ngôi nhà”, vừa giải thích.
Bà con tự giác chia nhau đi dọc theo trục chính, chọn chỗ “an cư” rồi… đào. Anh đào chỗ này, tôi sẽ xích vào bên trong. Tinh thần xuyên suốt là ý thức, tự giác dựa trên tình làng, nghĩa xóm.
Sau chừng 1 tuần, 86 “căn hộ” đầu tiên đã thành hình. Ông Triêm bảo, địa đạo Vịnh Mốc là một hình ảnh thu nhỏ của làng quê trong lòng đất, có độ sâu từ 12-25m, tổng chiều dài hơn 2 cây số. Lòng địa đạo cao 1,6-1,8m, rộng 1,2m và có tất cả 13 cửa vào, ra, lên, xuống; trong đó 7 cửa thông ra biển và 6 cửa thông lên đồi.
Địa đạo được chia làm 3 tầng.
Tầng 1 ở độ sâu từ 8-10m, là nơi sinh sống của người dân.
Tầng 2 ở độ sâu 12-15m, là nơi đóng trụ sở của Đảng ủy, Ủy ban và Ban Chỉ huy lực lượng vũ trang.
Tầng 3 ở độ sâu 18-23m, chủ yếu là nơi cất giấu hàng hóa, vũ khí phục vụ chiến đấu và chi viện cho đảo Cồn Cỏ.
Địa đạo giống như một làng Vịnh Mốc thu nhỏ dưới lòng đất với một hệ thống gồm đường hầm chính và 4 nhánh phụ.
Trục địa đạo chính có chiều dài 768m, chiều cao từ 1,5-1,8m, rộng 1-1,2m. Từ trục chính tỏa ra nhiều nhánh, mỗi nhánh thông với một cửa ra vào.
Địa đạo Vịnh Mốc có tất cả 13 cửa, trong đó 7 cửa thông ra biển, 6 cửa thông lên đồi. Cửa chính địa đạo hướng ra biển.
Trong địa đạo có chỗ hội họp và sinh hoạt văn nghệ, với hội trường có sức chứa 50 người.
Rộng và đẹp hơn cả là bệnh xá và nhà hộ sinh với 2 hầm có ngách lớn, trần và vách lót vải dù trắng, có bàn làm việc và tủ thuốc.
Địa đạo có cấu trúc 3 tầng, hai bên trục đường chính cách nhau 3-5m, có khoét các ô nhỏ, mỗi ô là là một hộ gia đình ăn ở, sinh hoạt. Tầng 1 là nơi sinh sống của nhân dân; tầng 2 là nơi họp của lãnh đạo. Tầng 3 chủ yếu là kho hậu cần, cất giấu hàng hóa để phục vụ cho cuộc chiến đấu tại chỗ và lâu dài.
Đặc biệt có một ô được chúng tôi đào ra rất rộng, có thể chứa tới 50 người để làm hội trường. Nhiều dịp, bà con cũng lấy làm nơi tổ chức văn nghệ. Dưới ánh đèn dầu, nghe hát xong, mọi người cũng tặng nhau những bó hoa dại hái được trên mặt đất
Cũng theo ông Triêm, trong địa đạo có các công trình thiết yếu như trạm gác phòng không ở các cửa thông lên đồi để kịp thời báo động máy bay Mỹ tới; trạm gác ở cửa ra biển để lực lượng công an, dân quân canh gác sẵn sàng chiến đấu với biệt kích. Ngoài ra còn có một số ô được bố trí làm phòng cứu thương, 3 giếng nước, bếp nấu, phòng hộ sản.
“Đặc biệt có một ô được chúng tôi đào ra rất rộng, có thể chứa tới 50 người để làm hội trường. Nhiều dịp, bà con cũng lấy làm nơi tổ chức văn nghệ. Dưới ánh đèn dầu, nghe hát xong, mọi người cũng tặng nhau những bó hoa dại hái được trên mặt đất”, ông Triêm nói.
Sau khi đã “an cư”, bài toán tiếp theo cần phải giải là cần sắp xếp cuộc sống cho hàng trăm con người trong lòng đất như thế nào? Nhớ lại giai đoạn đặc biệt này, ông Nguyễn Tri Phương (73 tuổi) tủm tỉm cười, kể: Về cơ bản, mặc dù làng đã “chuyển” vào địa đạo nhưng mô hình quản lý vẫn không thay đổi. Theo đó, Khu ủy giữ vai trò chỉ đạo xã và thôn. Các chủ trương được đưa đến thông qua Hội nghị Chi bộ và thông qua Hợp tác xã. Tinh thần xuyên suốt là ý thức, tự giác dựa trên tình làng, nghĩa xóm.
“Sống dưới đất, có trăm cái khổ mà không ai lường trước được”, ông Phương nhăn trán, bần thần kể.
Cái khổ đầu tiên là… ánh sáng. 6 năm trong hầm sâu, đồng bào Vịnh Mốc tập thành thói quen dùng tay để… tìm lối lại. Hằng ngày, ngoài giờ ra ngoài sản xuất hoặc ứng trực, mọi người đều phải ở trong hầm tối. Đèn dầu chỉ được sử dụng cho những trường hợp khẩn cấp. Nhà nào “có điều kiện hơn” thì dùng thêm mỡ động vật để soi đường. Quen với bóng tối đến độ, mỗi lần ăn cơm tối xong lên bờ để gác biển, ông Phương đều phải nhắm mở mắt liên tục để mắt kịp… thích nghi với ánh sáng đã chập choạng phía ngoài.
Mọi sinh hoạt khác như giặt giũ, ngủ nghỉ hay thậm chí… đi vệ sinh cũng rất bất thường.
Ông Nguyễn Tri Phương
“Mọi sinh hoạt khác như giặt giũ, ngủ nghỉ hay thậm chí… đi vệ sinh cũng rất bất thường. Chúng tôi phải dùng ống tre hoặc hũ làm dụng cụ đựng phân và nước tiểu. Đến tối mịt, từng đoàn người mới dám mang ra biển để đổ, sau đó rửa sạch trước khi mang về tiếp tục sử dụng. Thời ấy có quy định rõ ràng: Đến bữa ăn sẽ không được đổ ống”, ông Phương cười xòa nhớ lại.
Kể chuyện ăn, ở dưới địa đạo cũng lắm công phu. Bà Trần Thị Nghiên, năm nay 85 tuổi từng có nhiều năm sinh sống “dưới lòng đất” móm mém: Để tránh sự phát hiện của địch, người dân một ngày chỉ được nấu ăn 2 lần.
“Khi trời chưa sáng, chị em phụ nữ sẽ phải thức dậy nấu cho bữa trưa. Đến tối mịt thì tiếp tục chuẩn bị bữa chiều. Nhằm hạn chế khói, phía trên các bếp được trải lớp lá dầy, khói mỗi lần toả lên qua những kẽ hở li ti của lá, toả dần từng tí một ra ngoài”, bà Nghiên kể.
Ngay cả việc trữ lương thực trong điều kiện độ ẩm cao cũng cần phải có… kỹ thuật đặc biệt. Nhân dân phát minh ra sáng kiến đựng gạo vào trong những thân tre đục rỗng ruột dài cả chục mét. Phần đầu cây nhô lên mặt đất chừng nửa gang tay để… thông hơi. Sau khi dùng xong sẽ có nắp đậy và dùng khóa khóa lại, vừa tiết kiệm, an toàn, lại vừa… không sợ gạo hỏng, hôi do ngấm nước.
Sống dưới đất, có trăm cái khổ mà không ai lường trước được
Thời điểm ấy, chúng tôi luôn phải sống trong tình trạng cảnh giác cao độ để canh chừng còi báo động.
---Bà Lê Thị Thiều---
Bà Lê Thị Thiều, nguyên giáo viên tiểu học từng có nhiều năm sinh sống dưới “làng địa đạo” lại có một trải nghiệm khác đáng nhớ không kém khi sống và làm việc ở “thế giới bên dưới cuộc chiến”.
Đầu năm 1968, sau khi hoàn thành nhiệm vụ đưa các đoàn học sinh K8 ra miền bắc, bà được điều động trở về huyện Vĩnh Linh làm công tác điện báo. Lúc này, bà Thiều vẫn đương là cô gái mười tám, đôi mươi vô cùng nhanh nhẹn và gan dạ. Năm 16 tuổi, bà đã được phân công trực dân quân tự vệ ở xã nên đã quen với sự khốc liệt của chiến trường.
“Thời điểm ấy, chúng tôi luôn phải sống trong tình trạng cảnh giác cao độ để canh chừng còi báo động. Mọi việc sinh hoạt cá nhân vẫn diễn ra trên mặt đất. Song hễ nghe tiếng máy bay của địch, lập tức, ai nấy đều vọt xuống hầm để ẩn náu. Nếu không phản xạ kịp thì chết khi nào không hay”, bà Thiều bần thần nhớ lại quãng thời gian sống chung với bom đạn.
“Công việc của tôi là canh chừng ma-níp, nhận các tín hiệu đã được mã hóa rồi kết nối chúng đến với đối tượng cần nghe. Tùy theo từng thời điểm, tôi đảm nhiệm vị trí nhận điện báo, điện thoại tại các hầm của xã Vĩnh Nam, Vĩnh Tú, Vĩnh Hiền…”, hơn 55 năm trôi qua, bà Thiều vẫn nhớ như in nhiệm vụ của mình.
Dù được đặt ở những nơi ít bị chú ý, đường dây liên lạc cũng thường bị ảnh hưởng bởi bom đạn. Để tránh rủi ro, đường truyền hữu tuyến được rải nhiều nơi. Hễ dây đứt, cán bộ bưu điện lại mang máy chạy đi nối. Không ít lần, bà Lê Thị Thiều cùng đồng đội phải đối mặt với hiểm nguy.
“Đó là lần chúng tôi bị chỉ điểm khi đang nấp dưới một hầm chữ A nhỏ ở xã Vĩnh Tú. Bom dội đến bất ngờ, không ai trở tay kịp. Một thanh gỗ to trên nóc hầm bỗng rơi sập vào đầu tôi. Mọi chuyện diễn ra trong chốc lát. Tôi ngất lịm đi”, bà Thiều kể.
Đợi trận thả bom dữ dội qua đi, mọi người bắt đầu đào hầm, tìm kiếm và moi từng người từ đống đất đổ nát lên. Bà Thiều kể tiếp: “Tiêm một mũi thuốc, tôi lồm cồm bò dậy, ngẩn ngơ một lúc mới nhận ra mình vẫn còn sống. Không dám chậm trễ thêm, tôi quay trở lại làm việc ngay. Đến mãi sau này, khi hòa bình lập lại, có điều kiện đi khám, tôi mới biết, sau lần đó, tôi bị rạn xương sọ não”.
Trong suốt quãng thời gian làm công tác điện báo, bà Thiều chẳng thể nào quên những ngày đầu tháng 9/1969 khi nhận được tin Bác Hồ mất.
Ngày Bác mất, tôi là một trong những người đầu tiên ở khu vực nhận được thông tin. Rụng rời chân tay, tôi chẳng dám khóc thành tiếng vì không tin đó là sự thật. Đến khi được xác nhận, cảm xúc trong tôi vỡ òa. ‘Bác Hồ mất rồi mi ơi’, chúng tôi nắm chặt tay nhau rồi khóc nấc
Điện thoại vừa mới reo một hồi, bà Thiều lập tức nhận ra có cuộc gọi từ Trung ương gặp ông Trần Đồng, Bí thư Đảng ủy khu vực Vĩnh Linh bấy giờ, liền kết nối cuộc gọi. “Linh tính mách bảo tôi rằng có chuyện gì đó quan trọng đã xảy ra”, bà Thiều rưng rưng khi nhớ về thời khắc lịch sử.
“Ngày Bác mất, tôi là một trong những người đầu tiên ở khu vực nhận được thông tin. Rụng rời chân tay, tôi chẳng dám khóc thành tiếng vì không tin đó là sự thật. Đến khi được xác nhận, cảm xúc trong tôi vỡ òa. ‘Bác Hồ mất rồi mi ơi’, chúng tôi nắm chặt tay nhau rồi khóc nấc”, mắt bà đỏ hoe.
Khó khăn và thiếu thốn là thế, nhưng những “người con của địa đạo” vẫn luôn lạc quan và yêu đời.
Tiếp tục dẫn chúng tôi đi dọc tuyến bờ biển Vĩnh Thái, ông Hỗ Triêm chỉ tay ra phía khơi xa bảo: “Ngày đó, chúng tôi không nghĩ được nhiều. Chỉ biết ngoài kia là cứ điểm Cồn Cỏ, còn trong bờ là làng. Phải tìm mọi cách để sống mà bám làng, bám biển, giữ đảo tiền tiêu”.
Ngày đó, chúng tôi không nghĩ được nhiều. Chỉ biết ngoài kia là cứ điểm Cồn Cỏ, còn trong bờ là làng. Phải tìm mọi cách để sống mà bám làng, bám biển, giữ đảo tiền tiêu.
Ông Hỗ Triêm
Trích đoạn phim tài liệu "Lũy thép Vĩnh Linh". Hãng phim Tài liệu-Khoa học Trung ương, 1970.
Thế mới có chuyện, cánh dân quân của ông Triêm khi gặp mặt trên trận địa phòng không hoặc các điểm gác biển vẫn hỏi nhau:
- Hôm nay ăn gì, đồng chí?
- Hôm nay có cá B52 và cá Hạm đội 7.
“Nghĩa là, mỗi lần B82 hay tàu hạm đội 7 của Mỹ ném bom, bắn pháo vào làng cũng sẽ làm cho cá biển chết rất nhiều dạt vào bờ. Anh em dân quân du kích dịp ấy lại tha hồ nhặt về, cải thiện bữa ăn thêm đậm đà cho cả làng, cả xã”, ông Triêm tủm tỉm cười giải thích.
Hay lại có chuyện, mỗi khi “pháo đài bay bất khả xâm phạm” của địch quần đảo bầu trời, nhóm gác lại mạnh dạn dặn nhau, vừa bông đùa, vừa quyết chí: “Mi đến đây. Có chết thì ta cùng chết cho vui nào”.
Ở độ tuổi 73, ông Nguyễn Tri Phương vẫn còn đủ minh mẫn để vẽ lại địa đồ Vịnh Mốc. Ông lầm nhầm: Bên cửa số 1 có một ngăn hầm nhỏ dùng làm chỗ trực của dân quân. Đi sâu vào trong có một ngăn hầm nhỏ đặt cơ sở chỉ huy và máy liên lạc với cấp trên. Tiếp đến là ngăn hầm rộng làm trạm xá. Sâu hơn nữa là hội trường để hội họp, chiếu phim, biểu diễn văn nghệ, thông báo tin tức.
“Chiều chiều, chúng tôi thường kéo nhau ra phía cửa địa đạo để kể chuyện cho nhau nghe. Ở đó đặt một tấm ván để mọi người nằm chung khi mỏi. Tới mùa mưa, thì chăng nilon che nước dột từ trên rỏ xuống”, ông Phương tiếp tục.
Đáng nhớ nhất là những ngày cuối năm. Đêm 30 Tết, chẳng ai bảo ai, bà con từ các “căn hộ” nhỏ kéo nhau tới hội trường lớn, thắp lên một ngọn đèn leo lét sáng. Tất cả ngồi quây quần bên nhau, kể cho nhau nghe những chuyện buồn vui đã qua rồi cùng nghĩ tới tương lai thống nhất. Không có bánh chưng, cũng không bánh kẹo. Nhưng có người nào đã kịp ngắt một cành hoa dại cắm vào ống tre ngả vàng màu nắng gió. Dưới ánh sáng hắt hiu, bông hoa đồng nội khẽ rung lên những nhịp điệu thổn thức…
Cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn ở dưới lòng đất sâu…
Làng hầm địa đạo Vĩnh Linh: Mạch sống dưới lòng đất lửa
Mỗi mét hầm hào, địa đạo trên mảnh đất lửa Vĩnh Linh được xây bằng lòng yêu nước, ý chí quật cường, bằng cả nước mắt và máu của mỗi người dân.
>> xem tiếp...
Vịnh Mốc:
Huyền thoại của lũy thép lũy hoa
Vịnh Mốc cũng chính là công trình tiêu biểu nhất cho ý chí quật cường, không chịu lùi bước trước kẻ thù xâm lược của cha ông.
>> xem tiếp...
Một thế giới bên dưới cuộc chiến
Chính cái thế giới lạ kỳ trong góc nhìn của những người nước ngoài ấy, đến lượt mình, lại ươm lên cho Vĩnh Linh những hạt mầm của hy vọng và tương lai…
>> xem tiếp...
Những đứa con của địa đạo
Tui tưởng đã chết ở trong căn hầm đó rồi. Sinh xong, chỉ kịp nhìn con o oe tìm sữa là ngất lịm đi...
>> xem tiếp...
Ngày xuất bản: 16/8/2024
Chỉ đạo sản xuất: NGỌC THANH
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH - XUÂN BÁCH
Nội dung & trình bày:
LÂM QUANG HUY - SƠN BÁCH - SONG THU
NGỌC BÍCH - NGỌC KHÁNH
Ảnh: THÀNH ĐẠT