NHỮNG ĐỨA CON CỦA ĐỊA ĐẠO

Vịnh Mốc, mùa đông năm 1967...

Mưa mỗi lúc một lớn. Nước từ ngoài biển theo gió ràn rạt hắt về phía cổng hầm số 5 đã loang lổ đỏ quạch màu bùn nhão. O Nguyễn Thị Hoan thu mình vào một hốc đất nằm cách cửa ra chừng hai chục mét, mặt tái mét, người đầm đìa mồ hôi.

Chung quanh, nước mội [nước mưa trộn bùn-PV] từ trong các mạch đất xối xả đổ thẳng xuống người sản phụ đang chuẩn bị lâm bồn. Nữ hộ sinh vừa chăng nilon, vừa cuống cuồng khêu đèn, giúp o Hoan vượt cạn…

“Tui tưởng đã chết ở trong căn hầm đó rồi. Sinh xong, chỉ kịp nhìn con o oe tìm sữa là ngất lịm đi. Vậy mà cũng đã hơn 60 năm”, bà Hoan móm mém cười, mắt nheo nheo nhìn ra phía đảo Cồn Cỏ đang vào chiều gió lộng.

Tui tưởng đã chết ở trong căn hầm đó rồi. Sinh xong, chỉ kịp nhìn con o oe tìm sữa là ngất lịm đi.

Năm đó, bà Hoan đã 31 tuổi và đang mang bầu người con thứ hai. Chồng bà, ông Trần Văn Suất vẫn tham gia đội “ngư binh” mở rộng địa đạo cho tới khi vợ trở dạ. Lúc này, cũng chính là thời gian Vịnh Mốc hứng chịu nhiều bom đạn của kẻ thù. “Chị em bụng chửa vượt mặt chưa tới ngày sinh thì vẫn bảo nhau cố gắng phụ bằng cách đẩy đất ra cửa biển đổ. Mà dạo mùa đông 1967 nớ hắn rét cách chi chú ơi! Gió thốc từ ngoài khơi vào lạnh buốt cả mặt mũi, tay chân”, bà Hoan nhắc lại chuyện xưa rành rẽ.

Tháng 11 năm đó, trời đột ngột đổ mưa kéo dài. Mưa từ mặt đất theo kẽ nứt chảy tí tách xuống những “căn nhà hầm” ở độ sâu 12-15m phía dưới. Nước mội - theo cách gọi của bà Hoan, đỏ quạch màu bazan cứ dâng dần lên trong lòng địa đạo.

Ngày trở dạ, bà Hoan chẳng kịp mang theo thứ gì, khệ nệ bụng bầu đi về phía phòng sinh vốn cũng chỉ là một khoảng không rộng chừng 5 mét vuông, cao 1 mét rưỡi được đục ngang vào vách hầm đất. Bàn đỡ là chiếc chõng tre ngả vàng ọp ẹp.

Phòng sinh vốn cũng chỉ là một khoảng không rộng chừng 5 mét vuông, cao 1 mét rưỡi được đục ngang vào vách hầm đất. Bàn đỡ là chiếc chõng tre ngả vàng ọp ẹp.

Mưa mỗi lúc một lớn. Nữ hộ sinh duy nhất chỉ kịp đỡ bà Hoan nằm xuống, trước khi chăng tạm một tấm bạt nilon phía trên “bàn đỡ”, khêu ngọn đèn dầu rồi bắt đầu làm nhiệm vụ. Nỗi lo sợ khi vượt cạn một mình, cái lạnh như cắt da cắt thịt, cơn đau thắt ruột… cùng lúc ập đến khiến bà Hoan bỗng dưng bật khóc.

“Chồng tui khi đó vẫn đang làm việc phía ngoài vì tính ngày thì phải 2 tuần nữa tui mới sinh. Không có người thân ở bên, đồ đạc chuẩn bị cho việc sinh nở cũng sơ sài, chẳng có chăn gối chi. Lúc đó, tôi chỉ biết dặn lòng phải cố hết sức. Đến khi nghe con o oe khóc, tôi mới biết mình đã vượt qua”, nhớ như in cái giây phút hạnh phúc xen lẫn khổ cực ấy, bà Hoan tiếp lời: “Khi sinh xong, hơi nước và mưa khiến tôi rét run cầm cập. Tôi đã phải xé áo của mình để quấn cho con với suy nghĩ giản đơn: “Thà mình chịu lạnh chứ không thể để đứa trẻ mới lọt lòng gặp rét””.

Bên trong căn nhà hộ sinh duy nhất trong lòng địa đạo Vịnh Mốc, nơi chứng kiến sự ra đời của hơn 10 em bé địa đạo.

Bên trong căn nhà hộ sinh duy nhất trong lòng địa đạo Vịnh Mốc, nơi chứng kiến sự ra đời của hơn 10 em bé địa đạo.

Sinh xong, sản phụ 31 tuổi gần như lịm đi vì mất máu quá nhiều. Lúc này, ông Suất hay tin mới lồm cồm bò về thì cả người bà đã dần lạnh ngắt. Trên ngực bà, đứa bé đỏ hỏn đang rúc sâu vào bầu ngực tìm sữa.

“Khi nớ, tui nghĩ mình không sống được nữa rồi. Nhưng thương con, tui cố gượng dậy, được 1 ngày thì lại bị sốt rét. Mấy bác, mấy chú có tuổi tới thăm còn đùa rằng: Mi phải sống, nếu không trong làng giờ cũng chẳng có đất mà chôn đâu. Rồi chồng mi, hai con mi hắn ở với ai?”

Ngồi ngay bên cạnh mẹ, anh Trần Văn Thương, đứa trẻ “khai sinh từ địa đạo” năm 1967 góp lời: Sau này, cha anh đặt tên anh là Thương với ngụ ý xót xa cho vợ, cho con những ngày gian khổ ấy. Đêm nào, sau giờ đào hầm, ông cũng đánh máy lửa lom dom đi tìm cây thuốc nam về sắc cho vợ uống. Có lẽ nhờ vậy, một tháng sau, bà Hoan đã có thể gượng dậy chăm con như một kỳ tích trong lòng địa đạo.

Ông Hồ Triêm, nguyên Xã đội phó xã Vĩnh Thạnh, cũng là họ hàng xa với bà Hoan cười rổn rảng bảo: Chuyện về những người phụ nữ vượt cạn dưới độ sâu hàng chục mét thì kể cả ngày cũng không hết. Thậm chí, người Vịnh Mốc tới tận hôm nay vẫn truyền nhau kỳ tích bà Hồ Thị Chẩn tự vượt cạn một mình dưới hầm.

Chuyện là, đầu năm 1968, thực hiện kế hoạch K10, nhiều người dân ở Vĩnh Thạnh  khấp khởi di tản ra các tỉnh phía bắc để “bảo vệ dòng máu Vĩnh Linh”. Lúc này, bà Hồ Thị Chẩn bụng đã cao vượt mặt nên quyết định ở lại Vịnh Mốc chờ ngày sinh con. Để chuẩn bị cho ca vượt cạn, bà mẹ Vĩnh Linh mang theo một cật tre cắt dây rốn, một thúng tro và ít quần áo rách vào sâu trong địa đạo.

Ông Hồ Triêm rổn rảng kể lại kỳ tích bà mẹ Vĩnh Linh Hồ Thị Chẩn tự mình vượt cạn trong lòng địa đạo.

Ông Hồ Triêm rổn rảng kể lại kỳ tích bà mẹ Vĩnh Linh Hồ Thị Chẩn tự mình vượt cạn trong lòng địa đạo.

Khi cơn trở dạ tới, bà Chẩn cố gắng chịu đau và sinh ra một cô con gái xinh xắn mà chẳng có được ai đỡ. Rồi cũng chính tay bà đã cắt dây rốn, quấn con bằng tấm áo cũ trước khi đặt vào thúng tro bếp cho ấm áp.

Bà Trần Thị Nghiên, vợ ông Triêm lại có một trải nghiệm khác không kém phần… đặc biệt khi đẻ con dưới hầm sâu.

“Năm 1967, tôi sinh ra cháu Hồ Thị Hường trong điều kiện vô cùng thiếu thốn. Con đẻ ra chỉ lấy dao cắt rốn chứ không hề có thiết bị y tế hay bông băng gì. Bữa ăn ‘cữ’ cũng chỉ có khoai trộn sắn cho ấm bụng. Trẻ bú sữa qua tháng đầu cũng phải tập ăn khoai giã nhuyễn. Vậy mà chúng vẫn cứ lớn như thổi”, bà Nghiên cười bảo.

Những đứa trẻ được sinh ra, sống sót và lớn lên trong lòng địa đạo Vịnh Mốc giống như những hạt mầm của hy vọng, như biểu tượng của ý chí và nghị lực kiên cường của bao thế hệ người “lũy thép, lũy hoa” không ngừng vươn lên từ gian khổ…

Theo thống kê, trong  những năm chống Mỹ, quân dân vùng "đất thép" Vĩnh Linh, Quảng Trị đã kiên cường bám đất, thiết lập hệ thống địa đạo để sinh tồn và chiến đấu. Theo tư liệu được công bố tại Khu di tích địa đạo Vịnh Mốc, vào thời điểm đó, đã có hơn 10 đứa trẻ được sinh ra, sống sót và lớn lên trong lòng địa đạo Vịnh Mốc. Họ, giống như những hạt mầm của hy vọng, như biểu tượng của ý chí và nghị lực kiên cường của bao thế hệ người “lũy thép, lũy hoa” không ngừng vươn lên từ gian khổ…

Hành trang vượt cạn của bà mẹ Vĩnh Linh bà Hồ Thị Chẩn tại nhà hộ sinh "địa đạo" là một cật tre cắt dây rốn, một thúng tro và ít quần áo rách.

Những đứa trẻ sinh hoạt trong lòng đất, bên dưới cuộc chiến.

“Tôi được sinh ra trong giai đoạn quân Mỹ đánh phá dữ dội phía bắc vĩ tuyến 17. Vĩnh Linh khi ấy mịt mù trong bom đạn. Người dân phải xuống địa đạo để duy trì sự sống. Dưới hầm, chỉ có ánh sáng từ ngọn đèn dầu leo lét. Mẹ tôi kể lại rằng, lúc đó, bà đã nhờ các chú bộ đội kê giúp chiếc giường nhỏ gần cửa hầm hướng ra biển để thấy đường mà sinh nở. Sau này về lại, tôi tìm thấy đó là cửa hầm số 7. Và tôi đã chào đời trong hoàn cảnh đặc biệt đó”, anh Lê Xuân An - một trong những đứa trẻ sinh ra dưới lòng địa đạo Vịnh Mốc ngày đó xúc động khi nhớ về nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình.

Mẹ anh An, bà Nguyễn Thị Tiệp vốn là người xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Khi gặp ông Lê Xuân Vy, Đồn trưởng Đồn Công an vũ trang 140 đóng ngay tại thôn Vịnh Mốc, bà đang là kế toán của một hợp tác xã địa phương.

Vào thời điểm quân địch bắn phá ác liệt trên khu vực Vĩnh Linh, quá nhiều bà con đã mất mạng. Thấy thế, ông Lê Xuân Vy quyết định mang vợ và 2 cô con gái nhỏ vào địa đạo sinh sống.

“Vì địa đạo Vịnh Mốc được thiết kế để phục vụ cho mục đích chiến đấu, vừa là nơi sinh hoạt của nhiều người dân nên có diện tích rất rộng. Trong hầm có cả nhà hộ sinh, nơi nấu nướng và chỗ ăn nghỉ. Thậm chí, phòng họp đủ rộng có thể diễn cả văn nghệ. Tuy nhiên, lúc ấy, cuộc sống thiếu thốn đủ thứ, đặc biệt về thuốc men. Ngày sinh tôi, mẹ may mắn được một cô y tá đỡ đẻ nên vượt cạn thành công”, anh An nhớ lại.

Cuộc sống trong lòng địa đạo thiếu thốn đủ thứ nhưng những đứa trẻ vẫn cứ lớn như thổi.

Cuộc sống trong lòng địa đạo thiếu thốn đủ thứ nhưng những đứa trẻ vẫn cứ lớn như thổi.

Mới sinh chỉ vỏn vẹn được đôi chục ngày thì người dân trong vùng có lệnh phải sơ tán ra Tân Kỳ (Nghệ An) theo Chiến dịch K10. Bà Tiệp đặt đứa con còn đỏ hòn trong thúng. Một đầu gánh con, đầu còn lại gánh đồ đạc. Hai cô con gái nhỏ lon ton chạy theo mẹ.

Một vài người biết bà mới sinh, thấy thương nên dặn, nếu có ai hỏi thì bảo đã sinh được 2 tháng rồi để người ta đỡ lăn tăn. Thế rồi sau đó có người hỏi thật, quở rằng, sao 2 tháng mà con nhỏ thế. Bà Tiệp nhanh miệng đáp: “Đẻ dưới địa đạo có chộ (nhìn, thấy-pv) mặt trời mô mà hắn nậy (lớn-pv)”. Những ngày sau đó, bốn mẹ con nương tựa nhau mà sống qua ngày trên miền đất mới.

“Mãi cho đến năm 1973, khi diện K10 về lại quê hương, gia đình tôi mới được đoàn tụ. Cha tôi là người đợi chờ để đón mấy mẹ con trở về. Đó cũng là lần đầu tiên tôi biết mặt cha”, anh An xúc động khi nhớ về khoảnh khắc được cha bồng bế lên chiếc xe đạp và âu yếm.

“Ngày trở về địa đạo Vịnh Mốc, đứng trên cửa hầm số 7, cảm xúc trong tôi trào dâng khó tả. Tôi gặp một số khách ngoại quốc đến đây tham quan và thấy họ kinh ngạc khi người Việt Nam trong thời kỳ gian khó đó có thể xây dựng được một địa đạo quy mô như thế. Ý chí vươn lên giữa mưa bom, bão đạn của người dân Vĩnh Linh thật đáng khâm phục”, Lê Xuân An trải lòng.

Một số khách ngoại quốc kinh ngạc khi người Việt Nam trong thời kỳ gian khó đó có thể xây dựng được một địa đạo quy mô như thế. Ý chí vươn lên giữa mưa bom, bão đạn của người dân Vĩnh Linh thật đáng khâm phục.

---Anh Lê Xuân An---

Trong khi đó, dù hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, chị Hồ Thị Dữ vẫn luôn nhớ đến câu chuyện khó quên mà mẹ kể khi sinh chị trong địa đạo. “Lần nào kể, mẹ tôi cũng khóc. Bà bảo, khi ấy trúng đúng mùa mưa. Do ở tầng gần mặt đất nên nước phía trên thấm xuống, còn nước bên dưới lại dềnh lên. Lội nhiều, chân bà sưng tấy hết cả”.

Ngày đầu tiên của năm 1968 (1/1/1968), chị Dữ cất tiếng khóc chào đời trong lòng địa đạo. Vài tháng sau, “em bé Vịnh Mốc” được mẹ đặt vào thúng, gánh đi sơ tán ở Quảng Bình và tới tận 6 năm sau mới quay trở lại nơi chôn nhau cắt rốn.

Những đứa trẻ sinh ta trong lòng đất Vĩnh Linh đã được chăm sóc, nuôi dưỡng mạnh khỏe trong thời kỳ chiến tranh ác liệt.

Những đứa trẻ sinh ta trong lòng đất Vĩnh Linh đã được chăm sóc, nuôi dưỡng mạnh khỏe trong thời kỳ chiến tranh ác liệt.

Năm 1974, trong dịp về thăm Vịnh Mốc, Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng được biết bà Dữ là em bé “địa đạo” rất chăm ngoan nên đã đề nghị nhận chị làm con nuôi để chia sẻ phần nhỏ những thiệt thòi cho tuổi thơ của chị trong vùng chiến sự.

Em bé “địa đạo” Hồ Thị Dữ rất chăm ngoan nên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đề nghị nhận chị làm con nuôi để chia sẻ phần nhỏ những thiệt thòi cho tuổi thơ của chị trong vùng chiến sự.

Trước khi chia tay bà con Vịnh Mốc, Thủ tướng căn dặn cha mẹ chị cố gắng nuôi con học xong cấp 3, Thủ tướng sẽ đưa ra Hà Nội tiếp tục đi học để sau này trở về xây dựng quê hương Vĩnh Linh. Tình cảm của Thủ tướng dành cho gia đình chị Dữ như một món quà đầy ân tình thủy chung. Lúc ấy Thủ tướng xin đặt lại tên cho chị là Hồ Thị Chiến, nghĩa là luôn chiến thắng trong mọi hoàn cảnh.

“Tôi cùng mẹ được Thủ tướng cho theo đoàn lên huyện Vĩnh Linh, đi thăm chơi một thời gian rồi trở lại quê. Những năm sau đó thư ký của Thủ tướng thường xuyên gọi điện về Vĩnh Linh hỏi thăm tình hình học tập của tôi. Nhưng sau này, do hoàn cảnh khó khăn, tôi học hết cấp 2 thì ở nhà làm việc”, chị Dữ kể lại.

Trích đoạn phim tài liệu "Lũy thép Vĩnh Linh". Hãng phim Tài liệu-Khoa học Trung ương, 1970.

Ở ngôi nhà sát bờ biển Vịnh Mốc, chị Hồ Thị Thiện khẽ cười khi chúng tôi tìm đến hỏi về chuyện… khai sinh. Chị bảo, chị chỉ nghe mệ kể rằng, ngày mệ đẻ, trời rất rét. Ở dưới địa đạo mà chân tay cũng tê cứng. Thấy đứa trẻ oe oe chào đời, mệ phải vội vã dùng quần áo cũ bọc kín cho con.

“Sinh xong đúng 1 tháng thì mẹ đưa 3 chị em tôi đi sơ tán tận Thượng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh. 2 tháng sau, ba ở lại đi tải đạn dính bom qua đời”, bà Thiện kể.

6 năm sau, ngày trở về quê cũ, đập vào mắt cô bé mới lên 5 tuổi là những triền đất bazan đỏ quạch đã bị bom đạn cày xới xác xơ. Căn nhà cũ chỉ còn trơ gốc rạ… Những “đứa trẻ địa đạo” lại chập chững theo chân người lớn cắt gianh, cắt cỏ về tái thiết quê hương.

57 năm đã trôi qua, mệ Hoan ngồi ở giữa “hai đứa trẻ địa đạo”, một do chính mình sinh ra, và một là cô con dâu của mình ôn lại chuyện xưa.

57 năm đã trôi qua, mệ Hoan ngồi ở giữa “hai đứa trẻ địa đạo”, một do chính mình sinh ra, và một là cô con dâu của mình ôn lại chuyện xưa.

Em chồng chị Thiện, anh Trần Văn Thương cũng là một người “khai sinh trong lòng đất”. Chiến tranh qua đi, anh trở về làng cũ, nối nghiệp cha ông làm nghề đánh cá. Những ngày biển động, anh Thương thường dắt mẹ Hoan [người có ca vượt cạn sinh tử đã nhắc ở phần trên -PV] sang nhà chị dâu trò chuyện cho khuây khỏa nỗi buồn.

Chiều tháng 8. Khoảng sân trước nhà chị Thiện vang động tiếng người. Trong ánh nắng chiếu xiên cuối ngày, mệ Nguyễn Thị Hoan ngồi ở giữa, hai bên là “hai đứa trẻ địa đạo”, một do chính mình sinh ra, và một là cô con dâu của mình. Ôn lại chuyện cũ, mệ bỗng bật cười. Tiếng cười dù không rõ do đã nhòe mờ màu tháng năm nhưng nghe ra dường như vẫn rộn niềm vui và hạnh phúc.

Bên ngoài, gió từ biển vẫn lộng về, vi vút trên hàng phi lao chắn sóng phía cửa hầm lên địa đạo...

Làng hầm địa đạo Vĩnh Linh: Mạch sống dưới lòng đất lửa

Mỗi mét hầm hào, địa đạo trên mảnh đất lửa Vĩnh Linh được xây bằng lòng yêu nước, ý chí quật cường, bằng cả nước mắt và máu của mỗi người dân.
>> xem tiếp...

Vịnh Mốc:
Huyền thoại của lũy thép lũy hoa

Vịnh Mốc cũng chính là công trình tiêu biểu nhất cho ý chí quật cường, không chịu lùi bước trước kẻ thù xâm lược của cha ông.
>> xem tiếp...

Một thế giới bên dưới cuộc chiến

Chính cái thế giới lạ kỳ trong góc nhìn của những người nước ngoài ấy, đến lượt mình, lại ươm lên cho Vĩnh Linh những hạt mầm của hy vọng và tương lai…
>> xem tiếp...

Những đứa con của địa đạo

Tui tưởng đã chết ở trong căn hầm đó rồi. Sinh xong, chỉ kịp nhìn con o oe tìm sữa là ngất lịm đi...
>> xem tiếp...

Ngày xuất bản: 17/8/2024
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH - XUÂN BÁCH
Nội dung & trình bày:
LÂM QUANG HUY - SƠN BÁCH - SONG THU
NGỌC BÍCH - NGỌC KHÁNH
Ảnh: THÀNH ĐẠT