Lật trang sử
về một hải đội Bắc Hải

35 NĂM NỞ HOA GIỮA THỀM LỤC ĐỊA
Khu vực biển DK1 nằm ở phía Đông Nam bờ biển Nam bộ nước ta, trên thềm lục địa phía Nam của Việt Nam; trong giới hạn từ vĩ độ 07o010' N đến 08o030'N và từ kinh độ 109o000'E đến 112o030'E, với diện tích vùng biển khoảng 80.000 km2. Phía Đông giáp quần đảo Trường Sa; phía Nam giáp ranh vùng biển của Malaysia, Indonesia; phía Tây là khu vực biển quần đảo Côn Sơn và vùng biển Tây Nam của nước ta. Vùng biển này nằm án ngữ đường hàng hải quốc tế quan trọng từ Đông Bắc Á xuống Nam Á và tuyến đường hàng hải chính qua Biển Đông.
Đây là khu vực biển có nguồn hải sản phong phú, với trữ lượng lớn, trong đó có nhiều loại thuộc dòng quý hiếm, có giá trị kinh tế cao. Đồng thời đây cũng là khu vực có nhiều mỏ dầu và khí tự nhiên với trữ lượng lớn, Việt Nam đã và đang khai thác phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo đề nghị của Tư lệnh Hải quân và Bộ Quốc phòng, ngày 17/10/1988, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã ký Quyết định số 19/NQ-TW chủ trương tiến hành xây dựng các công trình trên tất cả các bãi đá ngầm với tên gọi “Trạm Dịch vụ kinh tế-Khoa học kỹ thuật”, gọi tắt là công trình DK1.
Ngày 5/7/1989, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra Chỉ thị số 180/CT: Về việc xây dựng cụm kinh tế-khoa học-dịch vụ tại khu đá ngầm, thuộc Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo (nay là tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Nội dung chỉ thị nêu rõ: Xây dựng tại khu đá ngầm, trong thềm lục địa Việt Nam, thuộc Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo một số nhà nổi (gọi tắt là DKI), để bước đầu hình thành cụm Kinh tế-Khoa học-Dịch vụ, thuộc sự quản lý về hành chính của Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo nhằm các mục đích như: Đặt giàn đèn biển; đặt trạm khí tượng thủy văn, các trạm nghiên cứu khoa học về biển (như nghiên cứu hải sản để nắm chắc được tiềm năng đặc sản biển trong khu vực, quy luật sinh trưởng và di cư theo mùa của các luồng cá cung cấp cho các cơ sở đánh bắt hải sản, nhằm xây dựng kế hoạch đánh bắt có hiệu quả cao), nghiên cứu khai thác có hiệu quả các mỏ đá san hô trong khu vực v.v….
Thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng về việc xây dựng cụm Kinh tế-Khoa học-Dịch vụ, Ban chỉ đạo xây dựng nhà giàn được thành lập, gọi tắt là Ban DK1 trực thuộc Chính phủ. Đồng thời Quân chủng Hải quân quyết định thành lập Khung quản lý DK1 (nay là Tiểu đoàn DK1) quản lý, chốt giữ, bảo vệ trên ba nhà giàn đầu tiên là: Nhà giàn Phúc Tần (DK1/3) xây dựng xong ngày 10/6/1989; Nhà giàn Ba kè A (DK1/4) xây dựng xong ngày 16/6/1989; Nhà giàn Tư Chính A (DK1/1) xây dựng xong 5/7/1989. Đây là lực lượng đầu tiên ra chốt giữ các nhà giàn DK1.
(Nguồn: Tư liệu Tiểu đoàn DK1, Vùng 2 Hải quân)
35 năm, cùng nhìn lại một trang sử đầy sôi động trong hành trình bảo vệ, phát triển thềm lục địa.

Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, khoảng sau năm 1776, đội quân Bắc Hải được thành lập, địa bàn hoạt động mở rộng ngoài đảo đại Trường Sa, còn kéo dài từ khu vực thềm lục địa phía nam ngày nay, tới biển Côn Sơn tới các đảo thuộc vùng Hà Tiên.
ĐÂY LÀ THỀM LỤC ĐỊA PHÍA NAM!
Đại tá Nguyễn Quý (nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật - Bộ Tư lệnh Công binh, nguyên Trưởng ban Xây dựng DK1 giai đoạn 1990-1996) nói, trong công cuộc xây dựng DK1, khẳng định chủ quyền thềm lục địa phía Nam, trong quan điểm của ông, ba người có công đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, thượng tướng Đào Đình Luyện và đô đốc Giáp Văn Cương.
Ngoài 90 tuổi, con người từng chỉ huy xây dựng hơn chục nhà giàn khắp thêm lục địa vẫn nhớ tường tận từng mốc thời gian, từng thông số, tinh anh như thuở vẫn còn lênh đênh trên sóng biển, chỉ huy cắm từng nhát cọc vào thềm san hô dựng nên những pháo đài giữa biển Đông.
Ngày 26/10/1988, Đô đốc Giáp Văn Cương - Tư lệnh Quân chủng Hải quân, chỉ đạo Lữ đoàn 171 tiến hành khảo sát khu vực thềm lục địa phía nam, thuộc đặc thu Vũng Tàu-Côn Đảo.
Từ ngày 6/11 đến ngày 26/11/1988 các biên đội tàu: HQ711, HQ668, HQ713 thuộc Lữ đoàn 171; các tàu HQ727, HQ723 thuộc Hải đoàn 129 lần lượt xuất phát đi làm nhiệm vụ khảo sát, bảo vệ các bãi đá ngầm trên thềm lục địa phía nam. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều vị trí quan trọng của vùng biển, thềm lục địa phía nam đã có những con tàu ngày đêm trực chốt giữ, bảo vệ.

Ngày 17/10/1988, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã ký Quyết định số 19/NQ-TW chủ trương tiến hành xây dựng các công trình trên tất cả các bãi đá ngầm với tên gọi “Trạm Dịch vụ kinh tế-Khoa học kỹ thuật”, gọi tắt là công trình DK1.
Ngày 17/10/1988, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã ký Quyết định số 19/NQ-TW chủ trương tiến hành xây dựng các công trình trên tất cả các bãi đá ngầm với tên gọi “Trạm Dịch vụ kinh tế-Khoa học kỹ thuật”, gọi tắt là công trình DK1.
Thời điểm đó, tổng số bãi ngầm chúng ta khảo sát là 6 bãi. Đây là những bãi đá ngầm san hô có đỉnh nhô cao dưới mặt nước biển từ 9-50m.
Trong ghi chép của Đại tá Nguyễn Quý, phía bắc là Phúc Tần (diện tích 160km2), Huyền Trân (40km2), phía Đông Nam là Ba Kè (1.000km2), phía Tây Nam là Tư Chính (700km2). Nằm giữa Phúc Tần và Tư Chính là Phúc Nguyên (300km2) và Quế Đường (90km2).
Ngày 17/10/1988, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã ký Quyết định số 19/NQ-TW chủ trương tiến hành xây dựng các công trình trên tất cả các bãi đá ngầm với tên gọi “Trạm Dịch vụ Kinh tế-Khoa học kỹ thuật”, gọi tắt là công trình DK1.
Muốn khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở khu vực DK1, không có cách nào khác, chúng ta phải có nhà, phải có cờ, có người, có biển hiệu

Lý giải cho việc phải hình thành các công trình trên các bãi đá thềm lục địa, đại tá Nguyễn Quý nói: “Điều này cũng giống như người nông dân được chia ruộng, ít nhất, họ phải đóng cọc và ghi vào mo cau rằng, đó là ruộng của tôi. Muốn khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở khu vực DK1, không có cách nào khác, chúng ta phải có nhà, phải có cờ, có người, có biển hiệu”.
Đây không phải là khu vực thuộc quần đảo Trường Sa, Công ước Luật Biển 1982 đã xác định vùng DK1 hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa, khu vực DK1 thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (riêng nhà giàn DK1/10 trên bãi cạn Cà Mau thuộc tỉnh Cà Mau).
Nhìn lại lịch sử, khu vực thềm lục địa phía nam là một vùng biển quan trọng và nằm trong danh mục khai thác từ lâu đời của người Việt.
Vào thế kỷ 18, đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải được thành lập, có nhiệm vụ thu lượm các sản vật từ các tà ra du đắm, các hải sản quý từ vùng biển quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, và các vùng biển khác của Việt Nam. Tầm hoạt động của đội Bắc Hải khi đó gồm cả quần đảo Trường Sa, thềm lục địa phía nam và các vùng biển ngoài khơi Côn Sơn, kéo dài tới Hà Tiên bây giờ. Đội Bắc Hải được thành lập sau đội Hoàng Sa.
Phủ biên tạp lục, quyển 2, của Lê Quý Đôn đã ghi chép về đội Bắc Hải: "Họ Nguyễn còn thiết lập đội Bắc Hải. Đội này không định trước bao nhiêu suất. Hoặc chọn người thôn Tứ Chính thuộc phủ Bình Thuận, hoặc chọn người làng Cảnh Dương, lấy những người tình nguyện bổ sung vào đội Bắc Hải. Ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi và chỉ thị sai phái đội ấy đi làm nhiệm vụ".
Ở một đoạn khác, Phủ biên tạp lục ghi lại: "Những người được bổ sung vào đội Bắc Hải đều được miễn nạp tiền sưu cùng các thứ tiền lặt vặt, như tiền đi qua đồn tuần, qua đò"; "Những người trong đội đi thuyền câu nhỏ ra xứ Bắc Hải, Cù lao Côn Lôn và các đảo thuộc vùng Hà Tiên để tìm kiếm, lượm nhặt những hạng đồi mồi, hải ba, đồn ngư (cá heo), lục quý ngư, hải sâm".
Hoạt động của hải đội Bắc Hải cũng được ghi chép đầy đủ trong Đại Nam thực lục tiền biên (năm 1844), Đại Nam nhất thống chí (năm 1882).

Mà Phủ biên tạp lục cũng phân chia rõ giữa Hoàng Sa, đại Trường Sa và những vùng biển khác mà hải đội Bắc Hải kiêm quản: “Phủ Quảng Ngãi, ở ngoài cửa biển xã An Vinh, huyện Bình Sơn có núi gọi là Cù Lao Ré, rộng hơn 30 dặm, trước có phường Tứ Chính, dân cư trồng đậu ra biển bốn canh thì đến; phía ngoài nữa lại có đảo Đại Trường Sa, trước kia có nhiều hải vật và những hóa vật của tàu, lập đội Hoàng Sa để lấy, đi ba ngày đêm thì mới đến, là chỗ gần Bắc Hải”.
Về quản lý, đội Bắc Hải vẫn hoạt động dưới sự kiêm quản của đội Hoàng Sa. Chúng ta chưa xác định được thôn/ phường Tứ Chính năm xưa nay chính xác ở đâu. Nhưng có một điều có thể khẳng định, đã có một hải đội Bắc Hải được thành lập với thành viên chủ yếu là những ngư dân thôn Tứ Chính, và đã tỏa đi khắp vùng biển phía nam để khẳng định chủ quyền người Việt trên biển Đông.

ÂM VANG TÊN GỌI
Theo đại tá Nguyễn Quý, khi nhận nhiệm vụ, những bãi đá san hô đều có tên gọi: bãi Ba Kè, Huyền Trân, Quế Đường, Phúc Nguyên, Phúc Tần, Tư Chính. Sau này bãi cạn Cà Mau lấy theo tên gọi tỉnh trực thuộc.
Cũng không rõ tiền nhân đã đặt tên những bãi cạn từ khi nào, nhưng với người Việt, những cái tên này đều có ý nghĩa đặc biệt.
Bãi cạn Huyền Trân
Bãi cạn Huyền Trân mang tên công chúa nhà Trần Huyền Trân.
Năm 1306, Huyền Trân một mình vào đất Chiêm Thành, gả cho vua Chiêm Chế Bồng Nga.
Có nhiều truyền thuyết về sự hy sinh của nàng, nhưng kết quả của cuộc hôn nhân ấy, là Đại Việt mở rộng bờ cõi thêm hai châu Ô, Lý (vùng Quảng Trị, Thừa Thiên Huế ngày nay), mở đường cho cuộc hành trình tiến ra biển của người Việt.
Bãi cạn Quế Đường
Bãi cạn Quế Đường là tên hiệu của nhà bác học Lê Quý Đôn - tác giả của cuốn Phủ biên tạp lục, một trong những khảo cứu đầu tiên về chính trị địa lý các vùng biên thùy nước Việt.
Như đã dẫn, Phủ biên tạp lục cũng là một trong những cuốn sách ghi chép đầy đủ về hoạt động của hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, khẳng định chủ quyền của người Việt trên vùng biển Đông từ rất sớm.
Bãi cạn Phúc Nguyên
Bãi cạn Phúc Nguyên, lấy tên của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Sách Đại Nam thực lục tiền biên ghi lại chiến công đánh thắng cướp biển Tây Dương (Nhật Bản) năm 1585 của vị hoàng tử thứ sáu nhà Nguyễn. Chúa Sãi cũng là người đặt nền móng cho sự phát triển rực rỡ của thương cảng Hội An - một dấu ấn quan trọng trong phát triển kinh tế biển của người Việt vào thế kỷ 16.
Bãi cạn Phúc Tần
Bãi cạn Phúc Tần, đặt theo tên của chúa Thượng Nguyễn Phúc Tần. Sách Đại Nam thực lục ghi lại thế tử Nguyễn Phúc Tần đã lãnh đạo đoàn binh thuyền đánh thắng đoàn chiến thuyền Hà Lan. Cũng theo Đại Nam thực lục, chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan đã nhận định: “Trước kia, tiên quân ta đã từng đánh phá giặc biển, nay con ta cũng lại như thế. Ta không lo gì nữa”. Thời chúa Thượng cũng được ghi nhận là đỉnh cao của đội chiến thuyền của Đàng Trong.
Bãi cạn Phúc Nguyên
Bãi cạn Phúc Nguyên, lấy tên của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên.
Sách Đại Nam thực lục tiền biên ghi lại chiến công đánh thắng cướp biển Tây Dương (Nhật Bản) năm 1585 của vị hoàng tử thứ sáu nhà Nguyễn.
Chúa Sãi cũng là người đặt nền móng cho sự phát triển rực rỡ của thương cảng Hội An - một dấu ấn quan trọng trong phát triển kinh tế biển của người Việt vào thế kỷ 16.
Bãi cạn Tứ Chính
Cái tên Tứ Chính được nhắc đến nhiều trong Phủ biên tạp lục, với tư cách là địa danh cung cấp đội dân binh chủ yếu cho hải đội Bắc Hải. Có thể sự biến âm qua nhiều năm nên bãi cạn hiện tại mang tên Tư Chính. Trong Phủ biên tạp lục, chữ Tứ trong “Tứ Chính” (四政) được ghi theo nghĩa “số bốn”.
Tư Chính cũng là bãi cạn được khảo sát đầu tiên vào năm 1989, cũng là bãi cạn có nhà giàn đánh số đầu tiên DK1/1.
Sau này, theo đại tá Nguyễn Quý, vì để tiện đánh dấu các thiết bị vật tư khi chuyển ra xây dựng nhà giàn, người ta đã đánh số cho từng ngôi nhà theo thứ tự xây dựng. Vì thế, 15 nhà giàn, ngoài mang tên các bãi san hô, còn có ký hiệu từ DK1/1 tới DK1/15, chỉ trừ con số 13. Trên mỗi nhà giàn đều có biển ghi rõ: Cụm Dịch vụ kinh tế-Khoa học Kỹ thuật, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (hoặc tỉnh Cà Mau với nhà giàn DK1/10).

Nhà giàn DK1/12 bãi cạn Tư Chính
Nhà giàn DK1/12 bãi cạn Tư Chính

Nhà giàn DK1/10 bãi cạn Cà Mau, nhà giàn duy nhất hiện chưa xây dựng nhà giàn mới
Nhà giàn DK1/10 bãi cạn Cà Mau, nhà giàn duy nhất hiện chưa xây dựng nhà giàn mới
Ngày xuất bản: 8/7/2024
Nội dung: MAI VÂN DUNG
Ảnh: HOÀNG CÔNG MINH, NGA TRẦN, PHƯƠNG MAI
Trình bày: BẢO MINH
Bài viết có sử dụng tư liệu do Tiểu đoàn DK1, Vùng 2 Hải quân cung cấp; ghi chép của Đại tá Nguyễn Quý (nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật - Bộ Tư lệnh Công Binh, nguyên Trưởng ban Xây dựng DK1 giai đoạn 1990-1996); hồi ký của kỹ sư Đặng Hữu Quý, Chủ nhiệm thiết kế công trình nhà giàn DK1/1.
Bản dịch Phủ biên tạp lục, Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam thực lục từ Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Trang Biên giới Lãnh thổ - Bộ Ngoại giao
