35 NĂM NỞ HOA GIỮA THỀM LỤC ĐỊA

Khu vực biển DK1 nằm ở phía Đông Nam bờ biển Nam Bộ nước ta, trên thềm lục địa phía nam của Việt Nam; trong giới hạn từ vĩ độ 07o010' N đến 08o030'N và từ kinh độ 109o000'E đến 112o030'E, với diện tích vùng biển khoảng 80.000 km2. Phía Đông giáp quần đảo Trường Sa; phía Nam giáp ranh vùng biển của Malaysia, Indonesia; phía Tây là khu vực biển quần đảo Côn Sơn và vùng biển Tây Nam của nước ta. Vùng biển này nằm án ngữ đường hàng hải quốc tế quan trọng từ Đông Bắc Á xuống Nam Á và tuyến đường hàng hải chính qua Biển Đông.

Đây là khu vực biển có nguồn hải sản phong phú, với trữ lượng lớn, trong đó có nhiều loại thuộc dòng quý hiếm, có giá trị kinh tế cao. Đồng thời đây cũng là khu vực có nhiều mỏ dầu và khí tự nhiên với trữ lượng lớn, Việt Nam đã và đang khai thác phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo đề nghị của Tư lệnh Hải quân và Bộ Quốc phòng, ngày 17/10/1988, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã ký Quyết định số 19/NQ-TW chủ trương tiến hành xây dựng các công trình trên tất cả các bãi đá ngầm với tên gọi “Trạm Dịch vụ kinh tế-Khoa học kỹ thuật”, gọi tắt là công trình DK1.

Ngày 5/7/1989, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra Chỉ thị số 180/CT: Về việc xây dựng cụm kinh tế-khoa học-dịch vụ tại khu đá ngầm, thuộc Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo (nay là tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Nội dung chỉ thị nêu rõ: Xây dựng tại khu đá ngầm, trong thềm lục địa Việt Nam, thuộc Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo một số nhà nổi (gọi tắt là DKI), để bước đầu hình thành cụm kinh tế-khoa học-dịch vụ, thuộc sự quản lý về hành chính của Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo nhằm các mục đích như: Đặt giàn đèn biển; đặt trạm khí tượng thủy văn, các trạm nghiên cứu khoa học về biển (như nghiên cứu hải sản để nắm chắc được tiềm năng đặc sản biển trong khu vực, quy luật sinh trưởng và di cư theo mùa của các luồng cá cung cấp cho các cơ sở đánh bắt hải sản, nhằm xây dựng kế hoạch đánh bắt có hiệu quả cao), nghiên cứu khai thác có hiệu quả các mỏ đá san hô trong khu vực v.v….

Thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng về việc xây dựng cụm kinh tế-khoa học-dịch vụ, Ban chỉ đạo xây dựng nhà giàn được thành lập, gọi tắt là Ban DK1 trực thuộc Chính phủ. Đồng thời Quân chủng Hải quân quyết định thành lập Khung quản lý DK1 (nay là Tiểu đoàn DK1) quản lý, chốt giữ, bảo vệ trên ba nhà giàn đầu tiên là: Nhà giàn Phúc Tần (DK1/3) xây dựng xong ngày 10/6/1989; Nhà giàn Ba kè A (DK1/4) xây dựng xong ngày 16/6/1989; Nhà giàn Tư Chính A (DK1/1) xây dựng xong 5/7/1989. Đây là lực lượng đầu tiên ra chốt giữ các nhà giàn DK1.

(Nguồn: Tư liệu Tiểu đoàn DK1, Vùng 2 Hải quân)

35 năm, cùng nhìn lại một trang sử đầy sôi động trong hành trình bảo vệ, phát triển thềm lục địa.


Đại tá Nguyễn Quý (nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật-Bộ Tư lệnh Công Binh, nguyên Trưởng ban Xây dựng DK1 giai đoạn 1990-1996 kể, khi ông nhận nhiệm vụ, ông chỉ có một chữ “liều” trong mình. Bởi DK1 là công trình chưa từng có tiền lệ trên thế giới. Không chỉ có ông, những con người trải qua những năm tháng giữ biển thời kỳ đó, đều mang tinh thần ấy. Cái liều ở đây không phải là làm bừa, mà là sự dám nghĩ, dám làm và độ lì trước những sóng gió không chỉ trên biển.

Nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, cựu Tư lệnh vùng 2 Hải quân, chuẩn đô đốc Phạm Khắc Lượng cũng từng viết một bài thơ về nhà giàn, có một câu: “Biển quê hương chưa tĩnh lặng bao giờ”.  Vì điều không tĩnh lặng đó, mà suốt 35 năm, hành trình khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên thềm lục địa đã chứng kiến nhiều đêm không ngủ tiếp nối.

ĐỂ HOA NỞ GIỮA BIỂN

Tháng 2/1989, Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro thành lập Ban Dự án DK1. Trong đó ông Ngô Thường San, Phó Tổng giám đốc được cử làm Trưởng ban chỉ đạo; ông Lê Quang Trung, Bí thư Ðảng ủy, Phó ban chỉ đạo; ông Trần Sỹ Phiệt, Trưởng phòng Viện NIPI, Phó Ban Điều phối; ông Nguyễn Trọng Nhưng, Phó Giám đốc Cục Xây lắp, Phó ban Chỉ đạo, phụ trách thi công; ông Ðặng Hữu Quý, Phó chánh kỹ sư Viện NIPI, Chủ nhiệm Thiết kế công trình; ông Lâm Quang Chiến, Trưởng phòng Viện NIPI, Trưởng ban Khảo sát; ông Trần Thanh Quang, Trưởng phòng Cục Xây lắp, Phó ban Thi công ngoài biển và ông Nguyễn Văn Thạc, Phó giám đốc Cục Vận tải Biển làm Phó ban Tàu thuyền thi công ngoài biển.

“Ba ngày ba đêm từ Vũng Tàu ra bãi Tư Chính, những con người mang trọng trách khảo sát không ngủ được. Ban ngày cũng như ban đêm, đều ngồi với nhau bàn về phương án, bàn về trường hợp”, ông Đặng Hữu Quý nhớ lại.  Ông Hữu Quý nhận nhiệm vụ khi chưa hề có trong tay một công trình nào tương tự để tham khảo.  Mặc dù ông luôn trấn an mọi người: “đừng lo lắng”, nhưng trong lòng ông lại vô cùng ngổn ngang. Ra đến biển, ông Quý mất ăn mất ngủ.  “Tôi cũng đã tham gia thiết kế các giàn khoan khai thác thăm dò dầu khí của mỏ Bạch Hổ từ 1985-1989, cũng có ít nhiều kinh nghiệm về thiết kế giàn, có thể xây dựng khu vực ngoài thềm lục địa Việt Nam. Tuy nhiên, khu vực Tư Chính Vũng Mây có đặc thù riêng, mà ở trên thế giới chưa có tiền lệ, chưa có nơi nào xây dựng công trình như thế để mình học hỏi, kể cả những tài liệu nước ngoài”.

Ba ngày ba đêm từ Vũng Tàu ra bãi Tư Chính, những con người mang trọng trách khảo sát không ngủ được. Ban ngày cũng như ban đêm, đều ngồi với nhau bàn về phương án, bàn về trường hợp.
Phó chánh kỹ sư Viện NIPI, Chủ nhiệm Thiết kế công trình Ðặng Hữu Quý

Thiết kế một công trình trên nền đá san hô là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, và đầy thách thức, ngay cả với một người Việt Nam duy nhất học về giàn khoan biển như ông Quý thời đó.  Khu vực thềm lục địa phía nam là khu vực bão tố, có những rãnh nước tự nhiên, tạo ra những bãi nhô san hô, trên một cái thềm có độ sâu từ 500-1.500m.  “Khi đó Vietsovpetro đã cử hai tàu trực tiếp ra ngoài hiện trường để thực hiện công tác khảo sát. Đầu tiên chúng tôi khoanh vùng toàn bộ khu vực của Tư Chính, tìm xem khu vực nào có mặt bằng khả dĩ để đặt công trình, vì ở đấy có độ sâu từ 14m đến 200m. Còn khu vực ngoài xa hơn, bãi này rộng khoảng 15km và dài khoảng 50km, ngoài khu vực đó là những vực rất sâu, 500m-1.500m”, kỹ sư Quý kể lại.

Nhà giàn DK1_1 bãi Tư Chính. Ảnh: NVCC

Nhà giàn DK1_1 bãi Tư Chính. Ảnh: NVCC

Sau chuyến khảo sát, những vị trí tọa độ theo tính toán trên bờ ban đầu phải thay đổi: “Chúng tôi thấy những tọa độ này lại gần những rãnh sâu, tạo ra những luồng hải lưu tác động rất mạnh đến công trình, có nguy cơ làm mất sự ổn định của công trình, nên chúng tôi phải tìm những khu vực khác, cách đấy vài trăm mét, tìm một mặt phẳng, khu vực đó sâu 16m, tương đối bằng phẳng có thể xây dựng được. Chúng tôi đo đạc những số liệu khí tượng thủy văn, tức người ta phải đo dòng chảy, sóng, độ mặn của nước để xem mức độ ăn mòn. Sau đó chúng tôi phải khoan xuống đấy để lấy những mẫu san hô đó lên, tìm khả năng chịu lực của nó, tính toán đưa ra phương án nào khả dĩ nhất để có thể ổn định công trình trên nền san hô như vậy”.

Ở nhà giàn đầu tiên, theo thiết kế ban đầu đơn vị thi công sẽ đóng cọc sắt sâu xuống 8m vào nền san hô. Nhưng đến cái cọc thứ 4, mới đóng được 4m thì cọc sắt bị gãy. Dùng búa nặng hơn nữa lồng cọc vào đóng tiếp cọc cũng gãy. Sau cùng, ông Trần Thanh Quang đã đưa ra một phương án, lồng vào trong cọc rỗng một cái dầm sắt dầy, lồng vào bên trong lồng, hàn lại và tiếp tục đóng. Đây là một sáng kiến bất ngờ nhưng lại rất hiệu quả và thành công.

Nhà giàn thế hệ trước năm 2010. Ảnh: NVCC

Nhà giàn thế hệ trước năm 2010. Ảnh: NVCC

50 con người ròng rã trên biển 50 ngày, để sau đó hoàn thành ngôi nhà đầu tiên: ngôi nhà hình lục lăng như một đài hoa sen giữa thềm lục địa. Ngôi nhà DK1/1 bãi Tư Chính-Vũng Mây đã hình thành như thế. Lý giải cho việc chọn lựa hình lục lăng, kỹ sư Quý nói ngoài các vấn đề kỹ thuật, “Khi bác Đào Đình Luyện (Thượng tướng Đào Đình Luyện - Thứ trưởng Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 1991-1995 - PV) kể về các liệt sĩ trên đảo Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa, chúng tôi rất xúc động. Và tôi nghĩ rằng để tưởng nhớ, để vinh danh những anh hùng liệt sĩ như thế thì công trình này của chúng tôi phải là công trình mang ý nghĩa về nhân văn. Vì vậy chúng tôi phải thiết kế làm sao như một bông hoa mãi mãi nở giữa trùng khơi, tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sĩ đó”.

Sau khu vực Tư Chính, những nhà giàn khác lần lượt được dựng lên. Từ năm 2010, thế hệ nhà giàn thứ 3 bắt đầu được xây dựng. Ngoài kết cấu theo mẫu giàn khoan nước sâu, có chân kiềng vững chãi hơn thì ưu điểm lớn là nhà mới rộng gấp ba và cao hơn so với nhà giàn cũ. Hiện nay, chúng ta có 15 nhà giàn trên toàn bộ vùng thềm lục địa phía nam. 14/15 nhà đã có nhà mới.

CHONG MẮT TRONG BÃO BIỂN

Đại tá Nguyễn Quý cũng kể, ngay cả khi nhà giàn hoàn thành, về lại thành phố khi đã nghỉ hưu, ông cũng chưa từng quên những ngày tháng rong ruổi trên biển. Lần nhớ nhất của ông là khi xây dựng nhà 1/6 bãi cạn Quế Đường năm 1991. Nhà giàn 1/6 cũng là nhà giàn duy nhất đặt Trạm Khí tượng hải văn tại thềm lục địa phía Nam. “Khi mới đóng cọc xong thì sóng gió nổi lên, tàu nghiêng. Lúc đó tàu đề nghị rút quân, đưa các cán bộ khí tượng sơ tán”, ông Quý nhớ lại.

Rời nhà giàn hay không, rời thì bảo đảm an toàn, nhưng nếu bão không qua, mà giàn đã hoàn thành, tàu lạ ngang qua đổ bộ thì mình có tội to lắm, thế là mất nước.
Đại tá Nguyễn Quý (nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật-Bộ Tư lệnh Công Binh, nguyên Trưởng ban Xây dựng DK1 giai đoạn 1990-1996)

Với đại tá Quý, đó là một cuộc giằng co căng như dây đàn: “Rời nhà giàn hay không, rời thì bảo đảm an toàn, nhưng nếu bão không qua, mà giàn đã hoàn thành, tàu lạ ngang qua đổ bộ thì mình có tội to lắm, thế là mất nước”. Trên giàn lúc đó không chỉ có bộ đội hải quân, lính công binh, mà còn cả các thành viên trạm Khí tượng hải văn, tất cả đều chờ lệnh ông. Họ nói tin ông. Quyết định cuối cùng của ông Quý là bám nhà giàn tới cùng. “Một phần vì tham khảo dự báo của trạm khí tượng hải văn, một phần mình dùng kinh nghiệm bao nhiêu năm nhận định, rồi cả tham khảo quyết tâm của các anh em, mình quyết định không rời giàn”. Suốt cả đêm đó, những người bám trụ nhà giàn đã không thể nhắm mắt phút nào, cứ nhìn lên trời, về hướng cơn bão có thể đến. Cơn bão quét qua nhẹ hơn dự kiến. Và Quế Đường vẫn hiên ngang trên biển Đông.

Đại tá Nguyễn Quý chụp khi sau khi bàn giao nhà DK1_15. Ảnh: NVCC

Đại tá Nguyễn Quý chụp khi sau khi bàn giao nhà DK1_15. Ảnh: NVCC

Chuẩn đô đốc Phạm Khắc Lượng cũng kể  năm 2017 là năm đầu tiên thế hệ nhà giàn thứ 3 được thử lửa với cơn bão Tembin vào tháng 12. Suốt đêm cao điểm của bão, ông Lượng ở Sở chỉ huy Vùng 2 Hải quân, gọi cho từng nhà giàn hỏi tình hình. “Có rời giàn không, động viên anh em thế nào, đều là những quyết định phải nâng lên đặt xuống”, ông Lượng nhớ lại. Cơn bão như trêu đùa, đi lên xuống, lần lượt quét qua đủ 15 nhà giàn không chừa cái nào. Cả đêm đó, điện thoại không rời tay vị tư lệnh. “Bão đến đâu mình gọi từng nhà tới đấy. Thức trắng suốt một đêm. Nhưng cánh ngoài đó họ cứng, mình cũng yên tâm nhiều”, ông Lượng kể.

Cũng trong cơn bão Tembin, trung tá Dương Văn Hoan, khi đó là Chỉ huy trưởng nhà giàn D/21 bãi cạn Ba Kè, cũng thức trắng.  “Bão qua Ba Kè rồi tới Tư Chính, tâm bão ở Phúc Nguyên. Mình cũng gọi cho các anh em trên các nhà giàn hỏi tình hình rồi động viên nhau. Năm đó hai cơn bão 16-17 nối nhau, đều mạnh”, anh Hoan kể. Anh Hoan dặn anh em đặt một chậu nước ở chính giữa nhà giàn cũ. Chậu nước không xê dịch, sàn gỗ không ướt, tức là nhà vẫn vững. Nếu có dấu hiệu rung lắc, anh em phải chuẩn bị sơ tán.

Chuẩn đô đốc Phạm Khắc Lượng (trái) và trung tá Dương Văn Hoan.

Chuẩn đô đốc Phạm Khắc Lượng (trái) và trung tá Dương Văn Hoan.

Trung tá Dương Văn Hoan không phải là con người xa lạ với các cơn bão.  Anh Hoan từng là một trong 6 người lính lênh đênh trên biển suốt 10 tiếng khi nhà giàn Phúc Nguyên 2A 1/6 đổ đêm 13/12/1998. Cơn bão Faith năm đó đã cuốn vào lòng biển 3 người đồng đội của anh Hoan. Sáu người còn lại, trong đó có anh Hoan, bám trên xuống cứu sinh, lênh đênh hơn 10 tiếng và được đồng đội tìm thấy khi trên người mọi vật dụng cứu nạn lần lượt bị sóng đánh hết.

Đã từng qua bao mùa bão, nhưng anh Hoan bảo mình là người của biển, thêm cơn bão Tembin 2017 cũng chỉ là thêm 1 lần kinh nghiệm. Anh hiểu mình cần chuẩn bị gì. Năm 1998 lênh đênh giữa cơn bão còn chẳng làm nao núng, thì thêm chục năm nữa, sóng gió đã tôi luyện thêm biết bao nhiêu tinh thần của người lính hải quân!

Bước chân ra đến biển, tất cả đều hiểu họ sẽ phải đối mặt với những đêm trắng như vậy. Nói như trung úy chuyên nghiệp Nguyễn Hữu Tôn, một trong 6 người lính trở về từ biển khơi sau đêm 13/12/1998, có bão là mình không ngủ rồi. Không chỉ để trực sẵn sàng, mà còn là để sẵn sàng hỗ trợ những con tàu ngư dân chạy qua chạy lại mỗi khi cần.

Nhà giàn 1_2 bãi cạn Phúc Tần.

Nhà giàn 1_2 bãi cạn Phúc Tần.

Các giai đoạn xây dựng nhà giàn DK1:

Giai đoạn 1: Từ năm 1989 đến năm 1991 xây dựng được 7 nhà giàn

Tuy nhiên, do điều kiện sóng, gió dữ dội, kinh nghiệm trong xây dựng nhà hạn chế không bảo đảm chắc chắn, vì vậy đã có 2 nhà bị đổ. Ngày 5/12/1990,  3 đồng chí của nhà giàn Phúc Tần (DK1/3) đã hy sinh là Trung úy Trần Hữu Quảng, Phó chỉ huy trưởng về chính trị; Trung úy Chuyên nghiệp Trần Văn Là (quân y sĩ) và  hạ sĩ Hồ Văn Hiền (chiến sĩ cơ điện).

Nhà giàn DK1_10 bãi cạn Cà Mau. Ảnh: Nga Trần

Nhà giàn DK1_10 bãi cạn Cà Mau. Ảnh: Nga Trần

Giai đoạn hai, từ năm 1992 đến năm 2008

Từ năm 1992 đến năm 1998, Bộ quốc phòng và Quân Chủng Hải quân, đã quyết định xây dựng thêm 13 nhà giàn; đồng thời nâng cấp Khung quản lý DK1, từ trực thuộc Phòng Tham Mưu/ Lữ Đoàn 171, thành Tiểu đoàn DK1, trực thuộc sự quản lý chỉ huy trực tiếp của Lữ Đoàn 171 Hải quân.

Giai đoạn này sau thời gian sử dụng, và ảnh hưởng của thời tiết, các Nhà giàn bị xuống cấp. Vì vậy đã có 3 Nhà giàn bị đổ là: Nhà giàn DK1/1, DK1/6, DK1/5. Đêm ngày 13 rạng sáng 14/12/1998, vào lúc 4 giờ sáng Nhà giàn DK1/6 đã bị đổ, ba đồng chí đã hy sinh gồm: Đại úy Vũ Quang Chương, Chỉ huy trưởng, Chuẩn úy Chuyên ngiệp Lê Đức Hồng, nhân viên radar, Chuẩn úy Chuyên nghiệp Nguyễn Văn An, nhân viên cơ điện.

Nhà giàn DK1_17 bãi cạn Phúc Tần. Ảnh: Hoàng Công Minh

Nhà giàn DK1_17 bãi cạn Phúc Tần. Ảnh: Hoàng Công Minh

Giai đoạn ba, từ năm 2009 đến nay

Từ năm 2010 đến năm 2017, Bộ quốc phòng và Quân Chủng Hải quân, đã quyết định nâng cấp, đóng mới 14 Nhà giàn, gồm: DK1/2, DK1/7, DK1/8, DK1/9, DK1/11, DK1/12, DK1/14, DK1/15, DK1/16, DK1/17, DK1/18, DK1/19, DK1/20, DK1/21. Hiện nay còn DK1/10 trên bãi cạn Cà Mau chưa được nâng cấp. Các nhà giàn được đóng mới hiện đại, chắc chắn, được trang bị đồng bộ, đầy đủ các trang thiết bị, bảo đảm đời sống, sinh hoạt, công tác cho CB, CS.

Ngày 19/3/2009, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 761/QĐ-BQP về việc thành lập Vùng 2 Hải quân. Tiểu đoàn DK1 từ trực thuộc Lữ đoàn 171 được điều chuyển về trực thuộc Vùng 2. Tiểu đoàn DK1 quản lý 15 Nhà giàn, mỗi Nhà giàn tương đương cấp đại đội.

35 NĂM NỞ HOA GIỮA THỀM LỤC ĐỊA

Kỳ 1: Lật trang sử về một hải đội Bắc Hải

Kỳ 2: Những đêm không ngủ

Kỳ 3: Trái tim người lính

Kỳ 4: Bay qua Biển Đông

Ngày xuất bản: 9/7/2024
Nội dung: MAI VÂN DUNG
Ảnh: HOÀNG CÔNG MINH, NGA TRẦN, PHƯƠNG MAI
Trình bày: NGÔ HƯƠNG

Bài viết có sử dụng tư liệu do Tiểu đoàn DK1, Vùng 2 Hải quân cung cấp; ghi chép của Đại tá Nguyễn Quý (nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật - Bộ Tư lệnh Công Binh, nguyên Trưởng ban Xây dựng DK1 giai đoạn 1990-1996); hồi ký của kỹ sư Đặng Hữu Quý, Chủ nhiệm thiết kế công trình nhà giàn DK1/1.

Bản dịch Phủ biên tạp lục, Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam thực lục từ Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Trang Biên giới Lãnh thổ - Bộ Ngoại giao