Ngày 19/4/1954:
Trước những diễn biến gay go, quyết liệt ở Điện Biên Phủ, ngày 19/4/1954, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về tiếp tục thấu triệt phương châm “đánh chắc, tiến chắc” để giành toàn thắng cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Nghị quyết nêu rõ: Hai đợt tiến công của ta ở Điện Biên Phủ đều thắng lợi, tạo ra những thuận lợi căn bản cho quân ta hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng vì một số cán bộ mắc khuyết điểm chủ quan, khinh địch, tinh thần trách nhiệm không đầy đủ, tác phong quan liêu, đại khái, cho nên đã gây ra ít nhiều tổn thất không cần thiết và hạn chế một phần thắng lợi.
Nghị quyết nhấn mạnh, Chiến dịch Điện Biên Phủ có ý nghĩa rất lớn đối với trong nước và thế giới, ta phải kiên quyết giành toàn thắng cho chiến dịch này. Vì vậy, các cấp chỉ huy và toàn thể cán bộ phải nhận rõ những thắng lợi của hai đợt tiến công vừa qua, nhận rõ khả năng của quân đội và nhân dân ta hiện nay có thể thắng địch, đồng thời phải nhận rõ những khó khăn của ta. Ra sức đề cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước bộ đội và Đảng, kiên quyết sửa chữa những khuyết điểm vừa qua, tiếp tục thấu triệt phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ giành toàn thắng cho chiến dịch.
Nghị quyết khẳng định: Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ quyết tâm đem toàn lực chi viện cho chiến dịch, góp phần xứng đáng cùng quân đội tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, từ cơ quan của Chính phủ đến các khu ủy, tỉnh ủy, ủy ban hành chính các cấp thuộc Việt Bắc, Tây Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4 đã động viên nhân dân phát huy cao độ tinh thần yêu nước, tình nguyện vào bộ đội, tự nguyện đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến (kể cả nhân dân ở những vùng còn bị tạm chiếm).
Hành động thiết thực và nguồn cổ vũ to lớn của hậu phương đã tiếp thêm sức mạnh cho bộ đội ngoài mặt trận càng tin tưởng, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ, ác liệt, hy sinh để đánh thắng quân thù, tiêu diệt hoàn toàn quân địch ở Điện Biên Phủ.
Sáng ngày 19/4, ba mũi hào của Trung đoàn 36 đã đâm vào sát hàng rào của địch. ĐKZ bắn sập dần những ụ súng ở tiền duyên, thỉnh thoảng lại một loạt súng cối nã vào vị trí địch.
Các đại đoàn tham gia chiến dịch thực hiện chỉ thị của Mặt trận đã tổ chức đợt sinh hoạt chính trị. Trong đợt sinh hoạt chính trị, cán bộ chiến sĩ đã tự phê bình và phê bình nghiêm khắc các biểu hiện hữu khuynh, tiêu cực. Qua đó, nâng cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, kiên quyết khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, đề cao trách nhiệm trước trận đánh lịch sử.
Phía địch:
Quân địch luôn luôn thấp thỏm tưởng là trận đánh đã bắt đầu. Máy bay phải thả dù tiếp tế trực tiếp xuống cứ điểm. Nhưng những tên lính không dám rời hầm ra lấy dù vì sợ đạn bắn tỉa, Huguette 1 kêu cứu với Mường Thanh.
Đáp lại lời kêu gọi của Trung ương Đảng, cán bộ các khu, các tỉnh đã “xốc lên” chạy đua với giặc, chạy đua với thời gian, với mưa lũ, huy động sức người, sức của tại địa phương, chi viện hàng trăm, hàng nghìn tấn gạo, rau, thịt, cùng sức người, sức xe… bảo đảm nhu cầu cho bộ đội tại mặt trận. Cuốn Ký sự Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Trần Độ chủ biên viết:
“Cuộc họp ngày 19/4 của Trung ương đã đi đến quyết định quan trọng nhằm chỉ đạo cho Đảng ủy Mặt trận khắc phục mọi khó khăn quyết đánh thắng quân địch và huy động toàn lực của nhân dân, của Đảng và Chính phủ làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng chiến dịch Điện Biên Phủ.
Theo tính toán của Ủy ban chi viện tiền tuyến trong tháng 4 năm 1954, mặt trận cần thêm 1.200 tấn gạo và trong hai tháng 5 và 6 năm 1954 cần có 4.000 tấn gạo, 300 tấn thịt, 300 tấn rau. Trung ương đã chỉ thị phải có một số lượng gạo dự trữ gấp đôi hay ít nhất là gấp rưỡi so với nhu cầu của mặt trận đề ra, thừa còn hơn thiếu. Muốn vận chuyển được số lượng gạo này, ngoài những phương tiện đã huy động từ trước, còn cần thêm 100 nghìn dân công, 10.000 xe thồ, hàng ngàn thuyền bè, hàng trăm xe vận tải và nhiều phương tiện vận chuyển thô sơ khác.
Khi được phổ biến những yêu cầu mới của mặt trận, nhiều đồng chí trong hàng ngũ cán bộ lo lắng. Chiến dịch kéo dài. Trước đây đã nhiều lần huy động sự đóng góp của nhân dân. Lần này, với một yêu cầu lớn như vậy, liệu còn khả năng huy động nữa không?
Trong cuộc hội nghị do tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa triệu tập, đồng chí Văn Tiến Dũng đã nói với cán bộ:
Nếu chúng ta tiêu diệt gọn địch ở Điện Biên Phủ thì năm 1955 ta có khả năng giải phóng Bắc-bộ. Các chiến sĩ Điện Biên Phủ không ngần ngại hy sinh xương máu để tiêu diệt quân địch và đã hứa quyết tâm thực hiện bằng được nhiệm vụ của Trung ương giao cho. Chiến dịch đang ở trên đà thắng lợi. Chúng ta không thể để bộ đội vì thiếu lương thực mà phải rút quân trong khi sắp hoàn thành nhiệm vụ. Đảng đã quyết định tập trung mọi khả năng dốc ra tiền tuyến đề giành lấy thắng lợi hoàn toàn trong chiến dịch này. Các đồng chí có quyết tâm cùng với Trung ương, cùng với bộ đội anh dũng của chúng ta tại Điện Biên Phủ khắc phục mọi khó khăn để chiến thắng quân địch không?
Đáp lại lời kêu gọi của Trung ương Đảng, cán bộ các khu, các tỉnh đã “xốc lên” chạy đua với giặc, chạy đua với thời gian, với mưa lũ, huy động sức người, sức của tại địa phương, bảo đảm nhu cầu cho bộ đội tại mặt trận.
Nội dung: Thiếu tá, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thảo, Viện Lịch sử quân sự; Ngọc Toản Thu
Ảnh: TTXVN
Trình bày: BẢO MINH