4 giờ sáng ngày 7/5/1954, Trung đoàn 174 hoàn toàn làm chủ đồi A1 (Eliane 2). 9 giờ cùng ngày, Trung đoàn 98 tiến công tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm C2 (Eliane 4), bắt 600 tên địch. Trung đoàn 165 hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm 506 (Eliane 10) ở phía bắc Mường Thanh.
Ở phía tây, Đại đoàn 308 giải quyết xong cứ điểm 310 còn gọi Nà Noọng (Claudine 4), đưa trận địa tiến công của đơn vị áp sát cách sở chỉ huy Đờ Cát-xtơ-ri khoảng 300m. Đến 9 giờ sáng, các đơn vị hoàn thành nhiệm vụ được giao, sẵn sàng chuyển sang tổng công kích.
Thời điểm kết thúc trận quyết chiến lịch sử đã tới gần, Bộ chỉ huy chiến dịch tập trung theo dõi tình hình để kịp thời xử lý các tình huống. 10 giờ sáng ngày 7/5/1954, trong khi các Đại đoàn đang đẩy mạnh công tác chuẩn bị để bảo đảm cho cuộc tổng công kích thắng lợi thì cơ quan quân báo mặt trận phát hiện máy bay địch chở vũ khí, đạn dược được lệnh quay về Hà Nội. Những chiếc máy bay vận tải chở quân dù lên tiếp viện cho Điện Biên Phủ cũng được lệnh quay trở về sân bay Gia Lâm.
Ở dưới mặt đất, các đài quan sát của ta phát hiện địch quẳng súng đạn xuống sông Nậm Rốm và trong khu Mường Thanh có nhiều tiếng nổ lớn. Bộ Chỉ huy chiến dịch nhận định tình hình địch bắt đầu có những dấu hiệu rối loạn, dự kiến có nhiều khả năng địch đầu hàng, cũng có khả năng chúng liều lĩnh phá vòng vây mở đường máu chạy về phía Lào. Các đơn vị được lệnh giữ chặt vòng vây, đồng thời sẵn sàng chuyển sang tổng công kích, quyết không để cho một tên địch nào chạy thoát.
14 giờ ngày 7/5/1954, Trung đoàn 209 (Đại đoàn 312) mở cuộc tiến công cứ điểm 507 ở gần cầu Mường Thanh. Địch ở 507 kéo cờ trắng ra hàng. Thừa thắng, Đại đoàn 312 tiến công tiêu diệt tiếp hai cứ điểm 508 và 509 ở tả ngạn sông Nậm Rốm. Ở cả hai cứ điểm này, địch chống cự rất yếu ớt.
Trước tình hình quân địch đang trong tình trạng rối loạn, không còn tinh thần chiến đấu, mặc dù thời gian dự kiến tổng công kích là vào tối ngày 7/5/1954, các đơn vị tranh thủ ngay thời cơ thuận lợi tiến vào tập đoàn cứ điểm địch. Từ hướng đông, Trung đoàn 209 tiến thẳng vào Mường Thanh, tiếp sau là các trung đoàn 98 và 174.
Bên phía tây, Trung đoàn 36 tiến vào cứ điểm cuối cùng che chở cho sở chỉ huy địch. Trung đoàn 88 cũng mở đường qua sân bay để tiến vào sào huyệt cuối cùng của tập đoàn cứ điểm. Bộ đội ta tiến tới đâu, quân địch đầu hàng tới đó. Nhiều toán địch từ các chiến hào lũ lượt kéo nhau ra nộp vũ khí. Đến 17 giờ 15 phút, một cánh quân của Đại đoàn 312 tiến sát sở chỉ huy địch. Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật cùng 4 chiến sĩ là Hoàng Đăng Vinh, Bùi Văn Nhỏ, Nguyễn Văn Lam và Đào Văn Hiếu tiến vào hầm bắt tướng Đờ Cát-xtơ-ri cùng toàn bộ Bộ tham mưu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Đờ Cát-xtơ-ri đã bị bắt, nhưng trên hướng Hồng Cúm, địch vẫn chống cự. Đêm 7/5/1954, lợi dụng trời tối, quân địch ở đây tổ chức rút chạy về hướng Thượng Lào. Bộ chỉ huy chiến dịch lệnh cho Đại đoàn 304 tích cực truy lùng, đồng thời lệnh cho Trung đoàn 102 hành quân gấp sang Tây Trang chặn đường rút của địch. Đến 22 giờ, Đại đoàn 304 bao vây, bắt gọn toàn bộ quân địch ở Hồng Cúm thoát ra.
Sau 56 ngày đêm (từ ngày 13/3/1954 đến ngày 7/5/1954) chiến đấu kiên cường, quân và dân ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Như vậy, sau 56 ngày đêm (từ ngày 13/3/1954 đến ngày 7/5/1954) chiến đấu kiên cường, quân và dân ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trong toàn chiến dịch, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu và bắt làm tù binh 16.200 tên địch, gồm 17 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, ba tiểu đoàn pháo binh, súng cối, 10 đại đội ngụy bổ sung và các đơn vị công binh, vận tải, xe tăng, không quân...
Tổng số sĩ quan, hạ sĩ địch bị tiêu diệt và bắt sống là 1.766 tên, gồm 1 thiếu tướng, 16 đại tá, trung tá, 353 sĩ quan từ cấp thiếu úy đến thiếu tá, 1.396 hạ sĩ quan. Tổng số máy bay địch bị bắn rơi và phá hủy ở ngay tại mặt trận là 57 chiếc, ngoài ra còn có 5 chiếc bị bắn rơi trên tuyến cung cấp cho mặt trận.
Ta thu toàn bộ vũ khí kho tàng của địch ở Điện Biên Phủ, trong đó có 28 khẩu pháo lớn, 64 xe, 5.915 khẩu súng các loại, 20.000 lít xăng dầu, 21.000 chiếc dù, 20 tấn thuốc và dụng cụ quân y cùng nhiều đạn dược, quân trang, quân dụng[1].
Về phía địch
* Tại Điện Biên Phủ
10 giờ sáng ngày 7/5/1954, như thường lệ, tướng Đờ Cát-xtơ-ri gọi điện trực tiếp báo cáo tình hình với tướng Cônhi. Sau 10 đêm không ngủ, giọng nói của Đờ Cát-xtơ-ri rất yếu. Đờ Cát-xtơ-ri đề nghị cố thực hiện một cuộc hành quân rút chạy. Dựa theo kế hoạch này sẽ phát cho tất cả lính dù và lính lê dương còn lại hai ngày lương thực ăn đường bằng đồ hộp nhẹ, gồm bánh biscuit, sôcôla bổ dưỡng và những đồng bạc trắng mà người Mông vẫn tiêu dùng để phòng thân[2].
15 giờ 30 phút cùng ngày: Cuộc họp cuối cùng của Đờ Cát-xtơ-ri với Lăng-gơ-le (Langlais), Bi-gi-a (Bigeard), Pa-zi (Pazzis).
16 giờ: Đờ Cát-xtơ-ri nói chuyện điện thoại vô tuyến với tướng Bodet ở Tổng hành dinh. Ra lệnh ngừng bắn vào 17 giờ.
17 giờ: Ngừng bắn.
18 giờ 30 phút: Ta gọi hàng Lalande chỉ huy phân khu Nam (Isabelle).
20 giờ: Đại đội 12 thuộc trung đoàn bộ binh lê dương số 3 vừa ra khỏi Isabelle vài trăm mét thì bị ta chặn đánh.
* Thừa nhận thất bại, Tổng chỉ huy Nava viết trong hồi ký: “Chúng ta mất khoảng 16 nghìn người, trong đó 1.500 chết và 4.000 bị thương. Tính đơn vị, thiệt hại của ta gồm 16 tiểu đoàn (trong đó có 7 tiểu đoàn dù), 2 tiểu đoàn pháo 105mm và một đại đội 155mm, 1 tiểu đoàn xe tăng và một số đơn vị binh chủng và bảo đảm khác. So với đạo quân viễn chinh, thiệt hại này chiếm 9% và so với tổng số quân ở Đông Dương thì chiếm 3,5%”[3].
* Ở Paris, 17 giờ ngày 7/5/1954, Tổng thống Laniel báo cáo trước Quốc hội: Điện Biên Phủ đã bị mất. Lúc này ở Đông Dương là 1 giờ sáng ngày 8/5/1954[4].
Quang cảnh chung tập đoàn cứ điểm ở Điện Biên Phủ của giặc Pháp bị quân ta tiêu diệt.
Quang cảnh chung tập đoàn cứ điểm ở Điện Biên Phủ của giặc Pháp bị quân ta tiêu diệt.
Trong thời điểm tổng tấn công, công tác thông tin liên lạc được bảo đảm thông suốt, hỗ trợ Bộ Chỉ huy điều hướng các mũi tiến công của quân ta nhanh chóng đột phá các cứ điểm cuối cùng của địch.
Trong bài viết “Bảo đảm thông tin liên lạc trong chiến dịch Điện Biên Phủ”, Thiếu tướng Khúc Đăng Tuấn, Tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc (Kỷ yếu hội thảo khoa học “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và hiện thực (7/5/1954-7/5/2019) kể lại: “Ngày 7/5, các lực lượng thông tin liên lạc đã bảo đảm vững chắc cho Bộ Chỉ huy Chiến dịch chỉ huy các đơn vị đồng loạt tiến công và làm chủ hoàn toàn cứ điểm Đồi A1 (lúc 4 giờ 30 phút), Đồi C2 (lúc 9 giờ). Trên toàn Mặt trận Điện Biên Phủ, quân địch không còn tinh thần chiến đấu, vô cùng rối loạn, khắp khu trung tâm Mường Thanh đã xuất hiện binh lính địch vẫy cờ trắng ra hàng.
Trước thời cơ mới, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Chiến dịch (thông qua tất cả các mạng thông tin liên lạc đã triển khai) ra lệnh cho các đơn vị: Không cần chờ đến tối ngày 7/5 như đã dự định, chuyển ngay sang tổng công kích, thời cơ tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm giành thắng lợi hoàn toàn cho chiến dịch đã xuất hiện. Các phân đội thông tin liên lạc đã bám sát chỉ huy, kịp thời bảo đảm thông tin cho các đơn vị chủ lực thừa thắng tiến công các vị trí còn lại của địch. Một phân đội của Đại đoàn 312 vượt nhanh qua cầu Mường Thanh tiến thẳng vào hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm, bắt sống Tướng Đờ Cát-xtơ-ri và Bộ Tham mưu của địch vào lúc 17 giờ 30 phút ngày ngày 7/5/1954.
21 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, Ban Thông tin Chiến dịch đã nhận bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tư lệnh, kiêm Bí thư Đảng ủy Chiến dịch. Đội 101 thông qua hệ thống thông tin vô tuyến điện đã kịp thời chuyển bức điện báo cáo Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh: Quân ta đã đại thắng tại Điện Biên Phủ”.
Ngay sau chiến thắng, công tác hậu cần được tiến hành khẩn trương với nhiều nhiệm vụ mới. Trong cuốn “Chiến thắng Điện Biên Phủ: Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại”, NXB Khoa học xã hội (2014), ThS. Lương Thị Hồng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có đoạn:
“Ngày 7/5/1954, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Trong không khí vui mừng phấn khởi, các đơn vị bộ đội, dân công lần lượt hành quân về xuôi thì các đơn vị Thanh niên xung phong tiếp tục nhận nhiệm vụ mới: ở lại cùng một số đơn vị hậu cần quân đội thu dọn chiến trường”.
Còn trong cuốn “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến dịch Điện Biên Phủ”, NXB Quân đội nhân dân (2014), nhóm tác giả viết: “Sau khi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt, Trung đoàn công bình 151 cùng thanh niên xung phong, công nhân giao thông và dân công làm nhiệm vụ bảo đảm đường số 41 cho các đơn vị bộ đội rút quân và tiến về đồng bằng. Đang giữa mùa mưa lũ, đường số 41 vẫn lầy lún, sụt lở, việc bảo đảm cho hàng trăm xe, pháo và hàng vạn người di chuyển tấp nập kéo dài gần 2 tháng đầy khó khăn vất vả. Lực lượng dân công tuy đã rút nhiều, nhưng vẫn còn trên 10.000 người. Nhờ đó giao thông trên đường 41 không bị ngừng trệ. Sau chiến dịch, công binh còn quét mìn, dọn dây thép gai, bảo vệ các kho tàng, thu dọn chiến trường, biến cảnh lộn xộn, đổ nát chết chóc trở lại bình yên, đầy sức sống cho cánh đồng Mường Thanh”.
[1] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Tập 6, Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, kháng chiến kết thúc thắng lợi, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2016, tr.314.
[2] JEAN POUGET, Tướng Navarre với trận Điện Biên Phủ, Người dịch Lê Kim, Nxb Công an nhân dân phối hợp với Công ty Văn hóa Phương Nam phối hợp thực hiện, tr.521.
[3] Henri Navarre, Thời điểm của những sự thật, người dịch Nguyễn Huy Cầu, Nxb Công an nhân dân và Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Hà Nội, 1994, tr. 219.
[4] JEAN POUGET, Tướng Navarre với trận Điện Biên Phủ, Người dịch Lê Kim, Nxb Công an nhân dân phối hợp với Công ty Văn hóa Phương Nam phối hợp thực hiện, tr.522.
Nội dung: Thiếu tá, ThS Trần Quốc Dũng - Viện Lịch sử quân sự; Ngọc Bách Thu
Ảnh: TTXVN
Trình bày: BẢO MINH