Ngày 3/4/1954: Ta bàn giao lại trận địa ở sườn phía đông đồi A1, sử dụng lực lượng tiến công cứ điểm 105
4 giờ 30 phút ngày 3/4/1954, Trung đoàn 102 (Đại đoàn 308) được lệnh bàn giao lại trận địa ở sườn phía đông A1 cho Trung đoàn 174 (Đại đoàn 316), về tập kết tại rừng Mường Phăng để củng cố lực lượng.
Chiều ngày 3/4, Đại đoàn 312 sử dụng Trung đoàn 165 tiến công Cứ điểm 105 (Huguette 6) nằm không xa Cứ điểm 106 vừa bị tiêu diệt. Cuộc chiến đấu kéo dài tới sáng, ta chiếm được hai phần ba cứ điểm và chỉ tiêu diệt được một bộ phận địch.
Sau 5 ngày chiến đấu của Đợt 2, ta đã thu được thắng lợi quan trọng. Ở phía đông, ta đã chiếm được 4 ngọn đồi hiểm yếu, nhưng địch vẫn giữ được điểm cao A1. Ở phía Tây, ta chiếm thêm được các điểm cao 106, 311.
Phạm vi chiếm đóng của địch bị thu hẹp lại khá nhiều, lực lượng của chúng cũng bị tổn thất lớn, trong đó đã có thêm 3 tiểu đoàn thiện chiến của chúng bị tiêu diệt. Nhưng ta chưa hoàn thành được tất cả các mục tiêu đề ra, đặc biệt là chưa chiếm được A1 - một mục tiêu trọng yếu của đợt tiến công này.
Chiều 3/4, đồng chí Hoàng Văn Thái Tham mưu trưởng Mặt trận tổng hợp tình hình bốn ngày đêm chiến đấu liên tục trên đồi A1, báo cáo lại với Đảng ủy và Bộ Chỉ huy. Sau khi trao đổi ý kiến với tập thể lãnh đạo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy hạ lệnh cho các đơn vị “Tạm ngừng chiến đấu từ ngày 4/4. Giữ vững vị trí đã chiếm được ở đồi A1 để sau này tiếp tục tiến công khi có lệnh”.
Ta đề nghị với Pháp ngừng bắn một thời gian để hai bên cùng thu dung thương binh vì đã qua 24 giờ chưa ai được đưa ra khỏi Cứ điểm 106 (Huguette 7).
Về phía địch
Đơn vị cuối cùng của Tiểu đoàn 2, Trung đoàn dù thuộc địa số 1 nhảy xuống phân khu Trung tâm.
Chiến trường phối hợp
Đêm 3/4/1954, Bộ đội đặc công tỉnh Bình Định hoạt động trong thị xã Quy Nhơn tập kích vào "Trung Hoa hý viện", kết quả loại khỏi vòng chiến đấu hơn 200 tên.
Trong bài viết "Hội đồng cung cấp mặt trận - Sự sáng tạo về tổ chức bảo đảm hậu cần cho chiến dịch Điện Biên Phủ" (Kỷ yếu Hội thảo Khoa học “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và hiện thực (7/5/1954 - 7/5/2019)”, Đại tá, Thạc sĩ Ngô Nhật Dương có viết: Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra trên địa bàn xa hậu phương chiến lược. Trong chiến dịch, nhờ có “Hội đồng cung cấp mặt trận” đã huy động được một nguồn dân công, phương tiện, lương thực, thực phẩm... lớn từ đồng bào các dân tộc Tây Bắc mà không phải vận chuyển từ xa tới.
Cụ thể: Huyện Tuần Giáo do có nhiều khó khăn, lúc đầu “Hội đồng cung cấp mặt trận” dự kiến không huy động, nhưng đồng bào vẫn đóng góp 1.270 tấn gạo, 300 tấn thịt và 100 tấn rau; bình quân mỗi người dân đã góp cho chiến dịch 116kg gạo. Huyện Điện Biên đã có 3.000 người xung phong đi dân công, đóng góp 64.670 ngày công, cung cấp cho chiến dịch 55 tấn gạo, 36 tấn thịt.
Huyện Mường Tè, có nhiều dân tộc ít người, song cũng đóng góp được 76 tấn gạo, 2.700 ngày công và 43 ngựa thồ, 14 thuyền mảng phục vụ chiến dịch. Nhân dân tỉnh Lai Châu đã đóng góp cho chiến dịch 2.666 tấn gạo, 226 tấn thịt, 210 tấn rau xanh, 16.972 dân công được huy động với số ngày công là 517.210 ngày, 348 ngựa thồ, 58 thuyền mảng, 25.070 cây gỗ để chống lầy, làm đường cho xe pháo và bộ đội vượt qua.
Tỉnh Sơn La trong 5 đợt huy động, đồng bào đã đóng góp 3.607,728 tấn gạo; 130,165 tấn thịt lợn; 14,228 tấn thịt trâu, bò; 2,976kg mỡ; 13,730 tấn rau; 21.678 dân công được huy động với số ngày công là 1.075.755 ngày và còn đóng góp nhiều lừa, ngựa thồ, thuyền mảng, các vật liệu làm đường, chống lầy, dựng cầu vượt qua sông, suối.
Số gạo nhân dân Sơn La, Lai Châu đóng góp chiếm khoảng 27% lượng gạo phải huy động và gần 50% gạo sử dụng tại chiến dịch. Tính chung trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng bào Tây Bắc đã tiếp tế vượt mức huy động 1.311,389 tấn thịt (bằng 2.100 con trâu hoặc 13.000 con lợn) và 800 tấn rau tươi.
Ngày xuất bản: 3/4/2024
Nội dung: Thiếu tá, ThS Trần Quốc Dũng - Viện Lịch sử quân sự; Ngọc Toản Thu
Trình bày: ANH NGỌC
Ảnh: TTXVN