Ngày 23/3/1954
Quân và dân đồng bằng Bắc Bộ phối hợp chiến trường
Điện Biên Phủ
Cùng thời gian bộ đội ta tiếp tục xây dựng trận địa chiến hào, quân địch cũng ráo riết tranh thủ củng cố lại hệ thống trận địa phòng ngự, đặt thêm vật cản, đào thêm nhiều hầm hào và xây dựng thêm một số điểm tựa mới trên hướng đông-bắc của tập đoàn cứ điểm.
Trong bản Huấn thị số 44/CAB, ngày 23/3/1954, Cônhi chỉ thị cho Đờ Cát-xtơ-ri phải gấp rút chuẩn bị tiến hành một cuộc chiến đấu trong những hầm hào và gợi ý nên mở rộng khu vực phòng thủ phía đông, chuyển trọng điểm của trận địa trung tâm sang bên bờ phía đông sông Nậm Rốm trước mùa mưa lũ. Để củng cố lại lực lượng của binh đoàn tác chiến Tây Bắc (GONO), trong thời gian này, ngoài hai tiểu dù hoàn chỉnh, Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Bắc Bộ còn đưa lên Điện Biên Phủ một số sĩ quan và binh lính bổ sung cho các đơn vị bị tổn thất, số pháo địch bị ta bắn hỏng cũng đã được chúng thay thế, đạn dược được bổ sung đầy đủ. Việc bảo đảm cung cấp tiếp tế cho quân đồn trú được tăng cường.
Tại Mỹ, trong buổi tiếp Ely, Ngoại trưởng Dulles cũng nói rằng, ông không thấy có lý do nào để từ bỏ kế hoạch Nava, một kế hoạch đang dự báo thành công và thậm chí là thắng lợi cho chiến dịch tiếp theo, hay nói cách khác là cho cả năm sau nữa. Tuy nhiên, điều Ely cần truyền đạt cho tướng tá và chính khách Mỹ là không nên có thái độ lạc quan như hiện tại, rằng thực tế ở Điện Biên Phủ đang diễn biến xấu. Đến lúc này thì bộ máy chính phủ và chính quyền Mỹ mới tỉnh ra: Nước Pháp đang đứng trước một tình thế là phải chuẩn bị để bước vào thương lượng với những điều kiện xấu nhất nếu như không có sự giúp đỡ ồ ạt của Mỹ. Lúc này các nhà lãnh đạo Mỹ mới thấy rõ là họ phải đưa nước Mỹ cam kết sâu hơn vào cuộc chiến.
Trên thực tế để giúp Pháp thực hiện kế hoạch Nava, viện trợ Mỹ đã tăng từ 269 tỷ lên 420 tỷ phơ-răng, chiếm 75% chi phí chiến tranh ở Đông Dương. Tổng thống Mỹ Eishenhower đã chỉ thị thành lập Ủy ban đặc biệt, gồm Thứ trưởng Quốc phòng, các thành viên Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, và Giám đốc CIA để nghiên cứu những biện pháp mới nhằm yểm hộ cho kế hoạch Nava... Nhưng lúc này Mỹ vừa ra khỏi chiến tranh Triều Tiên nên thấy cần cân nhắc đối với một cuộc phiêu lưu mới ở Đông Dương nếu chưa có chuẩn bị. Do đó, sau khi Ely quay về Paris thì Mỹ thay đổi thái độ.
Trên chiến trường phối hợp
Sau một loạt chiến công của quân và dân đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là chiến công của quân và dân Đường số 5, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi “Điện khen các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích trên Đường số 5”.
Điện khen đã nêu lại thành tích chiến đấu của quân và dân Đường 5 từ tháng 1, tháng 2/1954; đặc biệt, một cuộc tiến công mạnh trong tháng 3 vào hệ thống phòng thủ của địch ở Đường số 5, tiêu diệt nhiều vị trí và tháp canh, tiêu diệt nhiều đội quân tiếp viện của địch, đặc biệt đã phá hủy nhiều cầu cống và nhiều đoạn đường sắt, mấy lần cắt đứt con đường chiến lược quan trọng bậc nhất của địch ở chiến trường Bắc Bộ.
Chiến thắng Đường số 5 đánh vào đường giao thông huyết mạch của địch, đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, thu quét bộ đội cơ động của chúng, nhất là đã làm gián đoạn sự vận chuyển bom đạn của Mỹ từ Hải Phòng lên Hà Nội và đi các mặt trận. Việc đó đã có tác dụng phối hợp chặt chẽ với cuộc chiến đấu của quân ta ở Điện Biên Phủ và ở các chiến trường khác.
Cùng với chiến thắng trong trận tập kích vào sân bay Gia Lâm và sân bay Cát Bi, các trận chiến thắng trên Đường số 5 đã nêu cao tinh thần bất khuất của quân và dân ta trong vùng sau lưng địch, đồng thời đã chứng tỏ sự thất bại của địch trong âm mưu “bình định” vùng địch hậu ở đồng bằng Bắc Bộ.
Mặc dầu quy mô và trình độ chiến thuật, kỹ thuật có khác nhau, tinh thần chiến đấu anh dũng của các đồng chí không kém tinh thần quyết chiến quyết thắng của cán bộ và chiến sĩ ta trên Mặt trận Điện Biên Phủ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp mong muốn các đơn vị, các đồng chí đang chiến đấu trên mặt trận đường 5 tiếp tục ra sức củng cố và khuếch trương thắng lợi, đẩy mạnh chiến tranh du kích, tích cực giúp dân chống giặc, đề phòng chủ quan khinh địch, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cuộc vây hãm địch của quân ta ở Điện Biên Phủ.
Để chăm sóc cho bộ đội, thương bệnh binh, công tác hậu cần được đặt lên hàng đầu. Nhà văn Hữu Mai ghi lại hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuốn “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, NXB Quân đội nhân dân (2000): Muốn cải thiện đời sống của bộ đội ở chiến hào còn phải giải quyết nhu cầu về thực phẩm và nhu yếu phẩm. Những vấn đề này không thể chỉ trông nhờ vào Hội đồng Cung cấp mặt trận và Hậu cần chiến lược, chiến dịch vốn đã "quá tải". Hậu cần đại đoàn tổ chức chuyên chở bằng xe đạp thồ từ hậu cứ của đơn vị ở trung du, đồng bằng lên mặt trận thịt, rau muối, đường sữa, thuốc lào, thuốc lá,… thồ từ hậu cứ của đơn vị ở trung du, đồng bằng, lên mặt trận thịt muối, rau muối, đường sữa, thuốc lào, thuốc lá...
Hậu cần trung đoàn tổ chức các đội tiếp tế đi sâu vào các bản trên rẻo cao khai thác rau, nhất là rau cải của đồng bào Mèo thường trồng xen kẽ với cây anh túc. Bộ đội vào rừng đào củ mài, tìm kiếm rau rừng ở ven suối. Cán bộ trung đoàn, tiểu đoàn được phép ký giấy biên nhận mua trâu của đồng bào, bộ đội sẽ thanh toán sau chiến dịch.
Một cuộc vận động "Ba tốt" (ăn tốt, ngủ tốt, đánh tốt) được triển khai trên toàn mặt trận. Cán bộ chính trị, quân y tới những nơi sinh hoạt bộ đội gặp khó khăn nhất, nghiên cứu tạo mọi điều kiện ăn, ở, giải trí sao cho bộ đội giữ gìn được sức khỏe, sinh hoạt thoải mái bảo đảm chiến đấu lâu dài. Hầm hào đã được mở rộng, củng cố hạn chế sự đe dọa của bom đạn. Những "đường phố" sạch xuất hiện tại trận địa. Mỗi "căn nhà" hầm của tổ ba người có hai "giường" bằng đất, căng vải dù, nằm ngồi thoải mái.
… Tại các đội điều trị, dù chiến lợi phẩm được đưa tới làm chăn đắp cho thương binh. Khi vào hầm mổ, có cảm giác như vào một bệnh viện hiện đại. Tường rất phẳng, góc rất vuông căng vải trắng tinh. Sàn hầm lát bằng những thân cây sậy phủ một lớp vải dù. Không khí dịu mát, phảng phất mùi ête thơm thơm. Những bác sĩ phẫu thuật áo choàng trắng toát, làm việc dưới ánh sáng "đèn điện" mà máy phát là một bình điện xe đạp quay bằng tay.
Ngày xuất bản: 23/3/2024
Nội dung: ThS NGUYỄN THỊ THẢO - Viện Lịch sử quân sự, MAI THU NGỌC
Trình bày: HÙNG HIẾU
Ảnh: TTXVN, Báo Nhân Dân, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ