Ngày 12/4/1954:

Ngày 12/4/1954, Bộ đội ta tiếp tục đào vây lấn, uy hiếp các cứ điểm 105 và 106 của địch. Lúc 11 giờ 40 phút cùng ngày, chiếc máy bay thứ 50 của quân Pháp bị ta bắn rơi tại Điện Biên Phủ. Đó là pháo đài bay ném bom 4 động cơ B.24 (Privateer), với tổ bay 9 người, lần đầu bị hạ trên chiến trường Việt Nam; bom nằm trong khoang địch chưa kịp thả; số bom này đã cung cấp cho bộ đội công binh thuốc nổ để ta đặt trong đường hầm A1 vào đầu tháng 5.

15 giờ chiều cùng ngày, một máy bay B.26 thả bom trúng vị trí quân Pháp ở cứ điểm Épecvier, ngay gần Sở Chỉ huy của Đờ Cát-xtơ-ri, làm nổ tung một kho đạn và chết nhiều binh lính. Nguyên nhân là do lưới lửa phòng không cao xạ của ta đang kiểm soát chặt chẽ bầu trời Điện Biên Phủ gây khó khăn cho những viên phi công Pháp, cùng với những chiến hào đang ngày càng tiến sát địch khiến vị trí đôi bên quá gần nhau, gây khó khăn cho phi công Pháp trong việc cắt bom và tiếp tế.

Pháo của ta bắn vào trận địa địch

Pháo của ta bắn vào trận địa địch

Để tránh lưới lửa phòng không của quân ta, thực dân Pháp phải chuyển sang thả dù lương thực, đạn dược ban đêm.

Có đêm Tập đoàn cứ điểm nhận được hơn 200 tấn đồ tiếp tế. Tình hình lương thực của tập đoàn cứ điểm được cải thiện chút ít; làm theo cách này những chiếc máy bay vận tải cũng được an toàn hơn, nhưng việc thu lượm dù vẫn phải tiến hành ban ngày.

Dẫu vậy, địch vẫn vấp phải những khó khăn mới, bởi Bộ Chỉ huy chiến dịch tiếp tục chủ trương cho các đơn vị tổ chức đoạt dù, chặn đường tiếp tế của địch để khoét sâu thêm khó khăn của địch, kịp thời bồi dưỡng lực lượng ta.

Thực hiện chủ trương nêu trên, tất cả các đại đoàn đặt ra kế hoạch đoạt dù địch rất hào hứng sôi nổi. Các đơn vị đã đề ra phương châm thực hiện như sau:

+ Lấy loại rơi gần địch trước, loại xa địch sau.
+ Đoạt dù đạn trước, thực phẩm sau.
+ Không lấy được thì phá hủy không cho địch lấy.

Cán bộ, chiến sĩ ta đã làm ca dao về việc này. Một trong những bài thơ, ca dao ấy viết:

“Gió đưa dù tỏa khắp đồng
Bay đến trận địa vào vòng quân ta.
Dù xanh, dù trắng, dù hoa
Toàn là vũ khí, toàn là “xăng xanh" (đạn 105)
Bộ binh lấy cho pháo binh
Đạn đây, anh bắn cho tinh tôi nhờ.
Bắn cho tướng giặc “họ Đờ” (Đờ Cátxtơri)
Chắp tay mà lạy bấy giờ mới tha...”

Trước những tình cảnh “khốn đốn” tại Điện Biên Phủ, Nava đã nghiên cứu các kế hoạch “giải vây” trên bộ.

Một trong số đó là thả một số tiểu đoàn dù vào phía sau lưng các lực lượng bao vây của Việt Minh, nhưng hoàn toàn không thể làm được, do địa hình không cho phép nhảy dù ở một cự ly thích hợp.

Bên cạnh đó, sự thiếu thốn của các đơn vị máy bay vận tải cũng không cho phép quân Pháp thả dù trong điều kiện có hiệu quả. Nếu Pháp sử dụng vài tiểu đoàn dù đang có thì chắc chắn chúng sẽ bị tiêu diệt mà không đạt được kết quả gì.

Phó Tổng thống Mỹ Nixon và Tướng Cogny (Cô-nhi) đến Tây Nam Ninh Bình động viên quân Pháp tháng 11/1953

Phó Tổng thống Mỹ Nixon và Tướng Cogny (Cô-nhi) đến Tây Nam Ninh Bình động viên quân Pháp tháng 11/1953

Sau đó, Nava tính tới giải pháp giải vây bằng đường bộ. Một cuộc hành quân giải vây Điện Biên Phủ hoặc từ Bắc Lào hoặc từ vùng châu thổ Bắc Bộ được dự kiến. Cuộc hành quân đó có mật danh “Condor” (thậm chí đã được khởi thảo trước ở Lào từ tháng 12/1953). Nội dung gồm: chuyển lực lượng của Pháp từ Nậm U Thượng đến vùng Na Son (cách Điện Biên Phủ 25km), nơi có nhiều vùng đất có thể thả dù được. Ở đây, lực lượng có sẵn sẽ được tăng cường một lực lượng nhảy dù quan trọng và tiến về Điện Biên Phủ để phá vỡ vòng vây. Cuộc hành quân dù có nhiều khó khăn, chủ yếu do địa hình phức tạp giữa Na Son và Điện Biên Phủ nhưng Nava nhận định “hoàn toàn khả thi”.

Để cuộc hành quân có hiệu quả, phải cần từ 15 đến 20 tiểu đoàn và vẫn phải bảo đảm việc tiếp tế đều đặn cho Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, trong khi phương tiện không quân của Pháp chỉ có thể hỗ trợ tối đa cho 7 tiểu đoàn.

Cônhi cho rằng: Lực lượng như vậy không đủ để thực hiện một cuộc giải vây cho Điện Biên Phủ, Pháp cần phải buộc Việt Minh rút một phần lực lượng bao vây và làm giảm sức ép tại mặt trận. Kế hoạch ban đầu dự kiến trong khoảng 10 ngày sẽ có một cuộc hành quân với sự tham gia của 4 tiểu đoàn xuất phát từ vùng Nậm U Thượng phối hợp cùng 3 tiểu đoàn khác nhảy dù xuống vùng phụ cận Điện Biên. Nhưng ngày 12 tháng 4, tướng Cônhi yêu cầu hoãn lại cuộc hành quân này vì phải ưu tiên tiếp tế cho Tập đoàn cứ điểm.

Bộ chỉ huy chiến dịch dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang bàn kế hoạch tác chiến cho từng trận đánh

Bộ chỉ huy chiến dịch dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang bàn kế hoạch tác chiến cho từng trận đánh

Ngày 12/4/1954, Tổng Quân ủy ra Chỉ thị số 26-TQU/H gửi các Khu ủy, Chính ủy Bộ Tư lệnh Liên khu và Đảng ủy các đơn vị về việc phổ biến chính sách của Chính phủ đối với ngụy binh và nhân viên ngụy quyền bỏ hàng ngũ giặc trở về với Tổ quốc.

Theo kết quả của hiên họp Hội đồng chính phủ (15-16/3/1954), Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ban bố một chính sách quan trọng đối với ngụy binh và nhân viên ngụy quyền bỏ hàng ngũ địch trở về với Tổ quốc. Chính sách mới này đã biểu lộ lượng khoan hồng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đối với những người lầm đường theo giặc muốn trở về với Tổ quốc. Chỉ thị nêu bật: Việc ban bố chính sách mới này rất hợp thời và có tác dụng rất lớn, tạo cho ta nhiều điều kiện để tranh thủ số đông binh lính ngụy và nhân viên ngụy quyền ngả về với ta, phát triển phong trào phản chiến cá nhân và tập thể.

Chỉ thị yêu cầu: 1) Cần phổ biến rộng rãi chính sách trong Đảng, trong nhân dân, trong bộ đội; 2) Cần phổ biến thật đầy đủ, rộng rãi chính sách trong hàng ngũ binh lính ngụy và nhân viên ngụy quyền của địch, đập tan âm mưu dùng người Việt đánh người Việt của thực dân Pháp.

Nội dung: ThS Nguyễn Ngọc Toán – Viện Lịch sử quân sự, Ngọc Bách
Trình bày: Bảo Minh
Ảnh: TTXVN, Nhân Dân

56 ngày đêm của Chiến dịch

ĐIỆN BIÊN PHỦ

13/3

Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn

14/3

Địch tăng cường cho Điện Biên Phủ, ta tiến công cứ điểm Đồi Độc Lập

15/3

Ta chiếm lĩnh cụm cứ điểm Độc Lập

16/3

Pháp nhận ra những nhược điểm khó khắc phục của “con nhím Điện Biên Phủ”

17/3

Bức hàng cụm cứ điểm Bản Kéo

18/3

Tiến hành xây dựng trận địa tiến công, đào chiến hào chuẩn bị cho Đợt 2 Chiến dịch Điện Biên Phủ

19/3

Đờ Cát-xtơ-ri thông báo việc mất Điện Biên Phủ là khó tránh khỏi

20/3

Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư động viên bộ đội xây dựng trận địa

21/3

Các đại đoàn tiếp tục cho bộ đội đào hào giao thông, chuẩn bị xây dựng trận địa tiến công

22/3

Mỗi mét chiến hào được đổi bằng mồ hôi và máu của chiến sĩ Điện Biên

23/3

Quân và dân đồng bằng bắc bộ phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ

24/3

Các sĩ quan chỉ huy không quân Pháp hoang mang tột độ

25/3

Bộ Chỉ huy Chiến dịch đề ra nhiệm vụ cho đợt tiến công thứ hai

26/3

Đẩy lùi được các cuộc tiến công bịt hào của địch

27/3

Sân bay Mường Thanh hoàn toàn bị tê liệt

28/3

Bộ Tổng Tư lệnh ra mệnh lệnh gửi các Đại đoàn 312, 316, 308, 304, 351

29/3

Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư động viên cán bộ, đảng viên và toàn thể chiến sĩ chuẩn bị bước vào chiến đấu đợt 2

30/3

Đợt tiến công thứ hai vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu

31/3

Các đơn vị khẩn trương tổ chức trận địa phòng ngự, chuẩn bị đánh địch phản kích ban ngày

01/4

Bộ đội ta giành giật với địch từng tấc đất trên đồi A1, tiêu diệt cứ điểm 106

02/4

Ta gọi hàng cứ điểm 311, địch mở nhiều đợt phản kích chiếm đồi A1

03/4

Ta bàn giao lại trận địa ở sườn phía đông đồi A1, sử dụng lực lượng tiến công cứ điểm 105

04/04

Các đơn vị tạm dừng chiến đấu, củng cố trận địa

05/04

De Castries gửi điện yêu cầu Cogny tăng viện gấp cho Điện Biên Phủ

06/04

Bộ Chỉ huy Chiến dịch triệu tập cán bộ dự hội nghị sơ kết đợt 2

07/04

Tư lệnh Không quân Mỹ khu vực Thái Bình Dương đề nghị gặp Navarre để bàn cụ thể kế hoạch ném bom xuống Điện Biên Phủ

08/04

Bộ Chỉ huy Chiến dịch hạ quyết tâm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đã đề ra cho đợt 2; Pháp đề xuất gây mưa nhân tạo để chặn đường tiếp tế hậu cần của ta

09/04

Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 liên tiếp bẻ gãy ba đợt xung phong của địch tại đồi C1

10/04

Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 liên tiếp bẻ gãy ba đợt xung phong của địch tại đồi C1

11/04

Đồi C1 bị chia làm đôi, ta và địch mỗi bên chiếm một nửa

12/04

Máy bay Pháp bị bắn rơi đã “cung cấp” thêm thuốc nổ để bộ đội ta đặt trong hầm A1

13/04

Bộ Tổng Tham mưu ra các chỉ thị xây dựng công sự phòng ngự, đánh lấn và huấn luyện tân binh

14/04

Chiến hào của bộ đội ta nhích dần đến gần phân khu trung tâm

15/04

Trung đoàn 141 chạm trán với lực lượng Pháp đi giải tỏa và tiếp tế cho Cứ điểm 105 (Huguette 6)