Ngày 11/4/1954:
Đồi C1 bị chia làm đôi,
ta và địch mỗi bên chiếm một nửa
Cuộc phản kích của địch chiếm Đồi C1 bước sang ngày thứ ba. 2 giờ sáng 11/4/1954, trên mỏm cao Cột Cờ ở cứ điểm Đồi C1 không còn đường hào, công sự nào nguyên vẹn. Cả ta và địch đều dồn mọi nỗ lực vào việc củng cố chỗ đứng chân trên quả đồi đã bị bom đạn hủy diệt toàn bộ công sự chiến đấu cũng như chỗ ẩn náu.
Bộ đội ta phải lui về tuyến cũ tổ chức phòng ngự.
Trung đoàn 98 làm nhiệm vụ phòng ngự tại C1 cũng được tăng cường Tiểu đoàn 888 Trung đoàn 176. Đến chiều ngày 11/4, Đại đội 811 Tiểu đoàn 888, được đưa ra phòng ngự tại C1 thay cho các đơn vị đã chiến đấu suốt hai ngày rút về phía sau. Từ đây, Đại đội 811 Tiểu đoàn 888 đảm nhiệm phòng ngự tại Đồi C1 20 ngày liền cho tới lúc ta hoàn toàn tiêu diệt cứ điểm này.
Quân Pháp cũng phải đưa đại đội thứ ba của tiểu đoàn lê dương dù 2 vừa chấn ướt chân ráo tới Mường Thanh, thay thế cho lực lượng chiến đấu suốt đêm 10 rạng ngày 11/4/1954 đã quá rệu rã.
Trong ảnh: Các chiến sĩ xung kích của ta đang tấn công 1 vị trí của địch trên khu đồi C. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Đến đêm 11/4/1954, ta tiếp tục phản kích nhưng vẫn không chiếm được khu vực Cột Cờ.
Đồi C1 bị chia làm đôi, ta và địch mỗi bên chiếm một nửa đồi. Ta và địch đã quá hiểu nhau, chấp nhận tạm thời giữ nguyên trạng; thỉnh thoảng có những trái lựu đạn, những loạt liên thanh qua lại, những luồng súng phun lửa, những cuộc đột kích chớp nhoáng diễn ra.
Trong ảnh: Cuộc chiến đấu ác liệt đang diễn ra trên khu vực Đồi C. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Cùng ngày, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam gửi Thư cho cán bộ và chiến sĩ Trung đoàn 9, Đại đoàn 304 đang tham gia tiễu phỉ trên địa bàn miền núi phía bắc.
Đại tướng gửi lời khen ngợi đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn và thông báo một trong những âm mưu của địch là đánh phá đường vận tải, gây khó khăn cho ta trong quá trình cung cấp, tiếp tế, chi viện, nhất là khi mùa mưa đang đến gần. Đồng chí Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 9 phải giữ vững được tuyến vận tải, bảo đảm đường sá thông suốt, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch.
Trong ảnh: Quang cảnh chung buổi lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát biểu ý kiến và tuyên dương các đơn vị và cá nhân có nhiều thành tích trong chiến đấu. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Ngày 11/4/1954
Trong bài viết “Vận tải thô sơ, nét độc đáo trong chiến dịch Điện Biên Phủ”, (Kỷ yếu Hội thảo Khoa học “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và hiện thực (7/5/1954 - 7/5/2019), Thượng tá, ThS Nguyễn Văn Điền, Phó trưởng phòng Quản lý khoa học, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam; Trung tá, ThS Hồ Nhật Vũ, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam đã mô tả lại công việc của những lực lượng dân công, thanh niên xung phong:
Đoàn xe đạp thồ trên đường vào chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Đoàn xe đạp thồ trên đường vào chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
"Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn do thời tiết khắc nghiệt và do địch ngăn chặn, nhưng từng đoàn xe đạp thồ, ngựa thồ, từng đoàn thuyền lớn nhỏ của ta vẫn dũng cảm vượt bom đạn tiến về Điện Biên Phủ. Hàng chục vạn chị em dân công, thanh niên xung phong không quản hy sinh, ngày đêm băng rừng, lội suối lấy sức mình vận chuyển lương thực, đạn dược ra mặt trận tiếp tế cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đoàn dân công xe thồ phục vụ tiền tuyến. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Đoàn dân công xe thồ phục vụ tiền tuyến. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Phát huy sức mạnh của vận tải thô sơ cùng với vận tải của xe cơ giới đến đầu tháng 3 năm 1954, trên 95% nhu cầu vật chất theo kế hoạch tác chiến đã được đưa đến khu vực tập kết của chiến dịch. Theo các con đường Khâu Hu, Bản Tấu cho Đại đoàn 308 ở phía tây, đường 43 vào Nà Lợi cho Đại đoàn 312 ở phía tây bắc, theo các con đường kéo pháo cung cấp cho Đại đoàn 316 và các đơn vị khác ở phía Đông… lương thực thực phẩm, vũ khí đạn dược đã được đưa đến các kho hậu cần đại đoàn và trung đoàn, tạo điều kiện cho các đơn vị chiến đấu nổ súng theo đúng kế hoạch, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của chiến dịch.
Nhân dân các thị trấn ở Thanh Hóa tiến đưa các đoàn dân công xe đạp thồ lên đường phục vụ tiền tuyến năm 1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Nhân dân các thị trấn ở Thanh Hóa tiến đưa các đoàn dân công xe đạp thồ lên đường phục vụ tiền tuyến năm 1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
… Đến ngày 30/4/1954, khối lượng hàng vận tải trên mặt trận theo kế hoạch tác chiến đợt 2 đã vượt chỉ tiêu 8%; đồng thời, bảo đảm đủ và vượt chỉ tiêu 3% nhu cầu vật chất của bộ đội trong đợt tác chiến thứ ba. Hàng từ hậu phương chuyển lên nhiều, khẩu phần ăn của bộ đội được cải thiện hơn trước.
Ngày xuất bản: 11/4/2024
Nội dung: Đại úy, ThS NGUYỄN NGỌC TOÁN, Viện Lịch sử quân sự.
Ảnh: TTXVN, Báo Nhân Dân
Trình bày: VŨ HẢI