Ngày 18/3/1954:
Tiến hành xây dựng trận địa tiến công, đào chiến hào
chuẩn bị cho Đợt 2
Chiến dịch Điện Biên Phủ

Để chuẩn bị cho một giai đoạn tiến công mới, từ trên các triền núi cao, các chiến hào của Quân đội nhân dân Việt Nam cùng lúc phát triển khắp nơi trên cánh đồng Mường Thanh. So với trước ngày mở màn chiến dịch, việc xây dựng trận địa lần này to lớn và khó khăn gấp bội. 

Theo đó, buổi sáng là giờ ngủ. Khoảng cách sau bữa cơm trưa với bữa cơm chiều là thời gian chuẩn bị vật liệu xây dựng trận địa, lên rừng đốn gỗ, chặt lá ngụy trang. Sau bữa cơm chiều, bộ đội ta từ nơi trú quân tiến ra cánh đồng. Suốt đêm là thời gian đào trận địa. 

Bộ đội phải lao động cật lực từ 14 tới 18 tiếng mỗi ngày. Những đêm giá rét, đào trận địa mồ hôi vẫn tuôn chảy. Gặp những chỗ đất rắn hay nhiều sỏi đá, bàn tay các chiến sĩ phồng rộp, rớm máu. Nhưng khổ nhất vẫn là khi gặp ruộng lầy. Mọi người phải ngụp trong bể bùn, dùng tay, dùng xẻng, mũ sắt, có lúc dùng cả áo mưa để đựng bùn đổ đi. Sau đó, lại phải đóng cọc, chèn phên hai bên thành hào phòng sụt lở. Những đêm mưa, ở nơi đất trũng, nước đổ vào đường hào, mọi người bì bõm giữa bùn nước. Nước mưa chảy tràn trên mặt, nhưng vẫn không ai ngừng tay.

Các đơn vị tham gia chiến dịch nghiên cứu các vị trí đánh địch trên sa bàn trước khi vào chiến dịch. (Ảnh: TTXVN)

Các đơn vị tham gia chiến dịch nghiên cứu các vị trí đánh địch trên sa bàn trước khi vào chiến dịch. (Ảnh: TTXVN)

Khi đường hào đã kéo dài hàng chục kilômét trên cánh đồng thì không còn cách nào ngụy trang để che mắt quân địch, mỗi tấc đất chiến hào bắt đầu phải trả bằng máu. Pháo địch bắn suốt đêm vào những đường hào mà chúng đã phát hiện ban ngày. Máy bay liên tiếp thả đèn dù phát hiện những mục tiêu mới cho những trận oanh tạc. Địch đưa quân ra những trận địa ở gần, đánh bật bộ phận canh gác, san lấp những đoạn hào, gài mìn ngăn bộ đội ta đào tiếp.

Hệ thống trận địa tiến công và bao vây bao gồm những đường hào giao thông trục chạy chung quanh phân khu Mường Thanh, cắt đứt phân khu trung tâm và phân khu nam, nhiều tuyến hào giao thông có công sự chiến đấu tỏa ra từ các triền núi chung quanh tiến sát trận địa của địch, nhiều tuyến hào giao thông ngang để tăng cường khả năng liên lạc; ở những vị trí nhất định lại phải xây dựng các công sự cho hỏa lực, xây dựng hầm đạn, hầm ngủ, hầm cứu thương, v.v…

Nhiệm vụ xây dựng trận địa tiến công và bao vây được quy định như sau (Trích mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh):

Đại đoàn 308, xây dựng đường giao thông hào trục từ nam vị trí đồi Độc Lập qua Bản Kéo, Pe Nội, Nậm Bó, Bản Mé, Bản Cò Mỵ tới suối Nậm Rốm và đường giao thông hào trục từ Pe Nội vào vị trí tập kết của bộ đội phía tây Mường Thanh. Làm trận địa tiến công để chuẩn bị công kích vị trí 106.

Đại đoàn 312, xây dựng đường giao thông hào trục từ nam vị trí đồi Độc Lập nối liền với đường trục của Đại đoàn 308 qua Him Lam, Long Bua nối liền với đường trục của Đại đoàn 316. Làm trận địa tiến công, chuẩn bị công kích các vị trí D, E và 105.

Đại đoàn 316, xây dựng giao thông hào trục từ Long Bua nối liền với giao thông hào trục của Đại đoàn 312 qua Bản Bánh, Bản Ten tới suối Nậm Rốm ngang Bản Cò Mỵ, nối liền với giao thông hào trục của Đại đoàn 308, làm trận địa tiến công các vị trí A và C.

Quân đội nhân dân Việt Nam đào hệ thống giao thông hào "vây lấn" trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu

Quân đội nhân dân Việt Nam đào hệ thống giao thông hào "vây lấn" trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu

Về phía thực dân Pháp:

Lực lượng Không quân Pháp bối rối trước hoạt động khống chế sân bay và kiềm chế không quân của pháo binh, pháo cao xạ. Lô-danh, Tư lệnh Không quân Pháp ở Đông Dương báo cáo với Nava việc tiếp tế bằng đường không từ 4.000 tấn đã tăng lên tới 10.000 tấn. Dù thả xuống Điện Biên Phủ không có cách gì lấy lại, Nava phải tính đến chuyện cầu cứu Mỹ, đặt mua vải dù, phụ tùng từ Nhật Bản và Philippines để may. Lô-danh cũng chỉ thị cho phi công lái máy bay Dakota phải thả dù ở độ cao 2.000-3.000m để tránh đạn cao xạ của ta, đồng thời chỉ thị nghiên cứu các thả dù mở chậm.

Item 1 of 3

Ngày 7/5/1954, toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" đang phấp phới bay trên nóc hầm tên bại tướng thực dân pháp Đờ-cát.

Ngày 7/5/1954, toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" đang phấp phới bay trên nóc hầm tên bại tướng thực dân pháp Đờ-cát.

Toàn bộ bộ chỉ huy địch ở Điện Biên Phủ đi đầu là tên tướng Đờ Cát-tơ-ri ra hàng. Ảnh: TTXVN

Toàn bộ bộ chỉ huy địch ở Điện Biên Phủ đi đầu là tên tướng Đờ Cát-tơ-ri ra hàng. Ảnh: TTXVN

Quang cảnh tập đoàn cứ điểm ở Điện Biên Phủ của giặc Pháp bị quân ta tiêu diệt. Ảnh: TTXVN

Quang cảnh tập đoàn cứ điểm ở Điện Biên Phủ của giặc Pháp bị quân ta tiêu diệt. Ảnh: TTXVN

Ngày xuất bản: 18/03/2024
Nội dung: ThS NGUYỄN NGỌC TOÁN – Viện Lịch sử quân sự, MAI THU NGỌC
Trình bày: VŨ ANH TUẤN
Ảnh: TTXVN