Ngày 25/3/1954:
Bộ Chỉ huy Chiến dịch đề ra nhiệm vụ cho đợt tiến công thứ 2
Với mục đích đánh chiếm các điểm cao phía đông, uy hiếp quân địch ở Mường Thanh, tiêu diệt bộ phận sinh lực địch để chuẩn bị cho kế hoạch tổng công kích, Hội nghị cán bộ được triệu tập để thảo luận và quán triệt kế hoạch tác chiến đợt 2.
Hội nghị nhận định: Sau những chiến thắng đầu tiên, các đơn vị tham chiến đã chấn chỉnh xong lực lượng. Gần 100km giao thông hào đã được đào và xây đắp đúng tiêu chuẩn. Nhờ công trình đó mà hiện nay ta đã có điều kiện hạn chế viện binh của địch, làm khó khăn sự tiếp tế của chúng, nhất là phát huy được tất cả các cỡ hỏa lực từ súng cối trở lên để uy hiếp tung thâm của địch. Một thành công của việc xây dựng trận địa là đã làm cho các cuộc oanh tạc dữ dội của địch gần như bị vô hiệu. Nhưng thành công lớn hơn nữa là trận địa đã thực hiện được việc thắt chặt vòng vây và tạo điều kiện để tiếp cận và tiến công quân địch.
Về phía địch, qua đợt đầu bị ta tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng, nhưng do được nhanh chóng bổ sung nên quân số còn đông, hỏa lực phi pháo còn mạnh. Trong hệ thống phòng ngự của tập đoàn cứ điểm hiện nay, phân khu Trung tâm là nơi phòng ngự chủ yếu. Điểm mạnh của phân khu này là những điểm cao phía đông. Nếu ta tiêu diệt được những điểm cao lợi hại này thì phân khu Trung tâm sẽ không đủ sức chống đỡ và tập đoàn cứ điểm sẽ bị uy hiếp nghiêm trọng.
Căn cứ vào những nhiệm vụ này, Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã ra nhiệm vụ cho đợt tiến công thứ 2: Đánh chiếm các điểm cao phòng ngự phía đông của phân khu Trung tâm, biến những điểm cao đó thành trận địa của ta, uy hiếp quân địch tại Mường Thanh, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, trong đó có một số đơn vị cơ động, tạo đầy đủ điều kiện để chuyển sang tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Nhiệm vụ cụ thể của các đơn vị được phân công như sau:
- Đại đoàn 312 được phối thuộc hai đại đội sơn pháo 75mm, hai đại đội cối 120mm, một đại đội cối 82mm, có nhiệm vụ tiêu diệt các điểm cao E, D1, D2 (thuộc trung tâm đề kháng Dominique - cụm cứ điểm đông sân bay, tả ngạn sông Nậm Rốm) và dùng một số đơn vị thọc sâu đánh vào vị trí của pháo binh địch cùng quân cơ động thuộc tiểu đoàn dù ngụy số 5 ở phía trong.
- Đại đoàn 316 (thiếu 1 trung đoàn) được phối thuộc hai đại đội sơn pháo 75mm, hai đại đội cối 120mm, hai trung đội cối 82mm có nhiệm vụ tiêu diệt các điểm cao A1, C1, (thuộc trung tâm đề kháng Elian - cụm cứ điểm phía đông, tả ngạn sông Nậm Rốm, khu vực sở chỉ huy của Đờ Cát-xtơ-ri).
- Đại đoàn 308 có nhiệm vụ cho một đơn vị thọc sâu đánh vào tiểu đoàn dù ngụy số 3 và vị trí pháo binh, đồng thời dùng bộ đội nhỏ tích cực quấy rối các cứ điểm 106, 311 và bố trí đánh quân địch nhảy dù xuống phía Tây, chặn quân viện từ Hồng Cúm lên.
- Trung đoàn 57 Đại đoàn 304 được phối thuộc Tiểu đoàn 888 (Đại đoàn 316), một đại đội lựu pháo 105mm, một đại đội cối 120mm, bốn khẩu cối 82mm, 12 khẩu 12,7mm có nhiệm vụ kiềm chế các trận địa pháo địch ở Hồng Cúm, hạn chế những hoạt động của chúng, chặn viện binh địch từ Hồng Cúm lên Mường Thanh và đánh địch nhảy dù ở phía nam Hồng Cúm.
- Đại đoàn 351 dùng toàn bộ hỏa lực yểm hộ bộ binh tiến công các cứ điểm E, D1, D2, C1, C2, A1; đồng thời kiềm chế, phá hủy một phần pháo binh địch tiêu hao quân cơ động của chúng ở trung tâm Mường Thanh. Riêng Trung đoàn pháo cao xạ 367 được tăng cường lực lượng mới từ hậu phương, gây cho địch những đòn bất ngờ, yểm hộ đắc lực cho bộ binh và pháo binh chiến đấu cả ngày lẫn đêm, đến ngày 30 thì nổ súng tiến công.
Cùng ngày, Tổng Quân ủy phổ biến kế hoạch về quân sự, chính trị, cung cấp cho chiến dịch giành toàn thắng.
Tuyến chiến hào của Trung đoàn 57 phát triển cắt đứt hành lang tiếp viện giữa Hồng Cúm và Mường Thanh. Địch điều Tiểu đoàn dù lê dương số 1 ra phản kích đánh bật chốt của Trung đoàn 57, sau đó Trung đoàn 57 khôi phục lại và thực hiện chia cắt địch.
Trên vùng trời Điện Biên Phủ, hai máy bay Pháp bị pháo cao xạ của ta bắn rơi.
Sau cuộc chạm trán với Trung đoàn 57, một binh lính thuộc Tiểu đoàn dù lê dương số 1 đã bộc bạch: Ngày nào cũng như vậy. Chúng tôi phải đi từ nam tới bắc, từ đông sang tây và mỗi ngày lại đi ngắn hơn một chút. Tôi đã nhìn thấy các thành trì như thế nào rồi. Nó không như là Carcassonne hoặc Montlouis mà tôi đã từng học. Ở đây thì lại hoàn toàn khác. Điện Biên Phủ của đối phương cũng có thể là một thành trì pháo đài vì ở đây người ta chỉ xây các đồn canh mà không xây tường... Rồi lại đào cả những hố sâu giữa các vị trí. Điện Biên Phủ của chúng ta không phải là một thành trì không thể xâm phạm.
Cônhi viết thư cho Nava: “Mỗi ngày phải chuyên chở gần 2.000 tấn theo đường sắt từ Hải Phòng lên Hà Nội nhưng Việt Minh liên tiếp đánh đổ các đoàn tàu. Cônhi yêu cầu tăng cường lực lượng cơ động và công binh vì không giải quyết được vấn đề tiếp tế thì phải rút lui cả Hà Nội./.
Nội dung: ThS Nguyễn Thị Thảo – Viện Lịch sử quân sự.
Trình bày: Phi Nguyễn
Ảnh: TTXVN, Nhân Dân
Trở về nhandan.vn
Trở về Chuyên trang 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ