Ngày 2/5/1954:
Quân ta khép chặt vòng vây tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ
Tại Hồng Cúm, Trung đoàn 57 tăng cường vây ép, tiến công diệt nhiều sinh lực địch, rạng sáng ngày 2/5/1954, địch phải rút khỏi khu C. 4 giờ sáng ngày 2/5/1954, Trung đoàn 209 (Đại đoàn 312) chiếm được cứ điểm 505 và 505A (Dominique 3) trên bờ phía đông sông Nậm Rốm.
Đêm ngày 2/5/1954, Trung đoàn 36 diệt gọn cứ điểm 311B (Huguette 4). Trong ngày, các đơn vị của ta loại khỏi vòng chiến đấu 2 tiểu đoàn địch, bắn rơi 1 máy bay quan sát kiểu Morane và 1 máy bay Corsair.
Sau những thắng lợi của ta, Trung tâm đề kháng Eliane án ngữ phía đông tập đoàn cứ điểm chỉ còn hai vị trí là A1 (Eliane 2), C2 (Eliane 4). Bên phía tây cánh đồng Mường Thanh, bộ đội mở các đường hào thẳng hướng đến Sở chỉ huy của Đờ Cát, có nơi chỉ cách Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm 300m.
Về phía địch: Trong lúc các đơn vị quân Pháp đang bị vây hãm tại lòng chảo Điện Biên Phủ, ngày 2/5/1954, Chính phủ Mỹ buộc phải chấp nhận lập trường kiên định của Chính phủ Liên Xô về việc Việt Nam Dân chủ cộng hòa là một bên trong Hội nghị Giơnevơ. Với sự ủng hộ tích cực của Liên Xô, lần đầu tiên Việt Nam tham dự một hội nghị quốc tế lớn, mặc dù chưa được các nước Anh, Pháp, Mỹ công nhận về mặt ngoại giao.!
Trước nguy cơ bị tiêu diệt ở Điện Biên Phủ, ngày 2/5/1954, Navarre vội vã từ Sài Gòn bay ra Hà Nội triệu tập một cuộc họp bàn cách cứu vãn tình thế. Dự họp có tướng Cônhi, đại tá Crevơcơ - Tư lệnh lực lượng Lào và những sĩ quan thuộc lực lượng lục quân ở miền Bắc Việt Nam. Mọi người đều thống nhất nhận định “Điện Biên Phủ không thể nào giữ được nữa”. Tướng Navarre cũng đã báo cáo về Pháp và được trả lời: “Dù thế nào cũng không được đầu hàng”!.
Trước tình thế đó, Navarre chủ trương: Tiếp tục chiến đấu cầm cự nhằm kéo dài thời gian tồn tại của Điện Biên Phủ. Thiếu quân thì tăng viện. Thiếu súng đạn, lương thực thì tiếp tế. Lúc nào không còn điều kiện chiến đấu nữa thì rút sang Lào; quyết định thành lập những đội “tình nguyện nhảy dù”, nghĩa là chưa biết nhảy dù cũng cứ leo lên máy bay, đeo dù lao xuống. Theo các hồ sơ của Pháp, trong giai đoạn cuối của trận Điện Biên Phủ, đã có 1.800 lính “tình nguyện nhảy dù” gồm những binh lính chưa thạo, chưa tốt nghiệp, thậm chí chưa học nhảy dù đã bị ném xuống thung lũng Điện Biên Phủ.
Dưới sự đôn đốc trực tiếp của Navarre, ngay trong ngày và đêm 2/5/1954 đã có 120 tấn hàng tiếp tế thả xuống Điện Biên Phủ, trong đó 50% bị thất lạc, góp phần nâng số lương thực dự trữ từ ba lên năm ngày, cùng với 5 cơ số đạn pháo 105mm, 3 cơ số đạn pháo 155mm, 3 cơ số đạn cối 102mm3.
Công tác hậu cần được tổ chức lại một cách linh hoạt, nhằm bảo đảm cho thành công của đợt tiến công thứ ba cũng như tận dụng hiệu quả các nguồn lực. Trong cuốn “Công tác hậu cần chiến dịch Điện Biên Phủ” do Tổng cục Hậu cần xuất bản năm 1979, có viết: Sau đợt 2, Tổng cục và các đơn vị đều rút kinh nghiệm, thấy rõ tác dụng quan trọng của việc bố trí hậu phương gần hay xa ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt công tác bảo đảm nên chấn chỉnh lại. Việc dịch tuyến hậu cần đơn vị ra sát hỏa tuyến cũng là một cuộc đấu tranh tư tưởng rất gay go. Sau đó, hậu phương các đơn vị nhích ra sát hỏa tuyến hơn. Lúc đó, ta đã bao vây chặt, địch không thọc ra được nên ta đề ra phương châm vận chuyển ở hỏa tuyến “phát huy tác dụng của cơ giới ở hỏa tuyến” tranh thủ sử dụng ô-tô để giảm bớt việc vận chuyển bằng người ở trận địa. Để tránh ùn người ở giao thông hào, đỡ thương vong và đỡ cản trở đi lại, ta lại đề ra phương châm “giảm số người, tăng năng suất”, chỉ đề những người khỏe mạnh có năng suất ở trận địa.