Ngày 2/4/1954: Ta gọi hàng cứ điểm 311, địch mở nhiều đợt phản kích chiếm đồi A1
Trung đoàn 88 nhận nhiệm vụ tiến công tiêu diệt cứ điểm 311. Nhận thấy hai đại đội Thái bảo vệ cứ điểm đang mất tinh thần do cứ điểm 106 bị tiêu diệt, bộ đội chuyển sang kêu gọi làm công tác địch vận.
Ta dùng loa và bắn đạn truyền đơn vào kêu gọi địch đầu hàng: “Hỡi các bạn binh sĩ Thái, hãy bỏ hàng ngũ địch, quay về với kháng chiến, quay về với gia đình!...”.
Ngay chiều ngày 2/4, phần lớn hai đại đội ngụy Thái kéo cờ trắng ra hàng, một số bỏ cứ điểm chạy về Mường Thanh.
Hai đội dũng sĩ của ta thâm nhập vào sân bay, bắt 10 tù binh.
11 giờ, quân địch tăng viện từ Mường Thanh ra phối hợp với lực lượng cố thủ, ra sức mở nhiều đợt phản kích định chiếm lại A1.
Trên trận địa ta chỉ còn lại hơn năm chục người. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Trung đoàn trưởng, cán bộ, chiến sĩ chia thành nhiều tổ phụ trách từng đường hào. Các cán bộ tiểu đoàn, kể cả Trung đoàn trưởng cũng nhiều lần dùng tiểu liên, thủ pháo, bộc phá ống cùng bộ đội đánh địch phản kích, đẩy lui nhiều đợt tiến công của chúng.
Nửa đêm chúng lại tổ chức một đợt tiến công mới nhưng không đạt kết quả.
Anh hùng quân đội Nguyễn Quốc Trị (đầu bên phải) đang cùng các chiến sĩ tấn công sân bay Mường Thanh
Anh hùng quân đội Nguyễn Quốc Trị (đầu bên phải) đang cùng các chiến sĩ tấn công sân bay Mường Thanh
Phía địch:
Địch cho tiểu đoàn số 2 thuộc trung đoàn dù thuộc địa số 1 bắt đầu nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, do Bréchignac chỉ huy.
Ban chỉ huy tiểu đoàn đóng tại Eliane 4 (C2).
Lực lượng lính dù ngụy người Việt trong cứ điểm cũng đặt dưới sự chỉ huy của Bréchignac.
Địch mất cứ điểm Huguette 7 (106), cứ điểm Huguette 6 (105) trở thành mục tiêu tiếp theo quân ta tiến công.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, “Hội đồng cung cấp mặt trận” từ Trung ương đến liên khu, khu, tỉnh cùng với Hậu cần Quân đội, hậu cần địa phương và hậu cần nhân dân phát triển đồng bộ, quan hệ mật thiết và hỗ trợ nhau đã phát huy vai trò huy động nhân lực, vật lực của địa phương bảo đảm ngày càng đầy đủ, kịp thời cho chiến dịch chiến đấu thắng lợi.
Trong bài viết “Hội đồng cung cấp mặt trận - Sự sáng tạo về tổ chức bảo đảm hậu cần cho chiến dịch Điện Biên Phủ”, Đại tá, ThS Ngô Nhật Dương (Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và hiện thực (7/5/1954-7/5/2019) viết, kết quả “Hội đồng cung cấp mặt trận” các cấp cùng các lực lượng bảo đảm hậu cần đã huy động hơn 260 nghìn dân công, trên 20 nghìn xe đạp thồ, 17 nghìn ngựa thồ, trên 11.800 thuyền bè mảng và 628 xe ô tô phục vụ vận chuyển hàng hóa, vũ khí, đạn dược cho chiến dịch.
Tổng khối lượng vật chất đảm bảo lên tới 20 nghìn tấn, trong đó có 1.200 tấn đạn, 1.783 tấn xăng dầu, 14.950 tấn gạo, 268 tấn muối, 577 tấn thịt, 1.034 tấn thực phẩm và 177 tấn vật chất khác.
Nhờ có sự góp sức của “Hội đồng cung cấp mặt trận” các cấp nên công tác hậu cần đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm cho Chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi lớn.
Đoàn xe đạp thồ trên đường vào chiến dịch Điện Biên Phủ
Đoàn xe đạp thồ trên đường vào chiến dịch Điện Biên Phủ
Ngày xuất bản: 2/4/2024
Nội dung: Trung tá, ThS Nguyễn Quốc Hùng - Viện Lịch sử quân sự, Ngọc Toản Thu
Trình bày: MINH ĐỨC
Ảnh: TTXVN, Báo Nhân Dân
Trở về nhandan.vn
Trở về Chuyên trang 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ