Ngày 27/4/1954:
Ngày 27/4/1954, trong Hội nghị chính trị tại mặt trận, thông tin liên lạc được giao nhiệm vụ chuẩn bị hệ thống loa phóng thanh cho đợt tiến công mới bằng địch vận làm tan rã hàng ngũ địch.
Ban Thông tin chiến dịch đã điều động cán bộ, nhân viên kỹ thuật đem lên mặt trận bộ máy và hệ thống loa phóng thanh đã từng phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (1951) và Đại hội thống nhất Mặt trận Việt Minh-Liên Việt để làm công tác địch vận.
Cùng ngày, phong trào đoạt dù tiếp tế của địch đã diễn ra sôi nổi khắp các đơn vị và đã thu được một khối lượng lớn đạn dược, lương thực, thuốc men. Chỉ riêng Trung đoàn 57 tại Hồng Cúm trong 15 ngày đã đoạt được của địch 120 tấn đạn dược và lương thực.
Phong trào “săn Tây bắn tỉa” cũng phát triển mạnh gây nhiều thiệt hại cho địch. Mọi loại súng lớn nhỏ đều được bộ đội ta đưa vào tham gia bắn tỉa làm cho tinh thần quân địch vô cùng căng thẳng, mệt mỏi.
Chỉ riêng nửa cuối tháng 4, các chiến sĩ của Trung đoàn 57 đã diệt được 100 tên và làm bị thương 44 tên.
Kỷ lục bắn tỉa thuộc về chiến sĩ Lục Văn Thông, trong một ngày diệt 30 tên địch.
Bài viết “Bố trí hậu phương: phương châm, tổ chức vận chuyển ở hỏa tuyến và tại trận địa” trong cuốn “Công tác hậu cần chiến dịch Điện Biên Phủ” do Tổng cục Hậu cần xuất bản năm 1979 miêu tả: “Để chuẩn bị cho đợt 2, bộ đội ta tiếp tục xây dựng trận địa, đào một hệ thống giao thông hào vòng quanh khu trung tâm Mường Thanh. Ngoài hệ thống giao thông hào chằng chịt, ngày càng tiến sát trung tâm chỉ huy của địch, nhằm hỗ trợ tối ưu nhất cho các chiến sĩ trên mặt trận tiến công, quân ta cũng xây dựng sơ đồ bố trí hậu phương phù hợp.
Căn cứ vào yêu cầu tác chiến, điều kiện địa hình và đường sá, các cơ sở kho tàng của tuyến hậu cần hỏa tuyến bố trí dọc theo hai ven đường vận chuyển từ cây số 52 tới cây số 62. Chỉ huy sở của hậu cần hỏa tuyển đặt tại cây số 61, còn chỉ huy sở của Tổng cục tiền phương, ở sát Bộ chỉ huy chiến dịch ở Mường Phăng.
Từ khu vực hậu cần hỏa tuyến tới hậu phương các đại đoàn có 3 đường vận chuyển chính: Đường Khâu Hu, Bản Tấu sang phía tây cho đại đoàn 308; Dọc theo đường 43 vào Na Lợi cho đại đoàn 312; Theo đường kéo pháo vào phía đông cho đại đoàn 316.
Để hậu cần đại đoàn có thể bố trí sát trận địa và đi sát các đơn vị dưới nhiều hơn, Tổng cục đề ra nguyên tắc: “Kéo dài tuyến Tồng cục, rút ngắn tuyến đại đoàn" để hướng vào hỏa tuyến, đi sát đơn vị.
Trong đợt đầu, cán bộ hậu cần các đơn vị chưa thấy rõ tính chất công tác hậu cần trong một trận công kiên trận địa, chưa có đầy đủ nhận thức về chỉ huy hậu cần, đồng thời do tư tưởng sợ khi pháo sợ địch đánh thọc ra các cơ sở hậu cần, nên bố trí hậu phương ở trong rừng núi xa trận địa. Trong đợt 1, khu vực hậu phương của đại đoàn thường cách các trung đoàn trên 10 cây số. Trung đoàn cách đại đội có trường hợp tới 7-8 cây số”.
Nội dung: Trung tá, ThS Nguyễn Quốc Hùng - Viện Lịch sử quân sự; Ngọc Bách Thu
Ảnh: TTXVN
Trình bày: BẢO MINH