Ngày 4/5/1954:
Nhiệm vụ chuẩn bị điểm hỏa ở đồi A1 đã hoàn thành
Sau 15 ngày đêm kiên cường, bền bỉ làm nhiệm vụ, đường hầm dài 49m đã hoàn thành. Chiều và đêm ngày 4/5/1954, khối thuốc nổ gần 1.000kg chia làm 49 gói, do đồng chí Nguyễn Điệt thiết kế đưa vào buồng nổ cuối đường hầm cùng với 6 đường dây chuyền nổ nổi vào nụ xòe, dây cháy chậm và 1 đường dây điểm hỏa bằng điện.
Phân đội công binh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào đường hầm và đưa thuốc nổ vào lòng đồi A1. Tiếp đó, 1 tổ gồm các đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung, Nguyễn Điệt, Lưu Viết Thoảng và Nguyễn Văn Bạch, do đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung chỉ huy được giao nhiệm vụ điều khiển cho bộc phá nổ khi có lệnh. Toàn phân đội công binh đã nêu cao tinh thần dũng cảm, không sợ hy sinh để làm nhiệm vụ, trong đó có đồng chí Lưu Viết Thoảng, sau này cùng với thành tích phá bom được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân[1].
Tại Geneve, Phó Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tới dự hội nghị bàn về Đông Dương.
Về Phía địch: Đại đội 3 thuộc Tiểu đoàn dù thuộc địa số 1 tới tiếp viện cho Đại đội 2 đóng tại Eliane 2 (A1) vào lúc rạng sáng ngày 4/5/1954. Tiểu đoàn 1 thuộc bán Lữ đoàn lê dương số 13 rút lui.
Ngày 4/5/1954, Cônhi điện cho Đờ Cát-xtơ-ri một số chỉ thị về cuộc rút chạy theo quyết định của Tổng chỉ huy, trao cho Đờ Cát-xtơ-ri quyền lựa chọn cách thức và thời gian tùy theo sáng kiến của mình sau khi nhận được lệnh, trước hết, phải phá hủy các xe tăng, đại bác, tài liệu mật, mật mã và dụng cụ vô tuyến điện. Cho tới khi có lệnh phải duy trì nhiệm vụ chống cự tại chỗ, không được có tư tưởng rút lui, phải hết sức giữ bí mật về kế hoạch và chuẩn bị sự thực hiện thận trọng tối đa.
Thực hiện quyết định của Na-va, ngay trong ngày 4/5/1954, Đờ Cát-xtơ-ri họp các sĩ quan cao cấp tại Mường Thanh phổ biến kế hoạch Albatros. Cuộc họp có mặt Lăng-gơ-le, Lơ-mơ-ni-ê, Bi-gi-a, Va-đô và Xê-ganh Pa-gít. Sau khi bàn thảo, Bộ Chỉ huy quân Pháp ở Điện Biên Phủ quyết định phải chia làm ba cánh quân khi rút chạy. Cánh thứ nhất, gồm toàn bộ quân dù, do Lăng-gơ-le và Bi-gia chỉ huy. Cánh thứ hai, gồm toàn bộ quân lê dương và Bắc Phi, do Lơ-mơ-ni-ê và Va-đô chỉ huy. Cánh thứ ba, gồm toàn bộ quân ở Hồng Cúm, do Fla-lăng chỉ huy. Có ba đường rút lui: thứ nhất qua bản Keo Lom, thứ hai theo thung lũng Nậm Nưa và thứ ba theo hướng Nậm Hợp. Dự kiến kế hoạch rút chạy sẽ được thực hiện vào 20 giờ ngày 7/5/1954.
Ở Hà Nội, Tổng cao ủy Dejean và Tổng tư lệnh Na-va nghiên cứu kế hoạch xúc tiến ngừng bắn ở Đông Dương.
__________________________________
[1] Lịch sử Công binh Việt Nam (1945 - 2005), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2006, tr. 254.
Nội dung: Thiếu tá, ThS Trần Quốc Dũng – Viện Lịch sử quân sự, Ngọc Bách Thu
Trình bày: Phi Nguyên
Ảnh: Nhân Dân
Trở về nhandan.vn
Trở về Chuyên trang 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ