Ngày 10/4/1954: Quân Pháp chiếm được một phần C1, bộ đội Trung đoàn 98 phải dùng lưỡi lê đánh giáp lá cà với địch

Cuộc chiến đấu ác liệt đang diễn ra tại vị trí 206. (Ảnh: TTXVN)

Cuộc chiến đấu ác liệt đang diễn ra tại vị trí 206. (Ảnh: TTXVN)

Cuộc phản kích chiếm lại đồi C1 của địch bước sang ngày thứ 2. Đến trưa ngày 10/4/1954, địch đã chiếm được một phần C1. Lực lượng tiếp viện của Trung đoàn 98 đã phải dùng lưỡi lê ào lên đánh giáp lá cà với địch. Với ưu thế của hỏa lực không quân, được pháo binh chi viện, địch đã tập trung lực lượng và hỏa lực phản kích chiếm lại được đỉnh đồi C1, đẩy 1 đại đội của Tiểu đoàn 439, Trung đoàn 98 lùi xuống giữ nửa đồi phía đông. Đến 21 giờ cùng ngày, Trung đoàn 98 tổ chức 1 đợt phản kích nhưng không thành công. Trong ngày, quân Pháp thả 302 lính dù lê dương, cùng 195 tấn đạn dược xuống Điện Biên Phủ.

Theo đề nghị của ta, hai bên trao trả thương binh: Lính Pháp bị thương được trao trả ở phía nam Claudine, trên đường 41; thương binh ta được trao trả ở Km số 2 đường Pavie (đi Lai Châu).

Để thực hiện các nhiệm vụ còn lại của Đợt 2, theo quyết tâm của Bộ Chỉ huy chiến dịch tại Hội nghị cán bộ chiến dịch sơ kết đợt 2 (đã họp vào ngày 8/4), ngày 10/4/1954, Bộ Tổng Tư lệnh ra Mệnh lệnh số 95/ B1 gửi Đại đoàn 308, 312, 316, 304, 351, giao nhiệm vụ cho các đơn vị như sau:

+ Đại đoàn 308 bố trí ở phía tây, từ sông Nậm Rốm đến Bản Kéo, có nhiệm vụ làm trận địa tiến công các cứ điểm 206, 311A, 311B, 310, bố trí lực lượng chặn viện giữa các cứ điểm 105, 206, 208, phối hợp với Đại đoàn 312 đào giao thông hào cắt ngang sân bay ở đoạn nam cứ điểm 206.

+ Đại đoàn 312 bố trí ở phía bắc, từ Bản Kéo đến đoạn đông sân bay Mường Thanh, có nhiệm vụ củng cố trận địa phòng ngự ở các cứ điểm 201, 202; xây dựng trận địa tiến công các cứ điểm 105, 203 ở khu tiểu đoàn ngụy Thái số 2; phối hợp với Đại đoàn 308 đào giao thông hào cắt ngang sân bay.

+ Đại đoàn 316 làm trận địa tiến công ở đông Mường Thanh, bên trái tiếp giáp với Đại đoàn 312, bên phải tiếp giáp với Đại đoàn 308, xây dựng trận địa tiến công các cứ điểm A1, C2, củng cố trận địa phòng ngự ở đồi C1, A1 .

+ Trung đoàn 57 (Đại đoàn 304) tiếp tục hoạt động bao vây, chặn viện ở phân khu Hồng Cúm.

+ Đại đoàn 351 xây dựng thêm trận địa pháo ở tây bắc Mường Thanh, đưa pháo sát vùng lòng chảo; tổ chức phòng không, hiệp đồng chặt chẽ các loại pháo chi viện cho bộ binh và kiềm chế pháo binh địch .

Cũng trong ngày 10/4/1954, Tổng cục Chính trị ra Chỉ thị số 88-CTH, do đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị ký về lãnh đạo tư tưởng hoàn thành nhiệm vụ Chiến dịch Đông Xuân. Chỉ thị được gửi các đại đoàn, các khu tư lệnh và các trung đoàn trực thuộc.

Các đơn vị xung kích của ta đang tấn công địch trên đồi A1. (Ảnh: TTXVN)

Các đơn vị xung kích của ta đang tấn công địch trên đồi A1. (Ảnh: TTXVN)

Chỉ thị đã biểu dương các cán bộ chiến sĩ đã nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, chiến đấu anh dũng và lập nhiều thành tích to lớn, nhất là các trận ở sân bay Gia Lâm, Cát Bi, đường số 5 và khu Tây Nguyên. Bộ đội ta đã đáp ứng được đòi hỏi của nhiệm vụ và còn có thể tiếp tục đánh lâu dài hơn nữa, nhưng cũng nảy sinh những tư tưởng mệt mỏi, chủ quan khinh địch, một số thiếu tích cực tiến công tiêu diệt và sợ địch.

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh đề ra phương châm lãnh đạo tư tưởng là: đẩy mạnh tuyên truyền, động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội, nâng cao quyết tâm tiêu diệt địch lên một bước nữa; khắc phục tư tưởng chủ quan kinh địch, sợ mỏi mệt muốn nghỉ ngơi; tích cực phối hợp với Điện Biên Phủ, tiêu diệt thêm nhiều sinh lực địch hơn nữa, giành thắng lợi hoàn toàn cho Chiến dịch Đông Xuân.

Cảnh đồ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Nguồn: Erwan Bergot, Điện Biên Phủ 170 ngày đêm bị vây hãm, người dịch: Lê Kim, Nxb CAND và Công ty văn hóa Phương Nam phối hợp thực hiện, Hà Nội, 2003

Cảnh đồ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Nguồn: Erwan Bergot, Điện Biên Phủ 170 ngày đêm bị vây hãm, người dịch: Lê Kim, Nxb CAND và Công ty văn hóa Phương Nam phối hợp thực hiện, Hà Nội, 2003

Các đơn vị pháo binh của ta tiếp tục pháo kích vào các vị trí của địch. Các vị trí của địch bị trúng đạn pháo đang bốc cháy. (Ảnh: TTXVN)

Các đơn vị pháo binh của ta tiếp tục pháo kích vào các vị trí của địch. Các vị trí của địch bị trúng đạn pháo đang bốc cháy. (Ảnh: TTXVN)

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, lần đầu tiên ta động viên và sử dụng một số lượng lớn phương tiện cơ giới là ô-tô làm nhiệm vụ vận chuyển chủ yếu khối lượng vật chất hậu cần, kỹ thuật cho chiến dịch. Bài viết "Bài học về phát huy tinh thần sáng tạo trong bảo đảm kỹ thuật cho Chiến dịch Điện Biên Phủ" (Kỷ yếu Hội thảo Khoa học “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và hiện thực (7/5/1954 - 7/5/2019), Trung tướng Lê Quý Đạm, Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật viết: “Cục Vận tải phát động phong trào thi đua ở các đơn vị tập trung sửa chữa những xe ô tô hư hỏng để nhanh chóng đưa vào phục vụ chiến dịch. Đại đội 202 đã tự khắc phục sửa được 12 xe, trong đó có 9 xe hỏng nặng và Đại đội 206 tự khắc phục được 4 xe đưa ngay vào sử dụng.

Bên cạnh phong trào tự sửa chữa, nâng cấp xe ở các đơn vị, ngành Xe quân đội đã sáng tạo tổ chức một hệ thống bảo đảm kỹ thuật phục vụ cho các phương tiện cơ giới vận tải từ hậu phương ra tiền tuyến.

Trên đường ra mặt trận có xưởng sửa chữa AZ11 ở ngã ba Đông Lý (Yên Bái) được bổ sung nhiều trang thiết bị, thường xuyên sửa chữa cho các xe hoạt động chở hàng từ hậu phương ra các kho trung tuyến. Đội sửa chữa ở Tuần Giáo - Điện Biên Phủ (Km70) bảo đảm ưu tiên sửa chữa cho các xe hoạt động ở trung tuyến và hỏa tuyến.

…Với tinh thần “Yêu xe như con, quý xăng như máu”, trong quá trình diễn biến chiến dịch, các chiến sĩ lái xe, thợ sửa chữa đã ngày đêm chăm sóc, bảo quản bảo đảm xe - máy luôn có chất lượng tốt, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, tăng khả năng cơ động của xe, tăng trọng lượng chở gạo, đạn và kéo pháo vào trận địa đúng theo kế hoạch, thời gian quy định; xe hỏng được lực lượng kỹ thuật nhanh chóng sửa chữa ngay trên đường hành quân để giảm giờ chết. Để bảo đảm kỹ thuật tốt nhất cho phương tiện, hơn 800 lái xe, 300 thợ sửa chữa của ngành xe - máy và ngành giao thông công chính cũng được động viên bổ sung kịp thời cho chiến dịch”.

Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến. (Ảnh: TTXVN)

Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến. (Ảnh: TTXVN)

Các chiến sĩ xung kích của ta đang tấn công 1 vị trí của địch trên khu đồi C. (Ảnh: TTXVN)

Các chiến sĩ xung kích của ta đang tấn công 1 vị trí của địch trên khu đồi C. (Ảnh: TTXVN)

Ngày xuất bản: 10/4/2024
Nội dung: Đại úy, ThS Nguyễn Ngọc Toán - Viện Lịch sử quân sự, NGỌC BÁCH
Trình bày: ANH NGỌC
Ảnh: TTXVN

56 ngày đêm của Chiến dịch

ĐIỆN BIÊN PHỦ

13/3

Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn

14/3

Địch tăng cường cho Điện Biên Phủ, ta tiến công cứ điểm Đồi Độc Lập

15/3

Ta chiếm lĩnh cụm cứ điểm Độc Lập

16/3

Pháp nhận ra những nhược điểm khó khắc phục của “con nhím Điện Biên Phủ”

17/3

Bức hàng cụm cứ điểm Bản Kéo

18/3

Tiến hành xây dựng trận địa tiến công, đào chiến hào chuẩn bị cho Đợt 2 Chiến dịch Điện Biên Phủ

19/3

Đờ Cát-xtơ-ri thông báo việc mất Điện Biên Phủ là khó tránh khỏi

20/3

Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư động viên bộ đội xây dựng trận địa

21/3

Các đại đoàn tiếp tục cho bộ đội đào hào giao thông, chuẩn bị xây dựng trận địa tiến công

22/3

Mỗi mét chiến hào được đổi bằng mồ hôi và máu của chiến sĩ Điện Biên

23/3

Quân và dân đồng bằng bắc bộ phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ

24/3

Các sĩ quan chỉ huy không quân Pháp hoang mang tột độ

25/3

Bộ Chỉ huy Chiến dịch đề ra nhiệm vụ cho đợt tiến công thứ hai

26/3

Đẩy lùi được các cuộc tiến công bịt hào của địch

27/3

Sân bay Mường Thanh hoàn toàn bị tê liệt

28/3

Bộ Tổng Tư lệnh ra mệnh lệnh gửi các Đại đoàn 312, 316, 308, 304, 351

29/3

Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư động viên cán bộ, đảng viên và toàn thể chiến sĩ chuẩn bị bước vào chiến đấu đợt 2

30/3

Đợt tiến công thứ hai vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu

31/3

Các đơn vị khẩn trương tổ chức trận địa phòng ngự, chuẩn bị đánh địch phản kích ban ngày

01/4

Bộ đội ta giành giật với địch từng tấc đất trên đồi A1, tiêu diệt cứ điểm 106

02/4

Ta gọi hàng cứ điểm 311, địch mở nhiều đợt phản kích chiếm đồi A1

03/4

Ta bàn giao lại trận địa ở sườn phía đông đồi A1, sử dụng lực lượng tiến công cứ điểm 105

04/04

Các đơn vị tạm dừng chiến đấu, củng cố trận địa

05/04

De Castries gửi điện yêu cầu Cogny tăng viện gấp cho Điện Biên Phủ

06/04

Bộ Chỉ huy Chiến dịch triệu tập cán bộ dự hội nghị sơ kết đợt 2

07/04

Tư lệnh Không quân Mỹ khu vực Thái Bình Dương đề nghị gặp Navarre để bàn cụ thể kế hoạch ném bom xuống Điện Biên Phủ

08/04

Bộ Chỉ huy Chiến dịch hạ quyết tâm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đã đề ra cho đợt 2; Pháp đề xuất gây mưa nhân tạo để chặn đường tiếp tế hậu cần của ta

09/04

Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 liên tiếp bẻ gãy ba đợt xung phong của địch tại đồi C1

10/04

Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 liên tiếp bẻ gãy ba đợt xung phong của địch tại đồi C1

11/04

Đồi C1 bị chia làm đôi, ta và địch mỗi bên chiếm một nửa

12/04

Máy bay Pháp bị bắn rơi đã “cung cấp” thêm thuốc nổ để bộ đội ta đặt trong hầm A1

13/04

Bộ Tổng Tham mưu ra các chỉ thị xây dựng công sự phòng ngự, đánh lấn và huấn luyện tân binh

14/04

Chiến hào của bộ đội ta nhích dần đến gần phân khu trung tâm