Ngày 21/3/1954: Bộ đội ta tiếp tục đào giao thông hào, chuẩn bị xây dựng trận địa tiến công
Các đại đoàn tiếp tục cho bộ đội đào hào giao thông, chuẩn bị xây dựng trận địa tiến công như nhiệm vụ được giao. Các đơn vị hậu cần, giao thông vận tải, dân công, tiếp tục vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí bổ sung cho bộ đội ở Điện Biên Phủ chuẩn bị đợt 2 chiến dịch.
Tại chiến trường phối hợp:
Ở phía hữu ngạn sông Hồng, bộ đội địa phương và dân quân du kích đẩy mạnh hoạt động phối hợp. Tại Ninh Bình, du kích xã Khánh Thiện dùng mưu đuổi một đại đội địch ở Đò Mười, giải thoát một số dân và giành lại hai thuyền chở muối. Cũng trong tháng 3/1954, du kích Khánh Thiện đánh liên tục, quấy rối, bao vây khống chế bốt Tam Châu, sân bay Tam Châu và dùng súng trường bắn rơi một máy bay Dakota của địch, diệt một số sĩ quan Pháp trên máy bay.
Ở Phân liên khu miền Tây, Bộ Tư lệnh Phân khu đã đề nghị Bộ Tư lệnh Nam Bộ mở đợt tiến công quy mô lớn để phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ. Mở màn, Phân liên khu quyết định đánh vào vị trí phòng thủ của địch ở An Biên (Bạc Liêu). Đây là một cứ điểm cắm sâu vào vùng tự do U Minh Thượng của ta. Lực lượng địch tập trung khá đông, có cả pháo 105mm hỗ trợ. Ta thực hiện chiến thuật đánh điểm, diệt viện, kết hợp với nghi binh. Nhiệm vụ nghi binh được giao cho Tiểu đoàn 307.
Ngày 21/3/1954, quân ta nổ súng tấn công các vị trí trọng yếu của địch ở An Biên. Địch nhiều lần cho quân từ Rạch Giá sang ứng cứu nhưng đều bị đánh thiệt hại nặng. Quân địch ở An Biên không thấy viện binh đến ứng cứu, liều mạng phá vòng vây bỏ chạy. Ta vừa truy kích địch, vừa tiếp tục bao vây quận lỵ và gỡ các đồn bốt. Cuối tháng 3/1954, ta tiêu diệt được đồn Xẻo Rô, bắt sống Lâm Quang Thiệp - Quận trưởng An Biên, giải phóng hoàn toàn quận này, diệt và làm bị thương hơn 500 tên địch, thu hơn 400 súng các loại, quét sạch hệ thống đồn bốt từ chi khu đến Xẻo Rô ra tận bờ sông Cái Lớn. An Biên cũng là quận đầu tiên ở Phân liên khu miền Tây và cả ở Nam Bộ được giải phóng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Thư cho Đại đoàn 312
Trong Thư, Đại tướng chỉ rõ những khuyết điểm về tư tưởng của bộ đội cũng như kinh nghiệm từ các trận chiến vừa diễn ra. Đồng thời, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam lưu ý 5 điểm để Đảng ủy Đại đoàn 312 chú ý sửa chữa, khắc phục kịp thời hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao1.
Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam ra Chỉ thị “Mấy điều quy định về phòng không, phòng pháo và sinh hoạt trong trận địa”
Trong Chỉ thị, Bộ Tổng tham mưu chỉ rõ 6 việc cần thực hiện nhằm tránh thương vong, bảo đảm cho bộ đội ta giữ vững lực lượng để liên tục chiến đấu. Chỉ thị yêu cầu chỉ huy các cấp phải nghiên cứu và chỉ thị cho bộ đội thực hiện, kịp thời rút kinh nghiệm, tìm cho ra nguyên nhân những ưu khuyết điểm, đặc biệt là những nguyên nhân thương vong để giáo dục bộ đội không được chủ quan khinh địch; không được làm qua loa đại khái2.
Để bảo đảm công tác hậu cần cho chiến dịch, trong những ngày này, bếp Hoàng Cầm cải tiến của đồng chí Xuân Yến đã được toàn mặt trận áp dụng và xây dựng sát địch để nấu nướng.
Trong cuốn “Chiến thắng Điện-Biên-Phủ ký sự, nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Trần Độ chủ biên ghi lại về căn bếp này: “Đó là một căn hầm sâu, rộng, có nắp đủ chịu đựng đại bác 105, có rãnh dẫn khói chạy ngoằn ngoèo theo đường thành vại hào giao thông. Với kiểu bếp đó, ban ngày dù máy bay bà già lượn sát đất vẫn như mù, pháo địch bắn trúng cũng không sập. Ngày đêm, anh nuôi ta cứ đi lai ung dung nấu nướng, mặc bắn phá đì đòm, đến giờ ăn hàng ngày là có ngay cơm canh nóng sốt.
… Vấn đề nước ăn, nước rửa, giờ đây cũng không còn là cái gì nan giải cho cuộc sống trong đường hào. Chiến sĩ ta đã đào rất nhiều giếng thơi bên những sườn đồi, thay cho những vũng nước tù, những giếng nước bẩn trong các vũng trâu đầm. Giếng Nava (những hố bom chung quanh Điện Biên. Bộ đội ta gọi là giếng Nava) la liệt, ở đâu cũng có, trong rừng sâu, trên cánh đồng, nước đủ cho quân ta giặt giũ”.
Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến. (Ảnh: TTXVN)
Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến. (Ảnh: TTXVN)
Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị xung kích, các chiến sĩ cao xạ pháo đang đánh trả quyết liệt máy bay địch ở Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)
Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị xung kích, các chiến sĩ cao xạ pháo đang đánh trả quyết liệt máy bay địch ở Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)
Ngày xuất bản: 21/3/2024
Nội dung: ThS NGUYỄN THỊ THẢO - Viện Lịch sử quân sự, MAI THU NGỌC
Trình bày: ANH NGỌC
Ảnh: TTXVN