Ngày 26/3/1954:
Đẩy lùi được các cuộc
tiến công bịt hào của địch
Hội nghị của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tiếp tục họp sang ngày thứ 2. Gần 100km đường giao thông hào đã hoàn thành. Để bảo vệ trận địa, các đơn vị bộ đội ta đã lần lượt chuyển từ trên các núi cao xuống ở ngay trong các đường hào vừa được đào đắp. Các chiến sĩ pháo binh cũng tìm mọi cách khắc phục khó khăn đưa pháo từ trên núi cao xuống các mỏm đồi ở sát cánh đồng Điện Biên Phủ.
Lo ngại trước các tuyến hào đang ngày càng siết chặt quanh tập đoàn cứ điểm, Bộ Chỉ huy Pháp đã sử dụng một khối lượng lớn hỏa lực phi pháo đánh phá dữ dội và cho bộ binh xe tăng liên tục tiến ra phản kích. Nhưng các đường hào của ta vẫn ngày càng được nối dài thêm. Đêm đêm, hàng vạn chiến sĩ vẫn tỏa ra trên khắp cánh đồng kiên nhẫn đào hào bất chấp bom đạn, không quản mưa rét. Địch tìm mọi cách ngăn chặn.
Ngày 26/3, địch cho một đại đội lê dương có xe tăng yểm hộ tiến ra bên ngoài trung tâm đề kháng Huguette (cụm cứ điểm tây sân bay Mường Thanh, hữu ngạn sông Nậm Rốm) lấp hào của bộ đội ta. Sau đó chúng lại cho 2 tiểu đoàn có 6 xe tăng yểm hộ đánh ra Pe Luông, Hồng Lếch, Noong Pét, Cò Mỵ. Do phần lớn lực lượng của ta sau một đêm lao động mệt nhọc đã rút trở về rừng nghỉ ngơi, chỉ để lại một bộ phận nhỏ bảo vệ trận địa nên bộ binh và xe tăng địch đã phá được một số đoạn hào trục.
Ở Hồng Lếch, Noong Pét các chiến sĩ phòng không hạ nòng súng bắn vào đội hình xung phong của bộ binh và xe tăng địch. Khi đạn hết, các chiến sĩ ta đã dùng tới cả cuốc, xẻng chia nhau trấn giữ từng ngách hào, đánh giáp lá cà diệt địch. Vì thiếu lực lượng bộ binh bảo vệ, bộ đội cao xạ của ta bị một số tổn thất nhưng cuối cùng ta đã đẩy lùi được tất cả các cuộc tiến công bịt hào của địch.
Phía địch:
Pháo cao xạ của ta đã trở thành nỗi kinh hoàng đối với những viên phi công trước đó vẫn coi khoảng không là nơi tuyệt đối an toàn. Các loại máy bay chiến đấu vận tải, kể cả những siêu pháo đài bay của Hoa Kỳ liên tiếp bị bắn rơi trên bầu trời Điện Biên Phủ. Becna Paul gọi đó là “cuộc tàn sát máy bay Pháp” khi 4 chiếc máy bay bị bắn hạ.
Chiều 26/3, một chiếc Dakota do Đại úy Boeglin lái bị bắn hạ ở phía tây Huguette (cụm cứ điểm tây sân bay Mường Thanh, hữu ngạn sông Nậm Rốm) nhưng phi hành đoàn thoát chết. Chiếc máy bay cháy như một ngọn lửa hỏa thiêu khổng lồ trong nhiều giờ.
Những binh lính Pháp trên cánh đồng Điện Biên Phủ đã quen với tiếng pháo bắn, tiếng đạn nổ, tiếng rít của những mảnh đạn, mỗi sáng thức dậy, họ lại thấy trận địa bao vây đang tiến gần hơn, siết chặt hơn; và gần như thường lệ, ngày nào các đơn vị ứng cứu như lính dù, lính lê dương, lính thuộc địa đều chạm trán với bộ đội ta ở ngay vành ngoài các cứ điểm, không ngày nào là không có người chết vì bị thương.